Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

TQ đưa giàn khoan vào gần đảo Lý Sơn

TQ đưa giàn khoan vào gần đảo Lý Sơn


Giàn khoan 981 là giàn khoan siêu sâu hàng đầu của Trung Quốc
Việt Nam vừa lên tiếng phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào tác nghiệp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Đáp lại, Trung Quốc tăng phạm vi cấm tiếp cận giàn khoan 981 thêm 2 hải lý nữa.
Báo trong nước dẫn thông báo trên website của Cục Hải sự Trung Quốc nói trong thời gian hơn ba tháng từ ngày 2/5 đến ngày 15/8, giàn khoan Hải Dương 981 của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ hoạt động tại tọa độ 15 độ 29' N/111 độ 12’E.
Đây là vị trí nằm sâu trong EEZ của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn chừng 119 hải lý (221km), thuộc lô 143 trên bản đồ dầu khí của Việt Nam.
Vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan cũng cách bãi ngầm, hay còn gọi là đảo Tri Tôn (tên tiếng Trung là Trung Kiến) thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc hiện đang kiểm soát tuy Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, 18 hải lý.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói tối hôm Chủ nhật 4/5: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982".
Ông Bình nói: "Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối”.
Cùng ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi thư tới chủ tịch và tổng giám đốc của CNOOC phản đối hành động của Trung Quốc và yêu cầu CNOOC "dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam".


Khẳng định đường chín đoạn

Cảnh báo của Cục Hải sự Trung Quốc còn cấm các loại phương tiện "không được xâm nhập" vào khu vực giàn khoan nói trên hoạt động trong phạm vi bán kính 1 hải lý.
Sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối, nhà chức trách Trung Quốc tăng phạm vi bán kính này lên thành 3 hải lý.
Hành động của Trung Quốc, theo Tiến sỹ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, "là chỉ dấu rằng Trung Quốc đang khẳng định quyền thăm dò và khai thác tài nguyên trong đường chín đoạn của mình cho dù nguồn tài nguyên đó có nằm trong EEZ của quốc gia khác hay không".
"Nếu như Tòa Trọng tài Quốc tế phán quyết rằng đường chín đoạn của Trung Quốc không hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Việt Nam sẽ có cơ sở vững chắc hơn để phản đối những hoạt động như thế này của Trung Quốc."
Tiến sỹ Ian Storey
Vị trí giàn khoan 981 nằm bên trong đường yêu sách chủ quyền còn được gọi là đường 'lưỡi bò'.
Ông Storey cảnh báo rằng sự kiện này có thể dẫn tớ́i một đợt bùng phát căng thẳng mới về chủ quyền Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà trong năm 2013 dường như đã lắng xuống đáng kể.
Ông cũng cho rằng Việt Nam sẽ có cơ hội phản đối mạnh mẽ hơn nếu như Philippines thắng trong vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Quốc tế.
"Nếu như Tòa Trọng tài Quốc tế phán quyết rằng đường chín đoạn của Trung Quốc không hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Việt Nam sẽ có cơ sở vững chắc hơn để phản đối những hoạt động như thế này của Trung Quốc."
Giàn khoan 981 là giàn khoan dạng nửa chìm, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000m.
Giàn khoan này dài 114m, rộng 90m, gồm năm tầng cao 136m và có trọng tải tịnh hơn 30.000 tấn.
Đây là giàn khoan siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất.
Vị trí mà Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào hoạt động

Nguy cơ căng thẳng mới?

Giàn khoan 981 đã được đưa xuống Biển Đông từ năm 2011, gây quan ngại cho các nước trong khu vực.
Tốn gần 1 tỷ đôla để xây dựng, giàn khoan này có thể được sử dụng để phục vụ nhiều mục đích như kho học, dầu khí và quân sự.
Lúc đó, các chuyên gia Việt Nam đã cảnh báo về ý đồ dần dần chiếm hữu Biển Đông thông qua hoạt động dầu khí của Trung Quốc, nhất là khi vị trí đặt giàn khoan nằm trong vùng EEZ của các nước xung quanh.
Họ gọi đây là "thách thức chủ quyền" mà Trung Quốc "ngang ngược" áp đặt.
Trong một bài viết năm 2011, nhóm Nghiên cứu Biển Đông cho rằng việc Trung Quốc mang giàn khoan xuống Biển Đông là cách thức "thực hành chiếm cứ biển và từ đó khẳng định sự chiếm hữu thật sự Biển Đông qua hình lưỡi bò".
Họ cho rằng giàn khoan 981 còn đặt ra một tiền lệ mới "ai đến trước, được hưởng trước" đối với các tài nguyên không tái tạo tại Biển Đông và từ đó Trung Quốc sẽ dần dần ép buộc các quốc gia Biển Đông phải tuân theo chiến lược "gác tranh chấp, cùng khai thác" theo kiểu Trung Quốc.
Thực tế, Trung Quốc đã tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam từ tháng 5/2010.
Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng phản đối, nhưng các hoạt động dầu khí của Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra.
Năm 2011 là năm có nhiều căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Liệu với sự kiện giàn khoan 981, hai nước có lâm vào một đợt căng thẳng mới?

Không có nhận xét nào: