Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Ai là tác giả...



AI LÀ TÁC GIẢ THẬT SỰ CỦA LUẬN ĐỀ 
“HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA”?

Nguyễn Minh Thuyết
Vừa qua, nhân được đề nghị viết một chuyên đề về chính sách phát triển nguồn nhân lực, tôi có đọc lại một số tài liệu về việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài thời xưa. Dĩ nhiên, trong các tài liệu tôi đọc có bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) do Đông Các Đại học sĩ Thân Nhân Trung (1418 – 1499) vâng lệnh vua soạn với luận đề nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia.” [1]
Cho đến nay, tất cả các tài liệu nghiên cứu đều khẳng định đây là tư tưởng độc đáo của Thân Nhân Trung, ví dụ ý kiến sau đây của Đỗ Trần Phương và Nguyễn Thành Nam trên Tạp chí Nghiên cứu văn hóa: “Có thể nói, trong lịch sử văn hoá, giáo dục trước đời Lê Thánh Tông, chưa có ai đặt vấn đề như ông. Người ta không ai là không biết mối quan hệ giữa hiền tài và sự thịnh suy của một triều đại, một quốc gia. Nhưng còn coi người hiền tài là nguyên khí quốc gia thì phải ghi nhận bắt đầu từ Thân Nhân Trung, một câu tổng kết chính xác cho cả một đường lối chiến lược về văn hoá, giáo dục của bất cứ một thời đại nào, một chính thể nào.” [2] Tấm bình phong dựng trước tòa nhà chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội đắp nổi luận đề nói trên cũng ghi rõ tác giả luận đề ấy là Thân Nhân Trung.
Tuy nhiên, đọc những bài ký trên một số tấm bia dựng cùng năm Giáp Thìn 1484 với tấm bia khắc bài ký của Thân Nhân Trung, tôi thấy quan niệm “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” được nhắc đến không chỉ một lần.
Bài ký đề danh tiến sĩ khoa Ất Mùi (1475) viết: “Hiền tài đối với quốc gia cũng như người có nguyên khí không thể một ngày không có.” [3]
Bài ký đề danh tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) do Đông Các Hiệu thư Đào Cử soạn còn nói rõ: “Đức Hoàng thượng nghĩ rằng: nhân tài là nguyên khí của đất nước, không thể không ra công bồi bổ.” [4]
Như vậy, có thể tin rằng tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là của Vua Lê Thánh Tông – người đã giao cho các nhà khoa bảng như Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử,… soạn văn bia tôn vinh việc mở mang sự học, tôn vinh các vị đại khoa. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Thánh Tông được biết đến như một vị vua anh minh, văn trị võ công hiển hách và là một nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất, chủ súy tao đàn. Có thể Nhà vua đã nêu ra luận đề này những khi hội triều, khi ban cờ biển cho các vị tân khoa, khi xướng họa với quần thần ở tao đàn hoặc khi giao việc viết văn bia cho các văn thần. Các nhà khoa bảng Thân Nhân Trung, Đào Cử, Lê Trung là những người chấp bút, thể hiện tư tưởng đó vào những bài văn bia được viết theo chỉ dụ của Vua.
Tôi ngờ rằng các nhà nghiên cứu cho Thân Nhân Trung là người đầu tiên đưa ra luận đề nói trên là vì luận đề ấy được ghi trên tấm bia đề danh tiến sĩ khoa thi sớm nhất (Nhâm Tuất 1442) trong số các khoa thi được dựng bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhưng tấm bia có khắc bài ký của Thân Nhân Trung chỉ là 1 trong 10 tấm bia Vua Lê Thánh Tông cho dựng cùng năm 1484 để vinh danh các vị đại khoa từ khoa thi năm 1442 đến khoa thi năm đó. Bài ký của Thân Nhân Trung viết về khoa thi năm 1442 nhưng là viết vào năm 1484 cùng 9 bài ký khác, trong đó có các bài ký về khoa thi năm 1463 và 1475.[5]
Mong các nhà nghiên cứu lịch sử và nghiên cứu Hán Nôm tìm hiểu thêm và đính chính cho điều này, nếu quả thực có chỗ chưa chính xác.
N.M.T

Không có nhận xét nào: