Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Người vô học tự bạch

Thứ Ba, ngày 6/11/2012 - 14:00 (GMT+7)
NGƯỜI VÔ HỌC 
Vâng, có nghệ sĩ ở thành phố Cảng đã gọi tôi như thế! Ban đầu nghe cái “biệt danh” ấy tôi cũng nổi máu tự ái. Khi bình tâm nghĩ lại thì thấy người đó nói cũng có cái lý của nó. Chỉ xét riêng về nghề viết kịch bản, dàn dựng sân khấu và truyền hình (Phim ngắn, tài liệu nghệ thuật, ca nhạc, sân khấu truyền hình...) thì tôi đúng là dân “vô học” thật.
Trần Tuấn Tiến chụp ảnh với nhà sử học Dương Trung Quốc
trong dêm Lễ hội In dấu Rồng thiêng 

- Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (doTP.Hải Phòng tổ chức) 
Kịch bản Lễ hội của Trần Tuấn Tiến
Có lần, tiến sĩ Trần Đình Ngôn (Nguyên viện trưởng Viện Sân khấu Việt Nam) đưa tôi và nhóm làm phim Đài Truyền hình Hải Phòng đến nhà GS-NSND Trần Bảng để xin ghi một đoạn phỏng vấn cho phim Tài liệu nghệ thuật “Với cả cuộc đời” (Phim về NSND Hoàng Lan – Đoàn Chèo Hải Phòng. Bộ phim này được huy chương bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc tại Huế).
Sau khi hoàn thành việc quay phỏng vấn, GS Trần Bảng hỏi tôi: “ Tiến học khóa mấy hả em?”. Nghe GS hỏi, tôi thấy cổ mình như nghẹn đắng. Tôi thưa: “Thưa thày, em chưa biết cổng trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh quay về phố nào ạ”.Giáo sư ngạc nhiên : “Sao thế?” Phó TS Trần Đình Ngôn vội đỡ nhời: “Anh ạ, chú ấy trưởng thành từ hoạt động sân khấu không chuyên, chưa được học hành đến nơi đến chốn đâu ạ.” Khi biết tôi đã được nhiều giải cấp quốc gia về sân khấu và truyền hình, GS trầm ngâm: “Tiếc nhỉ! Một đôi lần được giải có thể gọi là ăn may nhưng được giải liên tục thì không thể là may. Đây cũng là hiện tượng của văn nghệ nước ta. Giá như chú được học tập bài bản thì chắc sẽ làm tốt hơn nữa”...
Khổ nỗi năm 1966, khi đang học lớp 10 phổ thông (Năm cuối cấp 3 để thi vào đại học) tôi nổi “máu anh hùng” lấy máu viết đơn tình nguyên nhập ngũ. Hết vào Nam lại ra Bắc, thời gian cứ trôi đi... Khi chuyển về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng, tôi được anh Vũ Thanh, Phan Tất Quang, Vũ Tiến Đĩnh là trưởng, phó đoàn lên xin về đoàn chèo Hải Phòng nhưng Tổ chức Sở khăng khăng đưa về Quốc doanh chiếu bóng. Thế là từ đó, lúc thì làm thuyết minh rạp CB Tân Việt, lúc lại làm thuyết minh, đội trưởng chiếu bóng lưu động từ Kiến Thụy, Tiên Lãng đến Vĩnh Bảo... Ngày ngày lóc cóc đạp xe theo chân chiếc xe bò chở máy móc đi khắp các thôn, xã chiếu phim. Chính nhờ những ngày lang thang chiếu phim ấy đã giúp tôi rất nhiều trong việc làm phim truyền hình. Tôi tự mò mẫm và hiểu thế nào là “trung cảnh”, “toàn cảnh”, “cận cảnh”... Còn cái nghiệp sân khấu thì có lẽ nó đeo vào tôi từ khi còn là cậu học sinh quàng khăn đỏ. Cả nhà tôi chả ai theo nghiệp “cầm ca, hát xướng”. Bố tôi là một nhà nho có truyền thống bốc thuốc đông y hàng mấy chục đời. Ông bảo tôi cũng có cái khiếu “xem mạch bốc thuốc” nhưng chả hiểu sao tôi lại không nối được nghiệp nhà mà lại rẽ sang một con đường khác?
Hồi học cấp 1, khi đoàn Múa rối Trung ương về quê tôi diễn “Thạch Sanh”, “Nùng Phai, Gau Dự”... Tôi mê quá chui vào gầm sân khấu xem các diên viên biểu diễn. Hôm sau, tôi lấy bìa sách, quần áo cũ, vải vụn... hí húi đắp đất, bồi giấy, may quần áo là con rối và gọi một số “đệ tử” lập đội múa rối diễn chơi. Tôi tự “phịa” ra kịch bản cho chúng nó diễn. Thế mà nhiều kỳ liên hoan, hội nghị... chúng tôi được mời đến diễn.
Cạnh nhà tôi có ông giáo Ban. Tuy là giáo viên nhưng ông lại mê hát chèo. Ông mời nghệ nhân Trương Cầu (người làng Hà Phương, huyện Vĩnh Bảo) đến tận nhà để dạy hát. Lúc đầu, tôi sang nghe lỏm. Tôi lẩm dẩm học “lỏm” và thuộc được mấy điệu “Lới lơ”, “Gà rừng”...Dần dần, các câu hát chèo ấy cứ ngấm vào máu thịt lúc nào không hay. Thế rồi, trưa nào có chương trình dạy hát chèo trên đài Tiếng nói Việt Nam là tôi bỏ cả ăn, trèo tót lên cây phượng cặm cụi ghi ghi, chép chép, vạch phách nội, phách ngoại. Đến nay, cái “vốn” hát chèo của tôi được kha khá là nhờ “thày giáo nhà đài” và nhờ học lỏm nghệ nhân.
Tôi tự mày mò viết kịch và dàn dựng cho các bạn cùng lớp diễn tham gia các cuộc thi của trường và hội trại. Hồi đi bộ đội, tôi cũng viết kịch, dàn dựng cho đơn vị. Say nghề, mò mẫm tự học, tôi đã “lạc” vào nghề viết kịch tự lúc nào không hay. Cho đến nay, tôi có tiền nuôi con, xây dựng nhà, mua sắm đồ đạc... là nhờ tiền “nhuận bút” của các chương trình sân khấu, truyền hình, lễ hội... (chủ yếu là nhờ phong trào sân khấu không chuyên) mà phải nai lưng ra làm với phương châm “vừa làm vừa học”, “năng nhặt, chặt bị”.
Không chỉ trong phạm vi Hải Phòng, tôi lọ mọ lên Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Yên Bái, Lào Cai, đến mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh), lên tận Sa Pa... Kịch bản của tôi được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp: kịch nói Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Thái Bình... Chèo Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái, Quảng Ninh...  cải lương Hải Phòng... Các đài: Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt nam, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh, đài PTTH Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Qung Ninh, Lào Cai... và nhiều trung tâm Văn hóa – Thông tin các tnh, quận, huyện sử dụng. Gia tài chỉ có cái máy chữ cũ k với cái xe máy “BôNút” cà tàng nhưng “đâu đã mời là ta... cứ đi!”. Đối tượng của tôi mang tính “thập cẩm”. Khi là các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các đài trung ương và địa phương. Khi là các diễn viên nghiệp dư. Có diễn viên tuổi ngoại “lục tuần” nhưng có lúc  tôi phải “cưa sừng làm nghé” dựng kịch cho các cháu mẫu giáo năm, sáu tuổi. Khi về nông thôn, lúc vào nhà máy. Khi đến với đơn vị bộ đội, lúc lại vào các đơn vị công an, phụ nữ, thanh niên... Có người bảo tôi “ăn tạp”. Tôi lăn như mõ trên khắp các ngả đường để vừa học, vừa làm kiếm sống. Viết kịch bản và dàn dựng chương trình cho văn nghệ nghiệp dư đã thành cái “cần câu cơm” chính cho tôi và gia đình. May là nhiều kịch bản tôi viết, vở diễn tôi dàn dựng và nhiều chương trình truyền hình tôi làm khi mang tham dự các cuộc thi, liên hoan (cấp tỉnh và trung ương) đều đoạt giải cao, nên “khách hàng” ngày càng đông. Đó là nguồn động viên, an ủi tôi. Và đó cũng “nguồn sống sạch” của gia đình tôi (Vì từ năm 1983 tôi trở thành “kẻ đứng đường” không cơ quan, không lương lậu)
 Trường đời là trường học của tôi. Bạn bè vừa là học trò có khi lại là thày dạy của tôi. Đúng là: “Học thày, học bạn. Học trong sách vở, học trong cuộc sống” Biển học vô bờ, càng làm càng học càng thấy mình “ngu” .
Tôi may mắn được nhiều anh chị tiền bối như Trần Đình Ngôn, Anh Biên, Ngọc Thụ, Lê Chức... cảm thông động viên, góp ý một cách thẳng thắn, chân tình để tôi sửa chữa, nâng cao kịch bản của mình.
Có một nỗi khổ riêng của “tác giả nhà quê” là vì không có bằng cấp, không có “danh hiệu” nên dù có viết hay cũng cứ... “hãy đi đy!”. Tiền trả cho “tác giả nghiệp dư” như... bèo. Có lúc chạm tự ái, tôi đã định không viết nữa. Thế nhưng... không viết thì không có tiền. Mà “tiên có khồng” thì “mẻ cũng chết”. Thế là đành tự động viên mình “méo mó có hơn không”. Lại cay đắng ngồi mà nghiền ngẫm, mà vắt kiệt óc để “mưu sinh”. Nhiều khi “cười ra nước mắt”!
Năm 2004, gp nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tại trại viết Tam Đảo. Nghe chuyện về tôi, Cảnh nói: “Có lẽ mình phải xuống Hải Phòng làm một phim tài liu nhan đề “Người vô học”. Anh bảo: “Có thằng học trường nọ, trường kia, có bằng xanh bằng đỏ... mà cả đời không “rặn” được ra một tác phẩm ra hồn chứ đừng nói gì đến nhận giải...” Tôi phải khẩn khoản can anh bỏ cái ý định làm phim ấy đi vì thiên hạ “ố nhân thắng kỉ”, họ  tưởng mình tìm cách “lăng xê” nhau thì nguy.
Đúng là trong cuộc mưu sinh đầy cam go và cay đắng ấy, tôi đã học được rất nhiều. Để bù lại nỗi đau “vô học”, tôi phải lao động cật lực hơn, tự học mót trong cuộc sống, vì có câu: “học thày không tày học bạn”.
Đến nay, tôi đã viết hàng trăm kịch bản ngắn, dài cho sân khấu và truyền hình. Từ một tác giả nghiệp dư, đã được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, được góp mặt cùng các “cây đa, cây đề” của “làng” tác giả sân khấu, một trong hội viên Hội Tác giả Sân khấu Miền Bắc. Với tôi, đó là một vinh dự quá lớn. Phải chăng, đó là phần thưởng vô giá mà ông Giời ban tặng?
Cha ông ta dạy “Nhân bất học bất chi lý” nhưng tôi nghĩ có được đào tạo chính quy thì vẫn tốt hơn vì ta được “đi tắt, đón đầu” tri thức của các bậc tiền bối. Nhưng học trong “trường đời” cũng là sự rất cần, min là “có chí thì nên”.
                                      
                                       Trần Tuấn Tiến
                                       (Người vô học)

1 nhận xét:

Vũ Trọng Thái nói...

Chợt ngẫm: ở đời nhiều người bằng cấp nọ, chứng chỉ kia nào đã làm được điều gì hữu ích cho đời, nhưng có khi lại còn cao đạo dạy người khác. Lại có kẻ bằng mọi cách, mọi giá để trở thành "học giả" nhưng cố kiếm cho được mảnh bằng thật... Vậy thì người nghệ sĩ tự nhận mình là "Người vô học" kia mới đáng nể làm sao khi Anh đã làm được bao điều cho cuộc sống này tốt đẹp hơn qua những tác phẩm của mình. Xin chúc Anh ngày càng sung sức viết, sung sức dàn dựng để có thêm nhiều tác phẩm hay.