Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Văn hóa Sin Suối Hồ

Văn hóa Sin Suối Hồ - Tốt gỗ hơn tốt nước sơn'
Tùy bút của Nguyễn Ngọc Dương/PNTB

- A lố!...Em mở lớp tập huấn nghiệp vụ và đi thực tế sáng tác cho Hội, muốn anh sang giúp cho một bài giảng và tiện tay viết bài báo Tết lấy nhuận bút bù vào xăng xe, đỡ “móc cạp quần” bà xã nhé!”.

- Hi hi, thế thì hay quá, đang ngứa cả chân cả tay đây. Mấy khi…

- Nhưng mang nhiều quần áo ấm vào, 2 – 3 độ C, không đùa được đâu!…

Đó là cú thoại của anh cu Tấc – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lai Châu gọi cho tôi vào đúng những ngày giáp Lễ Noel 2015, rét cắt da cắt thịt. Sở dĩ gọi là “anh cu Tấc” vì nữ sĩ Đỗ Thị Tấc đầy tài hoa, nhưng tính cách lại mạnh mẽ và tếu táo...

Sau 2 ngày thu xếp công việc ở nhà, tôi khăn gói quả mướp đi Lai Châu. Con đường quốc lộ 4D từ Thành Phố Lào Cai qua Sa Pa xẻ đôi dãy Hoàng Liên Sơn Hùng vĩ, vắt vẻo sang Lai Châu tôi đã đi nhiều, nhưng mỗi lần vượt ngọn đèo Ô Quy Hồ, đều có những cảm xúc mới lạ. Nổi tiếng như đèo Mã Pí Lèng Hà Giang, có độ dài 20 km, đèo Pha Đin (Sơn La) 32 km, đèo Khau Phạ  (Yên Bái) gần 40 km… đều có vẻ đẹp hùng vĩ và hiểm trở, nhưng về độ dài thì phải gọi đèo Ô Quy Hồ bằng “bác cả”. Thậm chí nó còn mệnh danh là “vua đèo Tây Bắc”, bởi nó dài đến gần 50 km và vượt qua “cổng trời” xấp xỉ 2000m, dưới chân ngọn Phan Xi Păng, nóc nhà Đông Dương.

Sang đến Thành phố Lai Châu thì mưa lại sập sùi. Lớp Tập huấn mở tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, cách trung tâm thành phố 35 km, một đoạn đường chỉ đi hết một giờ xe, nhưng vì thời tiết thế này thì Tấc bảo, không thể đi được, mù lắm, cách vài mét là chả nom thấy gì, đành nằm lại ở thành phố và lên lớp ở trụ sở Hội. 
'Chém gió' ở Lớp tập huấn tại Văn phòng Hội.Ảnh Trần Ngọc Thắng 
Với Lớp Nhiếp ảnh. Ảnh Trần Ngọc Thắng
Sang ngày thứ tư, trời tạnh, hửng lên một chút, lập tức cánh nhiếp ảnh hò nhau lên Sin Suối Hồ đi thực tế sáng tác. Vào xã Sin Suối Hồ rồi lại đến bản Sin Suối Hồ (còn gọi bản Suối Hồ), nằm trên cao độ 1400m, một điểm du lịch cộng đồng, mặc dù vừa được Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch ra quyết định công nhận (6/2015), nhưng đã nổi tiếng từ lâu. Quả nhiên, cái bản thuần người Mông với 103 hộ, 618 khẩu này có những nét “dị biệt” – “lạc lõng”, chẳng giống ai.
Nhóm đi thực tế sáng tác
ở Sin Suối Hồ. Ảnh Trần Ngọc Thắng
Hướng dẫn học viên sử dụng máy ảnh
Ảnh Trần Ngọc Thắng
Những điều "dị biệt" của ngôi bản này thì nhiều, nhưng chỉ kể mấy nét ấn tượng.  Ai đời, dân tộc Mông mà có đến 90% “không biết” uống rượu! Lạy Chúa, với người Mông xưa nay, rượu là thứ “sống còn”, gắn bó với người đàn ông Mông như thể không có nó thì không được công nhận là đấng nam nhi. Nếu trong nhà hết ngô làm mèn mén để chống đói, còn mẻ ngô cuối cùng vẫn đổ vào nấu rượu đã. Ở Bản Sin Suối Hồ này trước đây cũng vậy. Năm ngoái, trên một bài báo viết về “Chuyện bỏ rượu ở Sin Suối Hồ”, tác giả X.Thi (Báo Lai Châu) viết theo lời trưởng bản: “Người nghiện rượu mà không có rượu uống thì chân tay nó buồn bực, cầm con dao không chặt, vung cái cuốc không lên, mắt hoa, chân run. Họ phải có rượu mới lấy lại được khí thế. Với họ, rượu còn quan trọng hơn cơm ăn, nước uống nên có nhiều người dù nhà sắp phải đối mặt với cảnh đứt bữa nhưng vẫn không tiếc tay đổ ngô vào nấu rượu”... Đấy là chuyện của quá khứ. Còn nay thì hầu như không có người uống rượu. Trưởng bản Vàng A Chỉnh mời cánh văn nghệ chúng tôi bữa cơm trưa, thấy có 2 chai rượu, nhưng gia đình ông chủ thì đã ăn cơm trước, không khách sáo phải ngồi tiếp khách như nhiều nơi. Tôi muốn hỏi chuyện, nên rót một chén mời Chỉnh ra uống cho vui, song anh nể, chỉ đưa lên chạm môi cho phải phép rồi luyến thắng cung mây trả lời câu hỏi của tôi. Và còn 90% nữa lại cũng không biết hút thuốc lá, thuốc lào. Rượu ở vùng cao chẳng những phải đi liền với mồi nhắm mà còn không thể tách rời thuốc lá, thuốc lào. Đến chợ vùng cao vào quán tháng cố là thấy ngay. Những người đàn ông Mông mặt đỏ như mặt trời quây quanh cái bàn ăn với những bát tháng cố bốc khói nghi ngút, “rượu rót bát tràn bát…” nhưng không thể thiếu cái điếu ục truyền tay nhau liên tục nhả khói mịt mù. Quả thật, đã có rượu thịt rồi mà không có thuốc lá, thuốc lào thì mồm miệng càng nhạt nhẽo, thà chẳng uống còn hơn… Tôi tuy không nghiện rượu nhưng sành điếu ục, điếu cày nên quá biết cái cảm giác khi đã có hớp rượu vào nó nhớ thuốc như thế nào. Có lẽ vì bỏ được rượu nên Bản Sin Suối Hồ hầu như không có ai hút thuốc nữa. Để chiều tôi, một gã nghiện thuốc lào nên trước khi lên xe, Đỗ Thị Tấc bảo lái xe Trần Ngọc Thắng: “Mày đổ hết nước cái điếu ục đi, bỏ lên xe, mang lên Sin Suối Hồ cho bác Dương, chứ “lên đấy không đào đâu ra điếu được”.
Nấu ngô để nấu ra rượu.
(Ảnh ở một nơi khác chỉ để minh họa. Ảnh NND/PNTB)
Nghĩ cũng lạ, ở một bản trên trăm hộ, hơn sáu trăm con người nhưng không hề có trộm cắp, đánh cãi chửi nhau bao giờ. Xe máy vứt ở ngoài đường không khóa cũng chả ai lấy của ai. Nhớ thời bao cấp, ở Hà Nội xe không khóa được ví von thế này: “Có vợ mà cho đi Tây/ Như xe Pơ giô không khóa, để gốc cây bờ hồ”!... Ở Sin Suối Hồ, mọi người sống với nhau hòa thuận, yêu thương, quý trọng nhau. Mặc dù đời sống các hộ cũng không đồng đều, trong số hơn một trăm hộ vẫn còn vài hộ đói nghèo, thì ngày Tết mọi người đều mang gạo, rượu, thịt đến giúp đỡ, chia sẻ. Trẻ con rất ngoan, gặp khách là khoanh tay chào các cô các chú với những đôi mắt ngây thơ, trong trẻo… Chỉnh bảo, còn một số hộ nghèo đói chẳng qua cũng là do “cái số”. Thường là những người thiếu đất làm ăn, hoặc ốm đau, bệnh tật, hoàn cảnh neo đơn…gây ra, chứ chẳng ai muốn thế.
Ngôi nhà của Trưởng bản Vàng A Chỉnh
Thác Trái Tim ở bản Suối Hồ.
Ảnh NND/PNTB
Đi trên đường làng và dọc con đường lên thác Trái Tim, một điểm ấn tượng nhất của Bản, ta ngỡ như lạc vào một Công viên hoa dã quỳ rực rỡ vàng và những chậu địa lan, một loài hoa quý phái, thanh tú, đẳng cấp xếp thành hàng, thành lối hai bên đường. Vàng Văn Chỉnh cho biết: “Hồi trước, đi trồng thảo quả ở trên rừng già, thấy nhiều cây địa lan mọc hoang, nở hoa đẹp, thích nên đánh vài cụm về trồng chậu chơi. Năm 2013 khách du lịch đến bản, nom thấy hỏi mua, em bán được vài triệu đồng mỗi chậu. Thế là phổ biến cho cả bản trồng địa lan rải khắp từ nhà ra ngõ, ra đường làng...” để tăng thêm thu nhập. Tôi trộm nghĩ, nếu không phải là bản Suối Hồ, chắc qua một đêm, sáng mai những chậu lan ở ngoài đường đã có thể “không cánh mà bay”! …  Tất cả 103 hộ trong bản đều trồng địa lan. Nhà trồng ít nhất là 6-7 chậu. Nhiều nhất 500 chậu…”.  Cái Làng Địa Lan kiểu này thực sự là độc nhất vô nhị, không đâu có. Những chậu địa lan tọa trên cọc bê tông chạy dọc hai bên đường như một mũi tên bắn trúng liền hai đích: một là làm tăng vẻ đẹp của ngôi bản, hai là một cách trưng bầy hàng hóa không mất thêm mặt bằng diện tích, để du khách yêu mến thì rước đi! Quả là lưỡng tiện. Chỉnh nói thêm: “Nhà em trồng có 300 chậu thôi, chậu nào có hoa em bán, mỗi chậu từ 3 đến 5 triệu đồng, có khi hơn. Người ta mua mang đi Sa Pa, Lào Cai và cả Hà Nội… Trong bản có 50% số hộ trồng thảo quả, nhà ít nhất một năm thu được 70 – 80 kg, nhiều là cả tấn. Giá thảo quả năm nay 130 nghìn/kg. Nhà em có 1 tấn, bán được 130 triệu đồng…
Chỉ dẫn đường lên nương thảo quả.
Ảnh NND/PNTB

Những chậu địa lan tọa trên những cọc bê tông
từ nhà ra ngõ, ra đường làng. Ảnh NND/PNTB
Trưởng bản Vàng A Chỉnh năm nay tròn 40 tuổi, một vợ 3 con, 2 đứa đi học chuyên nghiệp (cao đẳng, trung cấp), đứa út đang học lớp 12. Có lẽ Chỉnh thực sự là “trụ cột” của ngôi bản. Ngay trước ngõ nhà Chỉnh có một cái chợ làng. Vâng, nếu là chợ khu vực, chợ xã, chợ phường thì đâu chả có, nhưng chợ “cấp thôn bản” thì chỉ có ở đây, ít nhất trên toàn cõi Lai Châu không đâu có. Cái chợ rộng 900 m2 với những mái lán làm bằng tre, gỗ, lợp tấm “bờ - rô” rất quê mùa, không cần bê tông cốt thép mà khá chắc chắn. Chỉnh ghé tai tôi nói nhỏ: “Em hiến đất cho bản làm cái chợ này, để bà con làm rau làm bánh bán, mỗi tuần một phiên, nhưng cái chính là để ông già, bà già đi chợ được”. Ồ, đúng rồi, chợ đối với người Mông xưa nay luôn là nét văn hóa truyền đời. Từ trẻ con đến người già đều rất cần chợ, không nhất thiết để bán, mua, mà để gặp nhau, để giãi bày, tâm sự…Vàng A Chỉnh quả là khôn ngoan, cặn kẽ, do hiểu biết sâu sắc truyền thống văn hóa dân tộc mình mà anh luôn nghĩ và làm những điều hợp với cái bụng của người dân.


Những lán chợ làng, không phải ngày chợ phiên
Ảnh NND/PNTB
Muốn lên thác Trái Tim, phải xuyên qua một khu rừng nguyên sinh, dọc theo con “suối vàng”. Tôi gọi là “suối vàng” vì theo Trưởng bản giải thích rằng, cái tên Sin Suối Hồ có gốc tiếng Quan Hỏa mà chữSin tức Kim nghĩa là Vàng. Cái suối này xưa kia có nhiều vàng mà. Từ trung tâm bản lên thác có độ dài 1500 m, nhưng phải luồn rừng, leo dốc. Gần đây, tháng 7/2015, Trưởng bản đã huy động tất cả các hộ tập trung xuống suối bê từng hòn đá cuội lên xếp thành con đường độc đáo, nên đi lại thật tuyệt vời, vừa đi vừa thưởng thức, nhâm nhi, nhấm nháp cái hoang sơ nơi rừng già cung cấm của Thiên nhiên. Chỉnh bảo, làm con đường này hết đúng 7 ngày. Làm xong Xã mới biết!”. Tôi buột miệng nói vui: “Chết nhá, thế là Bản làm “chui” rồi, chưa có chủ trương của cấp trên mà dám “cầm đèn chạy trước ô tô”. Chú mày thật to gan, lớn mật!...”. Chỉnh cười hề hề.
Đường lên
Thác Trái Tim. Ảnh NND/PNTB


Lại nói về làm đường, tiêu chí số 1 hiện nay của việc xây dựng nông thôn mới, Vàng A Chỉnh cho biết: Con đường 3000 m từ trung tâm xã về bản rải bê tông dày 0,12 m, rộng 2,5 m. Trong đó, dân bản tự túc hoàn toàn 1900 m. Còn 1100 m được nhà nước hỗ trợ xi, cát, đá, dân bản tự lo công lao động.
Con đường làm bằng
mồ hôi người dân bản Suối Hồ.
Ảnh NND/PNTB

Có một điều “dị biệt” không thể không nói là sự ăn ở ngăn nắp, vệ sinh môi trường ở bản khó có nơi vùng cao, vùng sâu nào sánh được. Tất cả các hộ đều có nhà vệ sinh, tuy không hiện đại như ở đô thị nhưng đều đáp ứng được sự sạch sẽ dân dã hiếm có. Nước dùng lấy từ đầu nguồn dẫn về. Chỉnh bảo, không có máy lọc nhưng “cứ sạch”. Tôi cười thầm khi anh dùng từ “cứ sạch”. Hay!… Gia súc trong bản nuôi rất nhiều, đủ loại như trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt…, nhưng khách đến bản chẳng gặp một con nào thả rông. Đều nhốt và có bãi chăn thả quy định riêng. Nghe đơn giản thế thôi nhưng chẳng dễ. Thì đấy, “cuộc cách mạng vệ sinh môi trường” ở vùng cao đã mấy nơi làm được như thế!?
WC trên đường
lên thác Trái Tim.
Ảnh NND/PNTB


Cô giáo Thanh Thanh, quê tận Phú Thọ, dạy nhạc họa Trường THPT cơ sở Sin Suối Hồ và Vũ Văn Dương, hiệu trưởng Trường Nậm Tăm, đều ở lứa tuổi 8x là học viên lớp tập huấn của Hội Văn học nghệ thuât dẫn tôi lên thăm thác Trái Tim. Trên đường leo dốc trong rừng già cổ kính, thỉnh thoảng lại bắt gặp một đoạn suối ép dòng nước trong vắt vọt qua những tảng đá rêu phong, tạo thành những thác nước mi ni, vẽ nên bức tranh thiên nhiên với vẻ đẹp bất tận, mà ai đã qua đây không thể nào quên. Chỉ có ba thầy trò, nên thỉnh thoảng lại dừng lại để thực tập chụp ảnh trong rừng. Quả là những kỷ niệm hiếm hoi, có lúc tưởng như mình đang “lạc vào chốn đào nguyên”... Bước thấp bước cao trên những hòn cuội xếp bằng mồ hôi của dân bản, khiến tôi tự nhiên thấy dâng trào niềm kính phục những người nông dân ăn mì mén chan nước suối.  Ồ, mà chỉ trên đoạn đường rừng 1500 m nhưng cũng bắt gặp những “công trình vệ sinh” làm bằng những mảnh gỗ tạp có chữ WC hẳn hoi, chứng tỏ du khách muốn “giải quyết nỗi buồn” là có ngay… nơi “đón tiếp”. Và, vì thế cũng không thể tự nhiên làm… “quận công” giữa rừng được! Việc vệ sinh môi trường của điểm Du lịch cộng đồng này quả là “bài bản”, tạo điều kiện cho mọi người có ý thức tự giác. Ngay như cái sân xi măng nhà Trưởng bản sạch bóng, khiến tôi cũng không nỡ vứt cái tăm xuống sân. Điều đáng nói là không thấy một khẩu hiệu tuyên truyền nào kiểu như “Hãy giữ vệ sinh chung”, “Không phóng uế bừa bãi”… Cái chi tiết tưởng nhỏ nhoi này có lẽ nhiều vùng du lịch “đàn anh” cũng phải nể… 
Tưởng như 'lạc chốn đào nguyên'
Ảnh NND/PNTB



Thày trò chụp ảnh cho nhau
trên đường lên thác Trái Tim. 
Ấn tượng nhất vẫn là cái Cổng làng. Không “vôi ve phấn sáp” như những cô gái làm tiền, chỉ là dựa vào hai cái thân cây xù sì, giản dị như những lão nông chân chất, quê mùa nhưng cổ kính và hấp dẫn. Dù trong đời, tôi chưa từng thấy một cái cổng làng nào như vậy mà vẫn cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện. Bắc qua hai cây để làm thành cái cổng chào là một tấm tôn hơi cong, nẹp bằng tre, sơn màu lá cây, với dòng chữ như viết bằng phấn bảng ở lớp tiểu học, rất khiêm tốn: “Điểm du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ”. Bên trái là hình vẽ hai trái tim, bên phải là một từ tiếng Anh “Love”. Vâng, một chữ Yêu, chỉ một chữ Yêu thôi, không cần đến những ngôn từ to tát, bóng bẩy đại thể như “Làng Văn hóa”, “Bản văn hóa” Hay “Gia đình Văn hóa”…này nọ được gắn biển quảng cáo rầm rộ ở nhiều nơi, thậm chí ở cả những nơi cực kỳ… thiếu văn hóa, khiến người đi qua nom thấy phải cau mày, nhíu mặt.


Trẻ con bản Sin Suối Hồ rất ngoan.Ảnh NND/PNTB 
Cổng làng. Ảnh NND/PNTB
Tục ngữ có câu “Đất thơm cò đậu”. Vì thế, người bản Suối Hồ tự làm “thơm” mảnh đất của mình trên cơ sở thiên nhiên ưu đãi về địa hình, khí hậu, cảnh quan…Họ chỉ việc xây dựng cho mình một nền nếp sinh hoạt và ứng xử chân thật vốn có, không bị lây những thứ khôn lỏi, dối trá từ nơi khác… là đã đủ hình thành một cơ sở du lịch sinh thái cộng đồng bền vững. Không cần đầu tư gì nhiều nhặn. Thực tiễn cho thấy, đôi khi có nơi ham đầu tư nhiều bằng những cái đầu rỗng tuếch về văn hóa, nhưng lại say tiền, chỉ muốn mau chóng kiếm chác, cầu lợi theo kiểu “ăn xổi ở thì”… nên đã làm thất thoát cả tiền bạc của dân của nước. Và vô tình hay hữu ý, điều đó đã tàn phá văn hóa, có thể khiến cho cả một cộng đồng văn hóa bị méo mó thậm chí đổ vỡ!… Vàng A Chỉnh cho biết, hiện nay ở Suối Hồ đã có khá nhiều du khách từ mọi miền đất nước tìm đến hằng ngày. Có cả người nước ngoài như Úc, Hoa Kỳ… Cái chính của người bản địa là biết gìn giữ, bảo tồn truyền thống văn hóa vốn có đang ẩn chứa trong cuộc sống của người dân, tiếp thu có chọn lọc và phát triển những yếu tố văn hóa, văn minh của nhân loại, tạo ra sự hấp dẫn lâu bền đối với du khách.


Có lẽ văn hóa không cần “đao to búa lớn”, hãy chỉ giản đơn về việc xây dựng hệ thống những ứng xử đẹp trong cuộc sống thường nhật, từ ăn ở, sinh hoạt, nói năng đến ý thức thượng tôn pháp luật trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng…Hãy để cho mỗi điểm du lịch văn hóa, sinh thái của đồng bào “Hữu xạ tự nhiên hương”, đừng can thiệp quá nhiều.  Tất cả những gì mang tính hình thức sáo rỗng, cố nhằm “tuyên truyền, giáo dục”, thậm chí còn có ý “dạy dỗ” dân chúng của một số người chưa đủ tư cách, khi họ nói một đằng, làm một nẻo… thì chỉ có thể làm hỏng thêm văn hóa.

Đúng như ông cha ta đã tổng kết: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

30/12/2015. NND/PNTB

Không có nhận xét nào: