Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Sau khẩu chiến là chủ động làm lành?

 

Người Trung Quốc xưa thường nói “không đánh không biết nhau” và câu này đang được Bắc Kinh áp dụng một cách nhuần nhuyễn tới mức tinh xảo. 
 >> Đối thoại Shangri-la 14: “Miệng lưỡi chiến quần hùng”
 >> Tổng thống Mỹ cảnh báo về hoạt động xây đảo của Trung Quốc

Bắc Kinh đã phản ứng thận trọng sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu công bố sáng kiến hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Bởi Đài Loan kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tạm gác bất đồng để bắt đầu tiến trình đàm phán chia sẻ nguồn tài nguyên dồi dào tại khu vực này.
Tiếp tục ngụy tạo và giảo biện
Ngày 26/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) đã biện bạch cho hoạt động xây dựng trái phép 2 ngọn hải đăng tại bãi đá Gạc Ma và Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khi cho rằng “Trung Quốc xây dựng 2 ngọn hải đăng này nhằm thực hiện chức trách và nghĩa vụ quốc tế liên quan của mình, cung cấp các hướng dẫn hàng hải cho những tàu thuyền qua lại tại khu vực này, cũng như góp phần nâng cao an ninh hàng hải tại Biển Đông”… Đồng thời nhấn mạnh, bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ xây dựng các công trình dân sự khác tại các đảo đá chiếm đóng ở Trường Sa, để phục vụ tốt hơn cho các nước ven Biển Đông và các tàu thuyền qua lại tại Trường Sa!?
Trước đó (25/5), bà Hoa Xuân Oánh lớn tiếng cho rằng, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được tiến triển tích cực về việc tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông, đồng thời tranh thủ đạt được Bộ Quy tắc trên cơ sở hiệp thương nhất trí, tham vấn liên quan. Đồng thời cảnh báo, Mỹ không phải là bên có tranh chấp trong vấn đề Biển Đông, do đó nên tôn trọng đầy đủ những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, thận trọng trong lời nói và hành động, tạo ra bầu không khí tốt đẹp cho tham vấn, chứ không phải phá đám, quấy rối!
Trung Quốc họp báo công bố “Sách trắng quốc phòng 2015”
Trung Quốc họp báo công bố “Sách trắng quốc phòng 2015”
 
Theo tờ New York Times, Trung Quốc đang nâng cấp các tên lửa đạn đạo tầm xa thành loại mang nhiều đầu đạn có khả năng tấn công các mục tiêu độc lập. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quân sự Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ Phillip Saunders cho biết, Mỹ muốn trao đổi về các vấn đề liên quan tới chương trình hiện đại hóa hạt nhân và phòng thủ tên lửa đạn đạo với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh luôn chần chừ công khai sự trao đổi này trên các kênh chính thức.
 
Giáo sư Jonathan London đến từ Đại học Hongkong cho rằng, những động thái nhằm thay đổi hiện trạng mà Bắc Kinh đang thực hiện ở Biển Đông đã vi phạm các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trật tự an ninh, ổn định và công lý trong khu vực. Trong khi đó, Tiến sĩ Ian Storey thuộc Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định, các công trình bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Mỹ.
Ngày 21/5, Tạp chí Section của Nga cho rằng, thời đại Trung Quốc “lấy thịt đè người” đã qua, nhưng Bắc Kinh không những duy trì đội quân có quy mô lớn nhất thế giới, mà còn có ngân sách quân sự chỉ đứng sau Mỹ. Bởi Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự hàng năm bằng tỉ lệ phần trăm ở mức hai con số trong nhiều năm qua, để tìm cách hiện đại hóa quân đội, nhưng Bắc Kinh luôn tuyên bố: đây là việc đơn thuần để phòng thủ!
Cố tình hay vô ý?
Ngày 27/5, tờ Business Standard dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định, tình hình Biển Đông rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ bởi “Tổng thống thường xuyên đề cập đến tầm quan trọng của an ninh trên Biển Đông, vì nó cũng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, do đó tự do thương mại trên Biển Đông phải được duy trì”. Và Tổng thống nghe báo cáo về tình hình mới nhất ở Biển Đông và ông Barack Obama liên tục được cập nhật vấn đề này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama
 
Trước đó (26/5), người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc xây hải đăng trên Biển Đông khi cho rằng, động thái này có thể khiến tình hình tại đây thêm căng thẳng. Đây là phản ứng tức thì của Washington ngay sau khi Bắc Kinh thông báo về vấn đề này.
 
Ngày 26/5, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã tổ chức lễ khởi công xây dựng trái phép 2 ngọn hải đăng ở bãi đá Gạc Ma và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, 2 ngọn hải đăng này cao 50m, có đèn chiếu với bán kính 4,5 mét và có thể chiếu sáng 22 hải lý. Và theo tuyên bố của Trung Quốc, việc xây hải đăng nhằm nâng cao khả năng hướng dẫn tàu thuyền, đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông.
 
Cũng trong ngày 26/5, tờ Telegraph của Anh dẫn khuyến cáo của Giáo sư Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại của Trường đại học Temple, Nhật Bản khi cho rằng, vấn đề đáng quan tâm chỉ có thể là Bắc Kinh đánh giá sai tình hình khi công bố “Sách trắng quốc phòng 2015” vào thời điểm hiện nay.
 
Giới truyền thông và giới phân tích đều đánh giá, Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng và hăm dọa khi công bố “Sách trắng quốc phòng 2015”. Tờ Nikkei của Nhật Bản khẳng định, “Sách trắng quốc phòng 2015” đã nêu bật tham vọng vươn khơi xa của quân đội Trung Quốc, và lần đầu tiên Bắc Kinh đề cập tới khả năng xảy ra đụng độ trên biển. Tờ Tin nhanh Ấn Độ khẳng định, với việc công bố “Sách trắng quốc phòng 2015”, Trung Quốc đã công khai chiến lược đầy hung hăng nhằm mở rộng sức mạnh hải quân.
Tờ Business-Standard nhận định, Trung Quốc có thể thách thức Ấn Độ trong vấn đề biển đảo. Tờ Guardian cũng ghi nhận sự quyết đoán của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông khi công bố “Sách trắng quốc phòng 2015”. Còn theo tờ Strait Times, “Sách trắng quốc phòng 2015” đã thể hiện sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc vào quá trình hiện đại hóa quân đội. Tờ RT của Nga cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng, Bắc Kinh có tham vọng hiện diện hải quân lớn hơn trong khu vực đang gia tăng căng thẳng vì những tuyên bố chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chuẩn bị cho Thế chiến thứ III?
Chủ tịch tiểu ban thuộc Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ Randy Forbes, và cũng là đồng Chủ tịch nhóm phụ trách vấn đề Trung Quốc của Quốc hội Mỹ cho rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện đúng chiến lược “giấu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình đề ra.
 
Nhưng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh đã và đang theo đuổi chiến lược mới, trong đó nhấn mạnh tới việc thực hiện “giấc mơ xây dựng Trung Hoa thành một siêu cường”. Và việc Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ cải tạo đảo, đá ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ nỗ lực hiện thực hoá yêu sách chiếm trọn Biển Đông trong tương lai. Nhưng theo học giả Steve Tsang (Tăng Duệ Sinh), chiến lược cứng rắn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chẳng phải kế lâu dài cho Trung Quốc.
 
Theo tờ Washington Post, mục đích của việc ráo riết xây đảo, xua đuổi máy bay, tàu thuyền của Mỹ ở quần đảo Trường Sa, tìm cách khống chế Biển Đông không đơn giản chỉ vì mối lợi tài nguyên, lòng tự tôn dân tộc hay chạy đua vũ trang khu vực, mà sâu xa vẫn là muốn đọ sức với Mỹ để đòi hòi quyền lợi cân bằng.
 
Theo chuyên gia Brad Glosserman, đến từ Văn phòng Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Honolulu, một trong những lý do Trung Quốc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các bãi đá, hòn đảo trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối gay gắt của các nước láng giềng, chính là muốn đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực này.
 
Trước đó (16-5), tại cuộc họp chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi Bắc Kinh hãy có động thái giảm căng thẳng ở Biển Đông.
 
Theo nhận định của ông James Fanell, cựu Giám đốc văn phòng thông tin tình báo Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), Trung Quốc sẽ có khoảng 415 tàu, bao gồm 99 tàu ngầm, 4 tàu sân bay, 26 tàu hộ vệ, 73 tàu đổ bộ, 3 tàu tên lửa, 12 tàu khu trục và tàu hộ tống trong tương lai gần. Đồng thời cho rằng, với nhiều loại tên lửa tầm xa đất đối đất, hải quân Trung Quốc có thể thay đổi cục diện chính trị và chiến lược ở châu Á. Và lực lượng này sẽ tiếp tục mở rộng trong vòng 15 năm tới, cả về khả năng phòng thủ cũng như tấn công.
 
Tuần báo Jane’s Defence cho rằng, 10 quốc gia Đông Nam Á có thể tăng chi quốc phòng từ 42 tỉ USD/năm lên 52 tỉ USD từ năm 2020, chỉ để đối phó với những đe doạ từ Trung Quốc. Khi nói với tờ Japan Times, Chủ nhiệm Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở châu Á (IISS) Tim Huxley cảnh báo, khi các nước này tăng khả năng trên biển, điều đó có nghĩa tầm bắn và mức sát thương của các cuộc tấn công sẽ tăng.
 
 Trong bài “Cần phải làm dịu cục diện căng thẳng trên Nam Hải” đăng trên diễn đàn mạng sina.com ngày 16/5, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa đã phê phán một số quan chức và học giả nước này khi đưa ra luận điệu chỉ xem xét chủ quyền lãnh thổ dựa trên “tính hợp lý và hợp pháp của cái gọi là đường lưỡi bò” là cách suy nghĩ vừa không thể giải quyết được tranh chấp, vừa không đem lại lợi ích thực sự và an ninh lâu dài cho Trung Quốc. Ông Lý Lệnh Hoa đã kêu gọi Trung Quốc cần thay đổi chính sách sai trái về Biển Đông; đồng thời mạnh mẽ phê phán những luận điệu sai trái liên tục xuất hiện trên tờ Thời báo Hoàn cầu thời gian gần đây.
Ngày 21/5, học giả Lý Lệnh Hoa tiếp tục phê phán mạnh mẽ quan điểm, thái độ hai mặt của một số học giả, quan chức Trung Quốc về UNCLOS 1982 như Dị Tôn Lương, Vụ phó biên giới và các vấn đề hải dương thuộc Bộ Ngoại giao; Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải...
 
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes

Không có nhận xét nào: