Hãy nhớ chuyện này trong ngày nhà
giáo
Cô giáo và học sinh vùng cao |
(Người Việt)-
Trong khi ở thành phố, nhiều phụ huynh tất tả đi “tết thầy cô” bằng quà tặng và
phong bì, thì ở miền núi xa xôi, vẫn có những người thầy vất vả với đồng lương
ít ỏi, san sẻ cho trò nghèo từng con cá khô, đôi dép nhựa. Chính những thầy cô ấy, làm cho
hai chữ “nhà giáo” đang tỏa sáng và khiến chúng ta ấm lòng.
Thật ý nghĩa cho tôi và rất nhiều người, vì trong ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, được đọc 2 mẩu chuyện mà nhà báo Trần Đăng Tuấn- người sáng lập Quỹ Cơm Có Thịt chia sẻ trên facebook của ông. Những mẩu chuyện nhỏ nhặt, đời thường được tác giả kể bằng một giọng văn bình thản mà sao nghe nặng xót xa và thấm đẫm yêu thương.
Chuyện thứ nhất: “Ở Mầm Non số 2
Mường Nhà (Điện Biên), khi chế độ hỗ trợ chưa đến, phụ huynh phải đóng tiền ăn
trưa cho các cháu. Có nhà nghèo quá, sáng mẹ bế con đến trường nhưng ngượng nên
để con ở ngoài cổng. Con tự đi vào. Các cô giáo nuôi trẻ phụ huynh đã đóng tiền
và chưa đóng tiền như nhau.
Ở Mầm Non Dền Thàng (Bát Xát),
cũng thời gian ấy, các cô lấy tiền lương ra chợ Mường Hum mua cá khô cho các bé
ăn cơm. Cơm ở nhà chúng mang đi thường có mấy miếng giềng kho muối. Có đứa sau
bữa trưa vẫn thấy nắm chặt tay. Cô xem thì thấy trong nắm tay có mấy con cá khô
nhỏ. Bé để dành mang về nhà cho anh chị hay bố mẹ.
Còn ở Tiểu học Dền Thàng các thày
cô nấu cơm cho những đứa ở xa nhà. Thày trò xì xụp ăn chung.
Ở Pu Lau, một đỉnh cao chót vót
gần biên giới Việt Lào, hai cô giáo ở điểm lớp trong căn phòng bằng các tấm ván
ghép, rất vắng lặng, cô liêu. Các cô thương trẻ chân trần, bỏ tiền lương mua
cho các bé đủ dép để đi. Khổ nỗi có hôm người bán kem ở dưới núi lên tận trên
đấy, trẻ tò mò quá mà lấy đâu ra tiền mua kem, chúng nó lấy dép đổi kem ăn”.
Chuyện thứ hai: “Chiều thứ sáu
rét buốt, khi nhóm Cơm Có Thịt sắp rời đi thì thấy cô giáo cũng hí húi buộc cái
can nặng sau xe máy. Thì ra cũng về nhà với con, ở huyện lỵ, nhưng cách đó gần
100 km đường núi đi dọc theo biên giới. Cô cười nói thật rằng đây là rượu nấu
từ loại gạo đặc sản trên đây mới có. Cô giáo mang về theo đặt hàng của quán
dưới kia, cũng là một thu nhập phụ. Can 20 lít, đi xe hơi khó nhưng cũng được
thêm mỗi tuần ít tiền nữa. Cô gọi là "Lộc miền núi".
Một lái xe của nhóm ái ngại, tháo
can rượu khệ nệ để vào cốp xe ô tô thùng kín, nói là cùng đường, chở hộ cô. Về
đến phố huyện, đợi cô giáo đến, mở cốp lấy can rượu thì than ôi, đường xóc nên
can bị đổ, rượu chảy ra thành vũng, trong can chỉ còn một phần ít. Mọi người
xúm vào, nài nỉ cô giáo là muốn "mua" can rượu này về Hà Nội, định
dúi tiền trả cô rồi chạy ngay. Vừa nghe thế, cô đỏ mặt, chắc sắp khóc vì giận,
nên cả bọn sợ quá, thôi luôn. Suốt 350 km về Hà Nội, chỉ bàn chuyện có cách gì
bù được vụ lỗ vốn này của cô, mà cô không giận.
Rồi công việc này nọ, thời gian
trôi đi, chưa lên lại được. Có lẽ đã gần hai năm rồi.
Vì hôm nay Hà Nội bắt đầu có cái
rét đông, trời mau tối, hay vì mai là 20.11, mà lại nhớ hình ảnh cả nhóm đứng
ngẩn lúng túng nhìn theo cô giáo mang cái can rượu đã thành quá nhẹ rẽ vào lối
vắng của phố huyện vùng cao”.
Tôi chép lại hai câu chuyện này
của nhà báo Trần Đăng Tuấn, để hy vọng có nhiều người đọc được nó hơn. Để trong
ngày nhà giáo ý nghĩa này, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau thắp lên những cảm giác
ấm áp về tình người, tình thầy trò ở những nơi mà một miếng ăn, một chút nước
sinh hoạt, một đôi dép nhựa dưới chân cũng là biết bao nhiêu vất vả.
Tôi không dám lên án những mối
quan hệ thầy trò đã bị “thương mại hóa” ở những nơi đã có “bát ăn bát để” bởi
môi trường nào, con người ấy, chúng ta không thể đòi hỏi thầy cô phải trong
sạch, thanh cao như những vị thánh khi mà chỉ cần một bước rời khỏi cổng
trường, họ phải đối mặt với cái cơ chế đồng tiền “bôi trơn” tất cả. Chỉ muốn
chúng ta cùng nhớ đến vùng cao, nơi có những thầy cô nghèo vẫn bớt tiền lương
ra mua chút cá khô cho trẻ ăn, có cô giáo nghèo, chắt chiu từng đồng từng hào
nuôi con nhưng đầy lòng tự trọng, quyết không nhận sự thương hại của người khác
với tình cảnh của mình, cho dù nó xuất phát từ sự cảm thông chân thành.
Đọc hai mẩu chuyện của nhà báo
Trần Đăng Tuấn, tôi nghèn nghẹn trong lòng mà cũng tự hào và hạnh phúc trong
lòng. Bởi giữa cái ngày 20.11 ít nhiều đã nhuốm màu xô bồ này, vẫn có những nơi
tình thầy trò thuần khiết, vẫn có những người thầy người cô không chỉ dạy trò
con chữ mà còn cho các em bài học làm người khi trao cho các em tình yêu thương
vô điều kiện.
Tôi thấy thật hạnh phúc cho những
học trò của cô giáo về quê đèo theo can rượu ấy, bởi một con người đầy lòng tự
trọng như thế, sẽ biết dạy cho học trò mình, không chỉ kiến thức mà còn một
dáng đứng thẳng trong đời. Được học với một người thầy như thế, ngày mai xã hội
sẽ bớt đi những kẻ gian tham, hèn hạ bòn rút bớt xén của công.
Xin gửi một lời biết ơn chân
thành, từ trái tim, đến những người thầy, người cô như thế!
Mi An/ĐVO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét