Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Lễ Vu lan trong ý niệm dân gian

Lễ Vu lan trong ý niệm dân gian


Theo sách Thích thị yêu lãm, “Vu lan” tiếng Phạn là “Vu lan bồn” như tiếng Hán nói “Cứu đảo huyền” (cứu người bị treo ngược), nói rộng ra là những kẻ bị tù tội hoặc khốn cùng, đói khổ, không cơm ăn áo mặc.
 
Do người xưa quan niệm “âm dương đồng nhất thể” (dương sao âm vậy), nên bày ra tục cúng kiến để tỏ lòng biết ơn và báo ơn, chủ yếu là ông bà cha mẹ và những người thân đã qua đời. Tùy gia thế mà thức cúng có khác nhau, không nhất định, nói chung là có chi cúng nấy, chay hay mặn đều được.
Cỗ bàn, lễ vật đặt trong nhà. Cũng không quên đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo, đặng “chuyển xuống âm phủ” cho các đối tượng ấy có mà dùng, mà đút lót cho bọn “đầu trâu mặt ngựa”, cho rằng có hối lộ như vậy chúng sẽ nương tay khi “hình sự” (như chuyện thường tình trên dương thế)!
 Bọn đầu trâu mặt ngựa đang thi hành án dưới địa ngục
Dịp này người ta cũng không thể không thương tưởng đến các vong hồn không nơi nương tựa. Họ là những người bỏ mạng do sơn lam chướng khí, ngộ độc giữa rừng sâu, hoặc bị hùm tha sấu bắt, núi lở cây đè, hoặc chết trận hay chẳng may bom rơi đạn lạc … nói chung là chết bờ chết bụi, hồn ma bóng quế vất vưởng do không ai thờ cúng.
Để tỏ chút lòng trước cảnh tình những kẻ xấu số, người ta không thể không bày mâm cúng cô hồn, trên ấy chỉ để vài món vật thực đơn mọn, phổ biến gạo, muối và bộ tam sên gồm 3 miếng trứng luộc, 3 miếng thịt luộc và 3 con tôm nhỏ, hoặc tép – tượng trưng cho ba loài: bay trên trời, sống trên mặt đất và lội dưới nước; có người cúng thêm vài muỗng cháo loãng, đựng bằng những chiếc lá đa, giả là cái chén. Tất cả đem để bên lề đường chỗ khúc vắng, thắp nén nhang, rồi về, bỏ đó. Chẳng biết có “ma đói” nào tới “ăn” không, hay chỉ bọn mèo hoang, chó rong và chuột đồng… thưởng thức! 
 
 Chết xuống âm phủ bị treo ngược
Có người đem tất cả để trên một chiếc tàu nhỏ làm bằng bẹ chuối, gọi tàu tống thả xuống sông cho trôi đi đâu thì trôi – hiểu là “cô hồn các đảng” sẽ bám theo tàu ấy để cùng nhau ngỏa nguê. Thế là đã tống chúng đi nơi khác. Rõ ràng, những thức cúng cô hồn chỉ mang tính tượng trưng, như một sự “nghĩ đến”, nhưng thâm ý của sự bố thí ấy chẳng qua là “lấy lòng” để các hồn ma vất vưởng ấy thương tình mà không theo quấy phá, làm cho cả nhà phải triền miên đau ốm, hoặc bắt hồn con trẻ đem đi…!
Với người Việt, Vu lan còn gọi là “tết Trung nguyên”. Về tết này, Edmond Nordemann ghi nhận trong Chrestomathie Annamite, dẫn lại từ bản dịch của Nguyễn Bá Mão, nhan là Quảng tập viêm văn (An Nam văn tập), Nxb. Hội Nhà văn, 2006: Ngày hôm tết ấy là đầu nửa năm, cho nên chữ gọi là: “Trung nguyên tiết”. Trong kinh nhà Phật có dạy rằng: Hôm ấy các quan âm phủ xét những người thuở sống ở dương gian, người nào ở lành thì phong, người ở ác thì bắt tội; nhưng mà hôm ấy cũng tha cả, cho phép đi chơi. Bởi thế tục truyền theo chữ, gọi ngày ấy là ngày “Phong nhân xá tội” (nghĩa là: “Có nhân thì phong, có tội thì tha”).
Người ta mới nghĩ rằng “Âm phủ sao, dương gian vậy”. Nhà ai cũng có tổ tiên, nên ngày ấy, ai ai cũng làm cỗ bàn mấy vàng mã, đồ đạc, quần áo bằng giấy, để cúng, gọi là đồ “Lễ bội”. (Chuyển dẫn, đây xin mạn phép chỉnh sửa một số từ “sai chính tả” mà dịch giả đã cố ý giữ đúng y theo chữ dùng của nguyên tác, cho dễ đọc).
Kẻ làm ác chết xuống địa ngục bị hành hình 
Lê Quý Đôn, ghi trong Kiến văn tiểu lục: Sách Mộng hoa lục chép: “Tết Trung nguyên, người ta để đồ mã và áo giấy ngũ sắc vào cái giường ba chân, như cái đèn nồi, gọi là Vu lan bồn, treo áo giấy, tiền giấy lên trên rồi đốt”. Lục Du nói: “Tục bấy giờ (đời Tống), đến ngày rằm tháng bảy làm cỗ chay cúng gia tiên, đan tre làm chậu, đựng tiền giấy, rồi lấy đóm đốt”.
Theo cách nghĩ của người xưa, đốt giấy tiền vàng bạc và thả đồ cúng xuống sông là để nhằm chuyển xuống cõi âm cho các vong hồn thọ hưởng.
Khởi thủy lễ Vu lan là thế, nhưng dần về sau, theo truyền thuyết Phật giáo: Bồ tát Mục Liên, do quá thương nhớ mẹ là bà Thanh Đề, đã chết, nhờ có phép thần thông, nên thấy biết mẹ mình dưới âm phủ đang đang lâm kiếp ngạ quỷ; ông thỉnh ý Phật tổ cách cứu mẹ. Đức Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Mục Liên làm theo lời Phật, bà Thanh Đề được giải thoát. Từ ấy hàng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy hầu hết Phật tử đều làm như vậy để gọi là báo hiếu.
Bàn thờ cô hồn 
Câu chuyện “Mục Liên Thanh Đề” được truyền tụng từ đời nọ đến đời kia. Thế là nội dung “cứu đảo huyền” của dân gian trong ngày rằm tháng bảy trở thành ngày lễ Vu Lan của Phật giáo. Ngày này chư tăng, ni cầu nguyện cho các vong nhân được thoát khỏi cảnh đọa đày của ba đường ác là "địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh". Những người tu theo đạo Phật, tin rằng trong kiếp sống ai ăn hiền ở lành thì khi chết sẽ được tiêu diêu Phật cảnh, trái lại đều phải sa địa ngục, thọ lãnh những hình phạt rất ghê rợn.
Tuy nhiên do có thuyết cho rằng hàng năm, cứ đến ngày Vu lan thì ở địa phủ mở toang cửa cho các vong được về chơi ở cõi dương gian, gọi “Xá tội vong nhân” nên, xuất phát từ lòng hiếu thảo, con cháu đang sống ở trần gian không thể không lo việc cầu siêu báo hiếu cho ông bà, cha mẹ hoặc người thân đã qua đời, đồng thời cũng bày biện mâm cúng với những lễ vật truyền thống hương đăng trà quả, một số thức món (chay/ mặn), và các đồ dùng bằng vàng mã. Ai nấy phủ phục khấn khứa, với lời nguyện vái tuỳ phong tục mỗi nơi, mỗi nhà mà khấn cầu để cung thỉnh mời các vị giáng tới linh tọa, hâm hưởng lễ vật, chứng minh tấm lòng báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính!
Ngày nay lễ Vu lan không còn giới hạn trong phạm vi tôn giáo nữa, mà trở thành tín ngưỡng dân gian, cũng vẫn diễn ra vào ngày rằm tháng bảy hàng năm như từ khởi thủy. Vậy là lễ Vu lan đã dịch chuyển trong tâm thức con người qua từng thời kỳ.
Gì thì gì, chung quy lễ Vu lan là ngày thể hiện tấm lòng biết ơn và báo ơn, hiểu là báo hiếu. Nhưng hiếu, phải đâu chỉ chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ và không làm phiền lòng đối với ông bà cha mẹ, mà đích thực là tất cả, hay nói một cách khác, là những người vốn có chiều sâu tình cảm thiêng liêng với mình. Bà con thân thuộc, xóm giềng…? Chưa đủ, mà phải hiểu rộng hơn – tất nhiên tùy vào hoàn cảnh, điều kiện của từng người. Chẳng hạn đối với người Việt không thể không “Trung với nước, hiếu với dân”, tức toàn dân tộc vậy.
Xét về ý nghĩa thì lễ Vu lan là một nét văn hóa đặc sắc dân tộc, hàm súc cao tính nhân bản, rất đáng được giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên và tất nhiên những người quản lý xã hội cũng như các giới chức lãnh đạo tinh thần cũng nên mạnh dạn phủi bỏ bớt lớp bụi mê tín thái quá sao cho phù hợp trào lưu tiến hóa thời đại. Đây là vấn đề vô cùng tế nhị, bởi nó ăn sâu vào tiềm thức dân gian đã từ hàng nghìn năm nay.

Không có nhận xét nào: