NHỮNG CÂY CẦU NGÓI -
Tạp văn của Thanh Tùng
Những cây cầu ngói...
Thanh Tùng
"Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài", câu ca xưa nói vậy! Vùng Sơn Nam hạ vốn lắm sông nhiều ngòi, ao, đầm nên có lẽ ngày xưa mật độ dựng cầu dày đặc: cầu tre, cầu gỗ, cầu gạch, cầu đá nhưng bề thế nhất, đẹp nhất có lẽ là cầu ngói hay còn gọi là cầu thượng gia hạ kiều, thượng gia hạ trì.
Hiện nay, theo mình biết thì cả nước chỉ còn vài cây cầu dạng này: chùa Cầu (Lai Viễn kiều) ở Hội An do người Nhật dựng, cầu ngói Thanh Toàn (Huế, có lẽ đây là cây cầu rực rỡ nhất vì lợp ngói hoàng và thanh lưu ly), cầu ngói chợ Lương (Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định), cầu ngói chợ Thượng (Thượng Nông, Bình Minh, Nam Định) - mấy cầu này khá lớn, còn dáng vẻ cổ kính, còn cầu ngói Phát Diệm thì tuy dài, to hơn nhưng đã được làm mới với dầm bằng, trụ, mố bằng bê tông - cốt thép, còn cầu Nhật Tiên kiều và Nguyệt Tiên kiều chùa Thầy thì chỉ là cầu nhỏ, trong phạm vi chùa, không có tác dụng giao thông nhiều). Mới đến được cầu ngói chợ Lương, cầu ngói Phát Diệm, Nhật Nguyệt tiên kiều.
Làng mình xưa có cây cầu ngói, theo văn bia do Trạng Trình chắp bút thì do hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ vua Mạc Đăng Dung bỏ tiền và hưng công xây dựng trên con sông khá rộng và sâu, vắt qua đường liên huyện, ở đầu làng. Tương truyền cầu xưa có 11 gian, trụ cầu bằng đá xanh được đẽo tròn (to như trục đá kéo lúa xưa), sàn bằng gỗ lim, hai bên có lan can cho người đi đường ngồi nghỉ chân, mái lợp ngói mũi. Cánh đồng ở đây cũng được gọi là đồng Cầu. Cạnh một đầu cầu là một và miếu nhỏ thờ ông ăn mày mà dân hay gọi là ông Đông Đống. Trước miếu có đôi câu đối: "Tràng giang bảng lảng thiên hạ vị. Ốc rã phì nhiêu địa khả đô" (ghi theo lời kể của một ông giáo trong làng). Dân làng vẫn truyền câu ca: "Phá cầu rồi lại là cầu. Có năm (hay trăm nén bạc) ở đầu cầu kia". Lần tu sửa gần nhất là cụ lang Cường trong làng bỏ tiền ra dựng lại, thu gọn 11 gian xuống còn 9 gian. Cụ lang cũng cho dựng quán đá ở cách đồng dưới, cạnh tỉnh lộ mới, lấy chỗ cho người đi làm đồng, người đi đường nghỉ chân! Quán đá này bị phá năm 1952, nghe nó bị đại bác của Pháp bắn sập!
Theo một số người trong độ tuổi 50 - 60 tuổi thì khi qua cầu hồi ấy họ còn ngồi nghỉ chân, ngắm sông, cánh đồng rất thoáng mát. Một số gia đình ở gần đó, đêm mùa hè còn hay ra đây ngủ. Tới năm 1973 - 1974, cầu bị dột nát, hư hại một phần nhưng không ai sửa chữa, gặp trận bão lớn năm đó khiến đổ nát, dân làng ra phá tan tành, lấy đá trụ cột về làm trục đá kéo lúa. Thế là tan tành cây cầu vài trăm năm.
Hồi nhỏ thấy còn vài trụ đá chơ vơ trên mặt nước, nhưng vài năm gần đây xã cho dân thuê khúc sông cổ làm ao đầm nuôi cá, làm trang trại thì tuyệt tích cây cầu. Hồi mới biết bên Hải Anh còn cầu chợ Lương, có dịp ra Bắc, phải bò tới nơi. Thấy cầu còn dáng dấp cổ kính, được giữ gìn mà buồn cho quê nhà.
"Phá cầu rồi lại làm cầu. Có năm/trăm nén bạc ở đầu cầu kia"...Có lẽ cây cầu đã vĩnh viễn chìm xuống sông, và chìm vào lòng người mất rồi!
Nhưng tại sao cứ vẩn vơ buồn, tiếc nuối trong khi không còn thực sự sống ở đó? Những người sinh sống hiện tại ở đấy họ đâu có thèm đoái hoài? Tại sao những địa phương khác vẫn giữ được di tích lịch sử, vẫn cổ mà họ giàu có hơn, đàng hoàng hơn, trong khi mình đã bằng ai, đang ngổn ngang, rối bời nửa quê nửa tỉnh hoặc nói rộng ra tại sao nước Nhật hiện đại nhất nhì thế giới mà đền chùa, di tích vẫn trang nghiêm thanh tịnh còn mình thì dở dói dở dòi?
Hay bởi vì lòng tiếc nhớ không nguôi những nét đẹp đã thành qui chuẩn được đúc kết, thấm bao mồ hôi xương máu của cha ông hàng trăm năm khi nhìn về những nét mới, cái đã thành hình thì nhôm nhoam, bựa bã hoặc không biết bao giờ mới thành hình bởi còn đang trên đường "tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu"?!
Cầu ngói hay còn gọi là cầu thượng gia hạ kiều/trì hiện còn mà mình đã tới, ( ảnh chụp từ 2004 - 2008):
Cầu ngói chợ Lương (Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định)
Cầu ngói chợ Lương (Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định)
Cầu ngói chợ Lương (Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định)
Cầu ngói chợ Lương (Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định)
Cầu ngói chợ Lương (Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định)
Cầu ngói Phát Diệm thì tuy dài, to hơn nhưng đã được làm mới với dầm bằng, trụ,
mố bằng bê tông - cốt thép. Hè 2004
Cầu ngói chợ Lương (Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định)
phía Đông sang đền Tam Phủ thì có lẽ là Nhật Tiên kiều (chùa Thầy).
Nguồn: FB Không Gian Đọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét