Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

kỶ NIÊM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2014)

Tướng De Castries và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Ảnh: t.l  
 NHỚ NGƯỜI HỎI CUNG TƯỚNG DE CASTRIES
Tướng De Castries và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. 
 Việc viết lách những năm xa ấy khiến tôi với ông đâm thân gần. Người đậm nhưng chất giọng nhỏ nhẹ. Một lần ngồi với một ký giả người Pháp, người đó nhận xét bất ngờ rằng ông có chất giọng của dân Paris chính cống (Parisien) Sau tò mò hỏi, mới biết tuổi 18, ông đã qua diplôme (trung học đệ nhất cấp).
Bậc đàn anh ấy như một mảng, miếng của sử? Từng những năm trận mạc tại Quảng Trị, Huế, Việt Bắc, Tây Bắc hồi đánh Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ là sỹ quan quân báo cấp tiểu đoàn…

Ngạc nhiên lần ấy NXB Tác Phẩm mới in cuốn Nàng Li La mà ông là tác giả. Thì ra trong thời gian làm công tác ngoại giao trong Mặt Trận Dân tộc GPMN Việt Nam ông từng là tùy viên văn hóa Sứ quán Việt Nam tại Ai Cập.
Là phóng viên, chuyên viên cứng tuổi thuộc Ban thư ký Biên tập của Đài truyền hình Việt Nam, ông có thói quen say mê viết. Ông bộc bạch rằng quá khứ trận mạc đã không buông tha ông. Nàng Li La cũng như Hào Quang (NXB Lao Động) sau này là những tiểu thuyết gần như là một phần tự truyện đời ông.
Bẵng đi một dạo mới gặp lại, ông cho biết đang khởi thảo một công việc hoành tráng ở tuổi gần thất thập là cuốn hồi ký hỏi cung tù binh trong đó có tướng Đờ Cát mà ông là người trong cuộc từ đầu.
Câu chuyện hôm ấy cứ dài mãi ra…
Pháp bại trận Điện Biên Phủ (ĐBP) có sức nặng như thế nào ở Hội nghị Genève? Pháp sẽ dự định những gì? Nhằm đạt được những gì tối đa, tối thiểu, kể cả đường giới tuyến tạm thời và khu vực tập kết? Mất ĐBP, Pháp sẽ bảo vệ đồng bằng Bắc bộ như thế nào? bố phòng binh lực ra sao…
Nếu ký được Hiệp nghị Genève với phương án tạm chia hai miền Nam Bắc thì Pháp sẽ tổ chức phòng ngự ở miền Nam thế nào? Âm mưu gì? Đó là những câu hỏi ta cần phải biết, cần tranh thủ khai thác ngay số tù binh sĩ quan cấp cao, nhất là tướng Đờ Cát, Đại tá Lăngle - Phó chỉ huy và Trung tá Kelơ - Tham mưu trưởng của Đờ Cát để phục vụ ngay cho phát triển chiến đấu tiếp tục tấn công địch trên các mặt trận. Đồng thời tìm hiểu ý đồ của Pháp, Mỹ để ta chuẩn bị kế hoạch chiến lược lâu dài của cách mạng.
Chính vì lý do đó Cục Quân báo đã điều động gấp sĩ quan quân báo Lê Mạnh Thái ngày 8/5/1954 từ Điện Biên phải ruổi xe gấp đuổi theo đoàn tù binh của Đờ Cát rời ĐBP trước đó gần 2 ngày.
Ông Lê Mạnh Thái

 
Tôi ngước sang ông Thái với cái nhìn e dè. Đã đành may mắn có điều kiện học hành và năng khiếu tiếng Pháp nhưng người sĩ quan quân báo mới 24 tuổi mà đã được cấp trên tin tưởng giao một việc trọng như vậy? Đối mặt với một viên tướng thực dân sừng sỏ khi ấy 55 tuổi. Cái tuổi 24 lứa bây giờ so với thế hệ ấy sao cứ… vời vợi. …Xe chạy suốt ngày suốt đêm. Trưa 9/5 thì đuổi kịp đoàn xe tù binh chở Đờ Cát. Chiều 7/5, Lê Mạnh Thái đã có dịp chạm trán Đờ Cát ngay tại hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm khi Đờ Cát bị bắt làm tù binh. Khi đó Đờ Cát cao gầy tóc trắng, bận quân phục ngắn màu vàng. Bây giờ gặp lại anh nhận ra ngay.
Nhưng bên Đờ Cát không thấy cái can? Sau này Lê Mạnh Thái mới biết, chiếc can đã trở thành chiến lợi phẩm và vào tay tướng Vương Thừa Vũ. Ngay cuối 1954, tướng Vũ đã làm quà tặng bác sĩ Hồ Đắc Di. Rồi bác sĩ đã trao nó cho Bảo tàng Quân đội.
Trưa ấy, Đờ Cát đã ăn uống xong và chuẩn bị đi ngủ. Tình thế không cho phép dây dưa mất thời gian. Tôi quyết định không hỏi cung ngay tại chỗ nằm mà đưa ông ta đến một phiến đá to phẳng bên bờ suối, cả hai cứ như là đang đi dạo. Bên xà cột của tôi là chiếc bi đông đựng nửa hộp sữa Netle chiến lợi phẩm và hai cái cốc nhựa.
Thời đó chưa có máy ghi âm. Được hướng dẫn nghiệp vụ là không ghi chép trước mặt các tù binh để họ có thể chột dạ lo ngại khi cung khai mà không nói hết sự thật. Phải vừa nghe, vừa nhớ, phân biệt đúng sai từng chi tiết lời khai. Sau đó tìm nơi yên tĩnh để ghi chép lại, sàng lọc thông tin, rút ra những vấn đề cốt lõi nhất báo cáo về cơ quan Cục...
Hôm đó tôi mặc bộ quân phục mới, thắt lưng bạt và đôi dày “săng đá” chiến lợi phẩm. Nhưng tôi có cảm giác cái nhìn dửng dưng của Đờ Cát… Ông ta cấp tướng cơ mà?
Tôi bắt đầu bằng việc thăm hỏi sức khỏe và việc ăn ngủ. Đờ Cát ngạc nhiên tỏ vẻ xúc động khi rụt rè rút điếu Bát tô tôi mời và than phiền luôn ông ta rất khó ngủ, ăn uống không hợp khẩu vị…
Tôi biết mấy hôm nay ông ăn uống thiếu thốn. Không có thịt, trứng, sữa, rượu, cà phê. Tôi cũng xin nói thật tình, ông nên tập chịu đựng, tập làm quen với khẩu phần hằng ngày. Ông là tù binh chỉ được cung cấp có vậy thôi. Không phải chúng tôi phân biệt đối xử gì nhưng bộ đội chúng tôi từ binh lính đến chỉ huy cũng chỉ ăn uống giống hệt suất ăn hằng ngày của các ông vậy thôi.
Đờ Cát có vẻ không tin nhưng không nói gì. Đờ Cát phàn nàn là đang khát nước vì hôm nay ăn muộn, người ta chưa đưa nước đến…
Tôi lấy hai cái cốc nhựa đã chuẩn bị và rót sữa đã pha ra… Đờ Cát ngạc nhiên nước gì mà đục vậy? Có gì đáng ngại không?
Tôi giải thích đây là… sữa. Ông ta nâng nhấp nhấp và có ý chờ… Tôi cầm lên uống. Ông ta cũng uống theo và châm điếu thuốc mới. Vẻ thư giãn lộ rõ khi người hỏi cung có vẻ thành thực thế này.
Tôi muốn nói chuyện với ông trên tư cách người lính. Ông chỉ huy trên phạm vi lớn của phía bên kia. Tôi là người chỉ huy nhỏ phía bên này. Bên này bên kia vẫn có những cái cần hiểu biết về nhau. Tôi muốn học tập ông những điều tôi chưa biết, ông có vui lòng?
Đờ Cát đáp ngay:
“Tôi vốn quý mến những chỉ huy trẻ phía bên tôi. Ông cũng là sĩ quan trẻ. Nếu tỏ ra có ích tôi rất sẵn lòng…”.
Và thế là câu chuyện- cuộc hỏi cung bắt đầu bằng sau thất bại ĐBP, theo ông Bộ chỉ huy Pháp sẽ làm gì? Có động binh ra đánh chiếm một vài vùng để giữ sĩ diện?
…Cuộc hỏi cung lân sang chiều một ít khi Đờ Cát ngáp. Tôi đưa ông ta một bao thuốc Bát-tô mới.
Ngày hành quân thứ tư tức là buổi gặp thứ 2, tôi không gặp được Đờ Cát vì ông ta bận khai lý lịch theo quy định của đoàn tù binh. Tôi lại biếu ông ta một bao thuốc mới.
Cuộc hỏi thứ 3. Hai người lại mời nhau uống sữa và hút thuốc. Lần này thì trao đổi về Hội nghị Genève và những ý đồ chiến lược của Cục quân báo đã phổ biến gợi ý cho tôi khi hỏi chuyện Đờ Cát…
Không phải khi nào cũng hòa khí và thông đồng bén giọt. Nhất là người ngồi trước tôi, một viên tướng thực dân. Lại đầy tính cách…
Này ông sĩ quan. Phía các ông chỉ mới thắng ở ĐBP. Còn Bắc bộ Trung bộ, Nam bộ. Ở Ai Lao, ở Cam Bốt thì Việt Minh, Itsxala, Ixarac chưa làm gì cả. Bắc bộ là chiến trường chính thì các ông đang ở thế yếu. Nếu núi rừng là chỗ mạnh thì đồng bằng sông rộng sẽ là cạm bẫy khổng lồ với các ông. Tôi nói thế để thấy chưa ai làm chủ được chiến trường nên phải đàm phán. Mỗi bên sẽ đưa ra mục tiêu tối thiểu tối đa…
Tôi chộp lấy.
Theo ông mục tiêu tối thiểu, tối đa của Pháp là gì?

Cuộc hỏi cung- trao đổi- tranh luận hôm ấy kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ. Cả hai đều căng thẳng mệt mỏi.
Lê Mạnh Thái rút ra trong xà cột một gói đường trắng và bao thuốc mới.
“Có một ít đường tôi biếu ông khi mệt thì pha với nước chè xanh mà uống. Rất tốt, Vitamine A và C đấy…”.
Ngoài Đờ Cát, Lê Mạnh Thái còn phải có các cuộc tiếp cận hỏi cung các sĩ quan sừng sỏ khác như Lăngle, Bigia…
Mệt và mất thời gian nhất là những bản báo cáo gửi trực tiếp cho cấp trên. Có nhiều bản cung, theo yêu cầu của Cục trưởng Cục Quân báo Lê Trọng Nghĩa (mà sau này tôi mới biết là ý kiến của Đại tướng Tổng Tư lệnh) tôi phải chép lại nguyên văn trả lời bằng tiếng Pháp của Đờ Cát hoặc Lăngle, Bigia.
Cuối tháng 5/1954. tôi gặp lại Đờ Cát ở trại tù binh Na Hang, Tuyên Quang với những cuộc thẩm vấn bài bản chính quy. Những câu chuyện ngoài lề hoặc khi giải lao, tôi cũng loáng thoáng biết được viên tướng bại trận này có vợ và cô con gái 10 tuổi ở Pháp. Có một hôm, mới gặp, Đờ Cát đã khẩn khoản nhờ nhắn tin và gửi giúp thư để gia đình biết là tại trại tù binh của Việt Minh, hằng ngày vẫn được đối đãi tốt, được tập thể dục và ăn ngủ bình thường.?
Lần ấy Đờ Cát gây cho tôi một ngạc nhiên lớn. Là ông ta bộc bạch sự nghi hoặc rằng dứt khoát Tướng Giáp đã từng được đào tạo hoặc tốt nghiệp tại học viện quân sự cấp cao nào ở Nga Xô hoặc ở Mỹ! Đơ Cát giọng tự hào Là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi biết đối thủ của mình phải là cỡ nào? Tôi nhớ khi ấy mình đã… cười! Cười một cách vui vẻ khoái trá khi cố nói lại những nét đại thể về sự xuất thân của Đại tướng Tổng Tư lệnh yêu quý 44 tuổi, kém Đờ Cát 10 tuổi của chúng tôi.
Có lẽ sau này Đờ Cát mới tường sự thật nhưng lúc ấy ông nói vẻ thành thực thế này ông nói vậy thì tôi biết vậy, nhưng tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp. Khôn ngoan, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cônhi và Đại tướng Nava. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông ta.
…Năm tháng cứ vô tình vùn vụt. Bâng khuâng mỗi khi ngước lên cuốn Hào quang ông tặng tháng 8/1998 vẫn đậu trên giá sách mà ông đã đi xa. Điện Biên 60 năm này vắng sĩ quan quân báo Lê Mạnh Thái.
Christian de Castries sinh năm 1902, xuất thân từ một gia đình danh giá theo binh nghiệp. Năm 19 tuổi, Christian de Castries nhập ngũ.
Năm 1946 Castries lên hàm thiếu tá được phái sang Đông Dương.
Đầu năm 1951, về Pháp. Bổ túc tại Trường Quân sự Saint Syr. Được đề bạt trung tá rồi trở lại Đông Dương.
Năm 1952, trở lại Việt Nam với hàm đại tá. Tháng 12 năm 1953, được giao nhiệm vụ phòng thủ ở Điện Biên Phủ với chức vụ chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm. Là người chỉ huy cao nhất tại tập đoàn cứ điểm, chống trả cuộc bao vây kéo dài 8 tuần của QĐNDVN. Được thăng hàm chuẩn tướng (General de brigade) tại mặt trận vào ngày 16 tháng 4 năm 1954. 7/5/1954 bị bắt giam làm tù binh trong 4 tháng trong lúc hiệp định đình chiến đang được các bên liên quan thương thảo ở Genève.
Rời quân ngũ năm 1959. Mất ngày 29 tháng 7 năm 1991 tại Paris, Pháp.

Không có nhận xét nào: