N.N.D
Thầy Phạm Tiến Giang |
Năm 1958, mình học lớp 3 trường
xã. Lớp học ở ngôi miếu một làng cách làng mình gần hai cây số, thuộc xã Tân
Liên, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An cũ, nay thuộc thành phố Hải Phòng. Bấy giờ
cả xã cũng chỉ có một trường cấp I, có 4 lớp (1,2,3,4). Lớp mình do thầy Phạm
Tiến Giang dạy.
Bốn năm học ở cấp I, mình có ba thầy
dạy, thầy nào mình cũng nhớ nhưng thầy Giang đã để lại trong bộ óc non nớt của
mình, một đứa trẻ lên mười những ấn tượng không bao giờ phai. Đến nay đã năm
mươi tư năm, bụi thời gian đã khỏa lấp đi quá nhiều điều trong cuộc đời mà hình
ảnh và họ tên thầy thì vẫn in sâu trong kí ức của mình. Những bài tập đọc, toán
cộng, trừ, nhân, chia...mình không còn nhớ thầy đã dạy như thế nào, nhưng hình
ảnh khi lên lớp thầy ôm cây đàn guitar vừa đàn vừa hát cho chúng mình nghe hoặc
một câu chuyện nào đó dẫn chúng mình vào bài học thì mình còn nhớ mãi. Một lần
lên lớp thầy mở đầu: “Hôm nay thầy kể cho các em nghe một chuyện...”. Và thầy
đã kể câu chuyện rất hấp dẫn như một truyện cổ tích về một em học sinh học giỏi
nhất lớp, nhà nghèo, thường xuyên thiếu cơm ăn, phải nhịn đói đi học, nhiều khi
đói lả trên đường. Khi về chăm chỉ việc nhà, chăn trâu, cắt cỏ...Rồi biết
thương em, thương bố mẹ như thế nào...Thầy đã khóc, khiến cả lớp xúc động. Cuối
cùng, thầy tiết lộ nhân vật mà thầy kể chính là một chị học sinh trong lớp (chị
hơn mình ba, bốn tuổi, khoảng mười ba, mười bốn)... Chúng mình ngơ ngác nhìn
chị và cảm phục. Sau này lớn lên mình mới nhận ra thầy đã dạy chúng mình về
nhân cách trước khi dậy chữ. Mình còn nhớ điều nữa là thầy dạy chúng mình tập
làm văn vần lục bát. Thầy đọc và giảng những câu ca dao như: “Con cò bay lả bay
la/ bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”, hay “Con cò lặn lội bờ sông/ gánh gạo đưa
chồng, nước mắt nỉ non”...Rồi thầy ra câu sáu, bảo chúng mình: “Em nào làm tiếp
câu tám, có chữ thứ sáu hay thứ tư vần với chữ cuối của câu trên?”. Chúng mình
thấy thích thú với cái “trò chơi” mà thầy nghĩ ra (không nằm trong sách giáo
khoa) mà rất sôi nổi. Một lần mình giơ tay đọc một câu lục bát “sáng tác” rất
vần mà có ý nghĩa (bây giờ không còn nhớ) nhưng đọc xong được thầy khen rồi
phân tích cho cả lớp nghe về nội dung và “nghệ thuật”, khiến mình cảm động và
khi tan lớp, trên đường về chúng mình vừa đi vừa đố nhau làm... thơ lục bát.
Thầy Phạm Tiến Giang sinh năm
Bính Tý, 1936, hơn mình vừa tròn một giáp. Phải chăng vì cùng cầm tinh con
chuột, nên mình có nhiều điều đồng cảm với thầy. Tính cách nổi bật của thầy là
dễ động lòng thương người. Chắc vì vậy mà từ một giáo viên cấp I thầy trở thành
giáo viên dạy âm nhạc của trường sư phạm 10+3 Hải Phòng, tiền thân của Đại học
Hải Phòng, rồi trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật thành phố này, thành
nhạc sĩ – hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam với bút danh nhạc sĩ Hà Giang.
Thầy Giang ở bãi biển Đồ Sơn |
Mình đi xa khỏi nơi chôn rau cắt
rốn từ năm mười bẩy tuổi, nên sau này không có dịp nào được gặp lại thầy và
không có thông tin gì về thầy. Trong những năm gần đây, về Hải Phòng đôi lần
hỏi thăm, người ta bảo có một ông nhạc sĩ Hà Giang không biết có phải không?
Nhưng ông đã mất lâu rồi! Trong thâm tâm mình nghĩ: chắc là thầy? bởi khi dạy
chúng mình ở lớp ba, thầy rất mê âm nhạc? Bỗng nhiên hôm nay đọc báo Dân trí có
bài: Hé mở tác giả bài thơ “Không đi
không biết Đồ Sơn”,
(http://dantri.com.vn/c730/s730-651235/he-lo-tac-gia-bai-tho-khong-di-khong-biet-do-son.htm)
một bài thơ lục bát chỉ có bốn câu mà khiến nhiều người ở khắp các tỉnh từ Bắc
chí Nam
thuộc và cho rằng đó là thơ...dân gian, khuyết danh. Hóa ra, đó là bài thơ của
thầy Giang. Bài viết Dân Trí đăng lại từ báo Tiền Phong của tác giả Đào Ngọc
Đệ, bạn thân của nhạc sĩ Hà Giang, (Phạm Tiến Giang)... Mình sững người vì cảm
động. Đặc biệt tấm chân dung đen trắng in kèm làm mình phải thốt lên: “Đây rồi,
đúng thầy mình đây rồi, không thể nhầm được!”. Mình đã chẩy nước mắt khi đọc
đến đoạn gia cảnh của thầy rất khó khăn và thầy mắc bệnh trọng đã “khuất núi”
từ năm 1989, chỉ thọ được 53 tuổi dương. Mình thương thầy quá! “Sao đến hôm nay
em mới gặp lại được thầy trên một trang báo thế này!” Mình thầm cảm ơn tác giả
Đào Ngọc Đệ, báo Tiền Phong và báo Dân trí đã cho mình được gặp lại thầy.
Mình liền mở word gõ ngay bài
viết ngắn này, coi như một nén tâm nhang muộn màng tưởng nhớ đến thầy. Mình không
ngờ sau này mình cũng dính dáng đến nghiệp văn học nghệ thuật mà thầy từng đeo
đuổi, cái nghiệp “thương vay, khóc mướn”, mà bản thân thì lúc nào cũng lận đận
trong cuộc sống nghèo túng.
Thầy đã đi xa hai mươi ba năm, đã
cách biệt mình năm mươi tư năm mà trong kí ức của mình, một lão già sáu mươi
nhăm vẫn in dấu hình ảnh người thầy từ thuở còn thơ. Thầy Phạm Tiến Giang là
một trong những tấm gương làm Người đối với mình.
Lào Cai, tháng 10/2012
"NVH -3T" xin vui mừng báo tin, ông Phạm Tiến Du, phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận Lê Chân chính là con trai thày Phạm Tiến Giàng. Mừng là "hổ phụ sinh hổi tử":
2 nhận xét:
Vậy là gia đình thầy Giang có phúc rồi! Mong con của thầy GIEO NHIỀU ÂN ĐIỂN CHO DÂN QUẬN ĐÓ,đừng giống ai.
Than ôi! Với cương vị tri huyện thời nay,anh ấy là HỔ thì dân quận Lê Chân nguy rồi!
Đăng nhận xét