Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Trận mưa đá tại Lào Cai dị thường về độ lớn

Trận mưa đá tại Lào Cai dị thường về độ lớn

(Dân trí) - Trận mưa đá vừa diễn ra tại Lào Cai được xác định là trận mưa đá lớn nhất từ trước tới nay. Các hạt mưa đá có độ lớn bất thường, thậm chí to bằng kích thước chiếc ấm pha trà.

Mái nhà proximăng của nhiều công trình bị mưa đá bắn thủng lỗ chỗ
Những mái nhà với hàng trăm lỗ thủng do mưa đá gây nên ở Lào Cai rạng sáng hôm qua
Trận mưa đá kéo dài khoảng 20 phút vào rạng sáng ngày 27/3 gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân các huyện Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai (Lào Cai). Tuy không có thiệt hại lớn về người nhưng hiện tượng thời tiết này cũng người dân địa phương lo ngại. Trận mưa đá này cũng được xác định là trận mưa đá lớn nhất từ trước tới nay từng được ghi nhận. Các hạt mưa đá có đường kính phổ biến từ 4 - 6 cm, nhiều hạt lên tới trên 10 cm, to như nắm đấm, thậm chí bằng chiếc ấm pha trà. 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo hạn vừa và dài, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết, mưa đá là hiện tượng thường xuyên diễn ra vào thời điểm giao mùa và đúng quy luật. Vào thời điểm hiện nay, giông lốc, mưa đá có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên địa bàn cả nước, khu vực Hà Nội cũng đã từng xảy ra mưa đá. Tuy nhiên, hiện tượng xảy ra nhiều nhất là ở các địa phương khu vực vùng núi phía Tây Bắc. Theo ghi nhận từ cơ quan khí tượng, hầu như năm nào ở các địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… cũng diễn ra mưa đá với cường độ khác nhau.
 Trận mưa đá tại Lào Cai dị thường về độ lớn
Trận mưa với những viên đá to bằng chiếc ấm pha trà, sau nhiều giờ vẫn chưa tan hết (Ảnh: Phạm Ngọc Triển)


vậy, trận mưa đá vừa diễn ra được xác định là có độ lớn chưa từng có. Theo lý giải của ông Hòa, mưa đá xảy ra do sự bất ổn định trong không khí giữa luồng khí hậu lạnh và nóng gặp nhau. Cụ thể, khoảng 4 - 5 ngày trước, Lào Cai đã diễn ra nắng nóng khá gay gắt, khiến mặt đất bị hun nóng. Nhưng đến rạng sáng 27/3 lại có sự xuất hiện của gió mùa đông bắc tràn xuống. Sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh kích thích sự đối lưu phát triển mạnh. Hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ, những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính lại với nhau tạo nên những hạt đá to hơn và rơi xuống mặt đất.
“Kích thước của những hạt mưa đá trong trận mưa vừa qua thể hiện sự chênh lệch quá lớn trong không khí. Đây là dạng thời tiết dị thường về độ lớn của hạt đá nhưng là hiện tượng thiên nhiên diễn ra theo đúng quy luật” - ông Hòa nói.

Theo cảnh báo từ cơ quan khí tượng, mưa đá là hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm và chỉ giảm dần khi mùa mưa đến, tức là hết tháng 5 này. Người dân có thể nhận biết được mưa đá chuẩn bị xảy ra dựa vào một vài đặc điểm như: ban ngày có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột...
Phạm Thanh

"NVH-3T" xin gửi lời chia buồn đến anh em, bạn bè 
và bà con bị "trời hại và gửi lời thăm nhà thơ Pờ Sảo Mìn (Mường Khương - Lào Cai)

Nghe tin mưa đá Lào Cai
Bồn chồn lòng dạ, biết ai dãi bày.
Rừng sâu mưa nặng, đêm dày.
Mái tôn nhà bạn độ này ra sao?
Thương ai chân bước lao đao.
Tay ôm vò rượu ra vào bâng khuâng.
Nhà anh có hỏng nhiều không?
Chỉ mong con cháu, vợ chồng bình an.
Xa xôi xin gửi mấy hàng
Chúc anh và cả xóm làng bình yên. 


2 nhận xét:

congtheblocg nói...

Cảm ơn nhà bác hỏi thăm
Anh tôi nhà đá ném phăng mất rồi
Chỉ còn lại mấy cái nồi
Và chum rượu nhạt trong hầm vẫn nguyên
Cám ơn bác đã hỏi thăm
Hôm nào nhà đẹp lại mời lên chơi.

YÊN HƯNG nói...

Chắc các bậc vua chúa có tội gì nên Trời giáng thiên tai...