Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Thái cực trường sinh Đạo

Con đường đưa tôi đến với 
Thái cực trường sinh Đạo
                                                    Ngọc Dương
Rong ruổi đi vùng cao chụp ảnh. 
Ngoài máy ảnh, các "phụ tùng"
còn có cả điếu cày. Ảnh: Xuân Hậu
   Ngày 30/9/2012-8:30     (GMT+7)
                                                                         Từ bé, tôi vốn là người xanh xao, yếu ớt. Lớn lên đi công tác gặp phải thời Đất nước có chiến tranh, khó khăn chồng chất, nên bệnh tật đầy người. Năm 1987, tôi bị sốt rét ác tính “thập tử nhất sinh”. Đến năm 1994 lại bị xuất huyết dạ dày cũng tí nữa phải... đi sớm với các cụ! Hồi ấy, tôi đang công tác ở Tỉnh ủy Lào Cai, tháng nào cũng phải vào “thăm” bệnh viện. Tôi nghĩ nhiều đến việc cải thiện sức khỏe của mình, phải chăng, cần đến một bài tập dưỡng sinh, không nên phụ thuộc nhiều vào thuốc. Mùa thu năm 1997, tôi xin Phòng khám Cán bộ tỉnh cho đi điều trị bệnh dạ dày ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương một tháng, nhưng mục đích chính là hy vọng ở đây tôi có cơ hội tìm được thày dạy dưỡng sinh.
Sau mấy ngày vào viện Y học cổ truyền - 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội – vẫn chưa tìm được môn dưỡng sinh phù hợp.  Một buối sáng tôi xuống ki ốt bưu điện góc đường Nguyễn Đình Chiểu – Trần Nhân Tông, cạnh Công viên Lê-nin để gọi dịch vụ về nhà. Vừa thoại xong thì cơn mưa bất chợt khiến một bà lão khoảng ngoài U70 đi xe đạp đâm sầm vào tôi ngay cửa ki ốt, chiếc xe đạp phanh kít. Tôi trách nhẹ: “Sáng sớm cụ đi đâu mà khiếp thế, tí nữa thì cụ chơi gẫy chân con!” Trong dáng nhanh nhẹn, khỏe khoắn, cụ xin lỗi tôi vì tránh mưa. Cụ bảo: “Tôi đi tập Thái cực quyền về”. “Cụ tập ở đâu cho con theo với”. “Ở Công viên Lê-nin, nhưng nếu anh muốn thì nên theo Thái cực trường sinh Đạo. Thái cực trường sinh đạo hay lắm. Tôi cũng đang định bỏ Thái cực quyền sang Thái cực trường sinh Đạo đây”. “Vậy tìm Thái cực trường sinh Đạo ở đâu, cụ mách con với!” “Thế này nhé, khoảng 5 giờ sáng mai anh ra chỗ B52 trong công viên này, gặp người có trách nhiệm, họ sẽ dạy anh”. Tôi mừng quá, cám ơn bà cụ và nghĩ: “Có lẽ trời xui đất khiến, mình gặp may rồi!”. Nhưng tôi chưa biết rõ cái địa chỉ “B52”, nên buổi tối lẳng lặng ra Công viên hỏi thăm. Người ta bảo: “B52 là cái chỗ kỷ niệm bắn rơi B52 của Không lực Hoa Kỳ thời chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc”. Loanh quanh một hồi, tôi cũng tìm được vị trí đó. Đêm ấy, chỉ mong trời chóng sáng để đi “tìm thày học đạo”, mong cải thiện tình hình sức khỏe bản thân. 

Tôi dậy trước 5 giờ, xin anh bảo vệ Bệnh viện mở cổng sớm cho ra Công viên. Đến chỗ B52, thấy có mấy tốp các ông, bà đang tập, mỗi tốp độ vài chục người. Mạnh dạn đến hỏi người phụ trách thì tôi được tiếp đón rất ân cần. Một chị khoảng 50 tuổi hướng dẫn tôi đến gặp bà Oanh và giao cho bà dạy, một thày một trò. Biết tôi là bệnh nhân của Bệnh viện Y học cổ truyền đến từ tỉnh Lào cai, nên cho học ngay, không cần “duyệt lý lịch”. Sau khi biết quỹ thời gian của tôi ở Hà Nội chỉ còn 21 ngày, bà Oanh gợi ý: “Ngoài học buổi sáng ở Công viên, buổi chiều anh nên đến nhà tôi học thêm 2 giờ thì mới kịp tiếp thu cơ bản 128 động tác trước khi ra viện”. Bà tình nguyện giúp tôi đạt mục đích. Tôi cám ơn bà, dù đang nằm viện vẫn quyết tâm. Rất may, Bệnh viện chỉ khám, cấp thuốc buổi sáng, chiều có thể “trốn” vài giờ.

Nhà bà Oanh ở phố Nhà Chung, từ viện lên khoảng 3 km. Đi bộ thì mất thời gian, xe ôm thì nói thật “không chịu được nhiệt”. Tôi đến nhà bác Nguyễn Khắc Mai, lúc đó đang làm Tổng biên tập Tạp chí Dân vận, bạn vong niên với tôi trình bầy hoàn cảnh. Bác Mai bảo: “Có mấy cái xe đạp kia, mày đi được cái nào thì đi”. Như vớ được vàng, tôi mượn bác Mai cái xe đạp, mỗi đêm chỉ mất 1 nghìn tiền gửi thôi.

Hàng ngày, bà Oanh dẫn tôi lên gác thượng, thoáng, mát tận tình chỉ dẫn ôn lại từng động tác cũ, học thêm động tác mới, vừa học luyện hình vừa nghe bà giảng về cái tâm, cái đức của người theo Trường phái. Những phút giải lao, bà mời tôi hoa quả, bánh trái và chuyện trò vui vẻ. Bà bảo: “Anh là người thứ ba sau một chị ở Sài Gòn, một anh ở Cao Bằng mà tôi từng hướng dẫn. Nhưng anh có vẻ tiếp thu nhanh đấy”. Được “Sư phụ” khen, tôi phổng mũi, tối về bệnh viện tranh thủ ôn đi ôn lại cho bằng nhớ. Có hôm tôi mua hoa quả đến, bà Oanh mắng: “Trong tủ nhà tôi đầy, việc gì anh phải mua!”. Sau 21 ngày, tiếp thu hết 128 động tác Thái cực trường sinh Đạo. Tôi muốn gửi một chút tiền bồi dưỡng, nhưng bà Oanh lại mắng: “Tôi dạy anh là để anh truyền bộ môn này cho mọi người giữ gìn và nâng cao sức khỏe, làm phúc cho đời chứ đâu phải để lấy tiền!”...  

Về cơ quan, tối nào tôi cũng tập. Sau 4 tháng, tôi lên được 4 kg (trước đó chỉ có 44 kg). Sức khỏe khá dần, không phải đi viện nữa. Năm 1999, bác sĩ Trịnh Tuyết Nhung – Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lào Cai mời tôi hướng dẫn cho các bác ở phường Kim Tân và sau thành lập Câu lạc bộ Thái cực trường sinh Đạo đầu tiên của tỉnh Lào Cai. Năm 2000, tôi lại tự nguyện hướng dẫn cho khoảng 30 người của phường Pom Hán, sau cũng thành lập câu lạc bộ Thái cực trường sinh Đạo ở phường này... Ngày còn sinh thời, cụ Song Tùng thường xuyên gửi thư, những tài liệu hướng dẫn của Trung tâm cho tôi, mong Lào Cai phát triển Thái cực trường sinh Đạo rộng khắp. Tôi đã nhiều lần đến 105/3 Quán Thánh, HN (Trung tâm Thái cực trường sinh đạo Việt Nam) thăm cụ Song Tùng và cụ Hoàng Thị Lam, được cụ Song Tùng nâng cao cả luyện tâm, luyện ý, luyện khí, luyện hình.

Từ “đốm lửa nhỏ” ngày ấy, phong trào tập Thái cực trường sinh Đạo nay lan tỏa đến hàng nghìn người thuộc Hội người cao tuổi thành phố Lào Cai. Tôi mừng thầm: hóa ra công việc nhỏ ấy của mình dù gì cũng có chút tác dụng cho phong trào. Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là thấy các cụ tập ngày càng đông và cụ nào cũng vui vẻ, khỏe khoắn. Hội Người Cao tuổi thành phố Lào Cai đôi khi vẫn nhắc lại cái “đốm lửa” nhỏ ngày nào mà tôi rước từ Thủ đô Hà Nội.

Về cá nhân, tôi thường xuyên tập hàng ngày, đến nay đã được 15 năm. Nhưng nói thật, cũng chỉ hoàn thành được phần Luyện Hình, Luyện Khí, còn luyện Tâm thì không dám khoe khoang, Luyện Ý thì tư tưởng nhiều lúc vẫn còn phân tán, chưa quán tưởng được. Có lẽ, tập hết đời cũng chưa chắc hoàn thành, nhưng sức khỏe thì tốt hơn nhiều. Dạ dày, đường ruột, huyết áp, tim mạch hoàn toàn ổn định. Không cảm cúm vặt, viêm họng như trước kia. Xương khớp ở tuổi 65 cứ định rệu rã thì lại được củng cố... 

1 nhận xét:

Nguyễn Ngọc Dương nói...

Ô, bài này lại được nhân ra ở đây, thảo nào bài viết một năm rồi, nay lại thấy nhiều người đọc. Cám ơn "NVH-3T"!