Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

BÌNH LUẬN XÃ HỘI



SUY         NGẪM

Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần toàn văn "NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRONG THỜI KỲ MỚI" đăng trong Tạp chí "Cửa biển" số 98 ra tháng 8/2008. Với tư cách "người trong cuộc", tôi mạnh dạn phát biểu cảm nghĩ của mình. Dẫu bài viết này có thể làm ai đó chưa thật hài lòng vì "Trung ngôn nghịch nhĩ" nhưng lương tâm tôi mách bảo hãy viết với đúng suy nghĩ của mình. Hãy vì đại cục chứ đừng viết để làm hài lòng các "quan chức".
Bởi thế, tôi mạo muội bộc bạch những suy nghĩ của mình nề thực chất văn nghệ HP. Mong các bạn lượng thứ.    

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương ( Khoá VIII) của Đảng ta, văn học nghệ thuật cả nước đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và thu được nhiều thành công trong sưu tầm, sáng tác, truyền bá... Tuy vậy, trong vựa lúa óng vàng ấy không tránh khỏi những "hạt lép" lẫn lộn vào đống thóc mẩy.
Là một thành phố cấp 1 Quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh, lại là vùng đất giầu truyền thống, có tiềm năng văn hoá, có khả năng giao lưu nhanh với các nền văn hoá quốc tế. Trong mấy năm qua văn học, nghệ thuật Hải Phòng cũng có nhiều đóng góp nhưng so với thực lực thì sự đóng góp đó chưa đạt đến những kết quả cao. Nó chỉ là sự tồn tại chứ chưa có bước phát triển đột phá.
Trên mọi mặt hoạt động văn học nghệ thuật, các hội chuyên ngành vẫn thường xuyên sinh hoạt, hàng năm vẫn có "trại sáng tác", vẫn ít nhiều được đầu tư kinh tế nhưng chưa có tác phẩm nào gây được sự chú ý của công chúng. Nhiều tác phẩm được giải ở Trung ương nhưng lại không có trong danh sách "Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm" của TP (?). Vẫn có những cuộc triển lãm tranh, ảnh, có đầu sách xuất bản nhưng dấu ấn để lại rất mờ nhạt. Điều đáng nói là nhìn trên danh sách các tác giả ta thấy đều là những cái tên quen thuộc như Đình Kính, Lưu Văn Khuê, Vũ Quốc Văn, Phạm Ngà, Hồ Anh Tuấn, Dư thị Hoàn, Trần Lưu...(Văn-thơ) Quang Ngọc, Khắc Nghi (Mỹ thuật), Khánh Hồng, Minh Nhật, Vũ Dũng, Phú Hùng...(Nhiếp ảnh), Đoàn Lê, Văn Lượng, Long Khánh... (Điện ảnh, truyền hình). Nguyễn Kim, Tùng Ngọc, Duy Thái... (Âm nhạc) v.v... Riêng tác giả sân khấu thì yếu và thiếu. Các tác giả Hải Trường, Trọng Ước , Văn Lượng, Công Xình... mới chỉ có kịch bản cho sân khấu nghiệp dư. Các anh chưa đủ "tầm" và lực để vươn xa lên cấp trung ương và khu vực. Tuy thế sự đóng góp của các anh là rất đáng trân trọng và thực sự không thể thiếu trong hoạt động nghệ thuật quần chúng ở các địa phương. Ta cũng có những đạo diễn được đào tạo bài bản tại trường Đại học SK-ĐA Việt Nam nhưng họ cũng chưa có tác phẩm nào "sống" với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Vẫn cái cảnh "gà què ăn quẩn cối xay". Họ vẫn chỉ đi làm các chương trình ngắn cho các đội văn nghệ nghiệp dư để "tích luỹ vốn sống". Phải chăng họ chưa thực có "tài" hay lãnh đạo các đoàn nghệ thuật "trông giỏ, bỏ thóc", chưa thực tin tưởng ở họ? Mà nếu không có "Đất dụng võ" thì đến bao giờ tài năng của họ mới được bộc lộ?
Nhìn chung ở các chuyên ngành, ta chưa thấy sự xuất hiện của các tác giả trẻ. Các tác giả nữ thì càng "quý hiếm". Đây là điều làm các nhà quản lý VH-NT thêm lo lắng về kế hoạch đào tạo để bổ xung thay thế cho lớp đàn anh.
Lâu nay chúng ta luôn "đắm' mình vào "bệnh thành tích", không ai dám nhìn thẳng vào sự thật để phát hiện ra những "căn bệnh trầm kha" đang dìm các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cảnh "sống dở, chết dở". Một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiêp (NTCN) chỉ tồn tại trên danh nghĩa còn họ đã "chết dần trong tình yêu của những người hâm mộ". Họ nặng về biểu diễn phục vụ lễ hội, hội nghị... và cả các đám cưới. Còn danh sách những vở diễn "có dấu ấn" trong lòng khán giả thì...bói cũng không ra.
Đoàn Chèo HP là người anh cả trong 5 đoàn NTCH nhưng có nhiều khi "chấp chới" giữa "Chèo truyền thống" và "Chèo cải biên". Tổ chức yếu, nội bộ không ổn định... lãnh đạo không thật sự chú tâm tìm cách lái "con thuyền Chèo" ra khỏi vòng xoáy của cơ chế thị trường, của sự du nhập các dòng nghệ thuật mới nên "con thuyền Chèo" chưa định được cụ thể hướng đi  cần thiết.
Đoàn Kịch nói HP vốn là một đoàn nằm trong "Ngũ hổ" của nghệ thuật kịch nói nước nhà. (Có thời gian dài 5đoàn kịch nói nổi tiếng là :Nhà háy kịch Trung ương, Đoàn kịch nói Tổng cục chính trị, Nhà hát tuổi trẻ, Nhà hát kịch Hà Nội và Đoàn kịch nói HP). Vậy mà mấy năm nay đoàn chưa có một vở diễn "đinh" nào xứng tầm với  danh hiệu mà các bạn đồng nghiệp và khán giả cả nước đã trìu mến trao tặng. Đâu còn nữa những "Con cáo và chùm nho", "Ma sa", "Vụ án 1000 ngày", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", "Nhân chứng và lịch sử" v.v và v.v... Giờ đây trong kịch mục của đoàn ẽo ợt dăm ba vở nhạt nhoà về nghệ thuật (như "Tắt đèn", "Cái chết của Hoa hậu" - Chính là "Hoa hậu Siđa" sửa lại) hoặc hâm lại của các đoàn khác (Chùm kịch vui do ĐD Lê Hùng dựng), hoặc "sống" được nhờ có sự "tài trợ của tác giả chịu chơi"( vở "Tình xưa"). Vì thế trong các hội diễn gần đây, đoàn Kịch nói HP không đạt được những giải thưởng cao.
Để tồn tại, đoàn Cải Lương HP phải "đá nhầm sân" của ca nhạc và đi diễn ở các cơ quan trương học. Vì thế "Ca-Nhạc" thì chưa đủ "tầm" còn "Cải lương" thì không "ngọt giọng". Họ dựng lại"Người lang thang không cô đơn" (Đoàn Kịch nói Thái Bình đã tựng từ những năm 90 thế kỷ trước) một kịch bản hay nhưng vẫn "...cô đơn" trên sàn diễn. Ngay cả vở "Nữ tướng Lê Chân" cũng chóng quên trong trí nhớ người xem. Mới đây đoàn đã có nhiểu biến chuyển trong vở "Ngô Vương Quyền".
Đoàn Ca Múa HP thiếu những cái "đinh" khi Việt Hoàn và một số ca sĩ thành danh chuyển đi nên nhiều tiết mục của đoàn dù có đạt huy chương vàng, bạc trong hội diễn Ca-Múa-Nhạc toàn quốc nhưng không tồn tại trên "thị trường" ca nhạc thành phố.
Đoàn NT Múa Rối thành công sau những chuyên lưu diễn ở I Ran, Pháp...nhưng trong Liên hoan Múa rối Quốc tế tại Hà Nội, đoàn cũng chỉ xếp loại khiêm tốn. Ngay cả những tiết mục của rối nước vẫn là "tích cũ, trò xưa" hâm đi hâm lại chứ chưa có sự đầu tư hợp lý để đưa các trò mới lạ vào. "Bình cũ cần...rượu mới".
Điều đáng suy ngẫm là Hải Phòng có hai phường rối độc đáo đó là  phường rối cạn Đồng Minh, rối nước Nhân Hoà. Nhưng sự kết hợp giữa Đoàn NT Múa rối chuyên nghiệp với các phường rối cổ truyền xem ra cũng như "...nước chè hâm lại". Phải chăng nghệ thuật "rối cổ truyền" của hai phường rối ấy chả có "miếng trò" nào để các nghệ sĩ trẻ tiếp thu? Ngành du lịch HP lại không bám lấy "Vốn sống cổ truyền" quý báu đó để giới thiệu với du khách quốc tế. Trong khi đó ngành du lịch Hà Nội lại tổ chức cho các đoàn "lữ khách quốc tế" du khảo đồng quê về tận Đồng Minh, Nhân Hoà xem múa rối. Khu nghỉ mát Hoàng Long (Quảng Ninh) còn trịnh trọng mời NSƯT Xuân Thấm (nguyên trưởng đoàn NT Múa rối HP) ra dạy và dựng tiết mục để họ "mua" khách du lịch.
Xem ra sự chỉ đạo của cơ quan quản lý văn hoá TP ta vẫn lơ lửng trên mây. Ngành du lịch và văn hoá thiếu sự kết hợp hỗ trợ tương tác cho nhau (Nay ngành VH-TT và Du lịch đã hợp nhất, chắc rằng sẽ có những hoạt động khởi sắc hơn)
Ở nhiều đoàn NTCN, có những nghệ sĩ vì "nhảy nhầm" sang "ghế" lãnh đạo nên tự họ đánh mất mình. Giá như họ cứ yên tâm với "thiên chức nghệ sĩ sáng tạo" thì còn cống hiến cho đời được nhiều điều "bổ ích và lý thú". Nay họ làm lãnh đạo mà cứ "lúng túng như thợ vụng mất kim", thế là "làm quan cũng dở mà làm hề cũng dở". Cái lỗi này một phần do tổ chức bố trí nhân sự chưa đúng. Một phần do nghệ sĩ lại cứ thích "sĩ". Nhiều khi vin vào chữ "sĩ", có người sống buông thả, họ tự đánh mất mình. Nội bộ lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật lủng củng, bè phái. Người thuyền trưởng mà mất lái thì con tàu sao đến đúng bờ? "Trên bất chính, hạ tất loạn", lãnh đạo đơn vị sống quá "dễ dãi" nên nhiều diễn viên "chân ngoài dài hơn chân trong". Họ lo chạy "xô" kiếm ăn riêng. Có người mải "đánh lẻ" đến nỗi bỏ cả buổi diễn của đoàn. Có diễn viên vòi vĩnh, đưa yêu sách với lãnh đạo đoàn. Tệ hại hơn, có mấy cô ca sĩ, mấy chàng nhạc công còn "bịa" lời hát để cho ra đời CD "Tiếu ngạo giang hồ" sặc mùi... "vô văn hoá". Lớp nghê sĩ trẻ lo "đánh bóng" tên tuổi mình, lo kiếm sống nhiều hơn lo cho sự nghiệp. Ca dao xưa đã có câu:" Bởi trên ở chẳng chính ngôi, cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hảo" kể cũng chẳng oan  chút nào cả.
Những năm gần đây, vai trò của "Hội đồng nghệ thuật TP" xem ra có phần "Hữu danh vô thực" bởi nhẽ sự xuất hiện trước khán giả những chương trình nghệ thuật, những vở diễn yếu về nội dung, kém về nghệ thuật có một phần trách nhiệm của Hội đồng nghệ thuật TP.(?)
Có một thời, Xưởng phim của Đài PT-TH đã quy tập được nhiều tác giả, đạo diễn, diễn viên... có "tên tuổi" như Đoàn Lê, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Hữu Phần, Văn Lượng, Lê Đức Tiến, Thu An, Chiều Xuân... và cho ra đời nhiều phim truyền hình chất lượng cao  như "Con vá", "Chim bìm bịp", "Hạt vừng", "Gió quê", "Nước mắt của biển", "Chuyện tình đảo cát" v.v... Ai cũng mừng vì Cảng Hải Phòng là một đô thị lớn, có một xưởng phim làm ăn "ra tấm, ra món" là điều rất cần thiết. Ấy vậy mà "ngày vui ngắn chửa tày gang". Xưởng phim ngày càng làm ăn... đi xuống và lâu nay chưa thấy có tác phẩm gì được giới thiệu trên màn ảnh nhỏ.(?)
Ngoài các chương trình thời sự, phóng sự mang tính chất "ngợi ca địa phương, đơn vị sản xuất, biểu dương người tốt việc tốt...", làm theo sự đặt hàng còn các chương trình văn nghệ hầu như "toạ hưởng kỳ thành". Nhà đài chỉ chờ đơn vị nào đã  có chương trình hay để mang camêra đến ghi hình. Việc chủ động sản xuất các chương trình mang tính nghệ thuật còn rất yếu (vì kinh phí quá hạn hẹp (?)). Căn bản các chương trình truyền hình của Đài PT-TH HP nặng về tính truyền thông còn yếu tố sáng tạo nghệ thuật hầu như là thứ yếu. Vì thế Hội Điện ảnh - Truyền hình HP chỉ "nói" chứ không "làm" được gì cả.oànH       
Nói đến hoạt động văn học - nghệ thuật không thể không nói đến sự đóng góp tích cực và có hiệu quả của các nghệ nhân và phong trào văn nghệ nghiệp dư. CLB Ca trù (của Hội VNDG) đã gây tiếng vang trong các cuộc Liên hoan ca trù toàn quốc. Nhiều nghệ nhân như bác Trần Văn Quế tuổi ngoại 70-80 vẫn say mê tay đàn tay trống. Các bác không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn mà còn là những nhà nghiên cứu, nhưng thày dạy cho lớp cháu con kế tục.
Ở các làng quê, phường, xã... nhiều "gánh" chèo được "sống" lại và trong hoạt động văn hoá cộng đồng, sự đóng góp "cây nhà, lá vườn" là rất cần thiết. Với nguồn kinh phí quá ít ỏi, các "nghệ sĩ chân đất" sống được nhờ sự yêu đến si mê cái nghiệp "mua vui cũng được một vài trống canh" . Ở quận mới Dương Kinh, có những ông bà đang đi xây những căn nhà "hàng mã" cho các chủ thầu đã bỏ việc (mức lương 100.000đg/1ngày) để về tập kịch với mức bồi dưỡng khiêm tốn: 30.000đg/ngày. Đúng là họ đã "sinh ư nghệ, tử ư nghệ". Tiếc rằng nhiều khi các Hội thi, hội diễn, liên hoan... do Trung tâm Văn hoá TP, Trung tâm Thông tin cổ động tổ chức đều đặn hàng năm lại không phát huy được khả năng truyền bá trong công chúng. Sau hội diễn, hội thi... các tiết mục xây dựng tốn hàng vài chục triệu đồng được... "thanh lý".
Nghị quyết  của Đảng như kim chỉ nam cho hoạt động VH-NT phát triển. Mặc dù trong điều kiện nền kinh tế chung của cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhà nước vẫn có những sự ưu tiên cần thiết cho hoạt động VH-NT. Bộ VH-TT và Bộ Tài chính đã ra nghị quyết số......  quy định rất cụ thể về kinh phí cho các tác phẩm VH-NT. Dẫu đó vẫn còn là sự "tiết kiệm" nhưng nó cũng đã góp phần động viên các văn nghệ sĩ . Cuộc sống không thể chỉ có "hoa hồng" mà còn phải có "bánh mì". Sự kết hợp tương tác đó là đòn xeo thúc đẩy sự hưng phấn trong sáng tạo. Tiếc thay, ở thành phố ta, việc chi trả tiền nhuận bút cho các tác giả (tiền cho diễn viên, nhạc công..) vẫn nặng trong sự "kiềm toả" của cơ quan quản lý tài chính. Tự họ đã lạm dụng quyền "quản lý" tài chính để tiến hành "xin và cho".   Họ chi trả tiền nhuận bút cho tác giả như một sự "ban ân" cho bao nhiêu được bấy nhiêu chứ không dựa trên một cơ chế, pháp quy nào cả. Có những kịch bản được tỉnh ngoài dựng lại mà tiền nhuận bút cho tác giả cao gấp nhiều lần tiền nhuận bút các đoàn nghệ thuật CN sở tại trả lần đầu. Hỏi ra mới biết, ở các tỉnh bạn, họ nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị 31. Còn ở TP ta, "quan thì xa, bản nha thì gần". Tác giả và đạo diễn cả một chương trình truyền hình trực tiếp có độ dài 90 phút mà chỉ được chi nhuận bút 5 triệu. Đài PT-TH Hải Phòng lại đặt ra một "luật chi" riêng. Một diễn viên đóng một kịch ngắn thời lượng 30-40 phút được chi 240.000đg/1vai diễn. Tác giả KB được hưởng nhuận bút trên dưới 200.000đg... Như vậy "phép Vua thua lệ làng". Trong thời buổi giá cả leo thang mà tiền bồi dường quá "bèo bọt" đến thế thì người nghệ sĩ sao mà chịu nổi? Vả lại như vậy có phải để tự đề cao vai trò của mình, chính họ là người đã vi phạm tổ chức, "trên bảo, dưới không nghe" hay không?  Người nghệ sĩ thích một sự sòng phẳng, công bằng, việc nào ra việc ấy. Họ không phải là những kẻ "ngửa tay xin bố thí" mà họ muốn được đánh giá đúng quá trính lao động, sáng tạo nghệ thuật của họ.
Lại nữa, nhiều cơ quan, công ty... ngay cả nhiều chương trình do TP tổ chức, các đoàn nghệ thuật, các tác giả, đạo diễn "nội địa" cứ việc "ngồi chơi xơi nước... chè loãng". BTC mời các ca sĩ "ngôi sao" từ Trung ương, TP Hồ Chí Minh..., mời các tác giả, đạo diễn có tiếng về tưởng sẽ làm cho chương trình thêm phần hoành tráng. Mặc dù nhiều chương trình tốn kém tiền tỷ mà chất lượng thuộc "hàng... kém phẩm chất". Ca sĩ trung ương phải trả từ 5 triệu đến 20 - 30 triệu đồng cho một lần biểu diễn (từ 1 đến 2 bài). Rồi xe đưa, xe đón, quà lót tay làm kỷ niệm...Thế mà nhiều khi họ lại hát "đớp" đánh lừa khán giả. Trong lúc đó, ca sĩ  địa phương chỉ được trả 100 - 200 đồng/1 người. Thậm trí cả một chương trình chia ra không nổi 20.000đg/1người. Giá như ta tìm cách nâng đỡ các văn nghệ sĩ "địa phương" một chút thì họ cũng đỡ "tủi thân". Nhiều tác giả " địa phương" mang kịch bản đến, các đoàn NTCN che ỉ, chê oi. Nhưng mang đi tỉnh khác hoặc lên trung ương lại được dựng ngay. Phải chăng vẫn cảnh "Bụt chùa nhà không thiêng" .  Chính sự "chỗ ăn không hết, chỗ lần không ra" ấy đã  làm các văn nghệ sĩ "tỉnh lẻ" tự ty, mặc cảm thấy tủi thâm.  Sự lãng phí một cách thái quá cũng không thu được kết quả cao.
Nhiều "nghệ sĩ cấp huyện" đã dày công xây dựng chương trình để góp tiếng nói trong các lễ hội (như lễ hội "Kỷ niệm 50 năm Tiên Lãng phá càn 28/8-2008", "Lễ hội Núi Voi", "Lễ hội Trạng Trình"... Với nguồn kinh phí quá kiêm tốn nhưng họ vẫn tạo nên không trí vui tươi với các chương trình không kém phần hoành tráng. Họ làm để khẳng định "tay nghề" của mình.
Nhiều tác giả từ "chân đất" đi lên như Đào Hướng (kịch bản chèo "Canh bạc cuối cùng") anh nguyên là Bí thư huyện uỷ Thuỷ Nguyên, Trưởng ban tổ chức Thành uỷ, Giám đốc Đài PT-TH HP. Đề cương kịch bản "Gái ngoan dạy chồng" của anh qua sự góp ý và gia công của các anh Lê Hùng, Bùi Đức Hạnh... đã thành vở diễn có tầm cỡ... quốc gia. Phương Linh nguyên là anh thợ cơ khí của XN đường sông 202 đã "để đời" với nhiều vở như "Hoa hậu Siđa", "Đôi bạn láng giềng", "Dòng xoáy cuộc đời"... Cố NSND Ngọc Thuỷ nguyên là diễn viên kịch nói nhưng nhiều vở diễn do anh dàn dựng đã đạt giải cao trong các kỳ hội diễn. Nhạc sĩ Duy Thái nguyên là diễn viên kịch nói HP. Anh đã mượn "Lời của gió" để đưa anh đến với môi trường sáng tác âm nhạc và thu được nhiều thành công... Ngoài ra còn nhiều văn nghệ sĩ khác đi lên từ sự nỗ lực của bản thân. Nếu như được sống trong môi trường thuận lợi, có sự hỗ trợ tích cực hơn thì chắc những "con tằm" ấy sẽ nhả ra những sợi tơ óng mượt hơn nhiều.
Tôi có cảm giác như ở TP ta, Hội liên hiệp VH-NT với Sở VH-TT thiếu sự kết hợp ăn ý. Nhiều khi hỏi về vở diễn mới của các đoàn NTCN, lãnh đạo Hội cứ ớ ra như người "từ cung trăng mới tới". Thì ra nguyên nhân là các vị chưa được mời đi xem. Ở các địa phương khác. Hội LHVH-NT với sở VH-TT như môi với răng. Sau những buổi biểu diễn "báo cáo", Hội chuyên ngành cùng các đoàn NTCH  tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các bậc "cao niên" trong ngành và tham vấn đóng góp của các văn nghệ sĩ để hoàn chỉnh chương trình. Ở TP ta, "đèn nhà ai, người nấy rạng".
Ngay trong một Hội chuyên ngành, chuyện "nhà gác tư dành cho nghệ sĩ" vẫn thường xảy ra. Nhiều nghệ sĩ vẫn nặng chữ "tôi" mà quên đi tính tập thể. Có tác giả sđều có mặt trong các "Trại sáng tác" nhưng tác phẩm hầu như không được sử dụng. Việc "hỗ trợ sáng tác" không phải là "quỹ xoá đói giảm nghèo" nên không thể cơm lần, gạo lượt mà phải ưu tiên cho người có tác phẩm. Có thể tác giả đó năm nào cũng được đầu tư vì năm nào họ cũng "đẻ" ra những tác phẩm được giới thiệu trong công chúng.
 Các cụ ta thường nói: "Người làm sao chiêm bao làm vậy". Không cần quy kết, chuy chụp mà chỉ nhìn vào tác phẩm của các nghệ sĩ ta sẽ đọc được họ đang nghĩ gì, nhân sinh quan của họ ra sao? Lập trường, quan điểm của họ thế nào? "Chim khôn tiếng hót rảnh rang. Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe". Tác phẩm VH-NT là tấm gương soi những suy nghĩ, là nơi gửi gắm tâm tư tình cảm của tác giả. Đó là những đứa con tinh thần của người nghệ sĩ. Người nghê sĩ không chỉ có chữ "Tài" mà một yếu tố quyết định, không thể thiếu là chữ "Tâm". Thi hào Nguyễn Du đã từng viết:"Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Tiếc rằng trong hàng ngũ nghệ sĩ TP ta còn có người thích lối sống "lập dị" để tỏ ra khác người. Họ chẳng bao giờ đọc báo, tự tách mình ra khỏi cuộc sống đương đại. Họ không cần đi nghe các buổi nói chuyện chuyên đề mà Hội LH tổ chức (Hội cũng rất ít khi tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị cho hội viên). Có đến họp cũng là đánh trống ghi tên để lĩnh phong bì và ngồi nói chuyện tào lao với nhau cho hết giờ. Người nghệ sĩ tách mình khỏi xã hội thì khác gì có giống cây tốt lại không có mảnh đất mầu mỡ để gieo trồng.
Tôi nghĩ rằng:"Nghị quyết của Bộ chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới" là sự đánh giá đúng đắn của Đảng và Nhà nước về văn hoá-nghệ thuật của cả nước trong giai đoạn vưà qua đồng thời thể hiện sự quan tâm, ưu ái của Đảng và Nhà nước đối với văn nghệ sĩ. Căn bản là sự áp dụng để thực hiên ở từng địa phương.
Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ: ..."Trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, văn học nghệ thuật nước nhà đứng trứơc những thời cơ, vận hội lớn, những thử thách mới, gay gắt".
Xã hội không ngừng phát triển, cách nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề của mỗi con người khác nhau nhưng nếu không có lập trường vững vàng, không tìm hiểu vấn đề từ mọi khía cạnh, không nắm bắt thực tế... thì chuyện "bôi đen" nhiều hơn "tô hồng" là không thể tránh khỏi. "Nhất bất biến ứng vạn biến" là một quan điểm chính xác. Đó chính là những điều "bất biến" đã được nêu ra trong Nghị quyết của Đảng ta do đ/c Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ký ngày 16/6/2008.
Nếu ví : "Nhân dân là bể, văn nghệ là thuyền" thì con thuyền văn nghệ của chúng ta đang mênh mông giữa biển cả. Nghị quyết của Đảng như kim chỉ nam, định hướng cho con thuyền đến đích. Lãnh đạo các Bộ và địa phương là những thuyền trưởng còn các văn nghệ sĩ là những thuỷ thủ. Con thuyền có đến bến không là do tài chèo chống của họ. Con tàu đi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào một yếu tố vô cùng quan trọng đó là chất lượng của nhiên liệu. Mà người giữ chìa khoá kho nhiên liệu ấy chính là "chế tài".
Suy cho cùng, người nghệ sĩ hy tự đặt câu hỏi :mình đã làm đượcv gì có ích cho dân, cho nước trước khi đòi hòi... sẽ được hưởng quyền lợi gì?
"Tiên trách kỳ, hậu trách nhân" là thế đấy.
                                                                    TRẦN TUẤN TIẾN
                                                               Hội Sân khấu Hải Phòng.






























Không có nhận xét nào: