Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Một nghệ sĩ Hải Phòng sáng tạo trên đất Lào Cai.




Một nghệ sĩ Hải Phòng
 sáng tạo trên đất Lào Cai.
                                                           Ngọc Dương
Tuấn Tiến (Người đánh trống) đang hướng dẫn CLB Dân ca và Chèo TP Lào Cai luyện tập.
Ảnh : Trần Tuấn Tú.
       Vào cuối năm Ất Dậu - 2005, trong  một chuyến cùng đi công tác với anh Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Lào Cai, anh có hỏi tôi: “Nghe đâu bác có ông bạn nghệ  sĩ sân khấu có bút lực dồi dào lắm phải không?” Tôi nói luôn: “Đó là Trần Tuấn Tiến, bạn “nối khố” với tôi từ thời để chỏm". Bây giờ anh là hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu - Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Hải Phòng”. “ Vậy nhờ bác mời bác Tiến lên giúp tỉnh một kịch bản phục vụ Tết năm nay nhé, nhưng phải nhanh kẻo không kịp”. Tôi rút điện thoại gọi ngay trong lúc xe đang chạy. Tuấn Tiến bảo: “Hiện đã kín lịch nhận dàn dựng cho các đơn vị trong Thành phố”. Nhưng tôi nói: “Thì có lúc nào ông rỗi đâu? Thôi, cố gắng sắp xếp, thay đổi không khí đi một tí...”.  Cuối cùng anh “OK” và nói thêm: “Cũng là quyết tâm cao để tiện có dịp còn lên thăm gia đình ông. Lâu lắm rồi, chúng mình chưa được gặp nhau...”

     
       Mấy ngày sau, Tuấn Tiến đã có mặt ở Lào Cai. Anh bảo tôi đưa đi thăm một vài nơi sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số để có cái nhìn “trực quan sinh động”, rồi về nằm ở nhà khách Sở Văn hoá đọc báo cáo tổng kết công tác của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Bởi vì tiểu phẩm sân khấu kiểu “gặp nhau cuối năm” phải bám sát thực tế địa phương để sử dụng nghệ thuật hài, ca ngợi cái tốt, phê phán cái tồn tại, khuyết điểm một cách nhẹ nhàng, sâu sắc để vui vẻ chia tay năm cũ, bước sang năm mới với khí thế phấn khởi đi lên...Rồi kịch bản “Trái đào tiên” của anh ra đời. Nhưng có một điều rất khó khăn là Lào Cai lâu nay chỉ có ca, múa, nhạc, chưa có bộ môn sân khấu, vì thế, không có đạo diễn, không có diễn viên. Có kịch bản rồi, không  người diễn thì có khác nào thực phẩm tươi sống không ai chế biến, xào nấu, ăn sao được?  Tuy tác giả vừa kiêm đạo diễn rồi, nhưng diễn viên chuyên nghiệp thì ở Lào Cai đốt đuốc đi tìm cũng không có. Được sự tạo điều kiện của Sở Văn hoá, Tuấn Tiến đã đến Trung tâm văn hoá tỉnh và Đoàn nghệ thuật dân tộc chọn một số anh chị em vào thủ các vai của vở diễn. Họ chỉ là những ca sĩ, nhạc công hoặc diễn viên múa, chứ không phải diễn viên sân khấu. Tôi không “sành” sân khấu lắm, nhưng cũng lơ mơ hiểu rằng, nếu có được những diễn viên tài năng, nhiều kinh nghiệm thì đạo diễn sẽ nhàn hạ mà hiệu quả sáng tạo vẫn lớn; trái lại, diễn viên không chuyên thì đạo diễn cực kì vất vả. Tôi đã chứng kiến một buổi tập tác phẩm này ở trung tâm văn hoá tỉnh. Tuấn Tiến với vai trò đạo diễn, anh luôn phải nắn tay, nắn chân từng diễn viên, chạy ngược, chạy xuôi, ra ra, vào vào, nói nhỏ, nói to, thậm chí cả quát tháo ầm ĩ lên như lệnh vỡ...Thời tiết mùa đông mà có lúc vã cả mồ hôi trán, bết vào mớ tóc hoa râm, bù xù trên thân hình hơi nặng nề, quá cỡ của anh.  Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh là tác phẩm ngoài biểu diễn trực tiếp trong đêm giao thừa ở quảng trường thành phố thì còn phải phát sóng trên truyền hình tỉnh và làm thành đĩa VCD mang phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa nữa. Vì thế, Tuấn Tiến lại phải tiếp tục đạo diễn truyền hình. Tôi nhớ hôm ấy đã giáp Tết, anh bảo tôi: “Đêm nay phải làm việc ở Đài phát thanh truyền hình tỉnh cho xong để mai kịp về Hải Phòng ăn Tết, kẻo đón giao thừa trên tàu mất !” Tôi nghĩ: Chắc cũng phải mất tới 4 tiếng đồng hồ, làm từ 7 rưỡi tối thì khoảng 11, 12 giờ đêm là xong. Tối hôm ấy, tôi đến ngồi cạnh động viên bạn để đỡ buồn ngủ khi phải thức khuya. Anh ngồi trong cái xe chuyên dụng ghi hình của Đài, tai chụp ống nghe, mắt dán vào 4 cái màn hình trong đó 3 cái gắn với 3 máy quay. Tôi thấy anh luôn mồm chỉ đạo các máy quay và cả diễn viên đang hoạt động  trong studio; rồi lại lệnh cho kỹ thuật ghi hình dừng, cắt, máy 1, máy 3...Nhiều chỗ phải làm đi, làm lại nhiều lần mà có vẻ đạo diễn vẫn chưa hài lòng. Đến khoảng 12 giờ rưỡi đêm thì tôi thực sự không kiềm chế được hai mí mắt. Tôi ngủ gật. Cũng chẳng ai để ý, vì họ còn tập trung cả vào công việc. Tôi đành lẳng lặng rút lui. Sáng hôm sau, vừa mở mắt, anh đã khoe: “Xong rồi, cơ bản là ngon lành. Đêm qua, gần 4 giờ sáng mới dọn máy móc...”.

       Còng trong dịp Tết năm ấy, anh lại được Sở Văn hoá mời tiếp sáng tác một phim ngắn về đề tài chống ma tuý ở vùng đồng bào dân tộc. Anh rất trăn trở về yếu tố dân tộc và miền núi trong tác phẩm. Sinh ra và trưởng thành ở Thành phố cảng, chưa có thực tiễn gì ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số, mà sáng tác vể đề tài này thì quả là một thách thức, nếu không nói là làm liều và chín mươi chín phần trăm thất bại! Máu “sỹ” bốc lên, anh lập tức lăn lộn vào vùng đồng bào HMông, Dao ở Sa Pa, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và tập trung quan sát từng cử chỉ sinh hoạt của đồng bào trong một thời gian ngắn. Đồng thời, anh bảo tôi: “Ông có sách gì nói về đồng bào HMông, Dao cho tôi mượn mấy cuốn”. Tôi đưa cho anh mấy cuốn tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, một nhà văn thành đạt từ đất Lào Cai, đầy ắp tư liệu về người HMông, người Dao và các tộc người thiểu số ở Lào Cai. Tôi lại đưa thêm cho anh cuốn “Dân ca Mèo” của nhà nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian Trịnh Doãn Thanh. Chỉ có mấy đêm thức với sách và cà phê, anh đã ngốn hết những quyển đó...Thế rồi anh bắt tay vào viết. Hai ngày ngồi lì trước màn hình máy tính, lọc cọc gõ...quên cả ăn, cả uống, lúc nào “bức xúc” quá thì chạy vội vào toa let.. và cuối cùng đã hoàn thành bản thảo kịch bản phim “Mùa thảo quả cay đắng”. Ở Lào Cai, đã có một số nhà văn viết kịch bản phim, nhưng đến sân khấu còn chẳng có thì lấy đâu ra đạo diễn và diễn viên ngành nghệ thuật thứ bẩy? Thế rồi, bằng những sáng tạo kiểu “du kích”, Trần Tuấn Tiến lại chọn diễn viên không chuyên làm  phim ngắn này. Anh lấy bối cảnh chính của phim ở một bản trong vùng đồng bào dân tộc ở Sa Pa. Anh chọn nhà báo Mã Anh Lâm, người HMông ở Đài Phát thanh truyền hình làm quay phim chính và gọi thêm con trai từ Hải Phòng lên làm “thư kí trường quay”. Âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, tiếng động...tất tật đều do bản thân “ăn đong” mà có. Ngay trong lúc đang làm phim, một số người trong đồng bào dân tộc HMông bảo: “Ô, mày làm cái này giống như người chúng tao rồi!”. Nhà văn Mã A Lềnh, người HMông “chính hiệu” của quê hương Sa Pa  cũng có nhận xét: “Chất dân tộc trong “Mùa thảo quả cay đắng” của Tuấn Tiến bảo đảm tính trung thực...

Nhà văn Mã A Lềnh, người HMông “chính hiệu” của quê hương Sa Pa  cũng có nhận xét: “Chất dân tộc trong “Mùa thảo quả cay đắng” của Tuấn Tiến bảo đảm tính trung thực... 

Lần đầu làm phim nên anh em rất bỡ ngỡ. Đạo diễn Tuấn Tiến phải kiêm luôn cả việc bài trí, dàn cảnh, hóa trang,đạo cụ... Đêm giao thừa Tết d­ương lịch , anh còn tổ chức buổi đón giao thừa ngay tại nơi quay phim để anh em yên tâm hoàn thành  kế hoạch. "Mùa thảo quả cay đắng" được ra mắt trong Hội nghị tổng kết công tác văn hóa của tỉnh. Các đại biểu vô cùng ngạc nhiên vì không ngờ tỉnh Lao Cai lại có bộ phim "cây nhà, lá vườn" dễ xem, dễ hiểu và sát thực tế đến thế.  Lịch sử văn hóa Lào Cai ghi nhận đây là bộ phim truyện đầu tiên do tỉnh sản xuất.

                Như ý kiến của Tiến sĩ Trần Văn Sơn (Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai) nhận xét thì đây là phim truyện đầu tiên do người Lào Cai tự đóng, tự quay và... tự dựng. Công lớn nhờ ở sự cố gắng và nhiệt tình cuả một nghệ sĩ đất Cảng với miền đất kết nghĩa "còn là điểm trũng" của nhiều loại hình nghệ thuật.
 Phim “ Mùa thảo quả cay đắng” đó được tặng giải A trong cuộc thi về đề tài chống ma tuý của Bộ Công an.
               Sau đó,Tuấn Tiến lại chuyển thể tác phẩm thành kịch bản sân khấu và gửi dự thi "Kịch bản sân khấu, kịch bản thông tin toàn quốc 2005" và "bịa" ra một cái tên tác giả rất HMông là Mã A Chính, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Tôi lúc ấy với tư cách là chủ tịch Hội đã nhận được giấy mời và điện của Cục Văn hóa thông tin cơ sở đề nghị đưa tác giả Mã A Chính về Hà Nội nhận giải! Tôi ớ ra... Rổi khi hiểu sự việc, đã làm công văn cho Cục Văn hoá thông tin cơ sở nói rõ: Đây là tác phẩm của Trần Tuấn Tiến, tác giả Hải Phòng  đã đi thực tế và sáng tác ở Lào Cai, đề nghị Cục trao giải cho tác giả Trần Tuấn Tiến. Lần ấy, anh nhận được một trong hai giải Nhì, (không có giải Nhất) trong cuộc thi...
                  Cho đến nay, mỗi khi chuẩn bị làm chương trình đón xuân mới, nhiều anh em trong Hội văn nghệ và Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai vẫn nhắc và mong sự có mặt của người "nghệ sĩ đất Cảng" bình dị nhưng say nghể.
                                                                                                         N.D

Địa Chỉ : Hội Văn học Nghê thuật
                        Tỉnh Lào Cai
             Đường Hoàng Liên Sơn.



                                                                                                  

                                                                                                   

                                                                                                  

                                                                                                   
                                                                                                   
                                                                                                   

Không có nhận xét nào: