Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

NGƯỜI CAO TUỔI VÀ TRÒ CHƠI


Phiếm đàm
NGƯỜI CAO TUỔI VÀ TRÒ CHƠI
“Nghề chơi cũng lắm công phu” (Truyện Kiều)

Con người sinh ra, từ thuở lọt lòng đã có những sở thích khác nhau. Khi trưởng thành do môi trường, hoàn cảnh, mỗi người đều có những đam mê. Tuỳ theo năng khiếu “trời cho” có thể phát thành tài năng, cũng có thể chẳng thành gì. Ai chả có khả năng, năng khiếu nào đó, nhưng nếu do hoàn cảnh, do mưu sinh…nó có thể bị thui chột, không phát triển được. Đến lúc già, cái khả năng ấy có khi lại thấp thoáng bộc lộ, và thấy nuối tiếc vì đã quá muộn. Ông bạn tôi, một thợ cày tâm sự:
-         “Nếu ngày xưa được theo con đường âm nhạc, bây giờ ông có thể trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng Quốc gia!...”

Thú chơi ở mọi lứa tuổi, nhưng thể hiện rõ ở hai giai đoạn: Khi trẻ con và lúc về già. Đó là hai giai đoạn nhìn chung không phải mưu sinh. Ngày xưa trẻ con thường chơi nghịch đất cát, đánh chuyền, đánh chắt, thả diều, nhẩy dây, đánh đáo, chơi khăng…Bây giờ thì đá bóng, đánh điện tử, chơi game,…Ở tuổi già, các cụ thường tìm đến bàn cờ, hội tổ tôm. Có người chơi cây cảnh, cá vàng, hòn non bộ, nuôi chim. Có người ham thể thao, tập dưỡng sinh, khiêu vũ. Có người thích nhạc cụ, thổi sáo, đánh đàn. Có người nghiện máy tính, suốt ngày vào mạng. Lại có ông đề đóm mê say, đến nỗi con cháu góp ý thế nào cũng quyết không chừa. Có vị lại thích làm thơ, suốt ngày trầm ngâm suy nghĩ. Hễ gặp bạn thơ là ghé vào khoe. Có những trò chơi chỉ đơn giản, thông thường, nhưng có những trò chơi thành nghề, thành ngón. Có thú chơi khôn và trò chơi dại. Bởi thế xưa Tú Xương đã khuyên: “Khôn nghề cờ bạc là khôn dại/ Dại chốn văn chương ấy dại khôn”. Chơi khôn là chơi những thứ giàu bản sắc văn hoá, nâng cao hiểu biết, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, sức khỏe…Chơi dại là chơi những trò ngược lại, vô bổ, thậm chí còn có thể bại sản khuynh gia …
     Nhưng ở góc độ nào thì phàm là trò chơi cũng có yếu tố... trời cho! Không phải cứ thích mà thành. Thích nhưng không điều kiện, không thể chơi. Thích mà không năng khiếu, chơi không đặng. Khi biết rõ sở trường, sở đoản của mình để chọn nghề chơi, chắc sẽ thành công. Ngay như tôi đã một thời quá thích làm thơ. Thấy người làm thơ hay, đọc nghe dạt dào cảm xúc, thế là cũng quyết chí làm. Khi nghĩ ra được một tứ thì mất ăn, mất ngủ. Đang đi đường cũng lẩm bẩm gieo vần. Đêm thức giấc lại tìm từ, tìm chữ… Nhưng tệ quá, làm mãi không ra thơ! Thơ lục bát gì mà câu sáu “cãi” câu tám. Gò được vần thì mất ý, giữ được ý lại vênh váo, không vần! Khi mang ra đọc, mấy ông bạn bảo: “Thơ chả ra gì, sáo mòn, nhạt hoét. Câu này, chữ kia là bắt chước thơ nhau”. Rồi có vị còn nhạo báng, đau hết cả đầu. Rằng, lục bát không vần thì khác gì... lục đĩa!” Tuy biết có quý nhau, bạn mới phê bình như thế, nhưng máu tự ái vẫn một cục nổi lên… “Từ nay, không bao giờ làm thơ nữa!” Đúng là già rồi, không khác gì con trẻ!... Thời trẻ con, đánh bi, đánh đáo cũng có những lúc choảng nhau bởi nghìn lẻ một lí do. Bây giờ già, bị người chê thì thật không dễ chịu. Chả nhẽ ngần này tuổi đầu, đàn cũng bị chê, hát cũng bị chê, thơ cũng bị chê nốt…Hoá ra mình vô tích sự ? Mình còn đẻ ra cả một lũ tiến sĩ, kỹ sư, đẻ ra cả những tài năng nghệ sĩ…Nghĩ mà tức thật! Ở câu lạc bộ Hội người cao tuổi thôn tôi có một số ông, bà làm thơ, một số chuyên nghiên cứu, sưu tầm những bài báo, bài viết phổ biến về giữ gìn sức khoẻ người cao tuổi để chờ đến lịch sinh hoạt mang ra thể hiện… tài hùng biện! Từ ngày về hưu ít được diễn thuyết, nay được đến câu lạc bộ “chém gió” cũng giải toả phần nào. Câu lạc bộ có nhóm chơi nhạc cụ dân tộc: đàn, sáo, nhị, trống, phách…Hôm nào so dây chuẩn, đánh bài “tủ” thì nghe cũng được. Nhưng có hôm vớ phải bài tập mới, nhạc lí không hay, đánh theo cảm tính, mà cảm tính lại không giống nhau nên dẫn đến “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, dàn nhạc rối tinh như canh hẹ. Thế là ỏm tỏi cãi nhau! Ông nọ bảo ông kia: “Đánh ngang phè phè, như ...đấm vào lỗ nhĩ!” Ông đánh đàn nói ông kéo nhị. Ông sáo trúc bắt ông đánh đàn phải vặn dây lên thì nốt sáo mới vừa... Ông đánh đàn phải chiều, cố vặn dây lên cho vừa nốt sáo.Nhưng chẳng may dây đàn đứt “phựt”! Thế là tức mình quăng mẹ cây đàn đi! Lúc sau hết nóng lại nhặt lên, nâng niu chữa lại…Vì nếu không thì lần sau lấy gì chơi!...Ôi, cái nghề chơi cũng lắm chuyện nực cười!...

                                        Tuổi già thích hội họp và tham gia các công việc xã hội

 



Tổi già thích được "chém gió" nơi công cộng
 
     
Tuổi già thích  khôi phục các nghi lễ dòng họ

Gặp gỡ bạn bè, đồng đội để chén tạc, chén thù cũng là cái thú của tuổi già
     Khi đến tuổi già, có lẽ sân chơi là quan trọng bậc nhất. Ăn, mặc không còn là vấn đề, càng không phải là nỗi lo khi đời sống xã hội đã được cải thiện, nâng lên. Các cụ thường nói với nhau: “Hồi còn trẻ, sức ăn được thì không được ăn. Giờ kinh tế khá lên, nhiều cái được ăn, lại không ăn được!” Để bù lại, phải tìm sân chơi…Người già thường hay cô đơn. Nếu ông, bà nào có con, cháu đông vui, thảo hiền thì còn đỡ… Nhưng dù đông con cháu hết lòng chăm sóc thì người già vẫn muốn chơi riêng, không thể “ngồi cùng chiếu” với bọn trẻ, bởi sở thích hay cảm nhận thẩm mỹ của các thế hệ đâu phải giống nhau? Trong khi ông, bà đang say đắm nghe chèo, thì thằng cháu lại chuyển sang “Chát xình xình, chát chát…” Rốt cuộc, dù con cháu có đề huề đông đúc, người già thiếu bạn già vẫn thấy lẻ bóng, cô đơn!
Cùng con cháu, bạn bè thawmn quan du lịch

Tìm đến những người cùng lứa, cùng sở thích là nhu cầu tất nhiên, bởi đã là chơi thì phải có bạn. Nên phải chăng, cần chơi với tất cả bạn chơi sao cho bình đẳng. Chơi với người giỏi hơn nên khiêm tốn để học hỏi được nhiều. Chơi với người tương đương để giúp nhau cùng tiến. Chơi với cả những người còn kém thì chân tình giúp họ vươn lên. Chơi cho vui chứ cay cú làm gì. Thế mà vẫn có người lại hay đố kỵ. Hay, dở cũng chỉ vui, cho đời bớt đi buồn tẻ, chứ được mấy nả khi về với tổ tiên cũng chẳng thể mang đi. Nhưng khi đã chơi thường ai cũng đam mê. Nó giúp ta quên tuổi tác và quên đi bệnh tật. Vì thế, mỗi người cao tuổi nên tìm cho mình một trò chơi thích hợp.
                              Nguyễn Ngọc Dương

Gặp gỡ giao lưu làm cho tuổi già mạnh khỏe

Tiếng hát giúp tuổi già phấn chấn hơn

Các bà trẻ lại trong những đêm sinh hoạt văn nghệ

Gặp nhau trao đổi mạn đàm cũng là cái thú thanh tao

Già vẫn học.

Gia đính đầm ấm là niền vui của tuổi già.


1 nhận xét:

Unknown nói...

Nói chung về già nên chơi ô ăn quan,nhảy dây hoặc đánh đáo đánh khăng là tốt nhất.
Năm mới chúc bác cùng toàn gia BÌNH AN!
---------
Bác chỉnh sửa lại blog đi (vào "thiết kế" rồi "cài đặt" rồi "bài đăng và nhận xét" rồi "ai có thể nhận xét" và "kiểm duyệt nhận xét" để sửa,chứ để thế này coment bất tiện lắm.