Điểm danh bốn vị đại quý tộc “ô nhục”
của nhà Trần
Trong cuộc chiến chống Nguyên Mông, trong giới quý tộc
nhà Trần đã xuất hiện những gương mặt hèn nhát, phản bội...
Là triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam,
nhà Trần đã để lại cho dân tộc ta hào khí Đông A bất diệt với những vị tướng
tài và ba lần chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược Nguyên Mông - đế chế
hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.
Nhưng thời đại nào cũng có người tốt, kẻ xấu và nhà Trần cũng không phải ngoại
lệ. Trong cuộc chiến chống Nguyên Mông, trong giới quý tộc nhà Trần đã xuất
hiện những gương mặt hèn nhát, phản bội mà tiếng nhục còn lưu lại đến ngày nay.
Trần Di Ái quên quốc thể vì tham quyền
Trong thời kỳ trị vì của vua Trần Nhân Tông (1279-1293), nước Đại Việt đã trải
qua nhiều thách thức to lớn về chủ quyền.
Khi vua Nhân Tông mới vừa lên ngôi, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt đã sai người đưa
thư trách cứ ông vì tự lập ngôi và đòi phải sang nhà Nguyên chầu thiên tử.
Do không được chấp nhận, đến năm 1282, vua Nguyên lại sai sứ sang yêu sách:
“Nếu vua nước Nam không sang chầu được thì phải đưa vàng ngọc sang thay và phải
nộp hiền sĩ, thầy âm dương bói toán, thợ khéo mỗi hạng hai người”.
Một lần nữa, vua Trần Nhân Tông không đồng ý và sai người
chú của mình là Trần Di Ái (em trai vua Trần Thái Tông) sang thay cho mình. Vua
Nguyên Hốt Tất Liệt không bằng lòng, liền lập Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương
và sai 1.000 quân hộ tống về nước, hòng áp đạt quyền cai trị lên Đại Việt.
Bản thân Trần Di Ái cũng muốn muợn sức người Mông Cổ để
giành ngôi, nếu không thành thì vẫn có thể biện hộ bằng chuyện bị vua Nguyên
cưỡng ép.
Tuy nhiên, vừa đến vùng biên ải thì đội quân hộ tống Trần Di Ái bị quân nhà
Trần đánh tan tác. Trần Di Ái bị bắt, nhưng được vua Trần tha tội chết, chỉ bị
bắt làm lính hầu ở phủ Thiên Trường, sống trong sự hổ thẹn đến hết đời.
Khát vọng ngông cuồng của Trần Ích Tắc
Theo sử sách, Trần Ích Tắc - con thứ của Thượng hoàng Trần Thái Tông - là một
người học vấn uyên thâm, thông hiểu lịch sử, nghệ thuật và văn chương. Có trí
tuệ hơn người và đầy tham vọng quyền lực, đến 15 tuổi, Ích Tắc đã có ý tranh
đoạt ngôi vua với anh cả.
Để thực hiện mục đích này, Trần Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho nhà Nguyên
thông qua cho khách buôn ở Vân Đồn, xin quân Nguyên Nam tiến để lập mình làm
vương.
Triều đình nhà Trần không hề hay biết dã tâm của Tắc. Khi quân Nguyên sang xâm
lược Đại Việt năm 1285, Trần Ích Tắc lĩnh ấn Đại tướng, chỉ huy chống giặc miền
Đà Giang.
Thời cơ đã đến, Ích Tắc vội vã đem cả gia đình đầu hàng giặc và được đưa về
phương Bắc. Vua Hốt Tất Liệt của nhà Nguyên phong Tắc làm An Nam Quốc vương và
chờ ngày đưa trở về nước.
Nhưng dự định này không bao giờ thành hiện thực vì thất bại của quân Nguyên.
Trần Ích Tắc ở lại Ngạc Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), làm quan triều Nguyên và
được đối đãi rất hậu. Mùa hè năm 1329, Trần Ích Tắc chết trên đất khách quê
người.
Vì sự phản bội của mình, Trần Ích Tắc bị nhà Trần loại khỏi tông thất, cho đổi
tên thành Ả Trần - với ý khinh bỉ nhân vật này hèn nhát như đàn bà.
Trần Kiện dâng hàng vạn quân cho giặc
Trần Kiện là con của Tĩnh Quốc Vương Trần Quốc Khang, được phong làm Chương
Hiến Hầu, được mô tả là người có tướng mạo khôi ngô, văn võ song toàn.
Với tài năng của mình, Trần Kiện được triều đình tin tưởng cho thay cha lĩnh
chức Tịnh Hải quân Tiết Độ Sứ, kết hôn với con gái của Thái Sư Chiêu Minh Vương
Trần Quang Khải, sinh con và được phong tước Mặc Hầu. Trên đường quan lộ, Trần
Kiện là người có tính khiêm nhường, nho nhã, độ lượng, được lòng dân.
Năm 1284, do hiềm khích trong triều đình, Trần Kiện về làng Nhân Mục ẩn cư.
Cùng năm, Thoát Hoan dẫn quân xâm lược Đại Việt và đánh bại quân nhà Trần,
trong lúc Toa Đô dẫn binh từ Chiêm Thành đánh tập hậu. Triều đình lâm vào thế
bí, mời Trần Kiện về cầm quân chống Toa Đô.
Trớ trêu thay, do sợ hãi sức mạnh của quân Nguyên và không tán đồng sách lược
của nhà Trần, Trần Kiện đã đem hàng vạn quân cùng binh khí đầu hàng và cộng tác
đắc lực với kẻ xâm lược. Thoát Hoan khen ngợi sự hàng phục của Kiện và ban
thưởng rất hậu.
Sau khi quân Nguyên bị phản công và đại bại tại chiến trường Đại Việt, Trần
Kiện theo giặc rút về phương Bắc, nhưng đến ải Chi Lăng thì quân nhà Trần do
Nguyễn Địa Lô chỉ huy phục kích và bắn chết.
Trần Văn Lộng phản phúc, đánh phá quê nhà
Trần Văn Lộng là con của Nhân Thành Hầu Trần Duyệt, cháu nội của Thái sư Trần
Thủ Độ. Là người có tính điềm tĩnh, Lộng được vua Trần tin cậy, phong làm đại
tướng cầm quân phòng thủ vùng sông Tam Đái.
Năm 1284, đại quân của Thoát Hoan tràn vào Đại Việt và đánh phá dữ dội. Cầm cự
được một năm, phần vì bị dụ dỗ, phần vì sợ hãi, Trần Văn Lộng đem toàn bộ gia
quyến đầu hàng quân Nguyên.
Nhà Nguyên lập tức phong chức tước, tiền của, đồng thời cấp ngựa và vũ khí cho
Trần Văn Lộng. Kẻ phản phúc này đã theo chân quân Nguyên tấn công Đại Việt và
lập được một số chiến tích. Khi quân Nguyên bị đánh đuổi, Lộng chạy theo đám
tàn quân xâm lược.
Từ đó đến lúc chết, Trần Văn Lộng được triều Nguyên trọng dụng và ban cho rất
nhiều bổng lộc. Thi hài của nhân vật này được chôn ở hồ Mã Gia đất Hán Dương,
Trung Quốc và được con cháu thờ phụng.
Hoàng Phương
Nguồn: Kiến thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét