Bệnh sởi: Bài thuốc dân gian phòng và điều trị cho trẻ
(Tinmoi.vn)
Dịch sởi hiện đang là mối quan tâm lo lắng của tất cả các bậc cha mẹ có
con nhỏ dù đã tiêm phòng vắc-xin hay chưa tiêm phòng. Đây là nguyên nhân
khiến không ít trẻ tử vong. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc tây, các
mẹ cũng có thể tham khảo các bài thuốc dân gian để phòng ngừa cũng như
điều trị.
Sởi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, rất dễ lây, thường
gặp ở trẻ em. Bệnh sởi do virus thuộc nhóm RNA Paramyxovirus gây nên. Triệu chứng
bệnh thường có biểu hiện là viêm long ở kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp, đường
tiêu hóa và phát ban ngoài da.
Sởi lây lan nhanh, 90% trẻ tiếp xúc với trẻ mắc bệnh sởi sẽ
bị lây bệnh. Bệnh hay phát vào mùa đông – xuân và dễ phát triển thành dịch bệnh.
Giai đoạn khởi phát
Trong giai đoạn này, bênh nhi thường có biểu hiện phát sốt,
sợ lạnh, tắc mũi, chảy nước mũi,, hắt hơi, mắt đỏ, chảy nước mắt. Lúc này cần
thúc sởi mọc, tán phong, thanh nhiệt. Bạn có thể dùng một trong các bài thuốc
sau:
Hạt lá tía tô 30 g; sắn dây 25 g; kinh giới, mạch môn mỗi thứ
20 g; cam thảo 5 g. Tất cả sấy khô, tán bột mịn đóng gói 3 g. Trẻ em một tuổi uống
ngày hai gói, 3 tuổi uống ngày 4 gói, 5 tuổi uống ngày 6 gói: Hãm thuốc với nước
sôi lọc trong hoặc uống cả bã. Thuốc chỉ dùng trong 3 ngày, chỉ uống giai đoạn
đầu, khi sởi đã mọc đều hoặc trẻ bị tiêu chảy không nên uống.
Dùng hạt mùi, tán nhỏ hòa với 2/3 chén rượu trắng, phun vào
chăn hoặc quần áo của trẻ, cho trẻ trùm chăn hoặc mặc quần áo có phun rượu hạt
mùi 1-2 giờ, sởi sẽ mọc.
Củ sắn dây một miếng to bằng hai bao diêm (gọt vỏ thái mỏng),
cánh bèo cái lấy độ năm cây (vặt bỏ rễ), kinh giới 10 ngọn (khô hoặc tươi, nếu
có hoa càng tốt). Cả ba thứ trên cho vào với nửa bát nước, đun sôi kỹ, gạn ra
còn âm ấm cho uống rồi đắp chăn cho kín gió. Đây là liều lượng thuốc của các
cháu 1-3 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn thì tăng số lượng lên gấp hai; nếu dưới một tuổi
thì chỉ cho uống một nửa số lượng trên. Mỗi ngày sắc một thang cho uống. Uống
hai ngày liền, sởi mọc ra đều thì thôi.
Giai đoạn sởi toàn phát
Trong giai đoạn này, trẻ thường có triệu chứng đau họng, nốt
sởi xuất hiện từ phía sau tai, chân tóc, vùng cổ rồi lan dần ra toàn thân. Lúc
này cần phải tuyên phế, thấu chẩn, giải độc, thanh nhiệt, lương huyết, hoạt huyết
và dưỡng âm.
Lấy 5-6 lá cây hoa nhài, hoặc lấy một cái nấm hương, cho vào
một chén nước, đun sôi kỹ, để gần nguội cho uống. Trong khi mới lên sởi một hai
ngày đầu, nếu trẻ có tiêu chảy mỗi ngày 3-4 lần cũng không ngại, khi sởi mọc sẽ
bớt tiêu chảy. Sởi mọc được hai, ba ngày mà các cháu ho nhiều, có khi ho khản cả
tiếng thì nên lấy độ 10 lá diếp cá hoặc độ 20 lá cúc mốc, rửa sạch bằng nước muối,
giã nhừ, vắt lấy nước cốt cho uống từng thìa nhỏ, uống dần dần.
Nếu sốt cao, khát nước, phiền táo, mắt đỏ nhiều dử, khí bế,
suyễn khái dùng qua lâu nhân 6g, bối mẫu 6g, sa sâm 6g, sinh thạch cao 10g, bạch
mao căn 9g, tỳ bà diệp 6g, hạnh nhân 3g, tri mẫu 6g, hoàng cầm 6g, lô căn 9g. Sắc
cho trẻ uống chia 2-3 lần.
Giai đoạn sởi bay
Trong giai đoạn này, triệu chứng thường là nốt sởi hơi mờ mờ,
người hơi sốt, họng khô, ho ít. Biện pháp điều trị là dưỡng âm, sinh tân, thanh
giải tà độc còn sót lại.
Sau 3-4 ngày, sởi đã bay thì nên cho trẻ ăn các thứ dễ tiêu
như: cháo đường, canh rau ngót nấu cá trê, hoặc cá rô. Không nên cho ăn nhiều
thịt. Nếu ăn thịt, chỉ nên cho ăn thịt nạc, không nên cho ăn quá no. Nấu nước
lá thơm gồm lá sả, lá kinh giới, lá mùi già để lau cho sạch, không phải xông.
Thoa Nguyễn (TH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét