Người xưa tiến cử nhân tài
NGƯỜI XƯA NÓI VỀ VIỆC TIẾN CỬ, CHỌN LỰA VÀ SỬ DỤNG NHÂN TÀI
Thưa chư vị,
Chúng tôi xin giới thiệu ở đây bài văn làm
trong kỳ thi Đình (làm tại sân triều đình) - do nhà vua ra đề bài, chấm bài, để
phân hạng các tiến sĩ. Người đỗ đầu (đủ 10 phân) là Trạng nguyên. Đề bài thường
hỏi về các vấn đề lớn của đất nước và về việc trị nước. Bài thi đó gọi là Sách văn đình đối.
Bài văn dưới đây là sách văn đình đối đã mang
lại lại danh hiệu Trạng Nguyên cho Nguyễn Trực (1417 - 1473) trong kỳ thi Đình
năm Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo thứ 3. Nguyễn Trực là vị Trạng nguyên
đầu tiên của triều Lê. Tấm bia ghi về khoa thi này là tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, được dựng năm 1484.
Đề bài của vua Lê Thái Tông yêu cầu rằng:
"Đức Thái tổ Cao
hoàng đế ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một
ai trúng tuyển. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước, thế mà việc
chọn nhân tài vẫn mịt mở thăm thẳm. Sao người quân từ khó tìm, kẻ tiểu nhân khó
biết như vậy? Các ngươi hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, trẫm sẽ đích
thân xem xét".
Đấy! Lòng vua chân thành là vậy! Đời nay có theo kịp đời xưa chăng?
Thí sinh trả lời rằng: "Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì
không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sỹ chính trực để họ đưa vua
đi đúng đường và đặt vua vào chỗ không lầm lỗi". Rồi lại nói thẳng với nhà vua rằng:
"Vua có nhân,
không ai không có nhân; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; Vua chân chính,
không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi cả nước sẽ bình yên". Đấy! Lời một thí sinh
nói với vua như thế! Có thẳng thắn không? Người đời nay có ai đang định bước
lên hoạn lộ mà nói với nguyên thủ như thế chăng?
Thí sinh Nguyễn Trực còn chỉ rõ vai trò của người phát hiện và tiến cử người tài, như sau: Vua "tự mình chọn người, là đạo người làm
vua, nhưng tiến
cử tài năng cho đất nước, lại là chức trách của bậc đại thần. Nếu những người này "ngầm nuôi
mưu gian ghen ghét hiền tài cất nhắc bè lũ. Bản thân chúng đã chả ra gì, thì
làm sao tiến cử được nhân tài!".
Nguyễn Trực nhắc với nhà vua: "Hãy nhớ ba điều Trí, Nhân, Dũng là đạt
đức của thiên hạ. Không có Trí thì không thể hiểu người; không có Nhân thì
không thể chọn người; không có Dũng thì không thể dùng người. Lấy Trí hiểu
người thì có thể hiểu biết rõ ràng và đầy đủ tài năng của họ. Lấy Nhân chọn
người thì không bỏ người tài khi họ cùng khốn và chọn được người hết lòng trung
thành. Lấy Dũng dùng người thì tin dùng không nghi ngờ và chuyên tâm nghe hết
mọi điều. Nếu có cả ba điều Trí, Nhân, Dũng này thì lẽ dùng, bỏ rõ ràng, lòng
yêu, ghét chính đáng. Đó chính là ý nghĩa của câu “Chỉ có người nhân mới biết
yêu người, biết ghét người” vậy".
Và
nhà vua, ngoài việc ban danh hiệu Trạng Nguyên cho Nguyễn Trực, còn cất
nhắc bổ nhiệm ông vào những trọng trách trong triều đình. Nguyễn Trực
được cử làm Chánh sứ (trưởng đoàn ngoại giao Đại Việt) dẫn đầu đoàn sứ
bộ sang sứ nhà Minh
vào năm 1444 cùng với Phó sứ Trịnh Thiết Tràng. Giữa triều đình phương
Bắc,
Nguyễn Trực đã hoàn thành sứ mệnh bằng kiến thức uyên bác, tài ứng đối
nhạy
bén, sắc sảo, sự vững vàng cứng cỏi và trên hết là ý thức tự hào dân tộc
rất
chính đáng của mình, khiến vua tôi nhà Minh phải kiêng nể. Khi ấy, gặp
kỳ thi Đình, các đoàn sứ bộ được mời tham dự, Nguyễn Trực đã đỗ đầu và
được ban danh hiệu Trạng Nguyên, cùng tấm biển "Lưỡng quốc Trạng
Nguyên".
Năm 1457 viên sứ
thần nhà Minh là Hoàng Gián sang ta. Lê Nhân Tông đã triệu Nguyễn Trực về triều
để tiếp sứ Tàu. Hoàng Gián vặn vẹo đủ điều, nhưng điều nào cũng được Nguyễn
Trực giảng giải phân minh, khiến cho vị “thiên sứ” nọ phải thán phục thốt lên
"Quốc hữu nhân tài”(nước (Việt) có người tài).
Tài năng và phẩm chất của Nguyễn Trực được Lê
Thánh Tông đánh giá cao. Mặt khác, vốn rất coi trọng sự nghiệp đào tạo nhân
tài, Lê Thánh Tông đã tìm thấy ở Nguyễn Trực một nhà giáo xuất sắc, mẫu mực, và
cử ông làm Quốc tử giám tế tửu. Nguyễn Trực tham gia hiệu
đính, phê duyệt bộ “bách khoa toàn thư” của thời ấy: Thiên Nam dư hạ tập. Gia phả ghi rằng
bộ Thiên Nam dư
hạ tập theo lệnh của Lê Thánh Tông, phải mang đến tận nhà để Nguyễn Trực
phê duyệt mới được xuất bản.(Phần này có tham khảo tài liệu của TS. Nguyễn Công
Việt).
Ôi! Người xưa của ngày xưa! Ôi! Ngày xưa
của người xưa!
___________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét