Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

'Biển Đông vẫn phức tạp'

Thủ tướng VN: "Biển Đông vẫn phức tạp"

  • 35 phút trước
Thủ tướng Dũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Obama ở Nay Pyi Taw
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu vấn đề xây đắp các đảo trên Biển Đông mà nước này đang có tranh chấp với Trung Quốc ra trước hội nghị thượng đỉnh Asean ở thủ đô Nay Pyi Taw của Miến Điện.
Cũng tại hội nghị này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn trong tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc.

‘Biển Đông vẫn phức tạp’

Thủ tướng Dũng được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời nói tại phiên thảo luận toàn thể các nhà lãnh đạo Asean rằng ‘tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm’.
“Những việc này trái với quy định của Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC),” ông Dũng được dẫn lời nói.
Ông kêu gọi Asean tăng cường vai trò của mình trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo cho DOC được tuân thủ và nhanh chóng đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) mà đến nay Trung Quốc vẫn không mặn mà.
Bình luận về việc này, ông Lê Công Phụng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nói với BBC rằng ông Dũng ‘đã khẳng định lập trường của Việt Nam trước hành động sai trái của Trung Quốc’ và ‘cảnh báo cho mọi người biết là Trung Quốc đang có những hành động như vậy gây phức tạp trên Biển Đông’.
“Đây là một bước Việt Nam cảnh báo dư luận nói chung và các nước có liên quan nói riêng về những hành động sai trái của Trung Quốc,” ông Phụng nói.
Sau cuộc họp song phương với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại thủ đô Miến Điện nơi lãnh đạo các nước nhóm họp thượng đỉnh ASEAN và Đông Á, Tổng thống Barack Obama nói:
"Về chủ đề an ninh, chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm rằng điều quan trọnglà tất cả các nước trong khu vực dù là nước lớn hay nước nhỏ đều phải tuân theo những qui tắc dựa vào luật lệ cũng như luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp."
Khi được hỏi thì tại sao tại Thượng đỉnh Apec với sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sao ông Trương Tấn Sang lại không đưa vấn đề xây cất này ra, ông Phụng nói rằng ‘Apec chỉ bàn về kinh tế’.
“Lúc gặp ông Tập thì Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nói rõ Trung Quốc phải thực hiện nghiêm túc thỏa thuận và không làm những gì sai trái,” ông nói thêm.
Về khả năng khối Asean đồng thuận về Biển Đông, ông Phụng cho rằng ‘mặc dù hiện nay chưa có nhưng nhận thức của Asean về Biển Đông ngày càng nân lên.
“Các nước Asean dần dần có bước chuyển để làm sao có Asean có lập trường chung để duy trì hòa bình và ổn định ở đông nam Á.”

‘Quay lại quan hệ tốt’

Cũng theo hãng tin nhà nước của Việt Nam thì các nhà lãnh đạo Asean đã ‘bày tỏ quan ngại sâu sắc’ trước tình hình phức tạp trên Biển Đông.
Về phần mình, tại diễn đàn Asean và các hội nghị thượng đỉnh liên quan, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tranh thủ sự ủng hộ của Ấn Độ để giúp làm giảm căng thẳng trên Biển Đông, tờ Daily Tribune của Philippines cho biết.
Thượng đỉnh Asean lần này đã thể hiện lập trường chung về Biển Đông
Ông Aquino đã đưa ra lời kêu gọi này trong bài phát biểu của ông hôm 12/11 tại Thượng đỉnh Asean.
“Tổng thống Aquino tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ và các nước thành viên Liên Hiệp Quốc khác đối với đề xuất của Philippines về việc làm giảm căng thẳng trên Biển Đông vốn được đưa ra tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước,” ông Herminio Coloma Jr, thư ký báo chí của ông Aquino, cho biết.
Ông Aquino đã nêu trường hợp trọng tài xác định ranh giới trên biển giữa Ấn Độ và Bangladesh trên Vịnh Bengal là một ‘hình mẫu tốt’ cho thấy Công ước Quốc tế về Luật Biển và Tòa án Quốc tế về Luật Biển có thể ‘đem đến cơ chế hợp lý nhất, công bằng nhất và đúng đắn nhất’ để giải quyết tranh chấp giữa các nước.
Tờ báo này cũng tường thuật rằng ông Aquino đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh Apec ở Bắc Kinh và hai nhà lãnh đạo được cho là đã đồng ý giải quyết các tranh chấp ‘một cách xây dựng’.
“Ông ấy (Tập Cận Bình) nói với tôi rằng hai nước chúng ta đã có quan hệ tốt từ nhiều đời nay. Từ thời tất cả các nhà lãnh đạo trước đây của hai nước chúng ta, chúng ta đã có quan hệ tốt. Hy vọng rằng chúng ta sẽ trở lại mối quan hệ tốt như trước đây,” ông Aquino được dẫn lời kể lại.
“Chúng tôi xử lý tranh chấp theo hai cách: thứ nhất là trọng tài; thứ hai là thúc đẩy việc ra đời Bộ Quy tắc Ứng xử. Nhưng đồng thời, chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi muốn giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế,” ông Aquino được dẫn lời nói.

Indonesia trung gian

Trong một diễn biến khác, tờ Jakarta Globe của Indonesia cho biết tân tổng thống nước này, ông Joko Widodo, đã ‘bắt đầu đảm nhận vai trò nhà trung gian để giúp các bên làm giảm căng thẳng trên Biển Đông’.
Là quốc gia lớn nhất và có vai trò quan trọng nhất trong khối Asean, Indonesia được mong đợi sẽ đóng vai trò trung gian trong tranh chấp giữa một số nước thành viên của khối với Trung Quốc.
Ông Andi Widjajanto, chánh văn phòng nội các Indonesia, hôm 13/11 nói ông Joko sẽ yêu cầu tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế trong lúc các nước đang bàn thảo về Bộ Quy tắc ứng xử.
Các nước có tranh chấp đã ký vào một tuyên bố cam kết sẽ tuân thủ Bộ Quy tắc này nhưng việc soạn thảo nó tiếp tục là vấn đề tranh cãi gay gắt, the Jakarta Globe.
“Điều quan trọng là các nước phải kiềm chế không được khiêu khích lẫn nhau,” ông Andi nói.

Không có nhận xét nào: