3 phiên thảo luận bàn về tính pháp lý
của biển Đông
(Dân trí) - Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam” khai mạc sáng 26/7 với 3 phiên thảo luận quan trọng bàn về tính pháp lý ở Biển Đông.
>> Nguyên Thẩm phán Tòa Công lý quốc tế đến Việt Nam bàn về Biển Đông
Sáng 26/7, Hội thảo “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam” do Hội Luật gia Việt Nam và trường Đại học Luật TPHCM phối hợp tổ chức đã khai mạc tại hội trường Thống Nhất, TPHCM.
Hội thảo có hơn 50 học giả quốc tế uy tín đến từ Trung tâm, Viện nghiên cứu, trường Đại học lớn của Mỹ, Nga, Italia, Thụy Sĩ, Hungari, Bungari, Ba Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Singapore.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định Việt Nam có chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và mong muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế
Tại phiên khai mạc, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, hội thảo lần này chỉ tập trung vào lĩnh vực pháp lý, mà cụ thể là đánh giá, phân tích sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế.
Hội thảo có 3 chủ đề tương ứng với 3 phiên thảo luận quan trọng. Trong đó, phiên 1 thảo luận xoay quanh luật quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Phiên 2 thảo luận cách giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp chính trị - ngoại giao trong pháp luật quốc tế. Phiên thảo luận này, các học giả sẽ nhận xét, bình luận về tầm quan trọng và hiệu quả của các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng chính trị, ngoại giao trong thực tiễn quan hệ quốc tế. Phiên 3, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý trong luật quốc tế. Các học giả bàn luận chuyên sâu về chức năng, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý tại Tòa án Công lý và Trọng tài quốc tế cũng như giá trị pháp lý của phán quyết của các cơ quan tài phán này.
GS.TS Lê Minh Tâm, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, hội thảo sẽ có 14 tham luận của các học giả trong nước và quốc tế được trình bày. Những tham luận khác cũng sẽ được tập hợp lại thành kỷ yếu. Các ý kiến, tham luận tại hội thảo sẽ được tổng hợp thành đề xuất, báo cáo gửi đến các cơ quan hữu quan.
Từ ngày 2/5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Nhiều học giả uy tín của quốc tế sẽ trình bày tham luận tại hội thảo
Việt Nam khẳng định có chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và mong muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về tính thời sự của hội thảo, GS.TS Mai Hồng Quỳ khẳng định: “Mặc dù giàn khoan Hải Dương 981 đã được di chuyển ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng hành động này đã tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ pháp lý quốc tế. Hội thảo quốc tế lần này là diễn đàn để các nhà khoa học phân tích, thảo luận, thể hiện quan điểm làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý của sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dưới góc nhìn pháp luật quốc tế. Đồng thời, góp tiếng nói độc lập, khách quan của các nhà khoa học đến các bên tranh chấp với mong muốn các tranh chấp ở Biển Đông sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Do vậy, hội thảo được tổ chức vào thời điểm này vẫn còn nguyên ý nghĩa chính trị, pháp lý và tính thời sự đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quốc tế hiện nay”.
Công Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét