Bi hài chuyện bán chữ “đểu”
tại đền Trạng Trình
(Dân trí) - Khách xin chữ Phát nhưng “ông đồ” viết nhầm thành chữ… Phạt. Chữ Chí thì viết bay bổng quá, nhìn như chữ… Chó. Thực trạng bán chữ sai, chữ “đểu” ở đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đang phá hỏng di tích này.
Trong không khí hưởng
ứng Năm Lễ hội du lịch đồng bằng Sông Hồng, chúng tôi theo một đoàn du
khách đến thăm Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm (thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Đây là
một trong những điểm đầu trong tour di lịch văn hóa, lịch sử tuyến
huyện của TP Hải Phòng.
Khác với sự hình dung
trước đó của chúng tôi, vừa bước vào cổng đền, du khách đã bị tra tấn
bởi bài hát lời Trung Quốc chát chúa phát ra từ gian hàng thư pháp. Tiếp
đó là cảnh chen chúc mua chữ thánh hiền để vào đền đặt chữ xin tâm. Đền
Trạng nổi tiếng với sự linh thiêng trong ứng thí, học hành, công danh,
chức vị... nên ai đến cũng muốn có cho bằng được một chữ mang về.
Ông Phú cho chữ
Ông Phú tự hào khoe sáng chế về cách viết thư pháp mới bằng việc phủ cát màu Trung Quốc
Tại gian hàng thư pháp
rực rỡ của 2 ông “đồ trẻ” đang tranh thủ rít thuốc lào, ông Phú và ông
Nam mới trên 30 tuổi, tự xưng là có 10 năm kinh nghiệm ngồi viết chữ ở
Văn Miếu Quốc Tử Giám, từng tốt nghiệp Đại học KHXH&NV chuyên ngành
Hán Nôm. Họ viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Nôm. Ai mua gì bán nấy.
Thay vì mực đen giấy đỏ
mà các nhà thư pháp vẫn dùng, họ đã làm một cuộc phá cách mà theo họ là
có thể “cấp bằng độc quyền sáng chế”: Giấy đủ màu xanh, đỏ, tím vàng,
mực đủ loại (trừ mực tàu). Chữ vừa viết xong được phủ một lớp cát màu
óng ánh rẻ tiền của Trung Quốc, chỉ cần mạnh tay một chút là bong ra.
Chúng tôi hỏi mua một
bức thư pháp bằng thơ Hán, cả hai thầy đồ loay hoay một lúc rồi thú nhận
không biết viết. Ngay sau đó họ gạ chúng tôi mua một bức thư pháp chỉ
có hai chữ “trí dũng” cho… đơn giản. Họ viết không theo nguyên tắc nào,
ngay cả nguyên tắc viết bút thuận mà bất kỳ người học Hán Nôm nào cũng
phải biết thì họ cũng không biết. Thậm chí, các bộ cấu thành con chữ
tượng hình họ cũng mù tịt.
Tại gian hàng thư pháp,Văn Thành, vợ chồng chị Hiền ở thị trấn Vĩnh Bảo đang chờ xin chữ
“thành công” cho con. Người cho chữ hỏi lớn: “Này vợ chồng anh chị
xin cho con hả? thế con trai hay gái?”. “Cháu tuổi gà thầy ạ”. “Biết gà
rồi nhưng gà trống hay gà mái. Nếu trai thì để vẽ thêm cái đuôi, nếu gái
thì thôi”. Tôi ngỡ ngàng nhìn bức thư pháp mà chị Hiền đang run run đỡ
lấy với biết bao trân trọng, hai chữ “thành công” được viết vội, trát
lên một lớp cát màu dày cộm, sặc sỡ. Bên dưới là những nét vẽ nguệch
ngoạc, tô màu bằng bút chì sáp. Con gà đã được vẽ sẵn giờ chỉ cần thêm
cái đuôi, thế là thành gà trống.
Ông Thành đang vẽ thêm cái đuôi gà để phân biệt giới tính người được nhận chữ
Ông Văn Thành viết thư pháp bằng bút sáp màu trẻ con
Một cụ bà khoảng 60
tuổi đang chờ lấy chữ lo sợ hỏi: “Cháu gái tôi tuổi rắn, vậy thì vẽ thêm
gì vào để cho ra con rắn cái hả thầy?”.
Ở đây một bức thư pháp
viết vội có giá thấp nhất là 40.000 đồng; còn lại tùy theo kích cỡ mà
có giá lên tới hàng trăm nghìn đồng. Vì vậy các thầy cạnh tranh nhau rất
khốc liệt, thầy này bêu riếu, chê bai thầy kia.
Khi người mua đi kiện chữ
Cụ Lê Thiên Lý, Chủ
nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Hải Phòng cho biết, cách đây không lâu cụ suýt
bị đánh vì bị một du khách nhầm tưởng cụ bán chữ sai, chữ “đểu” cho họ.
Chuyện là trước đây có một ông tên là Tản, người ở thành phố Nam Định
được Ban quản lý đền cho giăng khẩu hiệu bán chữ. Một giám đốc doanh
nghiệp tên K. đã lặn lội cả trăm cây số về đền trạng mua chữ “Phát”, rồi
làm lễ xin ngài phù hộ, đem về treo ở từ đường nhà mình. Đến lúc có
người am hiểu chữ Nho ghé chơi, ông K. mới biết là chữ “Phát” mà mình
trân trọng treo thờ lâu nay đã bị viết sai thành như... “Phạt”. Mà xem
kỹ cũng chẳng ra chữ gì.
Thư
pháp là một nét văn hóa đáng trân trọng, không thể để sự tạp
nham, hỗn loạn phá hỏng. Trong ảnh, cụ Lê Thiên Lý đang trang
trọng giới thiệu một bức thư pháp với Đại tướng Võ Nguyên
Giáp.
Ông K. làm đơn kiện. Vụ
việc chưa được giải quyết thì “nhà thư pháp” Tản đã lặn mất tăm. Còn
Ban quản lý đền không chịu trách nhiệm vì không biết ông Tản ở đâu,
cũng không có thông tin gì về ông ta ngoài cái tên Tản.
Bà Trần Minh Hồng ở
quận Lê Chân, TP Hải Phòng, kể: “Tôi mua chữ “Chí”, làm lễ trân trọng
xin cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm chứng giám rồi đưa về nhà cho chồng treo. Chồng
tôi không kìm được tức giận khi phát hiện ra họ viết “bay” quá, đưa quá
tay nên chữ “Chí” nhìn ra như chữ “Chó””.
Làm việc với ông Nguyễn
Bá Đốc, Trưởng Ban quản lý di tích đền Trạng, chúng tôi mới vỡ lẽ vì
sao tình trạng bán chữ ở đây lại bát nháo như thế. Ông Đốc bảo phóng
viên chỉ nên hỏi về cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và lịch sử di tích, nếu hỏi đến
việc bán chữ thư pháp là… không ổn (?). Khi phóng viên cố hỏi về
thực trạng này, ông Đốc lại yêu cầu không được ghi âm.
Ông Đốc nói mình là
người thẩm định cao nhất về việc viết thư pháp ở đây, không cần bằng cấp
hay kinh nghiệm gì, chỉ cần thấy họ viết được là được. “Hôm nay viết
chưa đẹp rồi dần dần sẽ đẹp” - ông Đốc nói.
Hỏi lai lịch của từng
“thầy đồ”, ông bảo không rõ, dù hàng năm những người này đóng cả
chục triệu đồng tiền phí gian hàng.
Chữ Phát lại viết thành chữ Phạt!
Mỗi năm đền Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm đón hơn 100 nghìn lượt khách. Năm nay, với cương vị
địa phương hưởng ứng mạnh mẽ Năm Du lịch đồng bằng Sông Hồng, di tích
này đang là “địa chỉ đỏ” trong các tour du lịch của khu vực. Thứ mà du
khách mong muốn sở hữu nhất khi đến đây là một bức thư pháp
được vong linh người nổi tiếng hay chữ - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
chứng giám. Nhưng với thực trạng bán chữ bát nháo nói trên,
việc du khách kiện chữ chắc chắn sẽ không chỉ xảy ra một lần.
Thu Hằng
1 nhận xét:
Hải Phòng muốn làm tốt du lịch thì phải dẹp những cái vớ vẩn này đi!
Đăng nhận xét