Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Chùa Đậu - Bí ẩn, độc đáo hai pho tượng táng.

Chùa Đậu - Bí ẩn, độc đáo hai pho tượng táng.



                                                                                     Bài ảnh: Công Thế
         Mùa xuân ngày rộng tháng dài. Sau tiết Thanh Minh, tôi có chuyến du xuân thăm các ngôi chùa cổ quanh khu vực Hà Nội. Như chùa Phật Tích, chùa Dâu Bắc Ninh. Chùa Quán Sứ, chùa Báo Ân, Bát Tháp, Bồ Đề, Chùa Pháp Vân, Bia miếu Bà, Hà Nội. Đặc biệt và ấn tượng kỳ bí nhất vẫn là Chùa Đậu -Thường Tín Hà Nội.

    Cổng vào chùa Đậu                                     Thiền sư xá lợi toàn thân Vũ Khắc Trường

        Ngôi chùa không những nổi tiếng về lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo, cảnh quan ngoạn mục mà còn lưu giữ nhiều báu vật vô giá và đầy bí ẩn. Chùa Đậu vốn là Thành Đạo Tự tọa lạc trên mảnh đất hình cánh sen ở cuối làng Gia-Phúc xã Nguyễn Trãi huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây nay thuộc Hà Nội. Chùa có 5 tên gọi khác nhau :  Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, Chùa Vua, Chùa Bà, Chùa Đậu.
 Theo Đại đức Thích Thanh Nhung trụ trì Chùa Đậu cho biết: Là một trong bốn ngôi chùa thờ Tứ Pháp (Vân,Vũ, Lôi, Điện tức là Mây, Mưa, Sấm, Chớp), trung tâm phát sinh Tứ Pháp là thành Luy lâu nay thuộc hai huyện Gia Lương và Thuận-Thành tỉnh Bắc Ninh. Hệ thống Tứ Pháp gắn liền với sự tích Chùa Đậu. Trong cuốn sách bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp đầu thế kỷ thứ III (200 - 210) hiện còn cất giữ tại Chùa có ghi rõ sự tích nàng Man Nương và Phật giáo Ấn độ du nhập vào Việt Nam. Ở nội điện và hành lang có nhiều bia đá từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII; khánh đồng đúc năm 1774; sách đồng ghi lịch sử chùa và sự tích Phật giáo (có 10 tờ dát mỏng khắc chữ Hán cả 2 mặt, mỗi tờ chiều ngang 0,13m, chiều dọc 0,24m, chiều dày từ 0,07cm đến 0,09cm).
      Theo truyền thuyết, chùa Thành Đạo có từ thời Bắc thuộc, nhưng các di vật còn lại hiện nay cho biết chùa được khởi dựng từ thời Lý, được trùng tu vào thế kỷ XVI, XVII. Năm 1635, đời Vua Lê Thần Tông, cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên đã làm hội chủ hưng công trùng kiến quy mô ngôi chùa.Tam quan chùa là một gác chuông hai tầng tám mái, tầng trên treo quả đại hồng chung đúc năm 1801, thời Tây Sơn.
         Tục xưa truyền lại: Lúc đó ở phía Nam kinh thành như có luồng linh khí. Quách Thông theo lệnh Vua, về tới đất Gia-Phúc thấy thế đất trông tựa dáng hình một đôi hoa sen đang nở tỏa sáng, Quách Thông trình Sĩ Nhiếp, Sĩ Nhiếp cho rằng hoa sen là nơi đất Phật bèn cho lập chùa đặt tên là Thành Đạo Tự, rước Đại Thánh Pháp Vũ Đại Bồ Tát về thờ nên gọi là Pháp Vũ Tự. Do Nhà Vua chọn đất làm Chùa và chỉ dành cho bậc Vua Chúa đến lễ, người dân chỉ được vào lễ trong ba ngày hội nên gọi là Chùa Vua. Bồ Tát hiện thân Nữ nên gọi là Chùa Bà. Bậc trí sĩ cầu nghiệp lớn được đậu đạt, người dân trồng cây ra hoa đậu hoa, ra quả đậu quả từ đó trong dân gian gọi là Chùa Đậu (Chữ Đậu cũng là chữ rút gọn từ chữ Thành Đạo). Chùa được xây dựng theo một quy mô lớn, khu chính diện được kiến thiết theo kiểu nội công, ngoại quốc, khu nội công rất nguy nga lộng lẫy, cột trạm rồng nổi hoa văn bay bướm? Nhưng rất tiếc khu này đã bị cháy hỏng bản gốc, nay đã được tôn tạo lại theo kiểu như xưa. Khu ngoại quốc vẫn còn song đã xuống cấp rất nghiêm trọng. 
Phật tử bốn phương về hành lễ
        Chùa Đậu là niềm tự hào của dân tộc Việt-Nam, là một trong những di-sản quý và lâu đời của nước ta và thế giới. Chùa là nơi danh lam thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi có kiến trúc cổ kính là nơi siêu thoát và thờ hai Đức Phật sống - quốc bảo thiêng liêng của Đất nước. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận di tích "Lịch-sử - Văn-hóa". Trước đây chùa đã được nhiều niên đại, nhiều bậc hiền nhân mang tâm công đức trùng tu lại. Ngày nay Bộ Văn hóa và nhà Chùa cùng nhân dân địa-phương đang lập dự án với một quy mô lớn : Tôn tạo lại di tích lịch-sử văn-hóa của dân tộc . Chùa thờ Phật và thờ Nữ thần Pháp Vũ còn gọi là bà Đậu. Đặc biệt Chùa Đậu còn lưu giữ thờ nhục thân hai vị Thiền sư Đạo Chân (tục danh Vũ Khắc Minh) và Đạo Tâm (tục danh Vũ Khắc Trường) vào thế kỷ XVII đã tu hành đắc đạo ở chùa nhiều bí ẩn và độc đáo. Tục truyền xưa kia, thiền sư Vũ Khắc Minh trước khi mất, ông ngồi vào trong am để tụng kinh, mang theo 1 chum nước và một chum dầu để thắp. Ông dặn các đệ tử “sau 3 tháng 10 ngày nếu không nghe thấy tiếng gõ mõ tụng kinh nữa mới được mở cửa am ra. Nếu thi thể của ta còn nguyên vẹn thì lấy sơn ta bả lên người, còn nếu đã bị hôi thối thì dùng đất lấp am”. Vị thiền sư đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Cho đến nay hai pho xá lợi toàn thân của thiền sư  mãi là bí mật không lời giải thích. Giới Phật tử thì cho rằng, hai vị thiền sư đã tu luyện được “lửa tam muội”, một loại lửa có thể chiến thắng mọi tác động bên ngoài và trường tồn với thời gian mà vẫn được lưu truyền trong Phật giáo.
Bộ sách cổ bằng đồng tại Chùa Đậu
     Theo như lời của vị sư trụ trì chùa Đậu, đại đức Thích Thanh Nhung, thì hai vị thiền sư sau khi đắc đạo để lại Toàn Thân Xá Lợi. Xá lợi có nghĩa là đốt không cháy, ngâm trong nước không tan, không bị không khí thời gian bào mòn.  Quy luật của vũ trụ là vật chất không tự nhiên mất đi, mà chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác, trong Phật giáo còn gọi là Thành, Trụ, Hoại, Không. Xá lợi không bị chi phối bởi không gian, thời gian và quy luật của vũ trụ. Chính vì vậy, hai pho tượng được coi là quốc bảo thiêng liêng và nhận được sự cung kính như Đức phật sống. Gần đây, hai pho tượng xá lợi toàn thân bị hư hỏng nặng. Bộ Văn hóa đã cho tu bổ hai pho tượng này, do PGS.TS Nguyễn Lân Cường làm Chủ nhiệm dự án.
Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập 2 kỷ lục vào ngày 12-12-2007
1. Chùa Đậu với hai pho tượng nhục thân đầu tiên của Việt Nam.
2. Chùa Đậu với quyển sách ghi lịch sử chùa bằng đồng xưa nhất Việt Nam.
    Chùa Đậu là một danh lam thắng cảnh trung tâm du lịch tâm linh, nơi lưu giữ những báu vật di sản quý của đất nước. Mượn câu nói của nhà khảo cổ học Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lân Cường làm lời kết cho bài viết này: Chúng ta trân trọng các nghệ nhân vô danh ở chùa Đậu bao nhiều thì càng cần bảo tồn, gìn giữ những pho tượng cổ bấy nhiêu. Để chẳng những cho chúng ta và cho thế hệ con cháu chúng ta mai sau được chiêm ngưỡng một di sản lịch sử văn hóa bằng vật thật đã tồn tại cách đây hơn 300 năm….
Tác giả tại  điện chính chùa Đậu

                                                                                      C.T

1 nhận xét:

Unknown nói...

Các phật tử và người dân nói chung không khoái cái từ "tượng táng" của ông Nguyễn Lân Cường!
Mai kia có lẽ có cả từ "không táng"(cho thi thể vào hòm,dùng khinh khí cầu thả lên trời} và "vũ trụ táng"(đưa vào vệ tinh phóng lên vũ trụ)!

Người ta có thể tin:hai vị đã tu đắc đạo,sau khi nhập NIẾT BÀN,để lại thi hài vốn là "tinh cha huyết mẹ" nhưng khó bị hủy hoại bởi thời gian,để chứng minh cho chúng sinh rằng:tu hành theo Đức Phật,sẽ đạt được thành tựu như thế.

Giờ đây ai đó thử "tượng táng" một người xem sao (nhớ là đặt thời gian vào thế kỷ 17 nhé).