Lễ hội "máu" có nên nâng tầm di sản?
Ảnh: Theo TTXVN |
Tác giả: HOÀI HƯƠNG
- Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch vừa công bố danh sách
những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có Lễ hội
Chọi trâu của Đồ Sơn. Một lễ hội “đẫm máu” và mang tính bạo lực rất cao, từng
gây tranh cãi ở nhiều giới.
Sự kiện trên thêm một lần nữa đặt ra câu hỏi, có nên đưa
những lễ hội “máu” như chém lợn, chọi trâu, đâm trâu… thành di sản văn hóa quốc
gia hay chỉ để nó như một lễ hội tâm linh trong phạm vi của địa phương?
Có nên nâng tầm Di sản quốc gia?
Đầu tiên, giới chuyên gia và người dân chưa có
thông tin để xem bộ hồ sơ đệ trình lên Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch của
Hải Phòng như thế nào? Đã qua những khâu thẩm định ra sao, theo các tiêu chí
nào (UNESCO có hẳn một danh sách những tiêu chí để bình chọn các di sản thế
giới), cũng chưa thấy công trình nghiên cứu khoa học, văn hóa dân gian nào một
cách chi tiết về Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, và ngay cả xuất xứ của Lễ hội vẫn
chưa có một thống nhất nào rõ ràng.
Trong
bài phát biểu vào đêm 12/9/2013 ở Hải Phòng, lãnh đạo thành phố cho
rằng Lễ hội này có từ thời Lý, cách đây hơn 1000 năm? Không biết dựa vào
tài liệu nào hay chỉ là “ăn theo” để cho Lễ hội có tầm dài lịch sử dễ
thuyết phục công nhận “Di sản”?
|
Theo truyền thuyết và thần tích thì Lễ hội
Chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa
phương có từ thế kỷ thứ 18. Qua các truyền thuyết và thần tích ở Đồ Sơn thì
những vị tổ đầu tiên lập nghiệp đã chọn nghề đánh cá. Nhưng rồi trong cuộc đấu
tranh sinh tồn thủa sơ khai, con người tự tìm thêm một đấng quyền uy linh
thiêng làm chỗ dựa.
Người dân Đồ Sơn vẫn truyền nhau sự tích lễ
hội chọi trâu: Một đêm rằm tháng 8, dân miền biển Đồ Sơn nhìn thấy một tiên ông
đang say sưa ngắm hai chú trâu chọi nhau trên những con sóng bạc.
Còn theo thần tích, dưới chân Núi Tháp, thuộc
địa phận xã Ngọc Xuyên, có một ngôi đền, mỗi khi trời u ám, thường có một vị
thần râu tóc bạc phơ hiện hình ngồi trên thạch bàn, trước cửa đền có hai con
trâu chọi nhau. Cảnh đó thường diễn ra vào mùng 9/8 âm lịch hàng năm, nên dân
ba xã làm mâm bột đặt trong đền làm lễ cầu thần hiện. Sáng ra, chỉ thấy dấu
chân chim sẻ trên đó, nên đặt tên là Tước Điểm thần.
Riêng sách Đồng Khánh Địa Dư Chí Lược (Triều
Nguyễn, thế kỷ 19) ghi rõ: "Đền Hùng Trấn Tước Điểm Thần thờ thuỷ thần Đồ
Sơn trên Núi Tháp thuộc huyện Nghi Dương. Tương truyền, dân ba xã Đồ Sơn sống
bằng nghề chài lưới, vẫn muốn lập ngôi đền để thờ thuỷ thần.
Có người trong xã mộng thấy Thần Thuyền nên
dựng đền trên núi Tháp, ngày hôm sau người đó lên núi thấy một đàn chim sẻ quây
lượn trong giây lát rồi bay ra phía biển. Dân Đồ Sơn dựng đền trên núi. Hội
chọi trâu được tổ chức hàng năm vào mùng 9/8 âm lịch hàng năm là ngày đại sự.
Nguồn gốc hội chọi trâu còn được sách Đồng
Khánh Dư Chí Lược ghi: "Xưa có người dân trong xã đi qua đền Hùng Trấn
Tước Điểm Thần thấy hai con trâu húc nhau, thấy động chúng bỏ chạy xuống biển.
Về sau, dân xã Đồ Sơn mở hội chọi trâu vào ngày mùng 9/8 hàng năm và cho rằng
trong ngày hội thế nào cũng có trận mưa to gió lớn. Đó là thuỷ thần Đồ Sơn hiển
linh.
Tuy nhiên, cho đến nay nguồn gốc lễ hội Chọi
trâu Đồ Sơn còn đang là vấn đề tranh luận.
Dựa vào một số tài liệu chữ Hán, chữ Pháp, chữ Quốc ngữ
hiện còn lưu ở Trung tâm lưu trữ quốc gia I, ở Viện Hán Nôm, ở Viện thông tin
KHXH quốc gia và ở một số gia đình tại Đồ Sơn, ghi nhận: Lễ hội này vốn bắt
nguồn và liên quan mật thiết đến tục thờ thần bảo hộ của dân chài cổ đại Đồ
Sơn.
Về nguồn gốc lễ hội còn “mù mờ”, chỉ theo truyền thuyết, thần phả, sự tích…, và
chỉ là trong một quần cư dân làng chài đánh cá chài lưới ở một vùng biển nhỏ
vùng Đông Bắc nước Việt Nam.
Chưa thấy công trình khoa học nào chứng minh
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mang tính chất cộng đồng sâu rộng, lan tỏa kiểu như các
Lễ hội Đền Hùng thờ Hùng Vương, Lễ hội đền Gióng thờ Thánh Gióng, lễ hội Phủ
Giày thờ Bà Chúa Liễu Hạnh- một trong Tứ bất tử của Việt Nam…
Chưa kể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn và một số Lễ
hội Chọi trâu ở các vùng khác như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… đang còn
trong dòng quan điểm tranh cãi xem liệu có nên tiếp tục duy trì hay xóa sổ, bởi
tính “đẫm máu”, bạo lực dã man của lễ hội. Hơn nữa lại không phù hợp với cuộc
sống văn minh thời khi Việt Nam đã có sự giao lưu văn hóa với các quốc gia trên
thế giới, mà ở đó họ có những bộ luật bảo vệ vật nuôi gia đình hay thú hoang dã
rất nghiêm khắc.
Có nên tồn tại những lễ hội “máu”?
Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn với tính chất “đẫm
máu” và bạo lực vốn đã được nói đến lâu nay. Như ông Hoài Khánh, cán bộ của Đài
Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng kể lại, thì “trong một cuộc họp rút kinh
nghiệm về tường thuật trực tiếp về chọi trâu, cơ quan cũng rút kinh nghiệm về
ghi hình ảnh quá kĩ lưỡng những cảnh máu chảy, sừng móc mắt, ghê sợ và phản cảm
quá”…
Ai đi dự lễ hội này sẽ phải chứng kiến một
quang cảnh hãi hùng, hàng vạn con người như bị “ma” nhập, cùng bừng bừng sát
khí, hò hét “giết nó đi”, “đâm nó đi”… để cổ vũ cho trận thư hùng trên sới. Sau
lễ hội, có biết bao nhiêu con trâu tốt đã bị giết.
Vì theo phong tục, bất kể trâu thắng hay thua
thì đều đem giết để làm lễ tế Thần linh, sau đó chia cho các gia đình trong
làng, thôn ăn thịt lấy phúc. (Xưa đã từng chia nhưng bây giờ là bán, với giá
tiền cắt cổ vì là trâu Thần?)
Mở rộng ra, hiện không chỉ Đồ Sơn mà nhiều
vùng khác cũng có lễ hội chọi trâu. Thậm chí, ở Bắc còn một lễ hội “đẫm máu” khác
cũng rùng rợn không kém, là vào mồng 6 Tết Âm lịch người dân thôn Ném Thượng,
xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh) lại tổ chức Lễ hội Chém lợn tế Thánh.
Một cuộc chém giết y như thời trung cổ, hồng
hoang nguyên thủy, người khiêng lợn chạy, người cầm dao dài sắc lẻm, sáng loáng
vừa hò hét vừa đuổi theo chém vào con lợn, để rồi sau đó phanh bụng, lôi ruột
gan…, máu me vung vãi… Mà không chỉ một con lợn vì đây là cuộc thi giữa các
làng nên có rất nhiều con lợn bị làm vật tế Thánh vào ngày đó trong cuộc chém giết
cực kỳ dã man.
Ở vùng Phú Xuyên, Hà Nội cũng mở Lễ hội
Chạy lợn, cũng vừa chạy vừa giết lợn rất kinh hãi. Ai đã từng chứng kiến, chắc
không thể quên khung cảnh một bãi đất trống, hàng ngàn con người hò hét kích
động, tiếng con lơn bị chém- chặt rống lên đau đớn, rồi máu phun ra… Một trò
chơi tàn bạo.
Những lễ hội này mang tính nguyên thủy đơn sơ
của thời xa xưa, khi con người còn sống bằng bản năng, đối mặt với thiên nhiên
hung dữ, chưa làm chủ được nhiều trong việc sinh tồn, nên với họ, việc lấy vật
sống tế Thần Thánh là một trong những sinh hoạt tâm linh không thể thiếu, và nó
có ý nghĩa chỉ trong một quần thể dân cư hay vùng miền nhất định.
Trong thời đại này nay, khi con người đã phần
nào làm chủ thiên nhiên thì những tập tục này vẫn còn lưu giữ và phát triển,
phải chăng là một bước lùi của xã hội văn minh?
Nên đễ các lễ hội này vào bảo tàng và chỉ ở địa phương.
Người dân Tây Nguyên tưởng rằng lạc hậu nhưng
họ lại đi trước và “học” rất nhanh lối tư duy văn minh. Bởi hiện, một số vùng ở
Tây Nguyên đã bỏ dần lễ đâm trâu “hiến sinh” cho Giàng (trời) và thần linh.
Một số buôn làng truyền thống ở Đắk Lắk và Đắk
Nông, hiện nay họ không tổ chức lễ đâm trâu để mừng lúa mới như xưa. Giờ đây,
đồng bào Êđê hay M’nông đã trồng nhiều loại cây công nghiệp thay thế cho những
cho những nương rẫy trồng lúa ngày xưa.
Trong những dịp ra Tết họ phải lo đi tưới cho
cà phê, cho tiêu... chứ không còn được rảnh rỗi như ngày xưa nữa. Trong khi đó,
việc tổ chức lễ đâm trâu rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
Trong mùa hội tháng 3/2013, người dân chỉ
“diễn” lại các tập tục trong lễ hội đâm trâu của họ, ngoài lễ cúng Trời Đất
theo phong tục. Không có con trâu nào phải làm vật tế, bị đâm dã man đến chết
như trước.
Nên chăng, những lễ hội “máu” như Chọi trâu Đồ
Sơn, Chém lợn Bắc Ninh, Chạy lợn Hà Nội…, là những “di sản” để vào bảo tàng,
như một di sản văn hóa để nghiên cứu, tham quan theo mô hình. Còn những phong
tục có tính tâm linh của người dân địa phương thì vẫn giữ như truyền thống, như
một phần đời sống tâm linh của họ, và chỉ gói gọn ở địa phương, không khuêch
trương, phổ biến.
Bạn bè quốc tế sẽ nghĩ gì khi đến Việt Nam du lịch,
đúng vào mấy lễ hội “máu” này?
Vì bình yên cuộc sống, giảm đi những bạo lực
không đáng có trong xã hội đã có quá nhiều bạo lực hôm nay, thiết nghĩ cơ quan
chức năng nên cân nhắc kỹ những lễ hội “đẫm máu” này, khi phong danh “di sản
văn hóa phi vật thể quốc gia”, để như một trò khuyến khích bạo lực và lạc hậu
không đáng có, không nên có trong cuộc sống văn minh này.
Theo Tuần Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét