một vở chèo bừng bừng khí thế Đông A!
19 giờ ngày 28 tháng 10 năm 2013
Hưng đạo Đại Vương xử tội Trần Quốc Tảng vì tội bất trung |
Đã từ lâu, nhân dân ta tôn thờ Hưng Đạo đại vương là Đức Thánh Trần. Người là một nhân cách lớn nêu gương sáng cho muôn đời cháu con noi theo. Phẩm chất cao đẹp của Người đã góp phần thu phục lòng dân tạo thành một khối kết đoàn vững chắc và bừng lên "hào khí Đông A". Nhà hát Chèo Thái Bình chọn dựng vở "Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn" là việc làm mang tính giáo dục truyền thống sâu sắc thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.
Tưởng như chẳng có gì để bàn khi ta được thưởng thức một vở chèo hoành tráng với sự diễn xuất tinh túy của các diễn viên trong các vai nhất là nhân vật chính Trần Quốc Tuấn.
Thái Bình vẫn xứng đáng là "quê hương của các làn điệu chèo" bởi các diễn viên hát chèo hay quá.
Góp phần làm nên thành công của vở diễn, ta phải nói đến "tài" cầm quân của đạo diễn, sự tham gia của phần viết nhạc và trang trí.
Nói vui, như một trân đấu trên sân cỏ, đội có nhiều "siêu sao", các tuyến đều đá hay, đúng bài bản thì việc dành chiến thắng là điều tất nhiên.
Thế nhưng...Vâng! Theo thiển ý của tôi vở diễn vẫn còn... "hạt sạn". Khâu này thuộc về kịch bản. Đây là vở chèo viết về đề tài lịch sử mà trọng tâm là ca ngợi người anh hùng dân tộc: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.Vậy thì kịch bản phải được "hư cấu" trên cơ sở lịch sử và những sự kiện gắn liền với nhân vật chính. Nó phải tuân thủ nghiêm ngặt theo trình tự thời gian chứ không được tự ý đảo lộn thời gian. Tác giả là người phát triển và sáng tạo trên những tư liệu lịch sử nhưng không thể đưa suy nghĩ của riêng mình để khẳng định một vấn đề mang tính lịch sử, đã lưu truyền rộng rãi trong quảng đại quần chúng. Xin cụ thể về 2 sự kiện chính:
Theo truyền thuyết được lưu truyền thì Trần Quốc Tuấn đi đâu cũng có một cây gậy bịt đồng (vừa để chống cho vững và cũng có thể là một thứ vũ khí của người có võ nghệ siêu quần). Một số người ghen ghét, đố kỵ với ông tung tin ông dùng cây gậy bịt đồng đo lựa thờ cơ mưu sát Vua Trần. Để hóa giải mối nghi ngờ tiềm ẩn dẫn đến dự mất đoàn kết, nghi kỵ lẫn nhau, Trần Quốc Tuấn đã vứt cây gậy xuống sông. Vậy thì mục đích vứt cây gậy bịt đồng là để gây dựng lòng tin chứ không phải nhờ cây gậy bịt đồng đó mà ông nghĩ ra cách cắm cọc gỗ trên sông Bạch Đằng.Từ thời Ngô Quyền, Lê Hoàn trận địa bằng đóng cọc trên sông Bạch Đằng đã dìm xác lũ quân xâm lược phương Bắc. Trần Quốc Tuấn chỉ là người vận dụng kế thừa thôi.
Cũng theo truyền thuyết thì sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông, Trần Quốc Tuấn có đưa vấn đề Vua Trần Nhân Tông hứa trước đây là ai có công lớn trong việc chiến thắng giặc Nguyên Mông, nhà vua sẽ nhường ngôi Thiên tử.( Trần Nhân Tông đã có ý tìm người tài đức nhường ngôi để lên Yên Tử tu hành) Người có công lớn ấy, không ai khác mà chính là Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Vả lại, lúc sinh thời An Sinh Vương Trần Liễu vẫn canh cánh việc "ngôi báu phải nằm trong tay hàng cả" (Trần Liễu là anh trai Trần Cảnh). Chính việc xử tội "bất trung" của Trần Quốc Tuấn với con trai thứ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng một cách cương quyết và nghiêm khắc đã khẳng định lòng "trung quân, ái quốc" của Trần Quốc Tuấn. Ông chiến đấu vì đất nước, vì sự tồn vong của dân tộc chứ không phải vì ngôi vị.
Trong vở này, tác giả đã "kéo" thời điểm lịch sử lên sớm hơn. Trước trận quyết sống mái với giặc Nguyên Mông, không bao giờ Trần Quốc Tuấn lại đưa chuyện ngôi báu ra bàn với gia tướng và các con. Lúc này nhiệm vụ tối ưu là đoàn kết dưới trên để đánh giặc.Không thể vì quyền lợi cá nhân mà gây ra mối bất hòa, nghi kỵ lẫn nhau. Trong mọi suy nghĩ và hành động của Trần Quốc Tuấn tuyệt không mảy may có chút riêng tư. Đó là phẩm chất lớn của người anh hùng dân tộc. Vậy không có lý do gì để tác giả đảo lộn sự kiện lịch sử trong kịch bản như thế.
Thật đáng tiếc, để tập trung sự kiện, tác giả đã tự mình thay đổi lịch sử và... đó là khiếm khuyết không thể chấp nhận.
Chiêu quốc Trần Ích Tắc là người có năng lực nhưng lại là kẻ tham quyền cố vị chứ không phải là thằng hề bất tài. Việc thay đổi tính cách Trần Ích Tắc để làm "hề" cho vở diễn là sự sai lầm nghiêm trọng. Chính nó làm giảm cái uy của Trần Hưng Đạo vì đối mặt với kẻ "hạ đẳng" thì không phải là người "chính nhân quân tử"
Chiêu quốc Trần Ích Tắc là người có năng lực nhưng lại là kẻ tham quyền cố vị chứ không phải là thằng hề bất tài. Việc thay đổi tính cách Trần Ích Tắc để làm "hề" cho vở diễn là sự sai lầm nghiêm trọng. Chính nó làm giảm cái uy của Trần Hưng Đạo vì đối mặt với kẻ "hạ đẳng" thì không phải là người "chính nhân quân tử"
Nhìn chung, Nhà hát Chèo Thái Bình đã không phụ công mong đợi của đông đảo khán giả. Minh chứng là chuyện suýt nữa "vỡ rạp" vì khán giả đến xem quá đông.
Xin cám ơn tinh thần lao động sáng tạo và chúc mừng sự thành công của Nhà hát Chèo Thái Bình và mong răng Nhà hát Chefp TB nên dũng cảm chính sửa lại để vở diễn mang được vóc dáng người anh hùng dân tộc mà vẫn tuân thủ tính lịch sử của các sự kiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét