PNTB: Hôm
nay mùng 5 tháng 9, "ngày toàn dân đưa trẻ đến trường". Nói gì thì nói,
cứ đến những ngày này ai cũng nhớ lại một thời từng là học sinh phổ
thông, nô nức đến trường học. "Thất học" như mình cũng được học đến lớp
8, chỉ còn hai lớp nữa là hết chương trình phổ thông 10 năm. Vì gia đình
quá khó khăn, phải "đứt gánh giữa đường", vô cùng nuối tiếc, trở thành
một ký ức không bao giờ phai... Mình đăng lại bài này, rút trong tập ký
Hai miền Quê, NXB Hội Nhà Văn năm 2009.
Ảnh minh họa. Ảnh Phó nhòm |
Thất học
Năm
học 1963 -1964 mình học lớp Tám, trường cấp Ba Vĩnh Bảo. Chú ruột mình mất, thím
tái giá nên em Phùng ở với thày bu mình, năm ấy đang học lớp Năm. Hai đứa em
ruột mình là thằng Dũng học lớp Bốn, thằng Nguyên lớp Một. Dưới Nguyên còn hai đứa
chưa đi học.
Gia
đình mình chỉ có thày, bu và chị dâu mình là lao động chính, làm công điểm cho
hợp tác xã ở cái thời dứt tiếng kẻng thì
kéo nhau ra đồng; nghe tiếng kẻng tan
tầm, dù đang dở sá cày cũng lập tức tháo trâu. Những ngày rỗi việc đồng
áng, bu mình lại vay tiền của bà con trong họ, ngoài làng tranh thủ chạy chợ.
Bu đội về một thúng thóc, cặm cụi xay, giã, giần, sàng rồi lại quẩy ra chợ.
Tiền bán gạo vừa đủ tiền mua thóc. Lãi được mớ cám chẳng qua là sự hào phóng
của đời để trả công cho người làm hàng xáo. Số tiền hàng xáo gom góp suốt cả năm
mà không đủ đóng học phí và mua giấy bút cho bốn anh em chúng mình. Lúc ấy, Nhà
nước đã có chế độ ưu tiên cho những gia đình nào có ba con đi học trở lên thì
mỗi em được miễn một phần ba học phí. Nhà mình bốn đứa đi học, tổng số tiền
được miễn bằng hơn một suất học phí rồi mà vẫn như muối bỏ bể. Đúng là “Tiền
vào nhà khó như gió vào nhà trống”.
Nắng
cũng như mưa, đông cũng như hè, thày, bu mình cứ vật lộn với đồng ruộng và chợ
búa như một sự chống đỡ với số phận để hằng ngày có thứ nạp cho chín “cái tàu
há mồm”. Buổi trưa đi học về, mình bủn rủn tay chân, vứt túi sách vở xuống, moi
bát chí yêu cơm bu ủ trong cái chăn chiên ở giữa giường, rồi mở lồng bàn. Trong
mâm là một tô đại canh rau muống nấu với mắm tôm, ngoài ra, chỉ còn một quả ớt
sừng nữa. Có thể nói, bấy giờ rau muống là vị cứu tinh, nó đã thay lương thực, nuôi
sống gia đình mình, nuôi sống bao nhiêu người ở làng, ở xã làng mình. Mình cảm ơn
rau muống suốt đời! Ăn một mạch, đứng dậy, mồ hôi mồ kê vã ra như một gã thợ
cày đang cày ruộng. Bu mình bảo: “Thằng này nó có cái nết ăn lúc nào cũng đổ mồ
hôi, số nó là vất vả lắm đấy!” Bu mình đoán nhầm. Mình thấy sống mũi cay cay
bởi vì chính bu mới là người vất vả.
Tháng
Ba năm ấy, vào một ngày đẹp giời, bu gọi cả bốn anh em đang đi học trịnh trọng tuyên bố: “Bu đã nhiều
đêm trăn trở và suy nghĩ kĩ rồi, hôm nay bu quyết định nói với các con và cháu
như thế này: Nhà ta đông người
ăn, ít người làm, lại những bốn đứa đi học. Thày bu cũng đã mệt mỏi lắm rồi. Cuối
năm học này, đứa nào lên lớp thì thày bu vẫn cố cho học tiếp, đứa nào đúp thì phải nghỉ. Được không?” Tất
nhiên, chúng mình không thể không nghe bu. Các em mình thì thế nào cũng được,
có khi thôi học chúng lại thích thú là đằng khác. Còn mình đã lớn, là học sinh
khá từ năm đầu vào học cấp Ba. Mình đã nhìn thấy tương lai của mình chỉ có thể dựa
trên bước đường học hành. Mình yên tâm vì cầm chắc là được lên lớp. Quả nhiên, kết
thúc năm học, mình được lên lớp Chín. Hai thằng em Dũng, Nguyên cũng được lên
lớp. Chỉ còn Phùng ở lại lớp Năm. Mình buồn cho nó. Còn về phần mình thì cứ yên
trí: “Thế là mình vẫn được đi học!”. Nhưng, bất ngờ bu mình bảo: “Con và Phùng
nghỉ học! Hai đứa lớn rồi, nghỉ học giúp đỡ thêm thày bu.” Mình chưa kịp “cãi”
thì bu giải thích: “Tuy bu đã bàn với chúng mày hồi tháng ba như thế, nhưng bây
giờ không may em Phùng lại đúp. Nếu bu cho Phùng nghỉ mà cả ba đứa con đi học
thì bu sẽ giải thích thế nào được với xóm làng?... Thôi, mày nghỉ học cùng em
Phùng. Dù sao, con cũng là đứa lớn nhất, hiện nay học cao nhất nhà, nhất làng
rồi. Sau này khi nào có điều kiện, con và Phùng lại học tiếp...”. Nói đến đây,
thấy giọng bu nghèn ngẹn, đôi mắt bu ầng ậng nước...
Phùng
kém mình một tuổi, nhưng lại nhiều hơn các anh là em trai mình. Phùng học yếu,
nên em cũng không thiết tha đi học lắm. Còn mình, đã ý thức được sự cần thiết
phải học, học lực lại khá, đang say sưa, nhiệt tình mà bất đắc dĩ phải rời ghế
nhà trường, mình như kẻ bơ vơ, lạc lõng, hẫng hụt và có cảm giác như người đánh
mất của. Mình cố giấu những giọt nước mắt xót xa vào lòng, chỉ ứa ra trong đêm khuya,
khi mà cả nhà đã ngon giấc. Mình biết rằng, nếu để lộ ra thì khác nào như cầm
dao cứa vào trái tim của bu. Bắt mình thôi học, bu đã đau lòng lắm rồi...
Mình xấu hổ mỗi khi nhìn thấy bạn vẫn đang vô tư, tung tăng cắp
sách đến trường. Trước cổng ngôi trường mà mình đã học là cái chợ huyện. Mỗi
lần bu mình sai đi chợ để mua một cái gì đó, mình phải đợi đúng lúc có sáu
tiếng trống vào lớp thì mới dám lỏn vào chợ, bụng bảo dạ: Phải nhanh, để ra khỏi chợ trước lúc có ba tiếng trống giải
lao. Mình rất sợ nếu gặp đứa nào nó hỏi: “Tại sao mày nghỉ học?” thì mình sẽ
không biết nói thế nào, nếu không nói thật là nhà tớ nghèo quá, cơm không đủ ăn,
lấy tiền đâu mà mua giấy bút và đóng học phí...Ngay từ những ngày ấy, Giời đã bắt mình mắc căn bệnh “sĩ”! Bệnh này khiến
mình làm sao còn đủ dũng khí để nói thật với bạn bè nỗi nhục muôn thuở của con
người: Cái nghèo! Ngày ấy, mình đã chứng kiến biết bao cử chỉ của người lớn để
che dấu cái nghèo. Mâm cơm vừa dọn ra, trên mâm chỉ có đĩa rau muống luộc và
bát nước cáy dằm ớt. Mọi người vừa bưng bát cơm độn ngô lên, chưa kịp và, thì
có khách. Bu mình liền vội bưng mâm chạy vào trong buồng, lấy lồng bàn úp lại,
quyết giấu kín, không để khách nhìn thấy, phát hiện ra “cái nghèo” ngay trên
mâm cơm thì khác nào xúc phạm vào lòng tự trọng.
Có lẽ bệnh sĩ là căn bệnh truyền kiếp từ
thuở cha ông, chả thế mà từ đời xưa, các cụ đã dạy: “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy
lại.” Cái nghèo phải đậy lại. Đậy cho kín. Bởi nó có đẹp đẽ gì đâu mà phải khoe
khoang? Thực ra, có một thời, người ta đã tôn vinh cái nghèo, khoe cái nghèo,
tranh nhau cái nghèo để được trọng vọng, để được đưa lên cao... Nhưng, điều đó
chỉ thoảng qua như một cơn mê sảng giữa ban ngày!...Từ ngày “đổi mới”, cái
nghèo lại quay về nỗi nhục. Những người lắm của nhiều tiền lại “thành tiên,
thành phật”, lại thành “sức bật của ông già”, thành “cái đà danh vọng, cái lọng
che thân”, thành “cán cân công lý...”.
Còn mình, trong khi sức học đang dồi dào phải giữa đường đứt
gánh, phải cam lòng thất học, thì đó tựa như sự thừa nhận và bất lực trước cái
nghèo giữa bàn dân thiên hạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét