“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” với độc lập, chủ quyền
Lợi ích tối cao của dân tộc được gói gọn trong 10 chữ:
Độc lập, chủ quyền, thống nhất
và toàn vẹn lãnh thổ.
LTS: Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn được xem là những vấn đề thiêng liêng, tối thượng đối với mỗi quốc gia. Những giá trị cốt lõi này được thể hiện một cách xuyên suốt trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Người (19-5-1890 – 19-5-2014), Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Bùi Đình Thanh (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) để hiểu hơn về tư tưởng của Bác Hồ trong cuộc đấu tranh giữ gìn và bảo vệ những giá trị cốt lõi ấy.Theo PGS-TS Bùi Đình Thanh, trong hoạt động cách mạng và lãnh đạo xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường vận dụng và giáo dục cho cán bộ, đảng viên phương châm Dĩ bất biến, ứng vạn biến để xử lý công việc. Và phương châm đó được thể hiện rõ nét trong quan điểm của Người về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
“Nguyên tắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ phải được thấm nhuần trong tư tưởng, ấp ủ trong tâm niệm, quán triệt trong hành động của mọi công dân Việt, từ những nhà lãnh đạo đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, thường dân” - PGS-TS Thanh nói.
Mất độc lập sẽ đồng thời mất chủ quyền
Trong một hội thảo kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mới đây, ông từng đề cập đến phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với quan điểm về chủ quyền dân tộc, điều này được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
Câu nói trên được Bác dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi sang Pháp (ngày 31-5-1946, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập và phải thực hiện trọng trách giữ vững được nền độc lập - PV). Theo tôi, câu nói đặt ra một cách xử lý công việc rất linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo, không máy móc, giáo điều (vạn biến) nhưng lại phải tuân theo nguyên tắc điều không được phép thay đổi (bất biến). Cái “bất biến” ấy, theo tôi là lợi ích tối cao của dân tộc, được gói gọn trong 10 chữ: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Thưa ông, tư tưởng của Người về 10 chữ như ông đã nói được thể hiện cụ thể và mạnh mẽ nhất ở đâu?
Tôi nghĩ nó được thể hiện trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 và Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước năm 1966. Trong Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ có một câu rất nổi tiếng: “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”. Bởi mất độc lập tự do đồng thời cũng là mất chủ quyền. Trong thời kỳ chiến tranh giữa ta với Pháp, trải qua nhiều cuộc đấu tranh trên các mặt trận, Bác Hồ vẫn kiên định nguyên tắc bất di bất dịch như trên.
Có phải phương châm ấy của Hồ Chí Minh đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế thừa bằng việc thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc tiến chắc”?
Đúng rồi, khi đại tướng báo cáo với Người về diễn biến chiến dịch
Điện Biên Phủ, sau một đêm thức trắng, Bác Hồ đã nói với đại tướng rằng:
“Chú là đại tướng ra ngoài mặt trận, chú toàn quyền hành động”. Đồng
thời Bác cũng quán triệt đã đánh là phải thắng. Như vậy, Người giao cho
đại tướng toàn quyền quyết định là đã cho phép ứng vạn biến nhưng Người
yêu cầu phải thắng tức là dĩ bất biến. Và thực tế, đại tướng đã thực
hiện được điều đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc phỏng vấn của nữ nhà báo Pháp Danielle Hunebelle ngày 5-6-1964. Ảnh cắt từ clip
Không bao giờ phụ thuộc Vậy thưa ông, phương châm của Bác Hồ được vận dụng như thế nào trong giai đoạn hiện nay, nhất là trước việc Trung Quốc (TQ) ngang ngược đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ?
PGS-TS Bùi Đình Thanh
|
Bác là người đã từng sống và làm việc trong hàng ngũ cách mạng TQ nên Người rất am hiểu TQ. Tôi không trực tiếp nghe Bác nói nhưng tôi có thời gian làm việc với GS Nguyễn Khánh Toàn, lúc bấy giờ là chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Khi tôi hỏi về việc này, GS Toàn có kể lại rằng có lần Bác nói với GS Toàn là tình hình TQ rối ren nên phải theo dõi. GS Toàn hỏi lại thái độ của ta như thế nào, bác chỉ nói bốn chữ: Hữu hảo - Cảnh giác. Điều đó cho thấy Bác Hồ rất hiểu tình hình...
Xin cảm ơn ông.
Một tấc đất của Tổ quốc cũng không được để mất
Ông cha ta ở các thời phong kiến đã hết sức bảo vệ chủ quyền đất nước. Tiêu biểu nhất là thời Lê Thánh Tông, vị vua này đã có một chỉ dụ cho các quan trấn thủ biên giới, một tấc đất của Tổ quốc cũng không được để mất, người nào mà để mất sẽ bị tội tru di. Tuy nhiên, đến triều nhà Nguyễn thì khác, nhà Nguyễn vừa có công, vừa có tội. Công đó là thống nhất đất nước, sau đó thời Gia Long đã có chủ trương củng cố bộ máy chính quyền và quan tâm đến biển đảo, cho vẽ bản đồ, đặt mốc trên biển, hằng năm cử các hải đội Hoàng Sa ra khai thác, bảo vệ. Tuy nhiên với việc để mất nước, triều đình nhà Nguyễn phải chịu trách nhiệm trước dân tộc, trước lịch sử đã không thực hiện được nhiệm vụ giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Phải đợi đến 80 năm sau, với chiến thắng Điện Biên Phủ chủ quyền của ta mới khôi phục được thực sự. Trong chiến thắng này cũng có thể thấy vai trò của phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
PGS-TS BÙI ĐÌNH THANH
|
Theo VIẾT THỊNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét