Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

MỌI NGƯỜI NÊN BIẾT


Sau khi hát thờ trước điện, xin âm dương, cụ thủ từ trèo lên khám thờ lấy ra cặp dương vật, âm vật bằng gỗ (sơn màu đỏ, tả thực) đưa cho một cặp trai gái. Khi ấy đèn nến đã tắt hoàn toàn. Cụ thủ từ hô "Linh tinh tình ...Phộc" 3 lần. Mỗi lần như vậy, trong đêm tối mịt mùng và trong im lặng, người đàn ông cầm dương vật gỗ đâm vào lỗ âm vật gỗ trên tay người phụ nữ. Nếu đâm trúng cả 3 lần thì cả năm đó làng được nhân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt. Nếu đâm trượt thì năm đó coi như mùa màng thất bát, người vật đều không thịnh.

Sau lễ mật, một cụ già trong làng hô "Tháo khoán", thì trai tân gái tân và dân làng đổ ra khu vườn đằng sau miếu thờ trêu ghẹo sàm sỡ với nhau để cầu mùa. Sau đêm tháo khoán, những đôi trai gái nghèo chỉ cần đem cơi trầu trình với các cụ là có thể về ở với nhau làm vợ chồng.
Lễ hội chỉ diễn ra 1 lần vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng hàng năm.

Đây là một nghi lễ phồn thực, cầu mùa của cư dân Việt cổ.

Phim này quay bằng một máy quay đặc biệt của bác Vũ Hoàng Liên (Tổng Giám đốc VDC), lúc 12 đêm 11 tháng Giêng năm Mậu Tý (2008) khi đèn nến bị tắt hoàn toàn. Đài TH Phú Thọ cũng không ghi được cảnh này, nên đã về Hà Nội để xin coppy lại, đưa lên sóng cho bà con trong tỉnh được chiêm ngưỡng.
Lễ vật được lưu giữ cẩn thận trong khám thờ
Nguyễn Xuân Diện

TƯỜNG THUẬT LỄ HỘI TRÒ TRÁM TẠI MIẾU ĐỤ ĐỊ 
XUÂN CANH DẦN (2010)

Năm nay là năm Tứ Xã mở hội đông vui hơn cả kể từ sau năm 2000 - lần đầu tiên lễ hội này được phép phục hồi, sau một cuộc hội thảo lớn. Xuân Canh Dần này, Miếu Đụ Đị (Miếu Trò) được công nhận là Di Tích Lịch Sử Văn hóa cấp Tỉnh. Dân làng và dân trong vùng tụ tập rất đông, và có khoảng 70 phóng viên báo chí các cơ quan thông tấn ở TW và các địa phương về dự.

16h chiều chúng tôi xuất phát từ HN, lên đến nơi là 8h tối. Khi ấy chương trình văn nghệ của dân làng đã bắt đầu với những bài hát ca nhạc mới. Sau đó là dân làng diễn các tích trò TỨ DÂN CHI NGHIỆP (còn gọi là trò BÁCH NGHỆ KHÔI HÀI). Trò này diễn tả cuộc sống và hành nghề của bốn hạng Sĩ Nông Công Thương và Ngư Tiều Canh Mục với cái nhìn vô cùng hài hước, dí dỏm và giàu tính nhân văn. Nhạc vẫn là nhạc bát âm, nhưng những điệu múa thì rất đơn giản mà đẹp một cách mộc mạc, nguyên gốc. Những trò diễn mộc mạc như: Ông Đồ dạy học thì dạy cho lũ học trò bướng bỉnh và ngộ nghĩnh. Dạy xong ông bảo: Bây giờ học xong rồi, các trò giả lại hết chữ cho Thầy, để Thầy còn đi dạy cho các nơi khác (kiểu các thầy đi dạy ĐH tại chức ở các tỉnh). Người đi câu thì không câu cá mà đi câu "một cô không chồng". Người đi buôn bán không bán hàng mà đi "Mãi Xuân, Mại Xuân"(Mua Xuân bán Xuân). Các cụ già ở đây viết và sử dụng đúng chữ Mại và chữ Mãi (chữ Hán).

Các câu hát trong trò Bách Nghệ Khôi Hài:

Tiện đây anh mới hỏi nàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần....

Vua ra đi cày. Lời của Vua rằng:

Làm vua cho đáng làm vua
Làm vua thì ở cho vừa lòng dân
Thánh quân cho đáng Thánh quân
Thánh quân phải biết thương dân nhọc nhằn!

Sau các trò diễn là trao bằng công nhận di tích Miếu Trò. Có đông đảo các quan khách và lãnh đạo tỉnh, huyện, xã về dự lễ trao bằng trang trọng này.
.
Đến sát 0h, cụ thủ từ lại đến ngồi trước điện thờ gảy cây đàn Giằng Xay (giống một cái dương vật khổng lồ), rồi hát thờ. Hát xong, cụ già lại một mình trèo lên trên điện thờ lấy ra hai linh vật, rồi đưa cho đôi trai gái thực hiện lễ mật. PV báo chí, dân làng và khách đều được mời đứng ra xa,cách thềm điện 5 m và tuyệt đối không dùng đèn flash khi chụp ảnh. Các PV đều tuân thủ và đưa ra điều kiện rằng sau khi thực hiện lễ mật thì phải diễn lại dưới ánh đèn điện để họ chụp ảnh đưa tin.

Sau khi lễ mật kết thúc, hai người nam nữ thực hiện lễ mật đã thay quần áo và đi ra ngoài. Lúc đó một số PV báo chí đã nêu lại yêu cầu. BTC lễ hội đành thể theo nguyện vọng này và gọi loa yêu cầu anh chị trở lại miếu, thay trang phục và thực hiện lại lễ mật dưới ánh đèn điện để các nhà báo chụp ảnh. Tất cả những hình ảnh mà các PV báo chí đưa tin về lễ hội năm nay đều là ảnh chụp trong lúc này. Như vậy, Lễ hội Miếu Trò năm nay có hai lần thực hiện Linh tinh tình phộc. Mỗi lần 3 lượt hô Linh tinh tình Phộc.

(Hồi năm 2000, lần đầu tiên phục hồi lễ mật, khi cụ từ hô Linh Tinh Tình Phộc 3 lần, đôi nam nữ làm xong, thì có mấy anh nhà báo vội nói: "Cụ ơi, cụ Phộc lại đi, con chưa quay được". Cụ thủ từ nghiêm mặt nói: "Không được!". Thế là phải chịu!).

Một năm mà nhờ có "sự cố" này, mà hai linh vật đưa vào nhau đến 2 lần, mỗi lần 3 PHỘC, thì vui vẻ hoan hỷ lắm! Năm nay chắc Tứ Xã và cả nước Việt sẽ bách cốc phong đăng, được mùa lúa ngô khoai sắn, nhân khang vật thịnh, con người con vật tốt tươi sinh sôi nảy nở! Và làng báo chí năm nay chắc cũng được "đắc tài sai lộc", "động bút hữu thần" lắm đây!
.
Khi các cụ hô "THÁO KHOÁN" thì chiêng trống ngũ liên giục vang. Đỗ Doãn Hoàng đem theo vợ (!), bèn "áp giải" vợ lên nhốt trên xe. Vợ Hoàng cự nự, may được Nguyễn Xuân Diện bảo lãnh nên được Đỗ Doãn Hoàng yên tâm cho xem màn Tháo khoán. Tôi nhanh tay được nắm tay cả hai anh chị thực hành lễ mật để lấy may. Anh chị vui lắm, nắm tay tôi rất chặt. Mọi người đổ ra khu vườn đằng sau Miếu để thực hiện màn tháo khoán được chờ đợi suốt một năm qua. Nam nữ của làng, trạc tuổi 40 - 50 ăn mặc áo nâu sồng, chít khăn đổ ra sau miếu để hô hoán và ...Chúng tôi thấy rất ít thanh niên nam nữ tham gia. Hỏi ra mới biết các em ấy rất e ngại các anh chị PV chụp ảnh đưa lên báo. Nhỡ ra ...

Sau khi tháo khoán, dân làng mời tất cả quan khách và anh chị em báo chí thụ lộc tại sân đình. Lộc Thánh là xôi trắng, thịt lợn và lòng lợn chấm với muối vừng. Rượu tất nhiên là cuộc lủi. Say rượu thì ít mà say cái tình Xuân rạo rực thì nhiều! Say bí tỉ cái tình Xuân từ thiên thu gửi lại....
_________________________


Nguyễn Xuân Diện cảm nhận về lễ hội trò Trám ở Miếu Đụ Đị:


Nguyên sơ còn sót lại trong lễ hội phồn thực 

Mặc Lâm - RFA : Vâng, thưa Tiến Sĩ, chúng tôi chú ý tới một lễ hội rất là đặc biệt của Việt Nam mà có thể là trong các nước ở Đông Nam Á thì chỉ có Việt Nam là còn, đó là lễ hội phồn thực Trò Trám. Ông là người tham gia nhiều lần lễ hội này vậy theo Tiến Sĩ thì những cảm xúc của người tham dự lễ hội phồn thực này nó có tinh khôi, nó có tinh tuyền như là những năm tháng về trước hay không so với thời đại bây giờ ? 
TS Nguyễn Xuân Diện:  Tôi bắt đầu quan tâm tới lễ hội này từ năm 2.000  và năm ấy là năm đầu tiên sau mấy chục năm gián đoạn cái “lễ mật” của Trò Trám mới được khôi phục. Ngay cái buổi đầu tiên mà tôi dự lễ hội đó thì từ đó đến nay thì gần như là năm nào tôi cũng tham gia. Tôi chưa thấy một lễ hội nào mà đem lại cho tôi nhiều cảm xúc về một tín ngưỡng nguyên sơ, về một văn hóa đậm chất hồn Việt như thế ở trong cái lễ hội đó.
Năm nào cũng vậy, khi tôi đi dự cùng với bạn bè ở lễ hội này thì tôi cảm thấy rằng mình đã được sống hẳn hoi, mình được đắm mình vào trong một truyền thống cổ xưa của người Việt. Lễ hội này vẫn còn giữ được tính chất tinh khôi của nó với tất cả những cái gì cổ xưa nhất.

Ví dụ như là trước ngày lễ hội thì người ta có tục rước Thần Lúa. Có một bó lúa người ta thờ quanh năm và đến ngày hôm đó người ta rước đi. Thế rồi người ta diễn cái trò “bách nghệ khôi hài” là sĩ – nông – công – thương. Có những  người dân ở địa phương người dân tự may quần áo lấy, người ta tự múa những điệu múa đã được truyền dạy từ đời này qua đời khác. Với những vũ điệu đơn sơ như vậy, cổ kính như vậy, với những trang phục như vậy, và diễn xuất hồn nhiên như vậy, thì nó mang lại cho chúng tôi cái cảm xúc vô cùng xúc động. Tất cả những người tham gia lễ hội đó cùng với tôi đều nói rất là xúc động khi chứng kiến lễ hội đó.

Đặc biệt nữa là phần sau của nó là lễ hội cầu mùa, tức là theo người Việt Nam chúng ta sống trong một xã hội nông nghiệp cho nên rất trông chờ vào thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Để có được mùa màng tốt tươi thì người ta cầu được mùa qua những nghi thức phồn thực, tức là mong cho sinh sôi nẩy nở, tức là bông lúa thì trĩu hạt, khoai thì nhiều củ, các con vật như gà, ngan, ngỗng, dê, lợn các thứ sinh sôi nẩy nở nhiều. Lễ hội đó bắt đầu vào lúc 0 giờ và sau khi diễn ra cái “linh tinh tình phộc” đó thì đèn mới được thắp lên.

Lúc bấy giờ đàng sau cái Miếu Trò đấy, họ gọi là cái “miếu đụ đị” rất là nhỏ bé như vậy, có mấy vuông đất rộng, trai gái trong thôn chạy 3 vòng ngược chiều kim đồng hồ chung quanh cái Miếu Trò đó, và lúc bấy giờ từng cặp trai gái có thể tiến hành các hoạt động tình dục mà không bị việc gì. Nếu đôi trai gái nào sau đêm lễ hội đó mà có con thì ra trình trước làng chuyện đó và làng sẽ hợp pháp hóa tình trạng hôn nhân cho hai người mà không phải qua thủ tục kết hôn tốn kém. Hiện nay ở trong làng vẫn còn 3 cụ là những người được sinh ra sau những đêm lễ hội như thế.

Tôi cho rằng đấy là một lễ hội rất nguyên sơ và cũng rất may là ngành văn hóa của tỉnh đó vẫn chưa can thiệp gì sâu để có thể làm hỏng cái lễ hội đó, và nó vẫn còn giữ được tính chất nguyên sơ của nó. 


*Ghi bên lề: NXD đã từng là người phản biện 1 cho một luận văn thạc sĩ về đề tài lễ hội này.
Nguồn: RFA Việt ngữ.
__________________________
Đến hẹn lại lên, năm nay, lễ hội trò Trám ở Miếu Đụ Đị vẫn diễn ra để cầu cho quốc thái dân an, bách cốc phong đăng. Nghe đồn là năm nay các cụ có tân trang & nâng cấp "linh vật" hi hi..i... Đường đi như sau (hành trình khoảng 80 km): Từ Hà Nội, đi đường Láng - Hòa Lạc (tên mỹ miều là đại lộ Thăng Long), đi về hướng Sơn Tây, đi qua Sơn Tây thì đi tiếp về phía Trung Hà, qua cầu Phong Châu hỏi thăm để đi 3-4 km nữa là đến Tứ Xã. Nên khởi hành từ 4h chiều từ Hà Nội. Đến nơi phải là lúc 8h tối để xem cho được trò Bách Nghệ Khôi Hài, sau đó xem tế, rồi lễ mật. Sau lễ mật là thụ lộc Thánh, dự kiến đến 2h sáng hôm sau mới tan hội. Khi ấy, có thể đi về Hà Nội trong đêm, hoặc về Việt Trì ngủ lại để sáng sau về HN.
Nguyễn Xuân Diện kính trình

Không có nhận xét nào: