Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Bạn Tiến


Người vô học có anh bạn kết nghĩa từ thời "để chỏm" - Nguyễn Ngọc Dương, cùng cầm tinh con chuột. Có lẽ vì thế mà tính khí nhiều điểm giống nhau: giống nhất là đa tình, đa cảm, nhưng một khi đã đúng thì bảo vệ đến cùng, không có gì khuất phục được. Đã yêu thì yêu đến... "tắt thở", đã ghét thì dù có quyền uy như núi, tiền bạc như đại dương cũng coi bằng...rác.  
Nguyễn Ngọc Dương đã nghỉ hưu 5 năm. Lão có con blog mang tên Phó nhòm tây bắc. Chả là đang sinh sống ở tỉnh vùng biên Lào Cai, lại ở hội nghệ thuật “phó nháy”, gọi tắt là VAPA – cái sân chơi vừa lý thú, sang trọng vừa phải bòn thêm  tiền vợ để thỉnh thoảng đi lang thang... tự sướng!
Mình vừa cho ra mắt blog Người vô học thì Phó nhòm tây bắc đã lên tiếng chúc mừng và đăng một bài nhan đề “Bạn Tiến”, rút trong tập Ký Hai miền quê của lão xuất bản năm 2009. Lão cũng gửi cho Người vô học để làm quà tặng. Đây là một tản văn xinh xắn mang tính hồi ký "kể chuyện xấu” của cả hai thằng từ năm học lớp 7 trường huyện. 


Bạn Tiến 
 Nguyễn Ngọc Dương 
Thứ Tư, ngày 7/11/2012 - 15:00 (GMT+7)
Tuấn Tiến và Ngọc Dương thăm lâu đài cũ ở Lào Cai
Ảnh: Trần Tuấn Tú

   Hôm đầu tiên gặp Tiến khi vào học lớp Năm, tôi đã có ấn tượng. Người dễ có ấn tượng thường cũng chỉ có một biệt danh, đằng này những hai: “Tiến rụt” và “Tiến sẹo”, chả biết bạn tự nhận từ bao giờ. Khi thân nhau, tôi thấy những biệt danh ấy chẳng có nghĩa lí gì lắm, chỉ nói một phần bề ngoài, chứ bên trong con người bạn chẳng có gì “rụt” với “sẹo” cả.

       Năm học lớp Sáu, Tiến đã biên kịch. Vở đầu tiên có nhan đề Chú Cuội, được dàn dựng cho các bạn trong lớp diễn khi tổng kết năm học. Chính bản thân Tiến đóng vai Cuội. Bạn Hoa trong vai Hằng Nga. Còn tôi, chả có khổ khiếu gì, người thì lẻo khoẻo lèo khoèo, da xanh như tàu lá, mà chẳng hiểu sao Tiến lại chọn tôi vào vai em chị hằng Nga. Tôi khoái lắm, vì được làm “em người đẹp”, nhưng quyết để bụng, không nói với ai. Vở diễn của chúng tôi từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên đến âm   thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu...tất tần tật đều là các “nghệ sĩ bất đắc dĩ”, thế mà ai ngờ nức tiếng cả trường! Bởi vì, dù ngô nghê thật, nhưng vẫn có nhiều pha khiến người xem cười rung bụng...Từ đấy, Tiến chẳng những nổi tiếng ở trong lớp mà cả trường, cả phố huyện, hễ nói đến Trần Tuấn Tiến thì không ai lạ gì.
       Tôi nhớ mãi một buổi tối mùa hè, trời nóng quá, cả lớp khênh bàn ghế ra sân trường ngồi ôn thi. Ngày ấy phố huyện chưa có điện, cứ mỗi anh một cái đèn Hoa kỳ, chỉ đủ soi sáng quyển sách hay quyển vở học sinh. Mải lúi húi làm bài, lúc sau nhìn sang bàn Tiến, chẳng thấy bạn đâu. Tôi nghĩ: Chắc lại ra gốc cây phượng “giải quyết nỗi buồn!” Nhưng đến hai mươi phút vẫn chưa thấy quay lại. Đèn, sách, bút mực... vẫn y nguyên trên bàn. Tôi sinh nghi, bèn đứng dậy đi ra phía cổng trường. Cái loa nén công cộng gần đó đang phát chương trình Hát chèo của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi tiến gần đến cái cột loa. Một bóng đen lù lù ngồi ở mô đất gần đó. Tiến đang cắm đầu đánh trống chèo theo Đài! Thì ra lúc đi học, bạn biết tối hôm đó có chương trình hát chèo của Đài, nên đã thủ sẵn cái trống đế tí xíu và đôi dùi trống được đẽo gọt cẩn thận. Tiến đã mê chèo, nhất là trống chèo từ bao giờ chả biết! Vì thế sau này lại có nhiều người gọi Tiến là “Tiến Chèo”
       Ông cụ thân sinh ra Tiến là một thầy lang nổi tiếng cả về y thuật lẫn y đức. Cụ có hiệu thuốc Bắc lớn nhất khu vực. Nhà Tiến lại ở ngay cổng chợ Phủ (chợ huyện), nên khi nói đến cụ lang Suôi thì cả vùng ai cũng biết. Do điều kiện của chiến tranh và cuộc di dân đi làm kinh tế ở miền núi, chúng tôi thất lạc nhau một thời gian dài, nên cụ lang Suôi mất, tôi không được biết. Sau này gặp lại, Tiến kể:  Lúc lâm chung, ông cụ gọi cả bốn người con trai, trong đó Tiến là út, giăng giối một điều: “Sau này, các con đứa nào muốn làm giầu thì không được theo nghề của cha; ngược lại, muốn theo nghề cha trị bệnh, cứu người thì tuyệt nhiên không được có tư tưởng làm giầu!”...
       Vào học kì hai lớp sáu, bài vở ngày càng nhiều, bu tôi bảo: “Thôi, buổi chiều bu cũng không bắt con đi chăn trâu nữa, con đi trọ học đi, kẻo ngày nào cũng đi bộ đến trường, vừa đi vừa về sáu, bẩy cây số mà người thì xanh rớt thế kia, bu không yên tâm tí nào!” Thế là tôi đến  nhà Tiến xin trọ. Nhà Tiến đã đông người, hai ông bà, bốn anh con trai, lại là hiệu thuốc, cứ vài hôm là có xe chở hàng chục bao tải vị thuốc từ Hải Phòng về chất hết cả một gian nhà. Nhưng khi đặt vấn đề, ông bà vẫn vui vẻ nhận lời: “Thôi thì có gì ăn nấy; tối chúng mày ôm nhau ngủ chung một giường cũng được”...
       Năm sau, lên lớp Bẩy, nhà Tiến lại có thêm một cậu em con cô ở dưới quê vào lớp Năm lên trọ học. Thấy quá chật chội, tôi liền bàn với Tiến và ông bà cho phép chuyển sang trọ ở nhà bà Quỳ ở xóm trong, cách đấy khoảng một cây số, nhưng ra lớp học cũng gần. Gia đình đành chấp nhận. Phải xa nhau, hai thằng cùng buồn. Ở nơi trọ mới, tôi tự nấu ăn. Bu tôi cho mang theo hai cái xoong nhôm bé xíu, một cái để nấu cơm, một cái để nấu thức ăn. Mỗi sáng thứ Hai khi bắt đầu từ nhà đi, bu tôi đã đong sẵn gạo cho đủ ăn sáu ngày trong tuần, tính ra mỗi bữa hai lẻ*, một ngày bốn lẻ, nấu được bốn bát cơm. Vị chi cả tuần hai mươi bốn lẻ gạo, tương đương với hai phẩy bốn ống bơ, một đơn vị đo lường của những người buôn bán gạo chợ thời ấy. Còn tiền mua thức ăn, bu tôi tính cho mỗi bữa năm xu. Số tiền ấy mua được những hai mớ rưỡi rau muống, bằng một bữa rau của cả nhà tôi sáu, bẩy người ăn. Nhưng tôi dành số tiền đó mua trứng vịt. Còn rau thì ở bờ ruộng thiếu gì. Rau má cứ hái lấy một nắm rửa thật sạch, luộc  tái lên, chấm nước mắm ớt, ngon tuyệt vời. Thài lài, rau dệu , rau sam và nhất là cái anh rau dền cơm hái nấu canh không phải cho mì chính cũng ngọt. Buổi trưa mọi người ăn xong đi nghỉ, tôi rủ anh bạn cùng trọ học ra con sông nhỏ cách nhà độ vài trăm mét, mang theo một cái chậu sắt tráng men để trôi lềnh bềnh trên mặt nước rồi ngụp xuống mò hến. Chỉ  nửa tiếng sau là có một vốc tay hến, đủ được một bữa chiều thịnh soạn. Cái tang hến nấu canh sao mà nó ngọt thế!...Thỉnh thoảng buổi chiều hoặc tối, Tiến vào chơi với tôi. Có lần vào đúng lúc sắp ăn cơm, tôi bảo Tiến ngồi chờ. Tôi bắc nồi cơm, mở vung, ra vẻ khoe khoang lấy quả trứng hấp trong nồi,  ngâm vào bát nước lã cho nguội rồi bóc vỏ cho vào bát nước mắm, dầm ra với hai quả ớt thóc . Tiến hỏi: “ Chỉ có thế thôi à?” Tôi nghĩ bụng “chắc thấy mình ăn sang, hắn “chọc” đây!” Tôi liền lý giải: “Sáng kiến này tiết kiệm được một khoản chất đốt đáng kể để nấu thức ăn. Chỉ nấu mỗi xoong cơm, trứng hấp vào đây, nước mắm không phải nấu, ớt ăn sống... Đúng là, nếu ở nhà, quả trứng này quấy với nửa bát bột mì, lấy lá chuối áp chảo thì còn đủ bữa cho cả nhà mình đấy. Đi trọ học thế này, lắm lúc mình thấy xài hơi hoang thật, nhưng vì điều kiện xa nhà, mình ăn uống lem nhem quá, người ta cười cho!”...
       Không hiểu sao từ đấy trở đi, lần nào vào chơi, Tiến cũng có một cái gì mang cho tôi. Khi thì cái bánh bao, khi thì mấy hào lẻ , lúc thì vài quả ổi chín. Có lần vừa vào đến nơi, Tiến móc túi quần ra một quả trứng gà. Tôi hỏi: “Lấy đâu ra của quí thế này?” “Gà nhà đẻ đấy.” “ Sao không để cho nó ấp?” “ Có chứ, nhưng không cần ấp hết. Con gà này mắn đẻ, cho ấp ít thôi nó mới đậu được!” Tôi cũng tin như vậy. Một hôm ra nhà Tiến chơi, tôi thấy mẹ Tiến lúi húi ở dưới bếp quét tước, dọn dẹp rồi bà hỏi anh Lộc, anh trai Tiến: “Lộc ơi, hồi này con gà mái nhà mình thế nào mà nó toàn đẻ “cách nhật” thôi!”... Có lẽ chỉ Tiến với tôi là trả lời được câu hỏi ấy....







Không có nhận xét nào: