TIẾN TỚI LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG NÚI VOI NĂM 2013 & CHÀO MỪNG 25 NĂM NGÀY TÁI LẬP HUYỆN AN LÃO
ẤN TƯỢNG "LỜI THỀ TRÊN NÚI ĐÁ"
Trung Kiên (Báo An ninh Hải Phòng)
Vẫn khai thác từ đề tài cũ, tái hiện
lịch sử oai hùng một thời của núi Voi, dàn diễn viên cho đến chỉ đạo nghệ
thuật, âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ… 100% quần chúng, dù chỉ 2 suất
diễn trong ngày khai mạc lễ hội nhưng đạo diễn Trần Tuấn Tiến đã đem đến cho
khán giả những điều bất ngờ…
Chương trình lễ hội núi Voi năm nay khá
hoành tráng với sự tham gia của Nhà hát chèo Hưng Yên, Đoàn cải lương Hải
Phòng, phường múa rối Minh Tân - Bảo Hà (Vĩnh Bảo), giao hữu bóng chuyền nữ
giữa đội Bộ tư lệnh phòng không-không quân và tuyển Hải Dương, giải vật tự do
của 75 đô vật tiêu biểu, ca múa nhạc, dạ hội và trình diễn thời trang do Thành
đoàn và Cung Văn hoá thanh niên phối hợp tổ chức, nhiều trò chơi dân gian như
cầu thùm, cờ tướng, chọi gà và đẩy gậy…
Nhưng những ai được dự khai mạc mới
thấy, ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ chính là hoạt cảnh kịch mang tựa đề “Lời thề
trên núi đá”, kịch bản và đạo diễn do nghệ sỹ Trần Tuấn Tiến (hội viên Hội
nghệ sỹ sân khấu Việt Nam) và kíp diễn viên quần chúng của Trung tâm văn hoá
thông tin huyện thực hiện.
Nghệ sỹ Trần Tuấn Tiến đã khéo chắt lọc
từ kho tư liệu đồ sộ những chi tiết chân thực, sống động, lột tả từng thời kỳ
có bi ai có hào sảng mà rất nhiều người con quê hương núi Voi ở nơi xa luôn đau
đáu nhớ về. Trang sử nào được tái hiện cũng khắc hoạ hình ảnh nhân vật hầu như
nguyên mẫu, nào là cảnh lầm than của nước mất nhà tan, rồi những nông dân vùng
lên phá ấp diệt tề đến cảnh những tên Việt gian theo gót quan Pháp đàn áp Việt
Minh…
Hình ảnh về anh hùng du kích Ôn Như Vị,
trong một lần giặc Pháp đàn áp, đồng đội đã lần lượt hy sinh, anh rút vào hang
đá, mặc cho quân giặc gọi hàng và bắn súng, thả lựu đạn, anh vẫn cố thủ tới
viên đạn cuối cùng, anh hô lên: “Sống vì đảng, chết vì dân, lời thề tận trung
khắc vào vách đá” rồi đập đầu tử thủ quyết không để sa vào tay giặc.
Ngồi xem cảnh này, bốn người cháu nội
của người chiến sỹ du kích núi Voi anh hùng ngày nào nay đã là trung niên, mắt
đỏ hoe vì cảm động, ngay anh Văn Bảy, người phụ trách âm thanh-ánh sáng cũng
vừa đẩy cần điều chỉnh vừa rưng rưng. Cả hai suất diễn được thực hiện một ở bên
kia núi thuộc xã An Tiến, một ở bên này núi thuộc xã Trường Thành, nghệ sỹ Tuấn
Tiến và những học trò đã làm rơi nước mắt không biết bao nhiêu người, từ người
già đến lớp trẻ, từ người nông dân đến cán bộ lãnh đạo thành phố, ai có mặt dự
khán đều cảm động đến sững sờ…
Ông Ôn Minh Tự, cháu đích tôn của lão
du kích Ôn Như Vị nói: “Xin cảm ơn nghệ sỹ Trần Tuấn Tiến, cảm ơn các diễn viên đã
dựng lại hình ảnh của ông nội tôi, lúc này chúng tôi thật sự rất xúc động nên
chẳng nói được gì…”, chỉ nói được thế, ông lại cùng cả gia đình ôm nhau thổn
thức.
Lễ hội núi Voi đã khép lại, chưa có kết
quả thống kê nhưng bằng mắt thường cũng có thể thấy lễ hội năm nay đã thành
công rực rỡ, an ninh trật tự được bảo đảm, số lượng khách du lịch đông hơn
nhiều lần những năm trước.
Có thể nhận định 40 phút hiện diện của
“Lời thề trên núi đá” là điểm nhấn của những thành công này, nghệ sỹ Tuấn Tiến
tâm sự: “Rất nhiều người gặp tôi xin đĩa ghi lại vở diễn này, nhưng đáng tiếc
là chưa làm được, mong muốn của chúng tôi là dựng trong trường quay để khán giả
được xem trên truyền hình…”. Quả thật, với dàn diễn viên quần chúng “nhặt” từ
nhiều xã, qua vài buổi tập luyện mà kết quả vượt xa sự mong đợi, “Lời thề trên
núi đá” đã chứng minh được một điều: Dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp, sức
sống của nghệ thuật chính bởi cái hồn của nó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét