- Chào cụ Mazda 323! Năm mới chúc cụ sức khỏe dồi dào, làm việc gấp năm gấp mười năm cũ...
- Thôi thôi... cám
ơn anh.... Hóa ra những kẻ cúc cung phục vụ cho các sếp lớn như các anh cũng
dẻo mỏ, khách sáo ...tệ!
- Ấy chết sao cụ
lại nói vậy! Phong tục tập quán của người Việt Nam mình, những ngày đầu năm mới
gặp nhau phải tìm những câu chúc nhau thật tốt đẹp chứ!
- Tốt đẹp cái mả mẹ
nhà anh! Anh đểu thì có. Anh không nhìn tôi đây à! Người thì gầy guộc, nhếch
nhác, mọi thứ rệu rã, xương cốt cọt cà cọt kẹt đến dăm bẩy năm nay rồi, bệnh
tật đầy người....Thế mà anh còn chúc tôi nào là khỏe ư, nào là làm việc nhiều ư,
nhiều ư, nhiều ư... Chắc anh định giết tôi, giết cả chủ tôi, giết cả những
người đi nhờ chủ tôi nữa à?....
- Dạ dạ thưa cụ,
con xin lỗi. Trông vẻ bề ngoài của cụ thì cũng chửa đến nỗi nào lắm, nước da
vẫn còn hơi bong bóng, lúc nào cũng thấy cụ được đi cùng “bọn trẻ” mỗi khi có
hội nghị, mit tinh của tỉnh cơ mà? Thực lòng là con cũng hơi quan liêu, xin lỗi
cụ. Vậy hỏi khí không phải, năm nay cụ bao nhiêu rồi ạ?
- Tôi gấp đôi, gấp
ba tuổi anh, những người phục vụ sếp ở các cơ quan quyền thế hoặc nhiều tiền...
Tôi lạ gì bọn các anh có thằng vừa “đập hộp” về phục vụ cho sếp được thời gian
ngắn thì vào dịp đại hội thay sếp mới là lại được chuyển chỗ đến sếp dưới.
Chuyển được vài năm là được “nghỉ hưu”, ra ngoài biên chế, đeo biển đen vi vu,
tự do rồi nghỉ khỏe re, không phải ngày nào cũng để cho người ta đặt đít !...
- Thế sao cụ không
xin nghỉ đi?
- Thực ra thì sếp
tôi cũng “thương tình” nên đi ít, cho nghỉ nhiều, nhưng không được nghỉ hẳn vì không
có người thay.
- Không ai thay cụ
được à?
- Úi giời ôi là
giời ôi! Đúng anh là người giời thật. Anh tưởng tìm được người thay tôi mà dễ
thế à. Phải có quyền lực. Nhưng tôi thì có quyền gì. Đến như sếp tôi cũng tiếng
là trưởng ngành đấy nhưng nói bã bọt mép chẳng ai nghe. Bởi vì ông ấy là trưởng
cái ngành Văn nghệ! Khổ, ngành này chỉ được cái giỏi viết, vẽ, đánh đàn, kéo
nhị... rồi nói như rồng leo, nhưng không thấy làm ra được đồng tiền, bát gạo nào,
lại đôi khi phải tiêu tốn vào những việc mà người ta cho là ...“có cũng không”.
Cho nên trong thời buổi “đồng tiền là tiên là phật” này, có người chỉ giả vờ
trọng vọng sếp tôi, lắm lúc còn nịnh “nghệ thuật là cao quý, cao quý lắm” nữa
cơ. Nhưng thực tế về quyền lợi thì người ta thường... bỏ ra ngoài bộ nhớ!
- Con đã nghe câu
ca dao: “Vai mang túi bạc kè kè/ nói quấy nói quá người nghe ầm ầm/ Trên lưng
chẳng có một đồng/ lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe”. Con cứ tưởng câu ấy là
của thời xửa thời xưa cơ đấy. Nay nghe cụ nói thế hóa ra mấy câu ca dao này như
vừa mới ra đời? Nhưng thôi, thưa cụ, con hỏi không phải, hình như cái “mác” của
cụ trước đây cũng oách xà lách lắm cơ mà?
- Đúng. Tôi sinh ra
ở Nhật, cái nước tư bản giẫy chết ấy, được người ta đưa sang làm việc ở Việt
Nam Xã hội chủ nghĩa. Những ngày đầu sang đây tôi được người ta quý như các anh
bây giờ í. Nhưng thói đời “có mới nới cũ”, các đời sau tiên tiến hơn, hại điện
à quên hiện đại hơn thì đời cũ lại bị ra re. Năm 1995 tôi về Hội văn học nghệ
thuật cũng còn được mọi người nể trọng. Phục vụ 17, 18 năm nay, qua mấy đời sếp
rồi, nay tôi mệt mỏi, rệu rã lắm rồi mà họ cứ bắt tôi cố gồng cái thân tàn sức
kiệt này cõng thủ trưởng đi xa về gần. Khổ, nghĩ cũng thương cho thủ trưởng, mà
nhất là người điều khiển tôi, anh “bảo mẫu” tận tâm, tận lực của tôi...
- Cụ nói cái anh
cầm cái “vành nón” quay quay thế này là “bảo mẫu” à?
- Những người ấy là
bảo mẫu của tôi với anh đấy. Họ cho mình ăn, chăm sóc, tắm rửa, rồi dắt mình đi
cho đúng đường, đúng lối, tránh từ cái ổ voi, ổ chuột, hòn đá trên đường...Thế
chả là bảo mẫu à? Ôi, anh “bảo mẫu” của tôi...Hu hu hu...hu hu hu ...!
- Ấy sao cụ lại
khóc? Đầu năm mà khóc lóc thế nó giông đấy!
- Nhưng tôi thương
anh “bảo mẫu” của tôi quá cơ!
- Sao cụ lại thương
anh anh ta?
- Chả là đến bẩy
tám năm nay rồi, anh ấy buồn lắm, lúc tôi nằm trong ga ra thì thôi, nhưng hễ
đưa thủ trưởng đi họp, ngồi với “bảo mẫu” của các anh là anh ấy buồn nẫu ruột.
Cũng là con người, cũng là phục vụ “sếp”, xe cũng đeo biển xanh như nhau nhưng
có đẳng cấp, đẳng cấp từ cái biển số nhé, cứ nhìn biển số là biết hạng người
nào. Anh ấy buồn vì cái giá trị của người anh ấy quản lý nó thấp kém, cái xe
anh ấy điều khiển nó già nua, rệu rã. Chỉ vài thứ phụ tùng của anh là bằng giá của
cả cái thân tôi đây rồi. Nói thật, ví như bây giờ mang tôi ra đấu giá, may
chăng được mấy bà đồng nát “bỏ phiếu”, chứ chẳng ai tranh nhau như đẳng cấp của
các anh đâu!
- Dưng mà, cụ còn
sức thì cụ cứ tiếp tục lao động phục vụ sếp có sao? Cụ không nhớ câu “Lao động
là vinh quang” à!
- Tiên sư bố nhà
anh! Anh quá đểu. Anh cứ mang cái khẩu hiệu từ thời Liên Xô mới xây dựng chủ
nghĩa xã hội những năm 20, 30 của thế kỷ trước ra “nịnh” tôi để đưa tôi vào chỗ
chết à! Cũng vì nhẹ dạ cả tin, tôi bị người ta lừa dối, nịnh nọt, động viên,
khích lệ, cổ vũ đưa tôi lên tít 9 tầng mây xanh, nên vừa rồi suýt nữa thì tôi
và người bảo mấu của mình “lên giời” sống với Ngọc Hoàng và các tiên nữ thật!
- Cụ nói sao?
- Hôm rồi anh bảo
mẫu của tôi có tí công chuyện phải lên một cơ quan hợp khối ở đỉnh đồi. Lúc về
xuống dốc, tôi yếu quá, thở không ra hơi, không kìm lại được nên húc một phát
vào giải phân cách đường lớn suýt thì lăn đùng ngã ngửa... May không đâm vào ai
đi đường. Anh “bảo mẫu” của tôi cũng tí nữa chết oan. Tôi thấy anh ấy mặt xanh
nanh vàng, về đến nhà vẫn còn tim đập, chân run...
- Hãi quá, nghe cụ
nói mà con cũng hoảng cả hồn. Cụ bảo với sếp của cụ chịu khó mà đi xe máy, xe
điện, xích lô, xe đạp hay “đờ mi cuốc”... cho nó lành nhé!
Xin chúc cụ năm mới được nghỉ ngơi trong gara chờ
người thay thế nhé, nhé, nhé...
Tạm biệt
cụ!
15/01/2013
Phó nhòm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét