Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Loay hoay chỗ ở một thời

Loay hoay chỗ ở một thời
 N.N.D
Sau khi cưới xong, việc đầu tiên là phải lo chỗ ở. Chưa thể nghĩ đến việc làm nhà riêng, dù đó chỉ là một túp lều. Vì làm gì có tiền và đất. Theo quy ước của Công đoàn hai vợ chồng mới cưới ở hai cơ quan khác nhau thì cơ quan bên nữ thường phải có trách nhiệm lo chỗ ở. Nhưng Phòng Văn hóa không có điều kiện. Thế là Ủy ban huyện bố trí cho một gian ở dãy nhà tập thể. Cái gian nhà tranh rộng chừng 16 mét vuông, được ngăn ra bởi những tấm liếp đan bằng nứa nóng đôi. Muốn cho kín đáo thì dán thêm giấy báo. Ông bà ngoại cho cái giường đôi ba xà kê vào lại bị kích bởi cây cột. Chả nhẽ đẽo giường, đành phải vác con dao rựa đẽo bớt cột. Còn bếp thì đóng mấy cái cọc dưới gốc cây vải, che tấm phên, kê mấy hòn gạch...

Ở nhà tập thể được khoảng một năm thì anh Khuê, người cùng cơ quan tạo điều kiện nhượng bớt cho một mảnh đất ở thôn Phú Long, nơi anh đang ở để làm nhà. Chả là anh Khuê sống ở Phố Lu đã lâu đời. Là người chăm chỉ lao động nên trước đây đã khai phá được một diện tích khá rộng. Nhưng hồi ấy nhà nước không cho phép bán đất, chỉ được “cho” hay “nhượng” thôi. Chẳng phải là anh em ruột rà gì nên “cho” thì vô lý, phải gọi là “nhượng”. “Nhượng” cũng phải trả tiền theo thỏa thuận, nhưng không phải là “bán”. Ở nước mình, cái gì thấy khó xử thì cứ đổi quách tên nó đi. Cho nên mới có câu chuyện tiếu lâm “Bạch sư cụ, đậu phụ chùa nó đang cắn đậu phụ làng đấy ạ!”. Gọi “nhượng” thay cho “bán” khác nào gọi “đậu phụ” thay “thịt chó”, miễn là nhà sư và chú Tiểu đều chấp nhận là được... Mảnh đất của anh Khuê nhượng cho rộng đến 400 mét vuông, có một cái ao nhỏ bằng phần tư lô đất để nuôi cá cải thiện. Cạnh ao là một mảnh vườn trồng được mấy luống rau. Phía giáp đồi trồng chè, bới đất xuống, san được cái nền nhà 30 mét vuông và một gian bếp vừa bằng cái chòi canh nương...Đúng là lý tưởng. Sau khi thống nhất với anh Khuê, mình dúi cho anh 400 đồng. Gọi là “dúi” vì phải bí mật, dù ai cũng biết thừa, nhưng về nguyên tắc là không được công khai. Nếu công khai ra là trở thành mua bán đất đai, là phạm pháp chứ không phải chuyện bỡn.
Có đất rồi làm sao để có nhà đây? Buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Bạn mình là Đào Trọng Thịnh công tác ở bệnh viện, một hôm mách nước: “Ở bệnh viện huyện chuẩn bị thanh lý ngôi nhà gỗ ba gian của phòng khám. Ông xem có lấy để tôi nhận cho” “Hay quá còn gì. Ông giúp tôi xin thanh lý cái nhà ấy, lấy gỗ về cưa cắt, chữa chạy đi sao cho vừa cái nền nhà 30 mét vuông của mình là có chỗ ở đàng hoàng”... Đó là ngôi nhà riêng đầu tiên trong đời, làm từ tháng 12 năm 1974, khi con gái đầu lòng mới được 3 tháng tuổi.

Bức ảnh này chup năm 1977 tại mảnh vườn
ngôi nhà đầu tiên. Phía sau là 2 em chú:
Nguyên (bên phải) và Nho.
Con Hồng gần 3 tuổi ngồi lòng bố.
Tháng 3/1979, ngôi nhà ấy đã từng được đón những vị khách không mời mà đến. Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, mình đang công tác ở trường Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn. Vì thế, khi chiến sự xảy ra, mẹ con cái Hồng vội vàng xách được mấy bộ quần áo, nhảy lên tàu than, xuôi về Yên Bái, trú tạm ở cơ quan mình. Trong khoảng những ngày từ 28/2 đến 5/3, lính Trung Quốc đến đào công sự ở ta luy sau nhà mình, lấy ruột chăn bông ở cửa hàng bách hóa huyện về trải vào làm ổ phục kích. Chúng lôi hết xoong nồi, bát đĩa trong bếp ra gốc cây quýt ở đầu nhà, đào bếp nấu ăn. Trên cánh cửa nhà mình, chúng còn để lại những dòng chữ Tàu chửi bới Đảng cộng sản Việt nam thậm tệ. Trước khi rút, chúng còn đái bừa vào đống ruột chăn, đến 9/3 mình theo đoàn công tác của Ban Tuyên huấn Trung ương lên phía Bắc, tạt qua nhà vẫn thấy mùi nước đái Tàu khai mù.
Ngôi nhà ấy ở được hơn 5 năm thì lại “nhượng” cho một người nghèo ở thôn Phú Long, rồi xuống ở một gian tập thể Phòng Văn hóa huyện. Trong thời gian mình đi học xa, vợ ở nhà công tác, nuôi con. Ở cạnh cơ quan có một mảnh đất bỏ hoang, mọc toàn cây dại. Đấy là nơi trong thời gian chiến tranh biên giới người ta làm chỗ đổ rác, rất nhiều mảnh chai, mảnh sành... Cứ đêm đêm, bà xã lừa con ngủ rồi vác dao ra phát cây dại, dọn dẹp thành một vườn trồng rau cải thiện. Lúc ấy, phong trào cán bộ công nhân viên chức xin đất làm nhà nở rộ. Thấy thế, mình cũng làm đơn gửi thị trấn xin nhượng lại một lô ở khu vực “bến xe Lai Châu”, cạnh đường 4e bây giờ. Lô đất ấy mình “mua chui”, trả cho chủ đất 90 đồng rồi chạy giấy tờ. 
 
Trong thời gian chạy giấy, mình rủ Trường Thành, cán bộ phòng văn hóa đi chặt trộm ít gỗ mỡ về để khi có đất làm cái nhà 2 gian chống nóc ở tạm. Hai thằng đi ngược lên Phú Long, qua nhà anh Xình Khang,  leo lên đồi mỡ của Lâm trường. Những cây mỡ không biết đã trồng được mấy năm mà có cây đường kính gốc đến hai mươi. Mình bảo Thành: “Tao tính rồi, chặt đủ 6 cột quân, 2 cột cái chống nóc, 1 quá giang, 6 xà dọc, 4 xà nách...theo kích thước đã định sẵn”. Cả một rừng mỡ, cứ chọn cây nào vừa là đẩn. Trong lúc đang chặt trộm mỡ, hứng chí Thành cất giọng hát: “Rừng ơi, ta đã về đây...”. Mình quát: “ Có im đi không, sao ngu thế, đã đi ăn cắp còn xướng âm. Nhỡ Kiểm lâm nghe thấy, nó mò lên thì chạy đằng giời!”. Thành cười: “Giữa rừng sâu thế này, có mà mổ bò cũng chẳng thằng đếch nào biết”. Chặt từ sáng đến trưa, đủ cơ số gỗ làm được ngôi nhà 2 gian chống nóc. Chặt đến đâu bóc vỏ đến đấy rồi thả trôi dốc. Gỗ tuột theo dốc mòn xuống đến tận vườn nhà anh Xình Khang. Tất cả xếp gọn gửi lại phía sau nhà Xình Khang.
Một hôm lên xem lại đống gỗ, không thấy còn một khúc nào. Anh Xình đi vắng, Khang kể: “Hôm nọ nghe tin Kiểm lâm đi kiểm tra các gia đình, ai tàng trữ gỗ trái phép thì bị phạt và tịch thu. Em sợ quá vì mấy khúc gỗ của anh để ở sau nhà. Anh Xình đi vắng, mỗi mình em vác từng cái một ra gốc mai, quét lá cây lấp lên. Thế là thoát.
Ông ngoại có nghề mộc nên một hôm cụ từ Bảo Ái lên bảo mang gỗ về cho cụ làm nhà. Mấy ngày cưa cắt, bào, đục... hai gian nhà gỗ mỡ non cột kê, chống nóc đã hoàn thành. “Tác phẩm” của cụ xong rồi mà không có nơi thể hiện. Đất vẫn chưa xin được. Chạy đi chạy lại mãi nhưng ông phó chủ tịch thị trấn vẫn chưa ký. Ngày ấy chưa thấy chuyện “bôi trơn” nửa công khai, nửa bí mật, nên mình chả dám. Chờ lâu quá, ông ngoại sốt ruột: “Mày có làm nhà không, để bố còn về? Mà tao về thì khi chúng mày dựng bố chẳng yên tâm”. “Đất vẫn chưa xin được biết làm vào đâu hả bố?” “Hay là mai mày dọn cái vườn rau này đi mà làm tạm vào đấy được không?”. Mình nghĩ, ừ nhỉ đất này hình như chẳng ai quản lý. Cứ làm cái nhà vào mà ở, nao kia thằng nào đuổi thì đi. Nhưng trước khi làm, mình gặp ông trưởng phòng Văn hóa hỏi: “Bác cho em làm nhờ cái nhà vào vườn rau nhà em nhá?”. Ông Năng Xuân trả lời cụt lủn: “Vườn nhà anh thì anh làm. Tôi làm gì có quyền!”. Thế là ngôi nhà hai gian, cột kê chống nóc, diện tích 20 mét vuông. mái lợp gianh, xung quang trát vách được dựng ngay góc vườn rau. Năm ấy là 1981, mới sinh thằng Ngọc.
Cái vườn rau ấy ở đúng mép quả đồi thoai thỏai, hai mặt ruộng, một mặt đường, một mặt là cơ quan vợ. Nhà dựng theo hướng Tây Bắc, nhìn xuống một mặt ruộng, quay lưng sang cơ quan. Ở được một thời gian thì mình ốm đau quá, có người bảo có lẽ tại hướng nhà. Thế là nhờ anh Tập và một số bạn bè ở Lâm sản, những người chuyên đóng cốn bè gỗ đi xuôi đến giúp xoay hướng nhà. Họ chằng róng bốn xung quanh rồi hô hào mọi người xúm vào khênh quay 90 độ nhìn sang hướng Đông Bắc, quay lưng ra đường. Ở một thời gian nữa, tình hình sức khỏe cũng chẳng được cải thiện, mình lại nhờ mọi người đến quay thêm 90 độ nữa theo chiều kim đồng hồ, nhưng lần này chuyển hẳn ra một cái nền mới, nhìn sang hướng cơ quan. Ngôi nhà quay 180 độ so với hồi mới làm.
Cuối năm 1985, trường Đảng tỉnh mở lớp trung cấp chính trị tại chức khu vực phía Bắc ở Phố Lu. Học viên từ các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, thị xã Lào Cai...xuống học. Mình về Lu giảng môn triết. Anh em học viên hỏi: “Nghe đâu nhà thầy ở Phố Lu, ở chỗ nào để lúc rỗi chúng em xuống chơi?”. Mình cứ ậm à ậm ừ vì sợ nhà rách, vách nát, cái bàn uống nước còn chẳng có, mời anh em đến nhà xấu hổ lắm. Nhưng rồi có một tốp học viên ở Bát Xát cũng tìm đến. Đang ngồi trong nhà, mình thấy mấy anh hỏi một người: “Nhà thầy Dương ở chỗ nào ạ?”. Người kia chỉ vào nhà mình. Nhưng tốp học viên lại đi qua nhà sang hẳn bên cơ quan phòng văn hóa. Một lát thấy quay lại, mình gọi to: “Vào đây, vào đây!”. Anh em vào nhà lắc đầu: “Chúng em không nghĩ đây là nhà thầy!..”. Mình mẩm bụng: “Chắc anh em thấy mình đứng trên bục chém “gió như rồng leo” thì làm gì phải ở cái nhà như “mèo mửa” thế này”. Mình mời anh em ngồi vào hai cái giường của vợ chồng con cái rồi nói: “Anh em thông cảm, tôi đi xa suốt. Đến giờ vẫn còn ở Yên Bái. Bốn mẹ con ở nhà nhìn vào một suất lương nhân viên nên chưa có tiền làm nhà”.
Cũng thời gian này, một số người lại tham gia: “Anh phải quay hướng nhà ra đường thì làm ăn mới suôn sẻ, sức khỏe mới tốt được. Ai lại để hướng nhà quay sang cơ quan, mà nhà cơ quan lại cao hơn nên nó chướng lắm”. Nghĩ họ tham gia cũng phải, mình quyết định xoay nhà một phát nữa. Hôm mời anh Tập đến chủ trì cho việc này, anh bảo: “Không được quá tam ba bận đâu. Lần sau mà còn gọi tao sang quay cái nhà này nữa thì đừng có trách. Tao thì giẩy đổ mẹ nó đi cho rồi! Cái nhà vừa bằng cái lều chị Dậu mà nay quay, mai quay, quay đến lần này là 270 độ rồi đấy, lần nữa 360 độ là về đúng hướng cũ...”. Sáng hôm sau, anh em  lớp Trung cấp chính trị tại chức của Trường Đảng tỉnh xuống đứng chật cái nền nhà nhấc bổng lên quay ngôi nhà hướng ra đường.
Để phòng mưa to, gianh lợp mỏng dễ bị giột, và để giữ cho mái gianh được bền, mình nhờ một học viên ở Công ty Vật liệu xây dựng tỉnh mua giúp 4 cuộn giấy dầu để phủ lên trên. Lại nhờ một học viên ngành đường sắt gửi giấy dầu lên ga Phố Lu. Vợ mượn xe cải tiến ra chở về để tạm trong góc bếp. Sáng hôm sau, mở bếp ra chỉ còn 2 cuộn...Thằng “thợ mổ” nào nó thương tình chỉ lấy có hai. Lại mất nửa tháng nữa mới xoay được đủ giấy dầu. Những cuộn giấy dầu phủ đè lên mái gianh. Mình có vẻ yên tâm đi công tác xa nhà.
Một hôm về nghỉ tranh thủ, nhìn cái mái nhà thấy có vẻ khang khác. Nhiều mảnh giấy dầu bị rách, lại có thêm những cây nứa ép trên mái, chằng bằng dây thép. Bà xã kể: “Hôm trước, vào giữa đêm, trời mưa to, sấm chớp đùng đùng, gió vật từng cơn làm ngôi nhà chuyển răng rắc. Bốn mẹ con sợ quá, không biết chạy đâu, ngồi túm lại ở góc giường. Thằng Ngọc, thằng Vinh khóc thét lên. Tự nhiên nghe một tiếng “soạt” rất lớn rồi thấy mấy mảng trời sang sáng, rồi nước mưa dội vào trong nhà... May, sau hết gió, chỉ còn mưa. Trong nhà như ngoài sân. Huy động hết ni lông, mũ nón... che chắn thùng gạo và quần áo... Tìm được một góc không dột cho ba đứa ngủ. Còn em thì ngồi chờ sáng. Sáng dậy, tất cả giấy dầu trên mái nhà mình nằm gọn giữa ruộng, cách nhà gần hai chục mét. Cái mái gianh cũ có chỗ bị lột lên, có chỗ vẫn còn nhưng nó mỏng quá nên nước vẫn xối xuống nhà. Thế là một số người ở cơ quan giúp nhặt giấy dầu về phủ lại và mua mấy cây nứa ép thêm lên cho chắc”... 

Không có nhận xét nào: