Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

TẤM GƯƠNG VÌ NƯỚC

Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ - cần sự bình tĩnh và tỉnh táo

Thuyền phó tàu cảnh sát biển cắt phép vội trở lại biển Đông

Mẹ mắc ung thư giai đoạn cuối, bố bị bại liệt, trung úy Phạm Khả Đăng được về thăm nhà. Anh là thuyền phó tàu CSB 4033 đang thực thi nhiệm vụ chấp pháp trên biển Đông.
Được nghỉ phép thăm bố mẹ đang ốm nặng, nhưng thấy đồng đội thực thi nhiệm vụ đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, thuyền phó tàu cảnh sát biển 4033 Phạm Khả Đăng đã xin rút ngắn kỳ nghỉ để trở lại đơn vị. Bố mẹ và vợ đều ủng hộ lựa chọn của anh.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình Đăng nằm khuất sau xóm Bắc Dinh, xã Thạch Trị (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Trời miền Trung nóng như đổ lửa, non trưa hôm qua Đăng tất bật cùng vợ sửa soạn bữa cơm chia tay để chiều anh bắt xe trở lại đơn vị.
Gạt ngang dòng mồ hôi trên má, anh Đăng cho biết, hơn một tháng trước sau chuyến làm nhiệm vụ từ biển trở về đất liền, anh nhận được tin mẹ (bà Nguyễn Thị Tĩnh) bị ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả về nhà. Bố bị xuất huyết não nằm liệt hơn một năm nay, sức khỏe yếu dần. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, người em ruột đi học xa nhà nên Đăng được cấp trên cho về phép chăm sóc bố mẹ.
dang-4417-1400060505.jpg
Phạm Khả Đăng, thuyền phó tàu CSB 4033 những ngày về phép thăm nhà. Ảnh: Nguyễn Hải
Đầu tháng 5, đồng đội thông báo tình hình ở biển Đông đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu 4033 của anh Đăng và nhiều tàu khác tham gia tuyên truyền, yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan, nhưng chưa có kết quả. Chưa hết phép, bệnh tình bố mẹ vẫn rất nặng, nhưng nửa tuần trước anh Đăng đã liên lạc với đơn vị để được trở lại cùng đồng đội ra biển làm nhiệm vụ.
"Mình nghỉ phép mà đồng đội ngày đêm làm việc vất vả thì có nằm ngủ cũng không ngon. Tôi nóng lòng trở lại để cùng anh em ra biển làm nhiệm vụ. Dù thế nào cũng không để Trung Quốc đặt giàn khoan...", trung úy Đăng nói.
Trung úy Đăng tốt nghiệp Học viện Hải Quân, năm 2011 về công tác tại tàu 4033, hải đội 201, vùng cảnh sát biển 2 (Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam). Tàu 4033 có 22 thuyền viên, chỉ huy là thuyền trưởng Lê Trung Thành cùng ba thuyền phó, được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật, cứu hộ cứu nạn trên biển.

Đầu tháng 4 vừa qua, tàu 4033 cùng 9 tàu khác của các đơn vị làm nhiệm vụ tại khu vực vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam cách đất liền 90 hải lý, cách đảo Lý Sơn 130 hải lý, hướng Tây Nam Hoàng Sa trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Viên thuyền phó nhớ như in tình huống ngày hôm đó. Tầm 17h chiều, tàu 4033 nhận được thông tin có một tàu không rõ số hiệu dài chừng 40 m đang lao vào khu vực tàu của Việt Nam làm nhiệm vụ. Thuyền trưởng ra lệnh tất cả thuyền viên vào vị trí.
"Tàu kia lúc đó chạy với tốc độ chừng 20 hải lý một giờ. Lúc này tàu 4033 áp sát kịp để ép đầu, không cho tàu kia tiến vào khu vực tàu ta làm nhiệm vụ, nhưng họ vẫn không chịu mà cố vượt lên. Sau hai cú bị ép đầu, không thực hiện được mưu đồ, tàu kia ra tín hiệu xin rút lui", trung úy Đăng kể. Cuộc truy cản tàu lạ này diễn ra trong vòng 40 phút. 
Trung úy Đăng cho biết những lúc bị tàu lạ va chạm không một ai nao núng, tất cả rất bình tĩnh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau cuộc ngăn cản buộc tàu lạ rút lui hôm đó, mũi tàu 4033 bị hư hỏng vỡ toác một lỗ chừng 60 cm khiến sóng biển đánh nước tràn vào tàu. Khi đó, các chiến sĩ trên tàu đã dùng đệm bông và vật dụng để bịt lỗ thủng, sau đó tàu nhận được lệnh rút về đất liền vì cạn nhiên liệu. Về tới đảo Lý Sơn sau gần một ngày, do không có thợ hàn nên các chiến sĩ phải mua 3 túi xi măng vá lỗ thủng mũi tàu để đêm hôm sau tàu tiếp tục trở ra biển.
IMG-0339-7206-1400060505.jpg
Kết hôn chưa đầy bốn tháng, chị Mận luôn cổ vũ chồng cùng đồng đội ra biển Đông làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Hải
Chuẩn bị tiễn chồng lên đường trở vào đơn vị để ra biển làm nhiệm vụ, chị Nguyễn Thị Mận dặn dò anh hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
"Chúng tôi không có nhiều thời gian ở bên nhau kể từ ngày cưới. Vì anh đang gấp rút hoàn thành nhiệm vụ nên vợ chồng vẫn chưa nghĩ tới chuyện sinh con mà tất cả tập trung tinh thần để anh yên tâm lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ", vợ của trung úy thuyền phó tàu 4033 tâm sự.
Nằm trên giường bệnh không thể tự ngồi dậy, bố của Đăng là ông Phạm Khả Thảo nắm chặt bàn tay con trai dặn dò: "Hãy hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao con nhé. Bố mẹ và người thân ở quê đang hướng về biển Đông".
IMG-0346-4069-1400060505.jpg
Bà Tĩnh (mẹ của thuyền phó tàu CSB 4033) đang bị ung thư giai đoạn cuối. Ảnh: Nguyễn Hải.
Thuyền phó tàu 4033 cho biết, trở lại biển Đông lần này anh sẽ tiếp sức cùng đồng đội trên tàu quyết tâm bám thực địa để tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam. Anh em làm nhiệm vụ sẽ luôn thực thi đúng pháp luật, bình tĩnh, kiềm chế để không mắc mưu tàu Trung Quốc.
"Mỗi người có cách yêu nước khác nhau, có việc làm khác nhau. Là thế hệ trẻ, tôi luôn tự nguyện đương đầu với khó khăn khi Tổ quốc cần mình. Tôi đã xác định tâm lý, dẫu có phải hy sinh cũng không chùn bước trong mọi tình huống", thuyền phó 24 tuổi rưng rưng trước lúc trở lại đơn vị.
Nguyễn Hả

Không có nhận xét nào: