Đám cưới Đời sống mới.
Thoắt đà đã bốn mươi năm
Bốn mươi cái rét căm căm xứ người.
Xa quê tìm kế sinh nhai
Gặp nhau giữa chốn núi đồi mênh mông.
Mặn nồng tình nghĩa vợ chồng
Việc nhà, việc nước đồng lòng cùng nhau.
Những khi gió bấc, đêm thâu
Đói no chung hưởng, nặng câu nghĩa tình.
Điệu chèo của đất quê mình
"Đường trường duyên phận phải chiều" cùng nhau
Nhưng khi kẻ ốm, người đau
Tay bưng chén thuốc, dạ sầu ngổn ngang.
Cái thời gồng gánh khai hoang
Cái thời khoai, sắn xây nền tương lai.
Trải qua tháng rộng, năm dài
Mồ hôi, nước mắt kết đài hoa xuân.
Vợ chồng nghĩa ái, tình ân.
Gái, trai đầy đủ, vườn xuân rườm rà.
Bốn mươi năm cuộc đời ta
Trồng cây đức để kết hoa cuộc đời.
Bây giờ tuổi đã già rồi
Dư âm cuộc sống trong lời hát xưa.
Nhớ hồi dãi nắng dầm mưa
Giật mình tỉnh giấc như vừa chiêm bao.
"...Trong rừng..." biết mấy gian lao
"Chông chênh", "làn thảm" dắt nhau ".. qua cầu"
"Vị tình..." mãi mãi bên nhau,
"Du xuân" nay đã ra màu tóc xương.
"Đào lý..." chung một chặng đường
Thương nhau "con nhện..." vấn vương "... giăng mùng" .
Dẫu đời còn lắm bão bùng
"Xẩm xoan", "Tứ quý"... sống cùng với ta.
"Đường trường..." muôn dặm đã qua.
Bạn tôi xây dựng gia đình đã 40 năm. Ngày bạn cưới vợ, tôi không được dự. Đó là thời kỳ chiến tranh, đi lại cực khó và tôi cũng đang ở chiến trường.
Nay mừng bạn gia cảnh đề huề, cháu con vui vẻ. Xin tăng bạn mấy câu thơ
Thoắt đà đã bốn mươi năm
Bốn mươi cái rét căm căm xứ người.
Xa quê tìm kế sinh nhai
Gặp nhau giữa chốn núi đồi mênh mông.
Mặn nồng tình nghĩa vợ chồng
Việc nhà, việc nước đồng lòng cùng nhau.
Những khi gió bấc, đêm thâu
Đói no chung hưởng, nặng câu nghĩa tình.
Điệu chèo của đất quê mình
"Đường trường duyên phận phải chiều" cùng nhau
Nhưng khi kẻ ốm, người đau
Tay bưng chén thuốc, dạ sầu ngổn ngang.
Cái thời gồng gánh khai hoang
Cái thời khoai, sắn xây nền tương lai.
Trải qua tháng rộng, năm dài
Mồ hôi, nước mắt kết đài hoa xuân.
Vợ chồng nghĩa ái, tình ân.
Gái, trai đầy đủ, vườn xuân rườm rà.
Bốn mươi năm cuộc đời ta
Trồng cây đức để kết hoa cuộc đời.
Bây giờ tuổi đã già rồi
Dư âm cuộc sống trong lời hát xưa.
Nhớ hồi dãi nắng dầm mưa
Giật mình tỉnh giấc như vừa chiêm bao.
"...Trong rừng..." biết mấy gian lao
"Chông chênh", "làn thảm" dắt nhau ".. qua cầu"
"Vị tình..." mãi mãi bên nhau,
"Du xuân" nay đã ra màu tóc xương.
"Đào lý..." chung một chặng đường
Thương nhau "con nhện..." vấn vương "... giăng mùng" .
Dẫu đời còn lắm bão bùng
"Xẩm xoan", "Tứ quý"... sống cùng với ta.
"Đường trường..." muôn dặm đã qua.
"Hồi văn chức cẩm" cả nhà cùng vui
Trần Tuấn Tiến
Yêu nhau từ năm 1970 đến 1973 thì
cưới. Nhà mình vốn thuộc diện nghèo kinh niên từ thời còn ở quê Vĩnh Bảo,
Hải Phòng. Thế nên dù là đám cưới đời sống mới thì thày bu mình cũng không thể
đủ sức lo. Biết vậy nên hai đứa chủ động lặng lẽ chuẩn bị từ năm 1971. Sau hai
năm, hai cái sổ tiết kiệm gộp lại có số dư bốn trăm linh một đồng năm hào. Mình
bảo Dự, đủ rồi em ạ. Ngồi tính chi li từ việc tổ chức Lễ ăn hỏi (chủ yếu là
trầu cau) đến việc Cưới, mua sắm bánh kẹo, thuốc lá, mua giấy màu cắt trang trí
hôn trường...Và nặng nhất, chí tử nhất vẫn phải có một bữa cơm thường cho
khoảng hai, ba chục khách, chủ yếu là người nhà ở xa...
Vì đám cưới đời sống mới nên
không ai quan tâm đến ngày âm lịch, chả xem tuổi tác, ngày giờ gì sất. Vô sư vô
sách. Điếc không sợ súng. Mình nghĩ, cứ chọn giữa tháng Chín dương lịch, dịp
Trung thu, chắc chắn là thời tiết tốt, mát mẻ, lượng mưa cũng đã giảm, bà con
đi dự cưới khỏi ướt. Hai bên gia đình hoàn toàn tin tưởng. Chúng mình bảo sao
các cụ cũng gật.
Lúc đó mình đang là cán bộ Phòng
Tổ chức Ủy ban. Dự là cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin. Trước một tháng, ở phố
huyện chỗ nào cũng đã biết sắp có đám cưới của hai người. Bởi thị trấn Phố Lu
còn rất thưa dân. Mấy thằng chưa vợ trong những lúc trà dư tửu hậu thường ngồi
thống kê miệng những cô gái chưa chồng ở các cơ quan huyện, chẳng sót một ai.
Cô này được cái miệng, hàm răng cười tươi nhưng đôi chân thì đi như chữ Tàu. Vứt.
Cô kia được nước da trắng, mái tóc đen bóng, dài đến khoeo, phải mỗi tội đôi mắt
cứ hấp ha hấp háy. Cũng vứt. Cô kia nữa chả được cái gì ngoài cái mông tròn và
mẩy. Cũng vứt nốt.. Cứ thế mà vứt hết thì cấm được cô nào. Mình nghĩ ra sáng
kiến, bây giờ tìm lấy một cô. Lấy một cô có dáng người đẹp nhất làm “cốt”, rồi
lắp ghép mái tóc cô A, nước da cô B, hàm răng cô C... Cứ như ngày nay người ta
làm ảnh photoshop vậy. Cuối cùng được một cô gái đẹp tuyệt vời. Tiếc là không
sờ vào được, chỉ tưởng tượng trong đầu thôi...
Lại nói về đám cưới, từ tháng
Sáu, mình đã viết thư cho Đỗ Đăng Định đang công tác ở Phòng Văn hóa Bát Xát: “Ông
phải chuẩn bị cho tôi khâu trang âm. Ở huyện, chỉ có mỗi cái máy tăng âm của
Đài truyền thanh, bố ai dám mượn”. Định bảo: “Được, tôi sẽ lo”. Lại viết thư
cho Hiển, một nhân vật tài hoa nổi tiếng viết, vẽ và cắt chữ đẹp nhất vùng.
Trước đây Hiển ở Bảo Thắng, nay đã chuyển lên công tác ở Cửa hàng Sách - Ảnh
Bắc Hà. Hiển viết thư xuống bảo tả cho hắn cái Phòng cưới. Vị trí, diện tích,
chiều cao, chiều rộng, màu sắc phông chính... để hắn thiết kế việc cắt chữ
trang trí. Trước ngày làm lễ cưới sẽ mang xuống. Riêng về khâu ánh sáng là rất
bí. Ngày ấy không có điện mà lại cưới tối, chả nhẽ thắp đèn dầu hay đốt đuốc
thì quan khách làm sao nhìn rõ mặt cô dâu, chú rể ? Bấy giờ, nữ hoàng ánh sáng
chỉ có đèn măng xông. Đèn măng xông thì mượn được nhưng lấy đâu ra mạng? Đội Thông
tin lưu động của Phòng Văn hóa mỗi tháng chỉ được cấp có một cái mạng. Mà mạng măng
xông một khi đã đốt rồi, sơ ý là rụng. Ông trưởng phòng văn hóa đe: “Các anh
phải rất cẩn thận, đi làm mà để rụng mất mạng là phải đền...mạng đấy”. Khiếp!
Biết vậy mình chả dại gì dính dáng đến mạng đèn măng xông ở cơ quan vợ. Từ đầu
năm đã viết thư cho Trịnh Văn Tếnh, đang học nhạc ở Hải Dương nhờ mua dần cho
mấy cái mạng đèn măng xông. Nhưng Tếnh viết thư về bảo, đã lùng sục khắp nhưng
không mua được. Một hôm Dự khoe: “Xong rồi anh ạ”. “Cái gì?” “Mạng đèn xong
rồi. Em quen anh Huyền Chiêu phụ trách ánh sáng của Đoàn Văn công Lào Cai, nằn
nì: Anh làm ơn, làm phúc... giúp em hai cái mạng đèn măng xông. Anh ấy vào kho
móc ra... chín cái cho em, không lấy tiền!” Nghe xong tôi nhẩy cẫng lên.
Sướng...toát mồ hôi!...
Còn việc quan trọng là lo cho vài
chục bà con ở xa từ các xã, các huyện trong tỉnh về dự, khoảng dăm bẩy mâm gọi
là “ăn tươi”. Đó không phải là tiệc cưới. Chả lẽ ở xa đi bộ, đi xe đạp về sớm
lại nhịn đói sao được. Hai đứa bàn nhau ki cóp trong hơn một năm giời, mỗi
tháng tiết kiệm ra được vài lạng tem thịt, đi xin bạn bè thân tình mỗi người vài
lạng. Dồn vào được gần hai mươi ki lô gam tem. Lợi dụng chỗ quen biết với mấy
chị ở thương nghiệp chuyển đổi ra lợn hơi, được một con gần bốn mươi cân. Mổ
lợn thì còn tận dụng được cả lòng, sỏ, xương xẩu, nước xáo nước xuýt...
Tối 15 tháng Chín năm 1973 sẽ
diễn ra Lễ cưới trang trọng tại Phòng họp Ủy ban hành chính huyện. Tuy chỉ là
một phòng họp trong ngôi nhà một tầng, xây từ năm 1960, chứa được khoảng hơn
trăm người, nhưng dám chắc thuộc loại lịch sự nhất huyện bấy giờ. Trước đó ba
ngày, Đỗ Đăng Định đã có mặt và cặm cụi cưa đục, ghép những mảnh gỗ dán thành
một cái thùng loa. Định tháo cái loa của đài Orionton lắp vào thùng cho tiếng
vang hơn, to hơn. Anh cắt phần âm tần của cái Oriongton hỏng, cải tiến ra thành máy tăng âm,
cắm mic vào là a lô tốt. Trước một ngày, Hiển complet cà vạt, đi xe khách từ
Bắc Hà xuống, tay xách một va ly, nom rất “hộp”. Trong va ly là họa tiết, chữ nghĩa...trang
trí cho đám cưới mà Hiển đã tranh thủ làm xong từ nhiều ngày trước. Ở đấy có
hai chữ D lồng nhau, một đôi bồ câu trắng bồi bằng bông trên giấy bìa, có dòng
chữ Chúc mừng hạnh phúc và nhiều họa tiết khác. Tạ Ngọc Xình, một trong những
bạn chí cốt của cả hai vợ chồng trong đội văn nghệ, một tay bợm rượu hạng vừa,
được phân công cùng với anh Tập phụ trách đầu bếp và “chuyên gia” ánh sáng. Sau bữa ăn tối hôm
đó, việc quan trọng nhất của anh Xình là phụ trách 9 cái đèn măng xông treo từ
Hôn trường ra đến cổng Ủy ban. Phải liên tục bơm hơi hết cái này đến cái kia,
nếu để hết hơi là tắt. Mỗi cái đèn măng xông tương đương ngọn điện 300 watt.
Toàn khu vực Ủy ban rực rỡ ánh sáng mà người dân ở đây có lẽ chưa từng được
chứng kiến? May là thời gian đó Hiệp định Pari đã ký: Mỹ ngừng bắn phá miền
Bắc, nên tối đến không phải kiêng ánh sáng như hồi trước. Ở Hội trường, người ta kê những hàng bàn chạy
dọc, hai bên là các loại ghế thập cẩm, huy động ở tất cả các phòng làm việc của
Ủy ban. Dự kiến thiếu chỗ ngồi, kê thêm bàn ghế ra hành lang. Nếu thiếu nữa thì
người nhà mình chịu khó đứng. Trên bàn bầy hai ba loại bánh kẹo, hạt giời rang
giòn. Chủ yếu là kẹo chuối Hải Châu. Thuốc lá Tam Đảo mỗi đĩa một bao, mấy lọ hoa
tươi... Ngoài tiêu chuẩn được duyệt theo Giấy Đăng ký kết hôn, còn chạy cửa
sau, “xập xí xập màu” nhờ sự thân quen với các chị bên Thương nghiệp nên thêm
được ít kẹo ngon và mấy tút thuốc lá..
Cơm tối xong, mọi người lục tục
kéo dần lên hội trường. Khách dưới phố cũng lên từng đoàn. Có người trên tay
còn cầm thêm cái quạt giấy hoặc quạt nan, phòng khi nóng quá phất phơ một tí
cho mát. Ai đến cũng tự vào ghế ngồi, cắn hạt giời, nói chuyện tự nhiên, vì hầu
như đều quen biết nhau cả. Không có người đứng ở cửa đón rước lịch sự. Cũng
không có cái “hòm công đức” hình trái tim như sau này. Tiếng đài vang lên những
bài hát Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca năm tấn, Đường cày đảm đang, Không cho
chúng nó thoát... nghe chẳng ăn nhập gì với cảnh cưới cheo nhưng ai cũng thích.
Mình mệt quá, người đuội đi vì phải chủ trì lo công việc dồn dập hằng tháng
trời. Thày bu ở xã ra thì cũng chỉ ngơ ngác, chẳng biết đâu vào đâu. Bảo các cụ
ngồi chỗ nào thì ngồi yên chỗ ấy, không dám đi lại nhiều, sợ lạc. Anh Bùi Quang
Xá, phó văn phòng Ủy ban, người có khẩu khí nhất cơ quan, làm chủ hôn, dẫn
chương trình.
Trước giờ khai mạc, Dự và ba, bốn
cô bạn thân như Lý, Chung, Tám... chui vào cái phòng làm việc của mình, phòng có cửa ngách ra hội trường
rất tiện. Các cô nắn nót cho Dự bộ quần áo mới may. Quần sa tanh, áo sơ mi
trắng. Mình cũng có một bộ mới, đã may trước đó hằng tháng, bây giờ vẫn gấp để
ở trên bàn làm việc. Sắp đến “giờ G”, một cô giục: “Ơ kìa, sao anh không mặc
quần áo vào!”. Mình chẳng nề hà gì, tụt bộ áo quần cũ quăng ra, còn mỗi quần
đùi, áo lót để mặc bộ mới. Người đã bé, lại gầy nhom. Trước khi đăng ký kết
hôn, người ta bắt khám sức khỏe. Dự được 48 cân, mình có 42! Bây giờ cởi ra
trước mặt các cô kể cũng hơi ngại. Nhưng không thể đừng được. Mặc được cái áo
sơ mi cổ cồn hẳn hoi xong, xỏ cái quần vào thì tá hỏa vì...chưa đơm khuy! Mình
hét nhỏ: Nhanh lên các cô, đơm vào đây, sắp tuyên bố rồi...
Tất nhiên rồi cũng đâu vào đấy.
Vừa mặc xong quần thì đã nghe tiếng anh Bùi Quang Xá: “Xin mời cô dâu,
chú rể ra mắt hội hôn!” Tiếng vỗ tay rào rào. Tiếng pháo nổ ran cung
mây. Khói pháo
trùm lên từ cửa hội trường vào đến hết phòng hôn lễ. Mình có cảm giác
như đang
bay trong mây mù. Sau ý kiến phát biểu của đại diện hai họ là ý kiến của
đại
diện hai bên cơ quan...Cứ như hội nghị giao ban. Thủ trưởng hai cơ quan
còn dặn
đi dặn lại: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Tất nhiên, nghe thì
nghe chứ
hơi đâu mà chú ý được những lời dạy bảo đã lắp đặt sẵn theo công thức
như thế. Nhưng
lạ, mọi người đều trật tự nghe như ở hội nghị. Có lẽ thời ấy, cái sự nói
nó
chưa bị “lạm phát cao” nên người ta còn chịu khó ngồi nghe.
Nghi lễ chỉ có thế. Xong rồi
người dẫn chương trình gợi ý, tán tỉnh mời mọi người hát. Có người còn xung
phong, không cần chỉ định. Nhớ nhất là giọng hát của anh Vĩnh, cán bộ Mỏ
Apatit. Vĩnh là anh trai của Trường Thành, cùng cơ quan với Dự. Anh hát hay như
ca sĩ, chỉ tội không có nhạc đệm. Giữa lúc cao trào, anh Xá bê ra một gói tặng
phẩm vuông vắn, được bọc bằng giấy điều, thắt dải xanh. Anh giơ lên trước hội
hôn và nói: “Tôi xoay sở mãi mới kiếm được tặng vật này để mừng cô dâu chú rể
trong ngày vui hôm nay. Xin công khai để bà con cùng mừng cho hạnh phúc đôi
bạn”. Dứt lời, anh từ từ mở gói ra: Bốn viên gạch chỉ! Anh bảo: “Để kê chân
giường cho chắc!”...
Lễ cưới cứ thế kéo dài cho đến lúc
kẹo, bánh trên bàn sắp cạn... Mọi người vừa về hết, người nhà và một số bạn
thân đang thu dọn thì một cơn mưa rào trút xuống. Ở bàn trên cùng, có trải cái
vỏ chăn hoa, quà mừng xếp như một quầy hàng bách hóa mi ni. Nồi, xoong, chậu,
phích nước, khăn mặt, tã lót cho trẻ sơ sinh, xoong quấy bột, sổ công tác...
Cái thì không gói, chỉ dán mảnh giấy đề tên người tặng, cái thì đóng gói vuông
vắn, lại còn thắt thêm cái nơ hồng cho lịch sự. Phải hai cái vỏ chăn mới túm
gọn được ngần ấy tặng phẩm...
Mười một giờ đêm, mưa đã tạnh,
mọi người về hết chỉ còn lại hai vợ chồng. Mình hỏi Dự: “Giờ ngủ đâu nhỉ?”. Chả
là trước khi cưới hai đứa đều ở tập thể cơ quan. Làm gì có phòng riêng. Dự bảo:
“Hôm nay ở dưới em cái Chung nó đi ngủ với bạn, nhường phòng cho. Bây giờ tạm
xuống đấy rồi mai tính tiếp”...
Kỷ niệm 40 năm ngày cưới
15 tháng 9 năm (1973 - 2013)
2 nhận xét:
Cảm ơn Trần Tuấn Tiến rất nhiều. Anh đã có những vần thơ tặng Dương - Dự nhân Kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Những vần thơ mộc mạc mà cảm động, bởi đó là tiếng lòng của một người bạn hiểu hết ruột gan nhau.
Cảm ơn Trần Tuấn Tiến rất nhiều. Anh đã có những vần thơ tặng Dương - Dự nhân Kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Những vần thơ mộc mạc mà cảm động, bởi đó là tiếng lòng của một người bạn hiểu hết ruột gan nhau.
Đăng nhận xét