Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Bóng đá thật lãng phí:

BÓNG ĐÁ THẬT LÃNG PHÍ


Dù chưa bao giờ có một con số chính thức nhưng số tiền mà Xi măng Hải Phòng và sau đó là Vicem đổ vào đội Hải Phòng trong 5 mùa bóng không thể dưới 300 tỷ đồng. Có mùa giải, số tiền chi cho đội bóng bao gồm các khoản quảng bá trên truyền hình lên trên 100 tỷ đồng. Nhưng kết cục của sự đầu tư ấy là gì có lẽ ai cũng biết.



Sau 5 mùa bóng có mặt của nhà tài trợ Vicem Hải Phòng, bóng đá đất Cảng vẫn chưa thể lấy lại uy thế thuở nào. Ảnh: Minh Hoàng

300 tỷ hay 500 tỷ hay thậm chí là 1.000 tỷ cho một CLB không phải là vấn đề chính bởi nói cho cùng, khi doanh nghiệp bỏ tiền, họ cũng phải nhận lại những lợi ích nhất định.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ số tiền đó không giúp được gì cho bóng đá Việt Nam. Cứ nhìn Hải Phòng mà xem, đội bóng ấy được chuyển giao từ Khánh Hòa chứ không phải là “sản phẩm” của làng cầu Hải Phòng. Chúng tôi còn nhớ, hồi năm 2003, khi được thành phố giao cho đội bóng, bầu Tuân của Công ty Vạn Hoa đã phải nhận nhiệm vụ vực dậy thương hiệu bóng đá đất Cảng.10 năm trôi qua, cả nghìn tỷ đồng được đổ vào CLB rốt cục đến con người cũng phải mua lại từ nơi khác. Số tiền khổng lồ ấy làm được gì ngoài một con số 0 tròn trĩnh.

Chúng tôi đặt vấn đề như vậy bởi trường hợp Hải Phòng khác hẳn HAGL. Vì chúng tôi tin rằng, nếu bầu Đức có bỏ ra hơn 1.000 tỷ trong 10 năm qua thì vẫn ít hơn nhiều con số tương tự tại Hải Phòng. 1.000 tỷ để đầu tư khác hẳn 1.000 tỷ để tiêu mà chẳng nhận được gì. 1.000 tỷ của bầu Đức đem lại cho ông lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn là một chuyện mà quan trọng hơn là một CLB danh tiếng. Nếu những năm đầu tiên, bầu Đức phải chi 1-200 tỷ để duy trì CLB thì bây giờ ông chỉ cần bỏ ra 1/3 hoặc 1/5 số tiền ấy mà giá trị vẫn như nhau.

o 0 o

Tiếc là những đội bóng như HAGL quá ít. Nếu đánh giá tính hiệu quả của đầu tư, hiện chỉ mới có HAGL, ĐTLA, B.Bình Dương, HN T&T và phần nào đó là SHB Đà Nẵng. Tại các CLB này, dù chưa biết tương lai của họ ra sao, nhưng chí ít là khoản đầu tư ban đầu của họ đều đem lại những giá trị nhất định.

Nhưng còn với nhiều đội bóng “sớm nở, tối tàn” thì sao? Sau những cú đầu tư ngắn hạn là sự ra đi của doanh nghiệp, mang theo lợi nhuận về thương hiệu hoặc có thể là sự cay đắng nhưng dù sao, đó là cái mà họ có được. Riêng với nền bóng đá, sau sự ra đi đó, đa phần đều là sự tan hoang, là sự biến mất của những đội bóng danh tiếng.

Chúng ta có thể gọi đó là gì ngoài sự lãng phí. Những nguồn lực xã hội đã không được tận dụng một cách hiệu quà. Không thể trách các doanh nghiệp bởi họ “có việc phải làm”, cái chính là những người làm bóng đá đã để lãng phí những thứ đã từng được xem như “bệ đỡ” cho đội bóng tiến lên chuyên nghiệp. Như đã nói, bầu Đức của HAGL có thể chán bóng đá nhưng khả năng ông bỏ bóng là rất ít khi sự đầu tư đem lại những trái ngọt và sự tồn tại của một thương hiệu riêng của tập đoàn trong lĩnh vực bóng đá. Không có sự lãng phí nào ở đây cả.

Có lẽ đã đến lúc xem lại những gì mà bóng đá Việt Nam đã làm trong 10 năm qua. Không thể cứ nhắm mắt mà bước đến khi qua thời gian, tiền bạc của xã hội thì “biến mất” còn thứ mà người hâm mộ nhận lại đôi khi chỉ là sự hụt hẫng tột cùng.

Lời bàn của "NVH -3T" ;
Bỏ 100 tỷ ra mua Khánh Hòa để giữ chân trong "làng" bóng đá chuyên nghiệp VN thì quả là "Gánh vàng đi đổ sông Ngô/ Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Tương". Các cầu thủ như những "lính Lê dương" đi đá thuê vì đồng lương chứ không có "máu" vì danh dự quê hương.
Nếu để 100 tỷ ấy đầu tư cho bóng đá trẻ thì "lùi một bước sẽ tiến hai, ba bước" trong vài năm tới HP sẽ có lứa cầu thủ như U19 Hoàng Anh hiện nay.
Nhưng đó là chuyện ngày mai... ngày kia.
Biết đâu 100 tỷ ấy rơi vào túi quan chức nào đó. Để đầu tư cho bóng đá trẻ thì "quan" ăn gì? Các quan sắp về hưu, tranh thủ gỡ quả "Penanty" cuối cùng chứ(?)

1 nhận xét:

phó nhòm nói...

Thế thì khác gì bỏ tiền mua pháo nhờ người đốt. Nổ đoàng cái là hết.