Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Đến Rạch Giá viếng đình cụ Nguyễn Trung Trực

Đến Rạch Giá viếng đình cụ Nguyễn Trung Trực



Mặt tiền đình thờ cụ Nguyễn Trung Trực, người anh hùng đốt cháy tàu Pháp trên sông Nhật Tảo (Long An) năm 1861
Ngược dòng lịch sử, cụ Nguyễn Trung Trực nổi tiếng là người anh hùng chống Pháp vang danh khắp miền đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là chiến công đốt cháy tàu Esperance (Hy Vọng) của Pháp năm 1861 trên vàm Nhật Tảo (Long An).
Chiếc tàu đã được hãng phim Cửu Long phục dựng với kinh phí 1,5 tỉ đồng để làm bộ phim về vị anh hùng này hồi năm 2011.

Tàu Esperance được phục dựng, đặt ngay bờ sông trước cổng đình
Vì ngưỡng mộ lòng dũng cảm và ghi nhớ công ơn ông, sau khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém ngày 27.10.1868 tại chợ Rạch Giá, nhiều người dân đã bí mật thờ ông trong đền thờ Nam Hải đại tướng quân (cá ông) chuyên cứu ghe thuyền gặp nạn ngoài khơi.

Gian thờ chính trong đình

 
Ban đầu, đây chỉ là một ngôi đền nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá do dân chài dựng nên bên dòng sông Kiên và rạch Lăng Ông, gần với bến tàu khách đi đảo Phú Quốc, Hòn Tre.
Hàng ngày, người dân quanh vùng vẫn đến đình cầu xin bình an, làm ăn thành đạt, kể cả người buôn bán, ngư dân, thậm chí là học trò. Mỗi năm đến ngày mất của ông, nhân dân các nơi tụ tập về đây tổ chức cúng cơm. Qua nhiều lẩn nâng cấp sửa chữa, ngôi đình nay đã khang trang.

Người dân thắp hương tại bàn thờ cụ Nguyễn
Ngôi đình được xây dựng theo kiểu chữ tam, gồm chánh điện, đông lang và tây lang. Hai bên cổng đình là câu đối bằng chữ Quốc ngữ được đắp nổi sơn vàng trên nền đỏ, trích trong bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực của danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa, Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.
Ngoài những bàn thờ chính dành tôn thờ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, trong đình còn đặt nhiều bàn thờ thờ kính các thần linh và những người có công khác như thờ thần Nam Hải Ðại tướng quân; bàn thờ Chánh soái Đại càn; bàn thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều (Phó Cơ Điều) và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky; bàn thờ Tây hiến, Đông hiến, Tiền hiền, Hậu hiền, Thủy long, Đồng bào nghĩa quân liệt sĩ…

Chánh điện với mái ngói cong bốn góc, trang trí hoa văn hình rồng và lá cúc
Từ lâu, người dân truyền nhau câu nói:
Dù ai buôn bán gần xa,
Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về”.
Đó là để nhắc nhờ về mùa lễ hội tưởng nhớ ngày hy sinh của Nguyễn Trung Trực, từ 27- 29.8 âm lịch. Trong lễ hội, ngoài các nghi thức cổ truyền, bà con nơi đây còn chuẩn bị nhiều tiết mục văn nghệ của ba dân tộc tại Kiên Giang: Kinh, Hoa, Khmer, các trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật, thi nấu ăn, thi múa lân, cộ hoa, thả hoa đăng trên dòng sông.

Mộ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong khuôn viên sân đình
Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận quần thể mộ và đình Nguyễn Trung Trực là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Lư hương bằng đá và bức tượng Nguyễn Trung Trực đúc bằng đồng trước đặt tại khu chợ nhà lồng Rạch Giá, nay được di dời về ngay trước sân đình.
Trong khuôn viên còn có nhà cổ và phòng trưng bày những hiện vật có liên quan cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Trung Trực lãnh đạo.

Khu nhà trưng bày di tích liên quan đến vị anh hùng mới được xây dựng
Đình thờ Nguyễn Trung Trực không chỉ là nơi người dân đến thăm viếng, cầu xin bình an mà còn là nơi khám chữa bệnh đông y miễn phí.

Các tình nguyện viên chuẩn bị các vị thuốc cho nhà thuốc đông y miễn phí trong đình
Bài, ảnh: Kim Dung

Không có nhận xét nào: