Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Chọi ngựa độc đáo ở Hà Giang

Chọi ngựa độc đáo ở Hà Giang

Năm 2013, người dân cả nước biết đến một giải đấu vô cùng lạ và chưa từng diễn ra ở nước ta. Đây là lần đầu tiên giải đấu được tổ chức nơi cực bắc tổ quốc, đó là hội chọi ngựa diễn ra vào các ngày 17-18/8/2013 tại xã Bằng Hành (Bắc Quang - Hà Giang).

Trong mỗi trận đấu, ngựa gái xinh đẹp được cho vào sân để khích lệ các đấu sỹ.Trong mỗi trận đấu, ngựa gái xinh đẹp được cho vào sân để khích lệ các đấu sỹ.
  
Lần đầu tiên tổ chức

“Lễ hội chọi ngựa” - là một giải chọi ngựa lần đầu tiên tổ chức ở miền biên ải Hà Giang, giải đấu thu hút sự tham gia tranh tài của 30 chú ngựa, đây được coi là vòng chung kết, bởi trước đó hàng trăm chú ngựa ở các tỉnh vùng cao Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng đã có các cuộc đấu ở vòng sơ tuyển loại trực tiếp.

Sự kiện chọi ngựa ở Hà Giang đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí khách quốc tế đến chứng kiến, nhiều người già và trẻ nhỏ đều thích thú với những hình ảnh lạ mắt này. Bởi trước khi đến với những trận đấu kịch tính thì những chú ngựa rất quen thuộc với đời sống thường ngày của bà con vùng cao trong các chuyến vận chuyển hàng hóa, vượt núi ngược xuôi buôn bán.

Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Giang - chia sẻ: “Giải đấu ngựa hướng đến việc bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch Hà Giang, ở Hà Giang nhiều du khách cũng biết đến hội chọi dê ở Hoàng Su Phì, chọi bò ở Mèo Vạc hay một công viên địa chất toàn cầu duy nhất của Việt Nam - cao nguyên đá Đồng Văn”.


Điều khác biệt duy nhất với các lễ hội khác như chọi trâu ở một số tỉnh được nhiều người dân biết đến như ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Những trâu chọi dù thua hay thắng đều bị giết thịt bán ngay sau giải đấu kết thúc, thì các lễ hội chọi bò, dê, ngựa ở Hà Giang, những đấu sĩ sau khi kết thúc giải đấu sẽ trở về công việc thường ngày là thồ hàng, cày bừa... và rèn luyện sức khỏe cho các trận đấu vào mùa giải sau.

Các đấu sĩ đang trình diễn trên sân khấu.
Các đấu sĩ đang trình diễn trên sân khấu.

Ông Hoàng Phi Hùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Giang) - cho biết: “Đây là giải đấu mang đậm bản sắc của người dân tộc Tày tại địa phương. Dự kiến từ năm 2014 này, giải đấu sẽ được tổ chức 2 lần/năm vào tháng giêng và tháng bảy âm lịch với quy mô cấp huyện, sau đó đến cấp tỉnh và tiến xa hơn nữa”.

Những cuộc chiến vì... tình cảm

Trong lễ hội chọi ngựa được Hà Giang tổ chức hồi tháng 8 năm 2013, Ban tổ chức cơ cấu giải thưởng gồm: Một giải nhất, một giải nhì và hai giải ba. Ngựa được giải nhất đồng nghĩa sẽ hưởng mức thưởng 25 triệu đồng. Để khuyến khích tinh thần tham gia, ban tổ chức quyết định trao thưởng bằng tiền mặt cho tất cả các chủ ngựa có ngựa dự giải, đồng thời giải thưởng sẽ tăng lên cho khi trận chung kết kết thúc.

Những chủ ngựa thì được Ban tổ chức khích lệ bằng hình thức trao giải thưởng cao, khán giả được khích lệ bằng những màn đấu võ hay và đặc sắc của các đấu sĩ trong võ đài đan xen với lời bình luận của những bình luận viên đậm chất ngôn ngữ làng quê, làm mê đắm biết bao khán giả có mặt tại sân đấu.

Còn đối với những đấu sĩ ngựa thì sao? Lý do gì khiến các chú trở nên hưng phấn, dũng mãnh đến như vậy? Chỉ những người được tận mắt chứng kiến những đấu sĩ ngựa há mồm, nhe răng cắn mạnh vào đối phương, hay tung những cú đá hậu, móc hàm... bằng mọi cách đánh bại đối thủ của mình mới thấy được sự hấp dẫn của mỗi trận đấu.

Để tạo ra những màn đấu kịch tính ấy, Ban tổ chức đã dành chỗ cho thành viên thứ ba vào sân nhằm khích lệ những chú ngựa trình diễn các màn võ thuật của riêng mình, thành viên thứ ba không phải con người hay bất cứ con vật nào khác mà chính là "cô ngựa gái" xinh đẹp đang độ xuân thì - đã được Ban tổ chức tuyển chọn như một cuộc thi ''hoa hậu ngựa'' trước đó.

Sự xuất hiện của những “cô ngựa gái” xinh đẹp trên sân đấu đã khích lệ trận đấu trở nên hay hơn, bởi hai đấu sĩ cũng đã có phần thưởng xứng đáng nếu như giành chiến thắng, sẽ có cơ hội bày tỏ tình cảm với bạn gái.

Chính nhờ vào động lực ấy, hai đấu sĩ đều muốn giành chiến thắng, muốn được bày tỏ tình cảm với ngựa cái nên hung hăng hơn, bất chấp sự hiểm nguy, thương tích, thậm chí cả tính mạng của mình để giành chiến thắng.

Nhờ đó mà những người có mặt tại sân đấu cổ vũ đã được chứng kiến tận mắt những miếng võ “gia truyền” của các đấu sĩ trình diễn, dù ngã lăn lóc, chỏng vó trên sân, nhưng một số đấu sĩ vẫn quyết tâm gượng dậy để thể hiện mình, quyết chiến để giành chiến thắng dù máu đã rơi.

Kết thúc mùa giải, các chú ngựa lại trở về với công việc thường ngày của mình.
Kết thúc mùa giải, các chú ngựa lại trở về với công việc thường ngày của mình.

Sau khi các trận đấu kết thúc, chủ ngựa lên nhận giải, ngựa chiến thắng cũng được ban tổ chức tạo điều kiện thoải mái vui vẻ với ngựa cái. Vậy là những chú ngựa cũng giành được những phần thưởng xứng đáng.

Khơi gợi những ký ức

Trong lúc những đấu sĩ chiến đấu hết mình để giành phần thưởng cho chủ nhân và phần thưởng đặc biệt cho riêng mình thì trên hàng ghế khán giả, rất đông bà con nhân dân trong xã Bằng Hành và một số xã lân cận dõi theo từng miếng đánh, từng giây phút rồi bàn luận về trận đấu.

Trong hàng ghế khán giả ấy có cả trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Chúng tôi trò chuyện với cụ Hoàng Văn Lệ (78 tuổi), cụ Lệ cho biết: “Cách đây mấy chục năm - hồi kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ, khu vực này là một chiến khu cách mạng, nên hầu như nhà nào cũng có ngựa, ngựa được dân bản nuôi để thồ hàng, chở cán bộ xã đi họp qua các con đường mòn xuyên núi, chứ làm gì có giao thông tân tiến như bây giờ”.

Nói rồi, ông Lệ kể tiếp: “Ngày xưa thì ngựa nhiều lắm, mấy năm nay bà con có xe máy, xe đạp thồ hàng rồi nên họ bán hết ngựa. Không biết thời gian tới cả xã này có còn ngựa nữa không, những chú ngựa thi đấu hôm nay từ nhiều vùng khác tới chứ có phải của xã này đâu. Nhà tôi cũng có một chú tham gia đó; mấy đứa con bảo bán nó lâu rồi, nhưng tôi nhất quyết không. Khi nào tôi còn thì ngựa còn” - ông Lệ quả quyết.

Được biết, nhiều cụ cao niên ở xã Bằng Hành vẫn còn nhớ như in những hình ảnh thuở nhỏ của mình, khi mỗi sáng thức dậy cơm nắm nhảy lên lưng ngựa để đến trường. Thời ấy chỉ có những nhà giàu có, thuộc hạng ''đại gia'' như bây giờ mới có ngựa cưỡi đi học. Ấy thế mà hàng chục năm đã trôi qua, những hình ảnh dân dã xưa đã phai mờ trong ký ức của bao người.

Là người trẻ tuổi hơn - ở thế hệ 8X, nhưng anh Hoàng Ngọc Nhường - xã Vô Điếm (Bắc Quang) nay vừa tròn 30 tuổi - lại có suy nghĩ khác: “Mình không thể xa con ngựa được, nó giúp mình rất nhiều việc, hồi nhỏ nó đưa mình xuống núi đi học, giờ lớn rồi nó lại giúp mình chở thóc đi xay xát, rồi ra chợ phiên cùng mình...”.

Câu chuyện với anh Nhường còn dang dở thì trên sân đấu, bình luận viên và khán giả reo hò cổ vũ như muốn chúc mừng chú ngựa đoạt giải vô địch mùa giải năm nay. Sau phút giây trao giải nhanh gọn, các đấu sĩ lại trở về với công việc thường ngày của mình. Hẹn khán giả mùa giải năm sau...

Ban tổ chức tin rằng, ngoài việc khơi dậy những ký ức, bảo tồn nét văn hóa vùng cao Việt Nam, lễ hội còn giúp quảng bá, thu hút khách du lịch đến với vùng phên giậu của tổ quốc thân yêu - Hà Giang - trong nay mai.

Theo Hoàng Bảo Yên
 Lao Động

Không có nhận xét nào: