Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Thăm Đội Văn nghệ thôn Giao Bình khai xuân

Thăm Đội Văn nghệ thôn Giao Bình 
khai xuân
Nguyễn Ngọc Dương

Ở cạnh con suối Trát, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng có thôn Giao Bình. Địa danh này mới xuất hiện khoảng hơn 40 năm trước. Ban đầu, Giao Bình là tên của một hợp tác xã nông nghiệp khi đồng bào Thái Bình thực hiện chủ trương của Nhà nước đi khai hoang, lúc đó gọi là tham gia xây dựng kinh tế - văn hóa miền Núi. Giao Bình là ghép chữ Giao của xã Xuân Giao với chữ Bình của tỉnh Thái Bình. Ai nghĩ ra cái tên cũng hay. Bởi dù bụi thời gian có lấp đi nhiều thứ nhưng cái tên vẫn nhắc nhở cho con người nơi đây một dấu ấn lịch sử, khiến lớp lớp cháu con không bao giờ quên xuất xứ cội nguồn cha ông, dòng tộc.
Thái Bình là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, đất chật, người đông nên hầu như đi đến đâu cũng gặp người Thái Bình. Riêng Hội đồng hương Thái Bình ở Thành phố Lào Cai hằng năm họp mặt không dưới 1000 người, đại diện cho 1000 hộ của quê hương Chùa Keo. Thái Bình có nền “văn hóa chèo” nổi tiếng. Người Thái Bình đi đến đâu cũng mang Chèo đến đấy.

Ông Lê Xuân Điệp, người giữ lửa
cho phong trào văn nghệ quần chúng ở Xuân Giao
Ở Giao Bình có ông Lê Xuân Điệp, từ hơn 40 năm nay, ông vẫn đau đáu với giai điệu chèo của quê lúa Thái Bình. Từ năm 1971, ông đã xây dựng tại Giao Bình một đội Văn nghệ luôn vang lên những giai điệu chèo. Trải qua nhiều bước thăng trầm, có lúc phong trào rất sôi nổi, có khi chìm lắng, tưởng như “mất tích”. Nhưng rồi tự dưng lại bùng lên như ngọn lửa gặp gió.  Mấy năm nay, mặc dù đã bước vào tuổi thất thập, ông Lê Xuân Điệp lại thổi vào ngọn lửa chèo ở Giao Bình.

Ngôi nhà của hai ông bà Điệp - trụ sở của Đội Văn nghệ

Đội văn nghệ chỉ trên dưới hai chục người, cả người hát, người múa, người đánh nhạc, nhưng ông Điệp đã thu hút thêm cả những anh chị em có “máu” chèo ở các địa phương khác đến cộng tác, xây dựng phong trào. Năm 2013, Đội văn nghệ Giao Bình đã được chính quyền xã chính thức công nhận. Mỗi khi địa phương (thôn, xã) có công, có việc Đội lại dàn dựng một số tiết mục để phục vụ bà con.

Chị Kim Liên diễn viên hát


Múa phụ họa
Hôm 15/2 (16 tháng Giêng Giáp Ngọ), Đội văn nghệ Giao Bình khai xuân. Tôi và mấy anh chị em ở thành phố Lào Cai được mời đến cổ vũ phong trào. Vui lắm. Ngôi nhà của ông Lê Xuân Điệp trở thành một “nhà hát” mi ni ở giữa làng. Được biết năm ngoái ông Điệp xây cái nhà này cũng có “ngầm ý” nhằm mục đích để có địa điểm khang trang cho Đội văn nghệ làm trụ sở. Hiện tại, Đội có đủ loa, máy tăng âm (do Trung tâm văn hóa huyện tặng), micro có dây, không dây, đàn, nhị, sáo, trống phách, trang phục sân khấu...  tuy chưa đáp ứng yêu cầu nhưng cũng tàm tạm, do anh chị em chắt chiu từ những đồng tiền túi của người nông dân chân lấm tay bùn, sẵn sàng đánh cược với niềm đam mê, niềm vui nơi thôn giã.


Ông Huy Đức thổi sáo

Ông Xuân  Điệp tập đánh trống chèo

Ông Xuân  Diệp, anh trai ông Điệp chơi đàn tứ
Bữa trưa, cuộc gặp mặt cũng phải ba, bốn mâm. Các món thịt lợn, thịt gà, rau, trái...Hầu hết thực phẩm là cây nhà lá vườn, thiếu thì các con, cháu tài trợ.  Những ngày như thế này, ông Điệp thường tổ chức vào Chủ nhật, nên các con, cháu công tác ở tỉnh, huyện... cũng được gọi về hỗ trợ hậu cần cho ông, bà. Trong cuộc gặp mặt hôm nay, có cả anh con rể là thầy giáo, đương kim Hiệu trưởng một trường THCS đã về làm “đầu bếp” giúp cha mẹ phục vụ Đội văn nghệ, khiến tôi thật ngưỡng mộ. Đó là tấm lòng của những người con đối với cha mẹ già, là biểu hiện cụ thể của chữ Hiếu, rất hiếm có.  

Ông Quang Thái vỗ trống cơm
Ông Văn Kiên, nhạc trưởng chơi nhị 2

Ông Văn Phượng (phải)- chơi Hồ trung

Máy tăng âm của Trung tâm Văn hóa huyện Bảo Thắng tặng
Tiếng hát, tiếng đàn của anh chị em, phần nhiều là người cao tuổi, tuy không chuyên, chưa thật mượt mà, nhưng nó là một sân chơi, là nguồn đam mê của người lao động chân đất, giầu tình cảm, giầu cảm xúc, là cái tình mộc mạc của những con người yêu quê hương, bản quán, yêu làng xóm và quý trọng lẫn nhau.

Sân tập
Những gương mặt (còn thiếu) của Đội Văn nghệ Giao Bình

Không có nhận xét nào: