Trước hết nói về Đảng, nhưng trên hết là Nhân dân
TP - Đó là những điều mà PGS.TS Phạm Hồng Chương (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) đúc rút được sau nhiều năm nghiên cứu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau 45 năm được biết Di chúc, nhưng với PGS.TS Phạm Hồng Chương “vấn đề Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn ai là chính?” - là một câu hỏi lớn.
Qua nghiên cứu Di chúc và thực tiễn cuộc sống, PGS.TS Phạm Hồng Chương chỉ ra rằng trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ giữa Đảng và Nhân dân: Người chỉ dặn lại việc phải làm cho Đảng, còn quyền được phục vụ và hưởng lợi ích là thuộc về Nhân dân.
Đó là sự kính trọng cao nhất đối với Nhân dân trên vị trí người chủ và phải được Đảng do Người sáng lập và lãnh đạo phục vụ một cách rất thiết thực, cụ thể theo lời dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ đến mọi tầng lớp nhân dân, với từng đối tượng cụ thể, mà Đảng phải phục vụ: Từ “những người có công như đối với những người hy sinh xương máu”, “cha mẹ thương binh, liệt sĩ”, “những người trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang”, “thanh niên xung phong”, “phụ nữ” và đến cả những “nạn nhân của chế độ cũ”...
Như thế, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết nói về Đảng, là lời căn dặn lại cho tổ chức do Người sáng lập và lãnh đạo được dùng với từ “phải”. Đó là giới hạn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trong Di chúc. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng cụm từ “điều mong muốn cuối cùng” đối với Nhân dân.
Người viết “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Trong đoạn cuối cùng của Di chúc, khi Người “để lại muôn vàn tình thân yêu” thì được đặt trong thứ tự là: “cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Như thế, trước hết nói về Đảng, nhưng trên hết là Nhân dân. Đó là sự sâu sắc vô cùng trong tư duy triết học Hồ Chí Minh trong mối quan hệ giữa Người với Đảng, với Nhân dân chỉ riêng trong những sắp xếp ấy. Nhìn tổng thể tinh thần của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời căn dặn: Đảng phải phục vụ Nhân dân.
Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm trước hết đến sự đoàn kết của Đảng? Chắc chắn rằng vấn đề đoàn kết của Đảng là sự quan tâm nhất của Người từ khi thành lập Đảng đến lúc viết và hoàn thành Di chúc.
“Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ giữa Đảng và Nhân dân: Người chỉ dặn lại việc phải làm cho Đảng, còn quyền được phục vụ và hưởng lợi ích là thuộc về Nhân dân”.PGS.TS Phạm Hồng Chương
Sự quan tâm ấy bắt nguồn từ đòi hỏi nội tại và khách quan của Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết ra trong nhiều tác phẩm ở các thời kỳ khác nhau rồi đúc kết lại trong Di chúc.
Đó là vì, theo Người: đoàn kết là sức mạnh chiến đấu của Đảng và đoàn kết trong Đảng là hạt nhân của đoàn kết dân tộc; đoàn kết là vũ khí mạnh mẽ của Đảng trên con đường vô cùng cam go của sự nghiệp giải phóng và xây dựng xã hội mới.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, chiều sâu của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc chính là ở chỗ: Người đã chọn ra vấn đề cốt lõi trong hàng loạt vấn đề cần giải quyết và đã chỉ ra phương pháp giải quyết tối ưu để đưa tới sự chuyển biến có tính cách mạng sâu sắc đối với hiện thực khách quan luôn vận động, biến đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét