Ý nghĩa hình tượng con khỉ trong
văn hóa Á Đông
Dân trí Trong 12 con giáp, Thân, tức con khỉ, đứng ở vị trí thứ 9. Loài khỉ được đánh giá là thông minh hơn nhiều loài vật khác và đã đi vào đời sống văn hóa Á Đông từ xa xưa.
Trong các nền văn hóa, hình ảnh con khỉ thường là biểu tượng cho sự nghịch ngợm, tinh ranh, láu lỉnh, nhanh nhẹn. Cũng có khi, khỉ trở thành biểu tượng thần thánh như Tôn Ngộ Không trong văn hóa Trung Hoa, hay Hanuman trong văn hóa Ấn Độ.
Trong văn hóa phương Tây, hình tượng con khỉ khá mờ nhạt bên cạnh các con vật thần thoại khác như nhân mã, nhân sư, mỹ nhân ngư… Chỉ cho đến khi xuất hiện nhân vật King Kong - một nhân vật giả tưởng nổi tiếng trên màn ảnh - thì khỉ mới tạo nên một dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa đại chúng phương Tây.
Trong văn hóa Trung Quốc, văn chương thời xưa cho khỉ là loài cao quý, ví như người quân tử chốn rừng xanh. Có những câu chuyện dân gian còn thêu dệt nên sự huyền bí cho loài khỉ, khi cho rằng chúng có thể sống tới nghìn năm, rồi thành tinh, hóa thành người.
Hình tượng khỉ nổi tiếng nhất trong văn hóa Trung Hoa phải kể tới nhân vật Tôn Ngộ Không - nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết “Tây Du Ký”.
Tôn Ngộ Không đã trở thành hình ảnh thân thuộc trong đời sống văn hoá của nhiều thế hệ người Trung Quốc và vẫn không ngừng truyền cảm hứng cho nghệ thuật đương đại. Là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của văn học Trung Hoa.
Tôn Ngộ Không có hình thể của khỉ còn trí tuệ, năng lực thì siêu phàm. “Tây Du Ký” thuật lại cuộc phiêu lưu của Tôn Ngộ Không từ lúc mới sinh ra cho tới khi theo làm đệ tử của Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Trong “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không tượng trưng cho lý trí. Lý trí dẫn dắt, soi đường cho hành động. Thế nên, trong phim, người xem luôn thấy Tôn Ngộ Không đi trước, dẫn đầu mấy thầy trò, là nhân vật luôn nhìn ra trước tiên và xoay xỏa với những khó khăn, kiếp nạn gặp phải trong suốt cuộc hành trình.
Tuy vậy, lý trí cũng thường ưa nổi loạn, có thể trở thành tự kiêu, ngang tàng, phách lối, chẳng chịu thua ai. Đã có lúc, Tôn Ngộ Không tưởng mình to ngang với Trời và tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh, đã lên trời xuống biển, quậy phá không kiêng dè một ai.
Đứng trước Ngọc Hoàng, Tôn Ngộ Không vẫn tự xưng là “lão Tôn” đầy kiêu căng, nghênh ngang không chịu quỳ, ăn nói bất kể tôn ti trật tự. Vì vậy, Tôn Ngộ Không cần phải được uốn nắn cho hợp kỷ cương, khuôn phép và phải đội vòng kim cô. Sau này, thành Phật rồi, không cần cởi, vòng kim cô cũng tự biến mất.
Trong văn hóa Ấn Độ, thần khỉ Hanuman là một nhân vật thần thoại của đạo Hindu, được kể lại trong sử thi Ramayana. Trong sử thi, Hanuman đã giúp đỡ cho người anh hùng Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ Ravana. Thần khỉ Hanuman là nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata.
Các đền thờ trên khắp đất nước Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman, vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng của lòng dũng cảm. Thần rất sùng bái người bạn của mình là Rama (vị vua anh hùng được kể trong sử thi Ramayana), và cũng được Rama rất thương yêu, nên có khi người ta vẽ Hanuman với hình Rama xăm trên ngực.
Rama được coi là hóa thân của vị thần Vishnu, là một trong ba vị thần tạo nên bộ tam thần trong văn hóa Ấn Độ. Trong cuộc chiến đấu giữa vua Rama anh hùng và quỷ Ravana, thì thần khỉ Hanuman là người phụng sự vua đắc lực nhất, trung thành nhất.
Thần thoại Ấn Độ qua mấy ngàn năm không ngừng truyền tụng các kỳ tích của thần khỉ Hanuman, vì vậy, Hanuman sớm trở thành một hình ảnh quen thuộc, phổ biến trong mỹ thuật Ấn Độ. Tất cả những điều này đã củng cố đức tin của người Ấn Độ rằng sùng kính thờ phụng thần khỉ Hanuman thì sẽ được thần phù hộ khỏi bị tà ma quấy phá.
Ngày thứ ba hàng tuần là ngày vía của thần khỉ Hanuman, và hàng triệu tín đồ ở Ấn Độ thường dâng lễ cầu nguyện thần khỉ phù hộ cho họ được khỏe mạnh, sung túc.
Trong văn hóa Việt Nam, khỉ đã có mặt trong văn chương truyền khẩu từ lâu, như trong bài dân ca “Lý qua đèo” ở Huế hay “Ăn ở trong rừng” của quan họ Bắc Ninh. Ca trù có điệu xẩm huê tình cũng nhắc đến vượn. Ca dao thì thường nhắc đến vượn để hàm ý nói đến sự xa xôi, cách trở, hoang dã: “Má ơi! Đừng gả con xa/Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”.
Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, khỉ cũng thường được nhắc đến. Ở miền sông nước, chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch thường được gọi là “cầu khỉ”. Thành ngữ, tục ngữ về khỉ có nhiều câu, chẳng hạn: Khỉ ho cò gáy. Giết gà dọa khỉ. Rung cây dọa khỉ. Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Ngoài ra, còn có những cụm từ đặc trưng gắn liền với khỉ như “làm trò khỉ”, “mặt nhăn như khỉ”, “khỉ gió/khỉ khô/khỉ mốc”, “đồ khỉ/đồ khỉ gió”…
Trong văn học thì có hai tác phẩm thơ nổi tiếng là “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên” đều có nhắc tới vượn, nhất là tiếng hú của chúng. Trong tín ngưỡng Tứ phủ, hình bóng khỉ hiện ra biểu trưng cho miền rừng núi hoang sơ của Nhạc Phủ do mẫu Thượng Ngàn cai quản. Hình ảnh khỉ lúc này thường gắn liền với hoạt động dâng cúng ngũ quả.
Trong võ thuật phương Đông, có một môn võ gọi là Hầu Quyền, dựa theo thần thái, động tác, kỹ thuật chiến đấu của loài khỉ, nằm trong hệ thống các kỹ thuật được gọi là tượng hình quyền, mô phỏng động tác của các con thú.
Trong “thập đại hình tượng” của Thiếu Lâm phái bao gồm Long (rồng), Xà (rắn), Hổ, Báo, Hạc (chim hạc), Sư (sư tử), Tượng (voi), Mã (ngựa), Hầu (khỉ), Điêu (chim điêu) hoặc Kê (gà), thì Hầu Quyền đứng hàng thứ 9.
Nội dung hầu quyền rất phức tạp, đa dạng về phong cách, nhưng đặc điểm chung đều là nhẹ nhõm linh hoạt, đưa kỹ thuật của võ thuật vào trong hình dạng khỉ. Yêu cầu phải làm cho được “ngũ yếu” (năm điều cần): hình cần giống, ý cần thật, bước cần nhẹ, pháp cần kín, thân cần hoạt.
Hầu quyền trong bài múa có rời động, nhòm ngó, xem đào, leo vít, hái đào, leo cành, làm liều, giấu đào, ngồi xổm, ăn đào, mừng rỡ kinh sợ, vào động v.v... đều từ các động tác của khỉ mà tập hợp lại rồi tạo thành các động tác trong quyền thuật.
Hầu quyền áp dụng nguyên lý lấy nhu thắng cương, thường kết hợp né tránh linh hoạt và tấn công hiểm hóc. Chiêu thức trong hầu quyền thường nhắm vào các yếu huyệt của đối phương khiến hầu quyền trở thành một trong những bộ môn quyền thuật ác hiểm nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét