Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Nhà hát Chèo Hà Nội : Tiếng sấm Thăng Long!

"NGUYỄN  CÔNG TRỨ"
Tiếng "sấm" Thăng Long rền vang đất Cảng

9 giờ ngày 22/10/2013


                          
Tác giả: PGS-TS Phạm Quang Long
Chuyển thể chèo: NSƯT Xuân Hanh
Đạo diễn : NSND Doãn Hoàng Giang
Âm nhạc: NSƯT Hạnh Nhân 
Họa sĩ: NSƯT Song Hào 
Biên đạo : Hoài Anh 

Nhà hát Tháng Tám đông nghẹt. Không một ghế bỏ trống. Nhiều khán giả nói, nghe tin chèo Hà Nội diễn nên phải thu xếp để đi xem. Đúng là "Chèo Hà Nội" đã có "thanh" lại có cả "thế". Cả buổi diễn dài hơn 2 giờ đồng hồ mà không có ai bỏ ra khỏi khán phòng. Họ lắng nghe từng câu hát. Họ chăm chú theo dõi từng động tác. Có lúc khán phòng vỡ òa vì tiếng cười vang lên. Tiếng vỗ tay tán thưởng những làn điệu ngọt ngào, những giọng hát "lọt tai".Trên sân khấu, nỗi oan của Nguyễn Công Trứ nhấp vào vai diễn của NS Việt Thắng. Anh đã vừa hát vừa khóc. Khóc thương cho số phận của con người tài hoa, hết lòng vì dân vì nước mà chịu "tai bay vạ gió". Cả khán phòng, nhiều khán giả lau nước mắt.


Chỉ cần biết như thế ta đã thấy được sự thành công của vở chèo "Nguyễn Công Trứ" mà Nhà hát chèo Hà Nội đã mang đến "Cuộc thi nghệ thuật biểu diễn chèo năm 2013".

Câu  chuyện về một vị quan triều Nguyễn đa tài và rất phong tình. Ông vừa là quan thanh liêm, vừa là nhà thơ, là tác giả của nhiều bài ca trù nổi tiếng. (Ở Hà Tình quê ông có cả một đền thờ ông , những ngày giỗ, ngày tết, các cung văn, ca nương đều đến làm lễ dâng hương và hát trước cửa đình). Ông là quan khâm sai đại thần của triều đình được phái đi dẹp giặc Ba Vành (khởi nghĩa của nông dân thời đó). Biết được nguồn gốc của việc nông dân "tức nước vỡ bờ", ông đã tha cho những người mà bọn tham quan và triều đình gọi là "giặc cỏ". Hơn thế, ông quy tụ họ lại và khuyên họ "quai đê lấn biển", "dẫn thủy nhập điền" cải tạo cả một vùng bãi bồi đất mặn thành vùng dân cư trù phú, đó là Tiền Hải (Thái Bình) và Hải Hậu (Nam Định).

Thế nhưng "cây ngay vẫn chết đứng". Ông bị bọn tham quan vu khống là có âm mưu tụ tập dân để mưu phản và bị triền đình nhà Nguyễn lột mũ áo, bắt đi đày nơi biên ải.

Các tác giả đã rất khôn ngoan đưa "miếng trò" "việc làng (từ vờ chèo cô "Thị Kính-Thị Màu") để tố cáo bọn quan lại chức dịch vừa mù, vừa điếc, vừa câm thì sao hiểu được việc quai đê lấn biển là cấp bách và cần thiết.

Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang rất giỏi trong việc "chế biến" các miếng trò vì thế vở diễn luôn sôi động, cuốn hút người xem mà vẫn nêu bật được chủ đề là ca ngợi nhân phẩm và cốt cách của vị quan - một nghệ sĩ có lòng trung quân, ái quốc, thương dân, thương nước và có tầm nhìn xa trông rộng.

Nhạc sĩ - NSƯT Hạnh Nhân đã có nhiều sáng tạo trong cách sáng tác các bài hát mới. Sáng tác của anh vẫn phảng phất giai điệu của ca trù và các làn điệu chèo cổ bản. Phần nhạc nền đã hỗ trợ tích cực cho các vai diễn thành công . Cùng với cách tạo hình, trang trí nhiều bục bệ tạo ra nhiều không gian khác nhau nhưng cũng rất "mềm mại" và hợp lý. Chính "ê kíp" tác giả dưới sự chỉ đạo của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đã tiếp lửa cho các diễn viên.

Đã có một HLV tầm cỡ, một ban huấn luyện kỳ cựu lại có dàn "cầu thủ" giỏi thì việc dành chiến thắng trong trận đấu là chuyện tất nhiên. Phải khẳng định là các diễn viên Nhà hát chèo Hà Nội đều hát hay, múa giỏi. Từ hai anh lính thú đến vợ chồng anh nát rượu (NS Lê Tuấn, NSƯT Thanh Loan); từ cô đào Hương Liễu (NS Phương Mây) đến phu nhân Mai Hiên (NS Hồng Thắm) đều có chất giọng rất... chèo. Đặc biệt NS Việt Thắng trong vai Nguyễn Công Trứ có chất giọng ấm, vang. Anh đã nhập mình vào vai diễn một cách nhuần nhuyễn nên nhân vật Nguyễn Công Trứ rất sống động, gần gũi đáng yêu. Từ lời nói đến hành động của anh không khoa trương nhưng lại rất hợp lý và hiệu quả. Anh "hút hồn" khán giả bằng giọng hát âm vang,  ngọt ngào mà đằm thắm. Anh không khoe giọng mà anh "diễn trong hát" và "hát là phương tiện bộc lộ tâm hồn của nhân vật". Việt Thắng và tập thể nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội đã rất thành công trong vở chèo "Nguyễn Công Trứ". Vở diễn gây được cảm tình cho quan khách và khán giả.

Nhà hát Chèo Hà Nội đã mang "tiếng sấm" từ đất Thăng Long" nổ rền vang trên đất Cảng.

Nguyễn Công Trứ là quan thanh liên 
nhưng cũng rất phong tình, phóng khoàng.

Nguyễn Công Trứ luôn là cái gai trong mắt bọn tham quan


Các chức dịch mù-câm-điếc không tin vào thành công 
của việc quai đê lấn biến

Nguyễn Công Trứ và mọi người phải vất vả 
chống lại thiên tai bảo vệ đề điều, làng xóm

Say với việc quai đê lấn biển, Nguyễn Công Trứ 
vẫn không quên làm thơ và viết khúc ca trù
Ca nương Mai Hiên ( NS Hồng Thắm) không chỉ mê câu hát 
mà còn thầm yêu, trộm nhớ Nguyễn Công Trứ

Ca nương Mai Hiên ( NS Hồng Thắm)

Tuy thương dân nhưng ông cũng cương quyết 
với các thói hưu tật xấu


Tuy bị triều đinh nghi ngờ, phế truất, bắt đi đày nơi biên ải, 
Nguyễn Công Trứ vẫn ân cần căn dặn mọi người gắng làm điều tốt.







Nguyễn Công Trứ bị đày lên biên ải

Phu nhân Hương Liễu (NS Phương Mây) 
vẫn lặn lội chăm sóc, lo toan cho chồng.




Dân làng nhớ ông, đã vượt đèo, lội suối 
lên miền sơn cước thăm ông




Triều đính nhà Nguyễn đã phải phục chức 
cho Nguyễn Công Trứ (NS Việt Thắng)

Khán giả chăm chú xem. Có người rơi nước mắt.

Đêm diễn thành công.
Ông Quốc Chiêm - Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội 
chúc mừng các nghệ sĩ
Bạn bè đồng nghiệp chung vui cùng nghệ sĩ diễn viên 
Nhà hát Chèo Hà Nội


Bài, ảnh: Trần Tuấn Tiến - NVH-3T



1 nhận xét:

Nguyễn Ngọc Dương nói...


Tiếc rằng chẳng được về xem
Thôi đành ngắm ảnh đỡ thèm tí thôi