Thế giới đồ cổ trong 'Cây đèn gia bảo'
Tác giả Phạm Xuân Hiếu sử dụng vốn sống, kiến thức về văn hóa, cổ vật khi viết những truyện ngắn trong sách "Cây đèn gia bảo".
Truyện ngắn Cây đèn gia bảo được chọn làm tên của tuyển
truyện, cũng là tác phẩm tiêu biểu cho đề tài, cách viết của Phạm Xuân
Hiếu. Truyện xoay quanh một cây đèn dầu cổ, là món đồ gia bảo bị thất
lạc của dòng họ Mongten ở Pháp. Tình cờ, món đồ quý được một nghệ sĩ tên
là Lê Hòa mua và đưa về Việt Nam. Người của dòng họ quý tộc Pháp khi
biết tin đã tới Việt Nam, thuê thám tử tư lần theo manh mối. Đằng sau
câu chuyện tìm cây đèn còn là câu chuyện tình thơ mộng của cô tiểu thư
mê đọc sách và chàng nô lệ tạo tác nên cây đèn.
Bìa sách Cây đèn gia bảo.
|
Bên cạnh đó, Phạm Xuân Hiếu đưa vào cuốn sách những tác phẩm đã được đăng trên các báo, tạp chí như Tạp chí Nhà Văn, báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ.
Là người mê đồ cổ nên đề tài trong truyện ngắn của Phạm Xuân Hiếu
thường gắn với một món đồ xưa cũ. Mỗi tác phẩm kể một câu chuyện khác
nhau, có cách dẫn dắt khác nhau, nhưng đều chứa đựng kiến thức về cổ
vật. Những đặc trưng về dáng hình, lớp men, hoa văn họa tiết, xuất xứ
món đồ qua các triều đại là kiến thức mà người đọc thu nhận được bên
cạnh thưởng thức tác phẩm.
Phạm Xuân Hiếu không viết gì khác ngoài những điều ông am hiểu, tường
tận. Tác giả lấy những kiến thức của mình về thú chơi đồ cổ làm đề tài
sáng tác; chọn những trải nghiệm trong đời sống để khai thác, làm thế
mạnh cho trang viết. Nhà văn Đình Kính nhận xét, cách lựa chọn đề tài,
lối viết như vậy là bình tĩnh và khôn ngoan. Ông nói: "Vốn sống là một
trong những yếu tố hàng đầu nhằm có tác phẩm. Truyện ngắn của Phạm Xuân
Hiếu đã bắt được nhịp, theo kịp và song hành với cuộc sống. Không công
thức, không một chiều, không nhẵn lỳ trong cảm xúc. Đây là một tín hiệu
đáng mừng, đáng khích lệ".
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường - Trưởng ban Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam - đánh giá về Cây đèn gia bảo:
"Những trang viết về đồ cổ đặc biệt, mang không khí lãng mạn, cổ điển
và huyền bí của Shakespeare, Victor Hugo... Với vốn sống và kiến thức
sâu rộng về văn hóa, cổ vật như vậy, anh còn nhiều nội lực để sáng tác
về sau".
PGS. TS. Hoàng Kim Ngọc - Phó chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng Cây đèn gia bảo
đã đưa ra những thông điệp quý. "Quý vật tầm quý nhân, cái đẹp cần được
tôn vinh, người tài cần phải được đặt đúng vị trí để phát huy năng lực.
Về phương diện nghệ thuật, truyện được viết theo thủ pháp đồng hiện,
đan cài yếu tố tâm linh, huyền ảo tạo nên sức hấp dẫn mới mẻ".
Tác giả Phạm Xuân Hiếu sinh năm 1948, là người yêu thích và sưu tầm
nhiều đồ cổ, tranh của các họa sĩ học trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông
sáng tác nhiều truyện ngắn, đăng trên các tạp chí văn chương trong nước.
Năm 2010, Phạm Xuân Hiếu từng xuất bản tập truyện ngắn Người đàn bà và chiếc chén bạc.
An Hạ
"NVH -3T" chúc mừng anh bạn Phạm Xuân Hiếu với tập truyền ngắn "Cây đèn gia bảo"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét