Chọi trâu có nên là “Di sản văn hóa Quốc gia”?
Hà Văn Thịnh
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn |
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã có nhiều
năm trước và mới "phục hồi" 24 năm nay là chuyện của Đồ Sơn, nâng nó lên
tầm quốc gia thì lại hoàn toàn là chuyện khác. Bởi nhân danh văn hóa để
thúc đẩy thêm cho tính phi văn hóa trượt dài là điều từ cổ chí kim,
chưa thấy bao giờ.
"Tin vui" với người Đồ Sơn nói riêng
và hàng vạn fans của trò chơi đấu trâu, cá độ từ trâu trên cả nước nói
chung được công bố ngày 12/09: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được công nhận là
Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia(!)...
Rằng hay thì thật là hay...
Trước hết phải thú thật rằng, người
viết bài này đã phải đắn đo rất nhiều khi viết lên những nghĩ suy của
mình. Lý do thật ra rất giản dị: Chắc chắn sẽ có hàng ngàn tiếng la ó-
nếu không muốn dùng chữ nặng hơn, từ rất nhiều người nhân danh bảo tồn
phát triển "thuần phong mỹ tục", "truyền thống" (đã, đang và sẽ khuyến
khích, mở rộng đường cho một lễ hội mà theo thiển ý của tôi là rất...
thiếu văn hóa!) Tuy nhiên thiết nghĩ rằng quan điểm sai hay đúng luôn
nên được mở rộng, xem xét từ nhiều chiều trên các cấp độ và hệ quy chiếu
khác nhau. Thế mới thực chất là dân chủ, nên tôi mạnh dạn đưa ra ý kiến
có thể là "hổng giống ai"...
Không thể phủ nhận sự cuốn hút của
một lễ hội vừa có bạo lực, vừa có cờ bạc, lại vừa có cả ăn nhậu tưng
bừng (xả thịt cả trâu thắng lẫn trâu thua để bán trên "tinh thần", nếu
ăn được miếng thịt trâu của "ông trâu" sẽ... may mắn suốt năm?)
Theo TT&VH ngày 13/09, thì thịt trâu vòng loại 600.000đ/kg; thịt trâu vòng chung kết 1.000.000đ/kg.
Sự kích động hoan hỉ, cổ vũ của cả
người lớn, trẻ em, người già, người trẻ trước màn "đấu vật" của hàng
chục con vật hiền lành vào loại nhất, chăm chỉ, thân thương, gần gũi và
giúp ích nhà nông vào loại nhất, có lẽ là sự tương phản... sâu cay bản
tính con và chất người trong mỗi con người...
Lâu nay Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã
khá nổi tiếng nhưng hầu như chỉ khu biệt như là một đặc điểm của riêng
Đồ Sơn. Bỗng sau một đêm (12.9), trở thành "sự kiện văn hóa" được đăng
tải rầm rộ. Có không ít tờ báo khẳng định(!) chắc như kiềng rằng tục
chọi trâu Đồ Sơn có từ thời vua Lý Thánh Tông - có nghĩa là đã gần 1.000
năm tuổi?
Không biết những người khẳng định ấy
căn cứ vào tài liệu nào, hay chỉ là một trong muôn vàn sự tự sướng khó
lượng định trong cuộc đời này? Đi kèm với cái "bỗng" bất ngờ ấy là hàng
loạt những điều nhức nhối được báo chí làm nhẹ đi thành những hạt sạn.
Như "đến xem chọi trâu chỉ thấy đầu người", "giấy mời phó giám đốc sở
được đem bán với giá 400.000 đồng" (LĐ 15.9.2013), nạn cò vé phe vé hỗn
loạn...
Đó là chưa nói đến chuyện để chuẩn
bị cho ngày lễ chính thức (09/08 âm lịch) từ đầu tháng là vô số các lễ
hội, như tế thần khai hội đấu ngưu, khai hội cờ người, lễ đưa trâu tới
tắm rửa, vót sừng, lễ yên vị sau khi rước nước ở suối rồng về đình làng
thờ cúng trong đình... Nhẩm cộng tất cả các lễ ấy sẽ thấy người Đồ Sơn
thật hào phóng: Vui chơi suốt nửa tháng trời trong những ngày mùa gặt
hái bận rộn...
Xem ra ngậm đắng nuốt cay... quá nhiều!
Lâu nay hầu như ai cũng biết là chỉ
có hai con gà chọi nhau thôi nhưng cũng lôi theo chúng cả hàng trăm
triệu đồng tiền cá độ, không ít người phải vướng vòng lao lý. Chọi gà
thì bắt nhưng chọi trâu cá độ hàng trăm triệu đồng thì tại sao lại được
công khai ủng hộ thừa nhận là sự kiện văn hóa đặc sắc?
Theo báo Dân Trí ngày 09/09, số tiền
cá độ cho mỗi kháp đấu có thể lên tới 20-30 triệu đồng. Nhưng đó là con
số mà phóng viên quan sát được ở một vài người (quá ít chẳng cần giấu
diếm). Còn trên thực tế, khi chuồng trại được canh phòng cẩn mật, trâu
sau khi thành "ông", được uống vitamin B1, mật gấu; được ăn cháo ngô,
được dân cá độ tìm hiểu "sức khỏe" trước hàng tháng trời thì không thể
nào lại có chuyện độ với số tiền ít ỏi như thế. Bởi chưa đủ tiền mua cho
mỗi con, mỗi ngày 650ml nước thuốc bổ Vitamin B1.
Cũng theo báo Dân Trí, chủ trâu chọi
đồng thời là người cầm cái hay ít nhất là người đứng ra "cất hộ" tiền
cá độ nhơ uy tín mặc nhiên.
Chất lượng những "ông trâu" chọi thì
khỏi phải bàn. Theo Wikipedia, trâu chọi phải là những "con trâu đực
khỏe mạnh, da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp
(lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng), có ức rộng, cổ tròn dài và hơi
thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng có khả năng chống chịu
được đòn của đối phương.... Là trâu gan, háng trâu phải rộng nhưng thu
nhỏ về phía hậu càng nhọn càng quý. Sừng trâu phải đen như mun, đầu
sừng vênh lên như hai cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên
đỉnh đầu là khoáy tròn. Mắt trâu phải đen, tròng đỏ''.
Xem qua như thế đủ để biết hàng chục
con trâu bị mổ thịt sau khi chọi đều thuộc loại trâu quý nhất nhì Đồ
Sơn nếu không uốn nói là tốt nhất nước. Nếu những con trâu đó được nuôi
để gây giống phát triển đàn trâu to lớn khỏe mạnh hơn thì tốt biết bao
nhiêu...
Điều đáng bàn hơn nữa là chúng ta
nghĩ sao khi coi việc cổ xúy cho kích động bạo lực hành hạ con vật (để
mua vui dẫu nhân danh bất cứ cái gì) rồi tắm máu (giết, ăn ngay những đối tượng mới đó là niềm vui khôn xiết của hàng vạn con người) là một sự kiện- Di sản văn hóa quốc gia?
Hàng triệu trẻ em nhìn thấy (trực
tiếp và qua tivi, báo chí) sẽ được "nuôi dưỡng" "tình cảm" gì hay tư
tưởng nhân văn nào? Từ thuở nhỏ chúng đã được chăm sóc, hướng dẫn rằng
lòng căm thù giặc là không khi nào kết thúc...
Đừng đổ tội cho kinh tế thị trường làm hư hỏng nhân cách con người hay chính xác gọi tên là "tha hóa khủng"
(từ dùng của nhà báo Kỳ Duyên) mà phải nhận chân rằng chính cách hiểu
lệch lạc về văn hóa, cách giáo dục cưỡng bức những sai lầm là một trong
những nguyên nhân tạo nên những điều tồi tệ ấy.
Cha ông nói Con trâu là đầu cơ nghiệp/ Trâu ơi ta bảo ta này/ Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta/ Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng...
Hàng bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của con trâu, cánh cò,
đồng xanh ruộng lúa... luôn là một phần thiêng liêng của tâm thức Việt,
tấm lòng Việt. Đối xử tàn nhẫn như thế với con vật hiền lành chăm chỉ,
trung thành mà lại gọi là văn hóa sao?
Sau cùng, nói đi thì cũng phải nói lại: Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên và Lễ hội chọi (giết trâu) ở Đồ Sơn chỉ là 02 nơi độc nhất không cần lắm đến
vai trò hàng ngàn năm của con trâu. Một nơi trồng trọt trên đồi nương,
một nơi là tục lệ của... 08 vạn chài (làng chài). Tại sao không đặt câu
hỏi là hàng ngàn địa phương khác không hủy diệt những con trâu khỏe mạnh nhất, tốt giống nhất? Lý do thì dễ kiếm lắm nhưng mọi miền quê khác của nông thôn Việt Nam hiểu rõ cái điều không nên đó nên may mắn đến bây giờ vẫn còn đấy, những đàn trâu...
Ngay Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên
giờ đây cũng được thay thế bằng những màn múa võ biểu trưng, mô tả,
không còn cảnh đâm trâu tàn bạo như trước đây.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã có nhiều
năm trước và mới "phục hồi" 24 nămnay là chuyện của Đồ Sơn, nâng nó lên
tầm quốc gia thì lại hoàn toàn là chuyện khác. Bởi nhân danh văn hóa để
thúc đẩy thêm cho tính phi văn hóa trượt dài là điều từ cổ chí kim, chưa
thấy bao giờ.
Trước khi kết thúc bài viết này, xin
hỏi Bộ VHTT&DL rằng tại sao quyết định công nhận Lễ hội chọi trâu
Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia mà lại không hề thông báo
(chuẩn bị dư luận) cho báo chí và xã hội biết để đại đa số người dân
được đóng góp ý kiến?
Quyết định công bố tối 12/09 làm người viết nhớ đến thơ Bút Tre: Tin đâu như sét đánh ngang/ Trâu khỏe đang sống chuyển sang di sàn (sản). Và;
cũng xin nhấn mạnh rằng đừng trút tội lên đầu vua Lý Thánh Tông mà tội
nhà vua: Một vị vua thương dân (nông dân) như vua Lý chẳng bao giờ
khuyến khích ăn chơi suốt nửa tháng trời; xui người dân giết trâu tốt,
trâu khỏe để mua vui, để đánh bạc, để bán vé và, để bán thịt với giá cắt
cổ đâu...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét