NGHỆ SỸ HƯƠNG HẠNH
CON GÁI NGƯỜI LIỆT SỸ QUÂN BÁO
|
|
NSƯT Hương Hạnh
Ảnh : Ngọc Dương |
Tôi hẹn gặp
Hương Hạnh vào một buổi sáng tại căn phòng chung cư giản dị, tổ ấm của chị từ
nhiều năm nay. Mùa hè như đến muộn hơn mọi năm. Những cành phượng đỏ xung
quanh khu nhà chị vẫn còn đang tiếp tục trổ hoa và hình như chưa thấy vẳng
trong không gian tiếng ve kêu, dấu hiệu mùa lưu bút của tuổi học trò.
Ngồi trước
mặt tôi là một người phụ nữ dung dị, trẻ hơn tuổi thực của mình. Không son phấn,
không chải chuốt cầu kỳ - chị khiến người mới gặp lần đầu ngỡ chị là một cô
giáo. Tôi ngạc nhiên khi được biết con trai lớn của chị hiện nay đang là một
sỹ quan cảnh sát của quận Đồ Sơn . Chị cười nhẹ và giải thích: "Vì
em lấy chồng sớm mà!".
Hương Hạnh
là nghệ danh của Phạm Thị Hạnh. Sinh trưởng trong một gia đình thuần phác, mẹ
là công nhân Hợp tác xã Lửa Hồng, cha là bộ đội. Hương Hạnh sớm mồ côi cha
khi ông hy sinh trên đường hành quân tiếp viện cho chiến trường miền Nam,
ngay từ những ngày đầu chống Mỹ.
Chị lặng
đi trong phút chốc khi nhắc đến cha.Di ảnh của ông còn lại trong nghi ngút
khói hương là nét mặt tuấn tú của một chiến sỹ quân báo. Chị không có những kỷ
niệm đậm nét về cha mình vì ngày ông lên đường, Hương Hạnh mới 3 tuổi và cậu
em út, hiện đang định cư ở Cộng hoà Liên bang Đức mới tròn 1 tháng. Lờ mờ
trong ký ức tuổi thơ của cô bé Nga (tên của Hạnh hồi nhỏ) là hình ảnh cha đứng
nhìn 3 mẹ con qua khuôn cửa sổ lần cuối trước lúc ra đi. Còn mẹ, tay ẵm con
gái nhỏ ngồi trên võng ngước cặp mắt đẫm lệ nhìn theo chồng. Bà mẹ trẻ của ba
đứa con mà như vẫn còn e thẹn với những người thân đứng tiễn chồng mình lên
đường, không dám chạy đến ôm ông một lần nữa trước lúc chia tay.
1964 là thời
điểm những chuyến chi viện cho chiến trường miền Nam đang còn được giữ bí mật tuyệt
đối. Mẹ kể lại, đận ấy Hải Phòng chỉ có 2 người được chọn, cha chị là một.
Lên Trung ương, rà soát lại, cuối cùng chỉ một mình cha được nhận lệnh lên đường.
Chuyến đi bí mật, rời khỏi gia đình, cha thay tên đổi họ, còn dặn lại mẹ, đừng
ngóng thư cha. Cha sẽ trở về với 4 mẹ con khi chiến tranh kết thúc, khi đất
nước sạch bóng quân thù. Cha còn dặn: "Ở nhà, nếu mẹ con gặp khó khăn
gì, hãy lên Quận đội gặp người này, người này để được giúp đỡ" Rồi cha
lên đường... Năm ấy cha chị vừa 27 tuổi!
Hương Hạnh nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Lúc ấy
em còn bé, chả biết gì. Mẹ đổi 0,500 kg tem lương thực lấy 2 chiếc bánh mỳ
cho cha mang theo về đơn vị. Vậy mà hai chị em đã tranh nhau ăn phần giòn nhất,
chỉ còn lại 2 khúc giữa nham nhở phần cha...".
Mẹ
chị cũng đôi lần nhận được thư chồng, những lá thư không theo đường quân bưu
mà chỉ là những dòng viết vội của ông nhờ những đồng đội quay trở lại hậu
phương công tác chuyển giùm.
Mẹ bằng tuổi cha, lúc đó còn
rất trẻ đẹp, đã ở vậy, một mình tần tảo nuôi các con khôn lớn và báo hiếu mẹ
già. Mẹ chị đã dồn tình yêu và nỗi nhớ vào công việc, phấn đấu trở thành một
đoàn viên, một đảng viên gương mẫu. Trở thành hình mẫu tiên tiến của "Phụ
nữ ba đảm đang ", bà được đi báo cáo điển hình, được gặp Bác Tôn.
Tuổi thơ của
Hương Hạnh đã trải qua những ngày khó khăn của chiến tranh, của thời bao cấp
và lớn lên bằng đồng lương tằn tiện của mẹ. Hoàn cảnh và nếp sống gia đình có
lẽ đã góp phần làm nên vóc dáng và tính cách của Hương Hạnh. Mọi người nhận
xét, chị có nhiều nét rất giống người mẹ hiền lành nhẫn nhịn của mình. Phải
chăng đó cũng là vốn sống thực tế gần gũi để chị thể hiện thành công những
nhân vật đầy ắp nội tâm?
1978, Hương Hạnh trúng tuyển khoá đào
tạo diễn viên kịch nói đầu tiên của Trường Trung học VHNT Hải Phòng. Là một
trong hai người ít tuổi nhất lớp, cô chưa có khái niệm gì về ngôi trường mình
sẽ theo học mà chỉ đi thi tuyển qua sự rủ rê của bạn bè. Cô bé 17 tuổi Phạm
Thị Hạnh chưa hình dung được con đường mình bắt đầu đặt chân vào, rồi đây đối
với cô sẽ nhiều chông gai như thế nào.
Thời gian ấy,
Trường VHNT Hải Phòng nằm ở khu vực Cát Bi. Hơn 30 năm về trước, nơi ấy còn
hoang vu hiu hắt lắm. Đêm nằm nghe côn trùng rỉ rả, tiếng ếch nhái ì ộp buồn
bã trong những ao chuôm quanh ký túc xá, cô bé 17 tuổi chảy nước mắt quay quắt
nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ cậu em út bé bỏng mà cô rất yêu quý.
Niềm đam mê còn rất ngây thơ với
sân khấu đã giữ chân cô bé ở lại với trường với lớp dù đã hơn một lần, bà ngoại
thương cháu, giục mẹ cô đón Hạnh về, không học hành gì nữa kẻo "khổ thân
con bé!".
Nghe chị kể
lại qua nụ cười buồn và những giọt nước mắt về ngày đầu tiên nhập học, về những
đoạn trường sau này vài ba lần phải tạm xa sân khấu vì hoàn cảnh gia đình,
tôi không hiểu nghị lực ở đâu và tình yêu nào đã giữ chân Hương Hạnh ở lại gắn
bó với Đoàn Kịch Hải Phòng đến tận hôm nay để trở thành một gương mặt không
thể thiếu được của Đoàn.
6 năm sau
khi ra trường, Hương Hạnh lần đầu tiên ra mắt công chúng với vai Thuỳ Liên rất
ấn tượng trong Hoa cúc xanh trên đầm lầy
(tác giả Lưu Quang Vũ - đạo diễn Nguyễn Đình Nghi). Trước đó, Hương Hạnh đã
xuất hiện trong một số vở khác của Đoàn nhưng phải đến Thuỳ Liên, được sự dạy
dỗ trực tiếp của đạo diễn bậc thầy Nguyễn Đình Nghi và sự giúp đỡ của những
nghệ sỹ đi trước, Hương Hạnh đã chiếm được cảm tình của khán giả qua lối diễn
chân thực. Chị đã mô tả thành công 2 tính cách song hành của một Thuỳ Liên -
khi ở đời thường với đủ cung bậc hỉ nộ ai lạc - khi là người máy, được sinh
ra từ ước mơ không tưởng của nhà khoa học, là một cô gái ngây thơ, thánh thiện
và thuần khiết. Hoa cúc xanh trên đầm lầy
về diễn ở Hà Nội được bạn nghề và khán giả đón nhận, mừng cho đoàn kịch đất Cảng
đã có lớp kế tục xứng đáng.
1988 - Vụ án 2000 ngày (tác giả Lưu Quang Vũ
- đạo diễn Ngọc Thuỷ), vở diễn gắn với kỷ niệm đau thương của gia đình tác giả,
cũng là vở diễn mà Hương Hạnh một lần nữa đã thể hiện thành công vai cô giáo
Thu Phương, người yêu của Luân, nhân vật bị hàm oan.
Được khán
giả nhớ đến qua những vai diễn gần gũi với chị, ít ai nghĩ rằng Hương Hạnh lại
có thể vào những vai tính cách đáo để nanh nọc. Mọi người ngạc nhiên khi nghe
tin đạo diễn Lê Hùng đã chọn Hương Hạnh vào vai cô Nụ tráo trở tham lam lăng
loàn trong Tình hận (tác giả Nguyễn
Khắc Phục). Thành công trong vai diễn này ở Hội diễn miền Duyên hải phía Bắc
năm 1993, cùng với huy chương vàng, Hương Hạnh còn "ẵm " luôn giải
nữ diễn viên tài sắc nhất của Hội diễn.
1996, trong
vở diễn gây nhiều tranh cãi trái chiều tại Hội diễn miền duyên hải năm ấy,
Hương Hạnh lại nhận huy chương vàng cho vai diễn cô Sậu hoang dã trong Yêu trên đỉnh Phù Vân (tác giả Nguyễn Khắc Phục - đạo diễn Lê Hùng).
Bà mẹ Mỹ
(huy chương bạc) trong Linh hồn Việt Cộng
(tác giả Bùi Vũ Minh - đạo diễn Lê Hùng) tại Hội diễn sân khấu toàn quốc cuối
năm 2009 - vợ Trung tá Công an Mạnh trong
Người thi hành án tử (tác giả
Phạm Văn Quý - đạo diễn Lê Hải). Đó là những vai diễn chứng tỏ Hương Hạnh là
người luôn được đạo diễn tin tưởng giao những vai khó thể hiện.
Chị hỏi
tôi có tin vào số phận không ? Bởi vì con đường chị đi sao nhiều trắc trở đến
thế! Tôi biết chị đang chạnh lòng vì trong những kỳ xét phong tặng danh hiệu
NSƯT trước đây, Hương Hạnh không được thông qua vì thời gian công tác của chị
không liên tục do gặp bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân. Số phận nghiệt ngã của
ông trời bày đặt!... Là người biết Hương Hạnh từ khi chị còn là một thiếu nữ
và dõi theo quá trình hoạt động sân khấu của chị, bằng vào phẩm chất và những
vai diễn, tôi nghĩ chị xứng đáng được vinh danh.
Như để xoá đi những ẩn ức của ngày
hôm nay, Hương Hạnh chủ động kéo tôi trở lại câu chuyện về người cha liệt sỹ
của mình...
Hơn 10
năm biền biệt - 1975, ngày đất nước toàn thắng, mấy mẹ con chị hồi hộp chờ nhận
tin cha. Ngày nào ba chị em cũng ngong ngóng mong có một anh bộ đội rẽ vào
ngõ nhỏ nhà mình. Hình ảnh anh bộ đội, lưng đeo ba lô có chiếc khung xe đạp
và con búp bê mặc váy hoa đã là hình ảnh mong chờ của Hương Hạnh suốt thời
thơ bé. Nhưng mãi chẳng có tin gì... Mẹ chị lên quận đội rồi thành đội... Mọi
người bảo hãy ráng chờ.
Hai
năm sau ngày giải phóng miền Nam,
1977, gia đình Hạnh mới nhận được giấy báo tử của cha. Vì đặc điểm bí mật của
công tác quân báo hoạt động trong lòng địch nên ông hy sinh ở đâu và vào ngày
nào, đơn vị cũng không xác định được. Lặng lẽ nhận tin chồng, mẹ chị nuốt nước
mắt vào trong, lấy ngày báo tử của ông làm ngày giỗ tưởng niệm mỗi năm. Nhưng
trong thẳm sâu nỗi lòng của mấy mẹ con bà cháu luôn có ảo giác rằng hình như ở
đâu đó ông vẫn còn sống, vẫn còn tiếp tục công tác và sẽ trở về...
Chị kể với
tôi, trong chuyến lưu diễn dài ngày tại các tỉnh phía Nam những năm 90 của thế
kỷ trước bằng vở diễn nổi tiếng Vụ án
2000 ngày của tác giả Lưu Quang Vũ, với tình yêu người cha liệt sỹ, Hương
Hạnh đã thầm cầu mong cha chị chỉ bị mất tích trong chiến tranh. Hy vọng qua
báo chí quảng bá cho vở diễn, chị cầu trời khấn phật cho mình một ngày bất ngờ
được gặp lại cha ở vùng đất phương Nam... Mơ ước chỉ là mơ ước...
Nhưng dưới suối vàng, có lẽ cha chị đã thấu hiểu và phù hộ cô con gái ngoan
hiền của mình, sau nhiều trắc trở trong cuộc sống riêng tư, giờ đây đã có một
gia đình hạnh phúc bên cạnh người đàn ông hiểu mình và những đứa con ngoan.
Ngoài trời lắc rắc mưa. Hương Hạnh
chuẩn bị đi biểu diễn. Chị cười và hẹn với tôi: Hôm nào cô đi xem em diễn hài
nữa nhé!
Chia tay
Hương Hạnh, tôi chúc chị tiếp tục sáng tạo thành công và vững vàng trước những
thử thách khắc nghiệt của cuộc sống
Tháng
6/2011
NSƯT NGỌC HIỀN Chủ tịch Hội NSSK Hải Phòng |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét