Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Thày tôi

Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam
THÀY TÔI.

Thày Vũ Quốc Uy rất vui gặp lại học sinh cũ của mình  
 - Ảnh : Ngọc Dương
            Trong cuộc đời học sinh, tôi đã được nhiều thày cô kèm cặp dạy dỗ. Hồi học lớp "vỡ lòng" tôi rất quý cô Cúc (Cô đã mất lâu rồi). Đến hồi học casp1 (Tiểu học bây giờ) tôi nhớ mãi thày Cử đá bóng rất "siêu", thày Phạm Văn Chẩm (người làng Đông Tạ)...
Lên cấp 2( bây giờ gọi là: Trung học phổ thông) tôi được học cô Thu (dạy xã hội), thày Vũ Quốc Uy dạy Xã hội) thày Khánh dạy thể thao, Thày Tâm dạy Lý, cô Thao, thày Hùng...
Lên cấp 3, tôi học cô Thục -dạy toán. Thày Vinh dạy Văn, thày Bỉ dạy Nga văn, thày Thụ dạy Lịch sử, thày Đòan Nguyên Trúc là hiệu trưởng...
       Mỗi thày, cô có một cá tính, phong cách riêng. Nhưng thời đó, thày cô với học sinh gần gũi, thân thiết và chân tình lắm. Học trò phần lớn là nghèo nên có muốn "bắc cầu Kiều" thì cũng chả có gì mà bắc. Tết đến, nhà học sinh nào khá giả có cân đường "hoa mai" gói trong cái giấy báo quét phẩm đỏ, phẩm vàng hay có cái bánh chưng mang đến chúc tết thày cô. Thày lại mang của nhà (vốn cũng rất ít) ra chiêu đãi các em. Thế là thày "lỗ vốn" to rồi. 
       Ngày 20/11, không có lệ đến nhà thày cô biếu phong bì như bây giờ mà ở lớp tổ chức chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Đến hoa cũng chả có. Mấy bông hoa kiếm được ở vườn nhà (có cả hoa râm bụt), THÀY TRÒ VUI CÙNG NHAU.
         Đúng là, thời kỳ đó, hình tượng thày giáo sao mà gần gũi,cao quý thế . Thày nghèo dạy dỗ trò nghèo. Một sự cảm thông đầy tính nhân văn. Tình cảm thày trò trong sáng đến kỳ lạ.
Có học sinh nào kém hoặc hư, thày gọi đến nhà kèm thêm hoặc rủ rỉ khuyên giải, nhắc nhở động viên. Làm gì có chuyện học "chạy gạo" như NỀN GIÁO DỤC "BA BỊ" HIỆN NAY!
       Thày Vũ Quốc Uy chủ nhiệm  lớp 5b (nửa khóa) lớp 6b -7b của chúng tôi .
      Hình ảnh người thày giáo mảnh khảnh ấy cứ như khắc vào trong trí nhớ của chúng tôi.
       Có một kỷ niệm mà đến nay không những tôi không thể quê mà vẫn còn "sợ".
        Đó là hai lần tôi bắt gặp thày khóc. 
       Vâng ! Thày giáo khóc trước mặt học sinh.

       Tôi xin kể câu chuyện cho các bạn cùng nghe:



  THÀY GIÁO KHÓC

              Chuyện xảy ra vào khoản năm 1963-1963, khi đó chúng tôi đang học lớp 7b. Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cấp 2 và thi vào cấp 3, học sinh căng sức ra mà học. Hồi ấy, không có chuyện "mất tiền mua chữ" (học thêm) như bây giờ. Nhiều bạn gia đình nông nghiệp, các bạn tôi học xong cuốc bộ 5-7 cây số về nhà ăn vội bát cơm rồi ra đồng làm việc giúp bố mẹ. Tối đến mới có thời gian học. Vì thế chúng tôi có phong trào "Đi truy" (Khi đi học thành tốp vừa đi vừa kiểm tra xem đã thuộc bài chưa nên gọi là "truy"), "Về trao" (nghĩa là khi tan học trên đường về cùng nhau tro đổi những kiến thức thày cô vừa giảng).
            Mấy thằng con giai lớp tôi lại là loại "nghịch". Chúng tôi ở phố huyện cùng một số bạn trọ học hay rủ nhau tắm sông, đá bóng ở "sân quần" (sân tập TDTT hồi đó hay goi là "sân quần"). Nhiều khi xảy ra những xích mich nhỏ. Cũng có bạn bị điểm 2 (Hồi đó thang điểm 5 theo kiểu Liên Xô). Lại có chuyện ở lớp tôi có bạn nữ tính rất e dè, nhút nhát. Điều đáng quý là bạn đó học rất giỏi. Thế mà không hiểu sao, có bạn trai lớp 7A tán tỉnh rồi bạn nữ phải "bí mật" đi bênh viên tỉnh Kiến An để "nạo thai".
                    Một hôm, thày Uy gọi chúng tôi lên phòng thày (trong khu tập thể giáo viên nhà trường). Thày ân cần hỏi thăm tình hình học tập của từng đứa. Thày có vè buồn. Giọng nói nhỏ nhẹ nhưng da diết.  Thày nhắc nhở cả lớp "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Thày khuyên hãy tập trung cho việc học tập để thành người có ích cho xã hội. Nhắc đến tên bạn gái, thày ngồi lặng người, tôi thấy tự nhiên thày ứa lệ. Thày vội lấy khăn mùi xoa lau dòng nước mắt như cố không cho chúng tôi biết. Nhưng tôi là tay lém lỉnh đã "tia" thấy. Tôi hơi run. Thày giáo khóc trước mặt học sinh! Tại sao thế nhỉ? Tại sao thày lại khóc?
                      Rồi tôi hiểu ra, thày cảm thấy ân hận vì đã không làm tròn trách nhiệm dạy dỗ của mình. Không! Lỗi đó không phải của thày mà là của chúng em-những học sinh chưa ngoan. Thày coi như mình đã không làm tròn nhiệm vụ của  một "kỹ sư tâm hồn". Thày chưa hoàn thành nhiệm vụ "trồng người".
                          Sau lần ấy, lúc nào hình ảnh thày lau nước mắt cũng cứ ám ảnh tôi. Và nhiều khi tôi giật mình khi thày gọi tên mình.
                       Rất may, kết thúc năm học, chúng tôi tốt nghiệp 100%. Sau đó nhiều người học tiếp cấp 3. Học xong cấp 2, anh Nguyễn Xuân Toàn, Lê Công Chức, Nguyễn Xuân Thủy.. đi bộ đội. Đào Đình Ngải đi lâm trường "Phượng Hoàng" ở Quảng Ninh(sau đi bộ đội đã hy sinh). Chị Lý, Chị Thi, chị Chiến, bạn Bảo, bạn Lâm... vào học sư phạm thành cô giáo cấp1, cấp 2. Thằng Thọ đi thanh niên xung phong vào tuyến lửa. Thằng Nguyễn Ngọc Dương "còi" cùng gia đình đi khai hoang ở Lào Cai...
                      ...    Bẵng đi hơn 40 năm. Gặp lại nhau, kẻ còn, người mất.
                   Ấy là năm 2010, lần đầu tiên tổ chức họp lớp. Đông vui quá. Cả bọn kéo lên nhà thày Vũ Quốc Uy. Dù đã được anh Toàn báo trước nhưng chắc thày Uy không ngờ chúng tôi đến đông thế. Cả cô (vợ thày) cũng ngạc nhiên vì tình cảm của chúng tôi với thày. Các bạn thay nhau báo cáo tóm tắt quá trình "vươn khơi" và "cập bến " của mình. Thày cũng kể tóm tắt về gia cảnh, về cuộc sống thăng trầm của "ông giáo quê" với bao khó khăn thiếu thốn. Tôi như thấy một vừng sáng bừng lên đó là sự cao thượng của người giáo viên chân chỉnh. Thày đã vượt qua khó khăn của gia đình (nhất là những năm cô bị bạo bệnh hoành hành) để nuôi dạy 4 người con trưởng thành. Cái đồng lương ít ỏi của thày giáo cấp 2 phải cõng trên mình bao công việc nặng nề. Ấy vậy mà con thuyền nhỏ bé do thày cầm lai cứ len lỏi, lách sóng gió mà đi. Đi mãi... đi mãi rồi cũng cập bờ.
                     Hôm đó thày Uy vui thực sự. Thày lại khóc. Nước mắt của niềm vui, của niềm tự hào khi nhìn thấy học sinh của mình sau mấy chục năm giờ đã trưởng thành mà vẫn không quên công thày dạy dỗ, bảo ban. Đó là phần thưởng cao quý nhất đối với người giáo viên. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của nghề "trồng người".
                        Hai lần tôi được chứng kiến thày khóc.
                       Hai lần ấy tôi mãi ghi nhớ, coi như báu vật của cuộc đời của tình thày trò cao cả.

Anh Nguyễn Xuân Toàn chúc thọ thày Vũ Quốc Uy-  năm 2012 
- Ảnh Ngọc Dương
Trần Tuấn Tiến với đôi điều tâm sự 
- Ảnh : Ngọc Dương

NGÀY 19.11.2013, ĐƯỢC TIN THÀY GIÁO VŨ QUỐC UY NẰM ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN KIẾN AN. HỘI ĐỒNG MÔN 5B - 7B ĐÃ CỬ ĐẠI DIỆN ĐẾN THĂM THÀY
Bó hoa mừng ngày 20/11 tặng thày Vũ Quốc Uy
 trong bệnh viện Kiến An

Một chút quà nhỏ mong thày mau khỏe

Bà Phương em kết nghĩa của bà Vũ Thị Sen 
(em gái thày Vũ Quốc Uy) tặng quà thày
Không ngờ, thày Uy đã chuẩn bị sẵn phong bì 
tặng quà vào quỹ tình nghĩa của lớp cựu học trò

Không có nhận xét nào: