Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

TÌM VỀ CỘI NGUỒN DÂN TỘC

“Xây cầu vượt là “giết” Đàn Xã Tắc một cách nhanh nhất”

(Dân trí) - “Lần này chúng ta không thể đánh mất một di sản đã được công nhận. Hà Nội cần giữ không gian nhất định cho Đàn Xã Tắc... Nếu Hà Nội vẫn làm cầu vượt đi qua đó cũng đồng nghĩa với việc “giết” Đàn Xã Tắc một cách nhanh nhất”.
 >> Xây cầu vượt khu vực Đàn Xã Tắc: Hệ quả tầm nhìn manh mún!
 >> Hiệp hội Vận tải “thúc” khởi công cầu vượt qua Đàn Xã Tắc

Ngày 8/5, tạp chí Tia sáng đã tổ chức hội thảo để làm rõ ngọn ngành Đàn Xã Tắc hiện đang nằm trên đường vành đai 1 của Thủ đô. Vấn đề được nhiều nhà khảo cổ, kỹ sư quan tâm là quyết định xây cầu vượt qua nút giao này có làm hại Đàn Xã Tắc hay không.
Nhiều chuyên gia cho rằng Đàn Xã Tắc cần được bảo vệ đến cùng
Nhiều chuyên gia cho rằng Đàn Xã Tắc cần được bảo vệ đến cùng
Trước phương án xây cầu vượt có chiều dài 631m, rộng 14,5m với 4 làn xe chạy qua nút giao thông Ô Chợ Dừa, kiến trúc sư (KTS) Lương Tiến Dũng (Khoa Quy hoạch - đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, ông không đồng ý với giải pháp quy hoạch, thiết kế, xây dựng hiện có. Phạm vi nghiên cứu thiết kế xây dựng hiện nay, theo KTS Dũng là quá nhỏ nên không thể đưa ra giải pháp tối ưu để thỏa mãn mọi mục tiêu đã đề ra.
KTS Dũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc, Giao thông vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Di sản phối hợp mở rộng phạm vi nghiên cứu (theo tuyến đường vành đai), để từ đó có giải pháp quy hoạch đồng bộ cùng với giải pháp thiết kế tuyến đường cho phù hợp. Theo KTS Dũng, sau khi có quy hoạch cần tổ chức thi tuyển thiết kế bảo tồn, tôn tạo Đàn Xã Tắc và khu vực kế cận.
Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam - KTS Đoàn Đức Thành - cho rằng, việc tìm ra Đàn Xã Tắc là hết sức quý báu đối với người dân Thủ đô. “Nên khoanh vùng bảo vệ Đàn Xã Tắc đến cùng. Không thiếu phương án kiến trúc, giải pháp cho giao thông qua khu vực Ô Chợ Dừa. Anh nào có vấn đề mới xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc…”, KTS Đoàn Đức Thành nói.
Nhà nghiên cứu Bùi Thiết cho rằng, vị trí Đàn Xã Tắc đã rõ, do vậy không nên bàn cãi, tìm chứng cứ nữa. Theo ông Thiết, việc bảo vệ Đàn Xã Tắc không chỉ là bảo vệ di tích bên dưới mà còn cả không gian trên trời. “Lần này chúng ta không thể để đánh mất một di sản đã được công nhận. Hà Nội cần giữ không gian nhất định cho Đàn Xã Tắc, thậm chí mở rộng khu vực này. Còn nếu Hà Nội vẫn làm cầu vượt đi qua đó thì cũng đồng nghĩa với việc “giết” Đàn Xã Tắc một cách nhanh nhất”, nhà nghiên cứu Bùi Thiết nhận định.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo cho rằng, đất nước ta rất nhiều di tích khảo cổ, do vậy luôn gặp mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển (đây không phải là mâu thuẫn đối kháng). “Chúng ta phải cân nhắc, giải quyết một cách hài hòa, không để bảo tồn cản trở phát triển, ngược lại cũng không để phát triển làm tổn hại đến đối tượng cần được bảo tồn”, ông Hảo phân tích.
Ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên ở nút giao Ô Chợ Dừa
Ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên ở nút giao Ô Chợ Dừa
Theo ông Hảo, việc bảo vệ di tích có nhiều biện pháp khác nhau, điều đó tùy thuộc từng loại di tích, thực trạng di tích mà chúng ta có biện pháp thích hợp. Dù những năm trước các nhà khảo cổ đã khai quật hơn 900 m2 để tìm Đàn Xã Tắc và nhiều chuyên gia cho biết đã tìm được dấu tích của nó ở đây, nhưng theo ông Hảo, cuộc khai quật ở đây có thể nói là đã “vồ trượt” Đàn Xã Tắc. “Đến nay, Đàn Xã Tắc vẫn giữ nguyên là một ẩn tích không biết đến bao giờ mới tìm được. Nếu có tìm ra thì hình hài cũng đã bị phá hủy nặng nề”, ông Hảo nói.
Trước nhận định trên và về sự an toàn của Đàn Xã Tắc, ông Hảo cũng băn khoăn việc Hà Nội có nên khoanh một vùng rộng lớn cấm xây dựng những công trình mới tại đây hay không?
“Với mục tiêu bảo vệ Đàn Xã Tắc và việc xây dựng cây cầu vượt, tôi nghĩ chúng ta nên đào một số hố thăm dò. Mỗi hố rộng 2m2, trải dài theo thân cầu, với mục đích để xác định trụ cầu có dính vào Đàn Xã Tắc mà chúng ta chưa rõ nó ở chỗ nào hay không”, ông Hảo nêu ý kiến. Cũng theo ông Hảo, Hà Nội cần duy trì biện pháp bảo tồn địa danh như đã làm và dựng một tấm bia đá đặt ở một nơi thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục tầng lớp trẻ và người dân đến tìm hiểu di tích này.
Quang Phong

Không có nhận xét nào: