Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Cái danh nghệ sĩ và tri thức văn hóa.

Cái danh nghệ sĩ và tri thức văn hóa.
Nguyễn Ngọc Dương 


Tự nhiên mình lại nghĩ ra cái ý tưởng này, bởi vừa nghe một nghệ sĩ ưu tú (NSUT) hát bài Hát văn Cô đôi thượng ngàn, một bài hát sử dụng nhiều từ cổ. Giọng hát thì hay, nhưng tiếc là có thể do thiếu tri thức văn hóa chung, nhất là sự hiểu biết về ngôn ngữ nên nghệ sĩ đã hát một số lời vô nghĩa.

Trong bài hát Văn này ở làn điệu Bài sai có câu: “Thiều quang sáng tỏ lưng trời…” thì nghệ sĩ lại hát thành “Chiều quang sáng tỏ lưng trời…”(!) khiến những người có hiểu biết ít nhiều về ngôn ngữ cảm thấy rất khó chịu. Nguyên nhân trực tiếp là do những bài hát này thuộc giòng văn nghệ dân gian nên nó truyền khẩu, nhiều khi do phát âm không chuẩn nên “chữ tác đánh chữ tộ”. Trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) có câu: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”. Nếu người nghệ sĩ am hiểu Truyện Kiều thì chắc chắn không thể hát thành “Chiều quang”. Bởi vì Nguyễn Du viết Thiều quang là ý nói ngày xuân. Nghĩa đen của Thiều quang là ánh sáng đẹp, ông ví mỗi ngày xuân là một ngày ánh sáng đẹp. “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” nghĩa là ba tháng mùa xuân (Giêng, Hai, Ba) chín mươi ngày, mà “đã ngoài sáu mươi” thì đã qua tháng Hai, sang đầu tháng Ba (vào đúng tiết Thanh minh: Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh / Gần xa nô nức yến oanh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi  Xuân...) . Ở bài hát văn Cô Đôi thượng ngàn viết “Thiều quang sáng tỏ lưng trời / một mầu xuân sắc tốt tươi rườm rà/ Trên ngàn xanh lắm quả nhiều hoa…” là đoạn này mô tả cảnh đẹp của núi rừng giữa mùa xuân. Rõ ràng người đặt lời bài hát muốn sử dụng chữ “Thiều Quang” trong truyện Kiều để chỉ ngày xuân đẹp trời, gắn với phong cảnh núi rừng giữa mùa xuân nhiều hoa lá xanh tươi.
Ở làn điệu Xá trong bài hát văn trên có câu: “Sông Thương nước chẩy trong veo / Thuyền xuôi bè ngược có tiếng hò reo vang lừng…”. Nhưng nghệ sĩ ưu tú lại hát thành: “…thuyền xuôi người ngược…” cũng không chuẩn. Cụm từ Thuyền xuôi bè ngược được ghép bởi hai từ Thuyền bèXuôi ngược nhằm mô tả cảnh tấp nập trên sông Thương. Cấu trúc ấy có rất nhiều trong tiếng Việt. Chẳng hạn cụm từ “quần là áo lượt” là ghép bởi hai từ quần áolà lượt để mô tả người ăn mặc quần áo tươm tất, gọn gàng; hoặc cụm từ “Đường đi lối lại” cũng là ghép bởi hai từ “đường lối” và “đi lại”; hoặc cụm từ “niềm vui nỗi buồn” cũng ghép bởi hai từ “nỗi niềm” và “buồn vui”… Trong tiếng Việt, loại từ như vậy có rất nhiều. (Bây giờ mình cũng quên rồi, không biết được học ở chương trình nào, bao giờ). Tuy nhiên, nếu có chút hiểu biết về kết cấu từ tiếng Việt thì chắc chắn “nờ sứt” không hát “Thuyền xuôi bè ngược” thành “Thuyền xuôi người ngược”, vì như thế nó chả có nghĩa gì…
Lại nhớ cách đây không lâu có một đề xuất thí sinh thi vào các trường nghệ thuật chỉ cần thi năng khiếu không cần thi các môn Văn, Sử, những môn khoa học xã hội nhân văn, khiến dư luận bức xúc. Bởi vì Khoa học xã hội nhân văn nó dạy con người phải học làm Người trước khi làm Nghệ sĩ. Đương nhiên, những khoa học này có thể học ở nhà trường, có thể không; và cũng không nhất thiết phải có bằng cấp. Người ta có thể học nó ở nhiều “kênh” trong cuộc sống. Vì thực tế hiện nay, có người vác cái bằng tiến sĩ to tổ bố mà ứng xử văn hóa thua cả một anh thợ cày.
Việc thiếu quan tâm đến giáo dục (học và tự học) khoa học xã hội nhân văn lý giải một số nghệ sĩ, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu của chúng ta khi đã nổi tiếng mà đồng thời cũng lại tai tiếng, kể cả đi thi Quốc tế bởi những ứng xử như một sự khiếm khuyết về tri thức văn hóa.
Rất mong các nghệ sĩ chúng ta hãy luôn luôn trau dồi kiến thức khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt là văn học và lịch sử dân tộc để tài năng và phẩm chất của người nghệ sĩ luôn tương xứng với cái danh nghệ sĩ, những người của công chúng.


09/12/2013 - N.N.D
  1.  
    Có nhiều nghệ sĩ nước ta
    Khác gì CON VẸT hát ca vô hồn

Không có nhận xét nào: