Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

BỒN CHỒN LO LẮNG NGHE TIN ĐÃ HẠ GIẢI QUÁN NGHINH HƯƠNG

BỒN CHỒN LO LẮNG NGHE TIN 

ĐÃ HẠ GIẢI QUÁN NGHINH HƯƠNG


Quán Nghinh Hương (thuộc xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, HN), là một công trình không chỉ có giá trị độc đáo về mặt kiến trúc mà còn có giá trị sâu sắc về mặt văn hóa. Năm 2009, Quán Nghinh Hương đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Xưa kia, Quán Nghinh Hương là nơi các sĩ tử Hương Ngải đến học tập, ôn thi và dùi mài kinh sử. Đây còn là nơi đưa tiễn các sĩ tử lên kinh dự thi, lại cũng là nơi nghênh đón tân khoa vinh quy bái tổ về làng. 
 
Quán Nghinh Hương vừa là một công trình văn hoá đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa thể hiện ước nguyện khoa bảng của dân làng, đồng thời, đây cũng là nơi qua các giá trị kiến trúc, truyền tải được khát vọng của con người.
 
Kiến trúc

Quán Nghinh Hương là một di tích có giá trị nhiều mặt về lịch sử. Kiến trúc của ngôi quán khá lạ so với các kiểu kiến trúc truyền thống khác, người xưa đã dựa vào sự biến thiên của Dịch học để tạo nên một kiểu kiến trúc độc đáo, dù không đồ sộ, nguy nga nhưng hàm chứa một khát vọng: luôn phát triển (nhất tam biến, tam biến cửu:1 gian thành 3, 3 gian thành 9). Nhìn bên ngoài, quán Nghinh Hương trông như 1 gian nhà, nhưng vào bên trong lại biến thành 3 gian, từ 3 gian lại biến thành 9 gian nhỏ, mà con số 9 còn được gọi là số Lão dương, tượng trưng cho sự bền chắc.  
Đặc biệt hơn, theo “Tinh toạ đồ” thì trung tâm của ngôi quán ứng với chòm sao Bắc Đẩu (hay còn gọi là sao Thất Tinh). Chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao sáng nhất trên bầu trời, tượng trưng cho văn chương, thi hoạ.

Tổ tiên Hương Ngải đã trồng 7 cây linh thụ (4 trước, 3 sau), tượng trưng cho 7 ngôi sao trong chòm Bắc Đẩu gồm: Tham lang, Cự môn, Lộc tồn, Văn khúc, Liêm Trinh, Vũ khúc, Phá quân. Cũng theo “Tinh toạ đồ” thì trong vũ trụ có vô số những ngôi sao, nhưng chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao chủ tinh. Đây là chòm sao rực sáng, đóng vai trò trung tâm, các ngôi sao vệ tinh luôn luôn quanh nó. Trong sách “Luận ngữ”, Khổng Tử đã nói: “ví chính dĩ đức thí như bắc thuần cư kì sở nhi chúng tinh củng chi”, nghĩa là: “dùng Đức điều hành chính sự ví như ngôi sao Bắc Đẩu toạ lạc đúng vị trí của mình thì các ngôi sao khác ắt phải chầu lại”. Và quán Nghinh Hương toạ lạc đúng vị trí trung tâm của chòm sao này, là nơi đưa - đón hiền tài của làng, với mong mỏi tài năng, đức độ của họ sẽ tỏa sáng như sao Bắc Đẩu.

Nghinh Hương quán còn gắn với 2 trong 5 yếu tố của Ngũ hành là: Thuỷ (giếng nước) và Mộc (cây cổ thụ) để nhắc nhở đời sau nhớ tới cội nguồn: người có tổ tiên như cây có gốc, như nước có nguồn; cây có gốc thì cành lá xum xuê, nguồn nước có sâu thì nhánh sông mới dài rộng; người có tổ tiên, cội rễ thì con cháu mới phát triển mãi muôn đời về sau.
Chiều CN, 6.4.2014, chúng tôi về thăm Quán Nghinh Hương lần thứ hai trong mùa xuân này thì được một người dân cho biết sắp tới sẽ hạ giải (dỡ toàn bộ) quán Nghinh Hương để trùng tu, rằng sẽ tháo ra thay sửa cấu kiện, xây tường bao, lát sân, rồi xây công trình mới phía trước là nơi để kiệu...Buồn từ lúc ở Kẻ Ngái ra về...

Nếu vạt đất xanh mướt cỏ ở xung quanh Quán mà bị đào đi, lát gạch, rồi thì xây nhà để kiệu bên cạnh thì ôi thôi! Thế thì cái câu "Khôn Kẻ Ngái không bằng dại Kẻ Hiệp" quá đúng!

Chiều nay, 26.4.2014 được biết Quán Nghinh Hương đã được hạ giải. 

Quán đã được xếp hạng di tích. Không biết việc trùng tu, tôn tạo lần này đã được các cơ quan chức năng cho phép chưa? Đề nghị các nhà báo vào cuộc để hỏi cho ra nhẽ.

Vẫn biết Kẻ Ngái là đất nghề, nhưng vẫn cứ nơm nớp lo là vĩnh viễn mất đi hình bóng thân thương của Quán Nghinh Hương. Xem hình ảnh quán lúc chưa hạ giải tại đây: 

Hình ảnh Quán Nghinh Hương đã được tháo dỡ:
 



  
Hình ảnh Nghinh Hương quán ngày 21.4.2014, cách đây 5 ngày:

 

Không có nhận xét nào: