Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Đi tìm sự thật quái gở ở đền ông Hoàng Bẩy


Đi tìm sự thật quái gở ở đền ông Hoàng Bẩy

Nếu cúng ông Bẩy mà không có thứ đó thì không thể thiêng được. Ông mà có thuốc phiện rít, phê lòi ra, thì xin thứ gì chả được”.
Nhắc đến ông Hoàng Bẩy, những người hay đi chùa, thích hầu đồng khắp miền Bắc, thậm chí cả nước, đều biết đến. Những giá đồng ông Bẩy luôn cuốn hút người tham gia, cực kỳ sinh động.
Ông Bẩy nhập vào giá đồng, múa may quay cuồng, hút thuốc lá, thuốc lào, thậm chí thuốc phiện đúng chất tay chơi, khiến buổi hầu đồng tôn nghiêm trở nên vui nhộn, mọi người cười nghiêng ngả, sảng khoái.
Ngôi đền Bảo Hà mãi trên Lào Cai thờ nhân vật kỳ lạ này. Vì sao người dân cả nước kéo lên Bảo Hà để cầu tài, cầu lộc một nhân vật hư thực nổi tiếng ăn chơi, nghiện ngập, đĩ điếm?
Câu chuyện nhảm nhí
Chuyến tàu chạy Hà Nội – Lào Cai những ngày đầu năm đông hơn thường lệ. Khách lên Lào Cai thời điểm này chủ yếu là đi lễ đền Bảo Hà cầu tài, cầu lộc.
Trong toa tàu nằm của tôi, có mấy người ở toa cạnh cũng mò sang, trò chuyện rôm rả về ông Hoàng Bẩy, những câu chuyện linh nghiệm quanh nhân vật bí ẩn này.
Đi tìm sự thật quái gở ở đền ông Hoàng Bẩy - Ảnh 1
Đền Bảo Hà - ngôi đền thờ ông Hoàng Bẩy
Người đàn ông có thể mô tả bằng mấy chữ “nửa nạc nửa mỡ”, thân thể đàn ông, mà nói giọng đàn bà, mãi sau tôi mới biết tên Sơn, kể rằng, từ 15 năm nay, năm nào anh ta cũng lên đền Bảo Hà cỡ 3-5 lần.
Anh kể rằng, tuổi trẻ ăn chơi hoang tàn, nhưng hậu vận càng ngày càng khá là nhờ… ông Bẩy. Các thầy bói đều phán tuổi Sửu có căn nặng, nếu ra hầu đồng thì có nhiều lộc, không thì sẽ bị hành tơi tả đến hết đời.
Tuổi trẻ, anh Sơn là dân tứ chiến giang hồ, ra Bắc vào Nam, làm toàn chuyện rạch giời rơi xuống như cho vay nặng lãi, chủ lô đề, đòi nợ thuê, thậm chí có dính đến chuyện bán lẻ thuốc phiện. Kiếm được đồng nào, đốt hết vào các thú ăn chơi sa đọa.
Đi tù vì ma túy mấy năm, anh Sơn tu tỉnh hẳn. Ra tù, anh dồn vốn buôn bán, tuy nhiên, làm gì cũng thất bại.
Một lần theo vợ lên chùa, thấy giá đồng ông Bẩy, anh Sơn bị cuốn hút như thể ma làm. Xong giá đồng, bà đồng nhìn anh Sơn phán y như những ông thầy bói năm xưa: “Anh có căn số với ông Bẩy đó”.
Anh Sơn giải thích rằng, những thầy bói, thầy tướng, hoặc cô đồng giỏi, chỉ cần nhìn tướng là biết ai hợp với giá đồng nào. Có người hợp cô Bé, cô Chín, người hợp ông Hoàng Bẩy, ông Hoàng Mười.
Những nhân vật này trong truyền thuyết đều có tính cách riêng. Nếu tính cách ai hợp với họ, theo hầu giá đồng sẽ lộ ngay. Nếu hợp, họ sẽ rất say mê, thậm chí u mê và nhảy nhót theo giá đồng đó. Nhiều trường hợp còn bị “thánh nhập”, “cô nhập’ hay “cậu nhập” mà nhảy nhót, múa kiếm, hát văn như thật.
Tin rằng mình hợp với ông Hoàng Bẩy, nên anh Sơn theo bà đồng hầu ông Bẩy trong các giá đồng tứ xứ.
Theo anh, không hiểu ông Hoàng Bẩy phù hộ, anh đến dịp phát, mà từ ngày theo hầu ông Bẩy, công việc làm ăn trôi chảy, ăn nên làm ra trông thấy. Anh mở thêm nhà hàng ăn uống, khách đến nườm nượp.
Theo việc tâm linh, mối quan hệ mở rộng, biết nhiều quan chức, nên bây giờ nghề chính của anh lại là buôn quan bán chức, chạy việc, thậm chí buôn bán cả hóa đơn, kiếm tiền như nước.
Theo lời anh Sơn, mỗi năm anh lập vài giá đồng, đốt cả tỷ bạc cho việc hầu đồng. Kiếm được nhiều, cũng phải đốt nhiều để cúng ông Bẩy, thì ông mới phù hộ công việc xuôi chèo mát mái.
Tôi thắc mắc: “Nghe đồn ông Hoàng Bẩy nổi tiếng ăn chơi, lại có thú vui hút thuốc phiện, thế đi đền Bảo Hà có cúng thuốc phiện không?”.
Nghe tôi hỏi vậy, anh Sơn cười bí hiểm: “Ngày xưa mình cúng cho cụ cả cục thuốc phiện bằng nắm tay cùng chiếc bàn đèn đẽo bằng lõi mít, nhưng giờ họ cấm rồi, vì dùng thuốc phiện là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu cúng ông Bẩy mà không có thứ đó thì không thể thiêng được. Ông mà có thuốc phiện rít, phê lòi ra, thì xin thứ gì chả được”.
Nghe anh Sơn nói bằng cái giọng eo éo ấy, tôi quả thực hết sức ngạc nhiên. Thật khó có thể tin, xã hội bây giờ, con người không chỉ hối lộ thần thánh bằng xôi gà, tiền bạc, mà còn cả thuốc phiện.

 
Vị tướng Hoàng Bẩy
Đền Bảo Hà, hay còn gọi là đền Hoàng Bẩy thuộc xã Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai. Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia cổ kính, hoàng tráng này nằm dưới chân đồi Cấm, ngay cạnh dòng sông Hồng cuộn đỏ. Nhìn từ xa, đền Bảo Hà rất uy nghi, tĩnh mặc. Phong cảnh trên bến, dưới thuyền, núi rừng bao bọc xanh ngắt, thâm u.
Đền được xây dựng gồm: cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, tòa đại bái, cung cấm, cung nhị, cung công đồng với diện tích, bài trí các pho tượng khác nhau, kiến trúc đơn giản không cầu kỳ.
Đi tìm sự thật quái gở ở đền ông Hoàng Bẩy - Ảnh 2
Tượng ông Hoàng Bẩy
Truyền thuyết chính thống nhất được sử dụng kể về ông Hoàng Bẩy như sau: Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bảo Hà có một vị trí quan trọng phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc.
Từ đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng. Tại đây có đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu huyện phía dưới.
Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm Châu Văn Bàn. Trong thời Cảnh Hưng (1740 – 1786), bọn giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc. Xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn đã phải xây dựng các thành luỹ chống giặc.
Trước cảnh đau thương tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải.
Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ… Sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay).
Quân giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Vàng Pẹt đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, do trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh.
Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng, và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ.
Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần Vệ Quốc”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng giêng.
Còn tiếp





Không có nhận xét nào: