Tin ngày 3/9
Trung Quốc cải tạo bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhỏ
Tờ Want China Times của Đài Loan đưa tin, kể từ tháng 2/2014, Trung Quốc đã liên tục cử các đội xây dựng tới các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Trung Quốc vẫn tiếp tục hàng loạt hoạt động phi pháp trên biển Đông của Việt Nam
Các nguồn tin cho biết 6 bãi đá ngầm gồm Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên, Chữ Thập, Tư Nghĩa và Én Đất đã bị biến thành các đảo nhỏ. Ngoài Én Đất, tất cả bãi đá trên đều được giới chức Trung Quốc ấn định "ngày sinh" cụ thể vào tháng 7.
Các bức ảnh vệ tinh chụp bãi Gạc Ma hồi tháng 7 cho thấy Trung Quốc đã thiết lập một bến tàu mới và trồng các hàng dừa dọc theo cơ sở hạ tầng như đường xá và tòa nhà. Trước đó, tờ “Philippines Star” ngày 28 tháng 8 đưa tin, Quân đội Philippines trinh sát trên không cho thấy, Trung Quốc đang xây dựng đảo nhỏ nhân tạo ở đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hoạt động này của Trung Quốc là bất hợp pháp).
Bài báo cho biết, đá Gạc Ma với nhamthạch và cát đã bị thay thế bởi một hòn đảo nhỏ màu trắng hình quả táo, bên trên đã xây dựng một số công trình. Công trình màu xanh ở giữa tương đối nổi bật, một số cây cọ được trồng ở bãi cỏ phía trước. Ngoài ra, ở khu vực lấn biển, Trung Quốc đang thi công một bến đỗ.
Theo báo Philippines, hoạt động lấn biển của Trung Quốc đối với đá Gạc Ma đã chuyển sang giai đoạn “xanh hóa” – trong đó có trồng cây dừa và cây cọ. Một quan chức an ninh cấp cao Philippines nói: “Đá san hô đã biến mất, cây cối trong đó có cây dừa hiện đang làm cho khu vực này có màu xanh”. Một số cây dừa cũng được trồng ở khu vực máy nghiền bê tông để bảo vệ công trình nhân tạo tránh bị sóng biển tấn công.
Các nhà phân tích nhận định rằng nguồn lực dồi dào và khả năng xây dựng đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tiến hành khai hoang nhanh chóng ở Biển Đông. Sự gia tăng cơ sở hạ tầng cũng khiến Trung Quốc có thể đưa ra các tuyên bố chủ quyền trắng trợn hơn.
Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và đảo Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. "Trong khi các lãnh đạo chính trị của chúng ta đang bận rộn tranh cãi thì ở ở ngoài kia trên Biển Tây Philippines (Biển Đông), chúng ta đang dần mất từng tấc đất lãnh thổ do sự xâm lược từ từ của Trung Quốc", một quan chức an ninh cấp cao của Philippines nói.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuần trước xác nhận Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động khai hoang trên Biển Đông và một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh giảm căng thẳng tại các vùng biển tranh chấp.
Ông Aquino cũng cho hay Philippines sẽ tiếp tục kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật biển và thúc đẩy quá trình thành lập bộ quy tắc ứng xử (COC) để kiểm soát hành vi của các bên trong khu vực.
Rõ ràng, nếu hoạt động lấn biển, “biến đá thành đảo”, thậm chí biến đá ngầm thành “căn cứ quân sự” của Trung Quốc là sự thật, thì đây sẽ là một hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng DOC và luật pháp quốc tế, tiếp tục đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Trung Quốc mở tuyến du lịch mới tới Hoàng Sa của Việt Nam
Truyền thông Trung Quốc hôm nay đưa tin Bắc Kinh đang mở tuyến du lịch theo lộ trình mới tới quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo.
Tàu Coconut Princess khởi hành từ Tam Á ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Tàu du lịch Coconut Princess hôm nay khởi hành từ Tam Á, thành phố phía nam đảo Hải Nam, tới quần đảo Hoàng Sa, Xinhua đưa tin. Trong chuyến đi dài 4 ngày, du khách sẽ tham quan ba đảo nhỏ, nơi họ có thể chơi "bóng chuyền bãi biển, lặn, câu cá và chụp ảnh cưới".
Ye Wei, Phó tổng giám đốc Hainan Strait Shipping Co., công ty vận hành tàu Coconut Princess, cho biết có khoảng 200 du khách tham gia chuyến đi và sẽ mất khoảng 12 giờ để tới quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm tuyến du lịch này hồi tháng 4/2013, khởi hành từ thành phố Hải Khẩu. Tuy nhiên, lộ trình này bị hủy bỏ do đường đi dài hơn so với xuất phát từ Tam Á.
Đây là một trong những hoạt động xâm phạm chủ quyền mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo này.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, vùng biển được cho là có nguồn tài nguyên phong phú, chồng lấn với 4 quốc gia ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Biển Đông còn có vị trí chiến lược trong lĩnh vực hàng hải với giá trị hàng hóa thông thương qua khu vực này ước đạt khoảng 5.000 tỷ USD một năm.
VN cần cho TQ thấy họ không thể thao túng
Trao đổi bên lề Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng ngày 28/8, GS. Carl Thayer nhận định: VN cần đặt mình ở vị trí trung tâm trong quan hệ với TQ và các quốc gia lớn khác.
- Ông nhìn nhận thế nào về chuyến thăm vừa rồi của đặc phái viên Tổng bí thư, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, đến TQ, và trong các cuộc tiếp kiến, phía TQ đều nói muốn phục hồi quan hệ song phương?
Đây là một diễn biến tích cực sau sự việc giàn khoan Hải Dương 981 hồi tháng 5. Tôi nghĩ hai bên đều nhận thấy không thể có diễn biến gì mang tính xây dựng nếu cứ tiếp tục đối đầu. Sau khi TQ rút giàn khoan, tình hình đã bớt căng thẳng, và bây giờ là thời điểm thích hợp.
GS. Carl Thayer
TQ đã quyết định chọn cách giải quyết giữa hai Đảng để tránh sự đối đầu giữa hai Nhà nước. Tôi hy vọng sau chuyến thăm của đặc phái viên sẽ là một chuyến thăm của đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh. Chúng ta đều biết là đối với vấn đề biên giới trên đất liền, hay phân định vịnh Bắc Bộ, các lãnh đạo cao nhất đã đạt được thỏa thuận và đặt ra thời hạn, tất cả đều tuân thủ.
Chuyến thăm có thể không giải quyết được vấn đề trên Biển Đông nhưng phải tìm giải pháp cho hai việc: Liệu TQ có đưa giàn khoan trở lại vào năm tới? Và VN có tiếp tục theo đuổi việc đấu tranh pháp pháp lý?
Đây mới chỉ là những bước trù bị, nhưng với tôi đó là những dấu hiệu tích cực.
- Cũng trong tháng 8, VN đón các quan chức cao cấp như Ngoại trưởng Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Ấn Độ. Theo ông, các chuyến thăm này cho thấy điều gì?
Điều này cho thấy sự tiếp tục đường lối đối ngoại đa phương của Việt Nam được đánh dấu từ năm 1991.
Việc này chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các bên đều hợp tác với VN. Khi căng thẳng gia tăng xung quanh giàn khoan, chính sách đó không tránh khỏi bị đặt câu hỏi. Nay khi căng thẳng đã hạ nhiệt, cùng với việc tăng cường quan hệ song phương với TQ, VN cũng theo đuổi quan hệ đa phương với các quốc gia khác.
Việc VN đặt mình ở vị trí trung tâm sẽ khiến các nước phải tự hỏi nếu không hợp tác với VN, họ có thể bị lỡ tàu, cũng như để TQ nhận ra họ không thể thao túng. VN cho thấy mình không về phe nào mà đang cố gắng hợp tác, trở thành một người bạn đáng tin cậy, chừng nào các nước còn hợp tác với VN.
Vì vậy, việc VN mời các quan chức Ấn Độ, Hoa Kỳ và nhiều nước khác đến cùng lúc là một việc tốt.
- Ông có dự đoán nào về những giàn khoan mà TQ đang tiếp tục xây dựng, liệu họ có tiếp tục chiến lược lãnh thổ di động không?
Đây là một vấn đề khá mâu thuẫn. Các giàn khoan rất lớn, được làm là để tham gia các hoạt động hợp tác thương mại. Nhưng nếu chính quyền yêu cầu các giàn khoan này tham gia các mục đích chính trị và chủ quyền, chúng sẽ không phục vụ đúng mục đích.
Thế nên TQ cần quyết định sẽ triển khai các giàn khoan này đến những nơi giàu dầu khí có thể khai thác để làm giàu cho kinh tế TQ, hay đến đặt ở những vùng biển tranh chấp để tiếp tục gây ra những căng thẳng và đối đầu.
Còn quá sớm để nói, họ có thể quay lại, có thể đến một vùng khác, gần Philippines chẳng hạn, chờ xem TQ sẽ thể hiện thế nào. Nhưng khi VN phản ứng lại TQ, một điều tôi cho là bất ngờ, thì cả hai bên, nhất là TQ, cần nhìn lại liệu họ có muốn đưa giàn khoan quay lại và gây thêm căng thẳng không.
Tại diễn đàn này, các đại biểu dù không đề cập trực tiếp cũng cho thấy sự quan ngại về vụ việc giàn khoan Hải Dương 981. Không ai thích và đều sợ các va chạm trên biển, tàu cá bị đâm chìm… Thế nên mọi chuyện phụ thuộc vào TQ.
Con đường Tơ lụa trên biển không phải là cơ hội duy nhất
- Chủ đề của các diễn đàn Biển ASEAN và mở rộng là về hợp tác biển. Thời gian gần đây, một số tỉnh miền Nam TQ như Quảng Đông, cũng nói đến việc thiết lập Con đường Tơ lụa trên biển để tăng cường giao thương với ASEAN. Theo ông dự án này có hứa hẹn?
Hội nhập kinh tế phải mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Con đường Tơ lụa trên biển cũng nằm trong bối cảnh chung của việc liên kết kinh tế giữa miền Nam TQ với khu vực ASEAN thông qua VN. Còn nhớ trong chuyến thăm VN tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường cũng nói về việc tạo điều kiện hạ tầng cho sự liên kết này.
Việc các nước liên quan đều muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế là một yếu tố hữu ích, nhưng không thể tự nó giải quyết tất cả các vấn đề an ninh. Nhưng hợp tác kinh tế là tốt, vì ví dụ, nhiều nhà đầu tư TQ có nhà máy sinh lời ở VN, họ cũng muốn các nhà máy đó nhanh chóng trở lại hoạt động. Khi VN tham gia Hiện định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nhà máy đó có thể xuất khẩu sang Mỹ với giá thành rẻ hơn là xuất khẩu trực tiếp từ TQ. Thế nên đó là một quan hệ các bên đều có lợi.
Nhưng Con đường Tơ lụa trên biển không phải là cơ hội duy nhất. VN cũng đang đàm phán gia nhập TPP với Mỹ. VN có thể có cả hai, có thể có tất cả các cơ hội hợp tác song phương với các nước hay đa phương trong khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét