TS. Trần Đăng Tuấn: TÔI ĐÃ GIẬN RUN NGƯỜI KHI ĐỌC BÀI BÁO NÀY !
"NVH - T3" xin trích lời Bác Hồ:
"Tôi chỉ có một ham muốn tột bấc là dân ta ai cũng có có cơm ăn, áo mắc. ai cũng được học hành..."
Các thầy cô từ khắp nơi về thăm học sinh Đông Yên
Trần Đăng Tuấn
Tôi tức giận run người khi đọc bài báo này. Nếu mọi chi tiết đều có thật, tôi kính đề nghị ông Tổng bí thư và ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục về nơi đó làm hai việc: Cám ơn những người dạy chữ cho các em, và đuổi khỏi biên chế bậu xậu ăn cơm dân mà bạc tình với con em như thế. Không có lý do gì mà trẻ con không được dạy học.
Vũng Áng và 155 học sinh cần chữ
Trong hai năm học vừa qua, có rất nhiều lớp học tự phát được mở ra tại KKT Vũng Áng. Thầy cô giáo là những người rất đặc biệt. Có người ở tận bên Nghệ An sang. Có những thầy cô giáo là các anh chị lớp trên bày cho các em lớp dưới đang thất học. Chính quyền thì cho rằng những lớp học này sai, không đúng quy định; trong khi đó, trẻ em vô tội, ngơ ngác, cần chữ. Dưới đây là ghi nhận của một nhà giáo ở Hà Tĩnh.
Hai năm học trước, có 155 học sinh thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phải thất học. Nguyên nhân là do bố mẹ các em chưa đi tái định cư mà chính quyền yêu cầu các em phải lên học các trường trên khu tái định cư cách nhà 25 km. Trong khi đó, học sinh ba thôn bên cạnh là Hải Thanh, Hải Phong, Tân Phúc Thành không thuộc diện di dời tái định cư thì được học trường gần nhà, sát ngay cạnh thôn Đông Yên. Hiện đã có 27 em đã đi học ở nhiều nơi, còn 128 em chưa được đến trường.
Những thầy cô đặc biệt
Cô giáo Phan Thị Hải Đường, sinh năm 1986, chưa lập gia đình, quê ở Đô Lương, Nghệ An, tốt nghiệp khoa Anh văn, trường CĐSP Nghệ An. Cô đã từng đi dạy hợp đồng nhưng rồi thất nghiệp. Nghe tin ở Đông Yên xa xôi đã 2 năm rồi có 155 em học sinh đang muốn học, cô xin phép bố mẹ rồi lên đường tìm vào Kỳ Anh. Phụ huynh đã mở các lớp học để nhờ cô giúp con em họ.
Cô Hải Đường sống nhờ trong nhà dân, dân góp gạo nuôi cô. Cô dạy cho những đứa trẻ cần chữ hoàn toàn miễn phí. Cô từ chối mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm vì sợ bị hiểu lầm. Cô cho biết, cô vào dạy từ sau Tết Nguyên đán 2016. "Em dạy từ lớp 3 đến lớp 8, lớp 8 có 5 em, lớp 7 có 6 em. Còn các lớp còn lại mỗi lớp có 14 em. Em dạy cả tuần và dạy 8 tiết mỗi ngày", Hải Đường tâm sự.
Hải Đường chia sẻ lý do về Đông Yên: "Em thương các em, chúng nó cần cái chữ, vì tình thương, vì chia sẻ nỗi buồn cùng các em và phụ huynh. Ngày xưa em cũng cùng cảnh ngộ, việc học bị gián đoạn nên em hiểu tâm trạng của người khát khao được đi học là thế nào. Thế là em tới thôi chứ không nghĩ gì cả".
Ngoài cô ra, còn có 6 anh chị lớp trên về nhà dạy Văn và Toán cho các em. Họ được các em nhỏ ở đây gọi thân mật là cô Kiều Xoan, cô Dương, cô Kim Dung, cô Kính, cô Thảo, cô Toàn, thầy Thi, thầy Cường, thầy Phương.
Giúp trẻ cần chữ là vi phạm pháp luật?
Các thầy cô kèm cặp, bày vẽ cho các em học chữ ở đây luôn phải nơm nớp lo âu vì bị công an xã liên tục gửi giấy triệu tập lên xã. Họ cho rằng việc dạy như vậy là trái pháp luật. Các anh chị dạy kèm ở đây cho biết thời gian đầu năm học các em và các anh chị đã bị khủng hoảng tinh thần, sống trong sợ hãi. “Nói đến mà rơi nước mắt. Chúng rất ham học, chỉ nhìn vào ánh mắt của chúng là biết chúng khát khao được tới trường như thế nào. Chúng luôn hỏi em khi nào thì chúng em được trở lại trường hả cô?” – một giáo viên chia sẻ.
Cô Hải Đường cho biết thêm: “Em thì chưa bị triệu tập nhưng thời gian trong năm 2015 có nhiều anh chị bị Công an xã Kỳ Lợi triệu tập nhưng họ không dám tới. Các bậc phụ huynh là những người bảo vệ ngoài cửa cho các em học ở trong nhà. Bà con giữ bí mật vì sợ công an đuổi em về thì các em không được học. Em chỉ bị vặn hỏi một lần vào giữa tháng 4.2016 khi họ biết em có mặt ở đây để giúp đỡ các em. Trong một ngày, công an xã ghé thăm hai lần”.
Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Kỳ Anh khẳng định với báo chí: “Theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ Trường Tiểu học, THCS thì việc mở lớp dạy học mà không được sự cho phép của chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan, đặc biệt là sử dụng đội ngũ chưa đủ tiêu chuẩn để lên lớp là vi phạm pháp luật”.
Còn ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thì cho biết: “Về quan điểm, tỉnh Hà Tĩnh đã cho chủ trương sớm đưa các em trở lại trường học. Trước mắt, thị xã sẽ tổ chức cho các em ôn lại kiến thức trong hè vì các em đã bỏ học 2 năm nay. Còn năm học tới, các em sẽ được bố trí học ở đâu, học như thế nào thì chúng tôi đang bàn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc đối thoại với các hộ dân Đông Yên để giải quyết vụ việc”.
Liệu các em học sinh Đông Yên thất học hai năm nay có được bổ túc kiến thức trong hè hay không? Bao giờ thì 128 học sinh bỏ học được đến trường như những trẻ em khác ở các thôn Hải Thanh, Hải Phong, Tân Phúc Thành kề bên? Đó là những câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời trong bối cảnh cả chính quyền và người dân đều cho rằng mình đúng. Ai sai, ai đúng là chuyện của người lớn nhưng xin đừng để 155 trẻ thơ vô tội thành nạn nhân cho những bất đồng tái định cư.
Lê Quốc Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét